Thứ Sáu, 22/11/2024

Triết lý phát triển Việt Nam tầm nhìn năm 2045 (Phần 3 và hết)

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

MỞ TẦM VIỄN KIẾN, HOẠCH ĐỊNH VÀ THỰC THI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TƯƠNG DUNG VỚI THẾ GIỚI

Trong bối cảnh mới, để hóa giải nguy cơ mới và chớp lấy thời vận mới, Đất nước càng mạnh bước và tự tin trên con đường đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Dân tộc càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì nền độc lập tự do và phát triển mạnh mẽ và nhân văn của Tổ quốc. Đây chính là thời khắc trong vị thế và sức mạnh Việt Nam độc lập, chúng ta càng phải hành động kiên định, độc lập và sáng tạo, vì đất nước hùng cường và nhân văn. 

Từ trong lịch sử Dân tộc mấy nghìn năm, nhất là gần 100 năm nay, càng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín; và bằng mọi giá kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó, quyết không bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào từ bên ngoài trong cuộc hội nhập quốc tế, trên con đường phát triển đất nước thịnh vượng và nhân văn… Đây chính là nghệ thuật phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc trong sự thống nhất nhưng đa dạng của thế giới vừa bảo đảm sự tự chủ và quyền tự quyết vừa chủ động hội nhập quốc tế. Độc lập chính là nghệ thuật hành động trong ngọn gió thời đại và hội nhập quốc tế một cách khôn khéo; hội nhập là nghệ thuật nắm lấy tinh thần phát triển và lực lượng của thời đại để giữ vững nền độc lập của dân tộc, bảo vệ quyền tự quyết dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, vươn tới hùng cường, hòa nhịp trong dòng chảy của chỉnh thể thời đại. 

Với tư cách là một bộ phận máu thịt của nhân loại tiến bộ, chúng ta phải phát triển đất nước Việt Nam trở nên hùng cường và thấm đẫm nhân văn. Việt Nam muốn phát triển nhất định không thể đứng ngoài thế giới, và thế giới cần tới Việt Nam trong đời sống của mình phải chính là tư tưởng và hành động độc lập, tự do và nhân văn Việt Nam. Đó là thách thức và cũng là con đường phát triển Việt Nam hiện nay và tương lai, để Việt Nam chủ động và tích cực hoàn thành sứ mệnh lịch của mình vì một thế giới văn minh và tiến bộ. Do đó, càng gìn giữ vững chãi nền độc lập, thống nhất càng phải chủ động hội nhập quốc tế một cách đa dạng và tự chủ; và đây là con đường phát triển thịnh vượng của Việt Nam.

Nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phải xác định đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ; định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn; định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền quốc gia...”(1). 

Từ toàn bộ những điều đó, tối thiểu sẽ dẫn tới mấy vấn đề cơ bản sau đây:         

Một là, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử lâu dài và đầy phức tạp, thậm chí có những khúc quanh, những khúc thất bại tạm thời. Phải nhấn mạnh điều này để khắc phục các thái độ bi quan, “lạc quan tếu” hoặc giáo điều trong nghiên cứu và trong hoạt động thực tiễn. Chủ nghĩa tư bản đã mất hơn năm trăm năm để hình thành và phát triển như ngày nay. Chủ nghĩa xã hội - một hình thái cao hơn chủ nghĩa tư bản - liệu có thể giải quyết được nhiệm vụ của mình trong mấy chục năm không? Chắc chắn là không.

Hơn nữa, tính chất lâu dài và phức tạp của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội lại nằm ngay trong mục tiêu cơ bản của nó. Tính chất này còn bị quy định bởi loạt yếu tố khác như điểm xuất phát của các nước, trong đó có nước ta, đi lên chủ nghĩa xã hội với xuất phát điểm thấp, thậm chí quá thấp, chỉ cần mắc một sai lầm thì thời gian cần phải sửa chữa không chỉ là một vài thập niên. Đó còn chưa kể đến việc phải “làm thử”, “làm đi làm lại”, phải bắc những “chiếc cầu nhỏ”, hàng nghìn bước trung gian có tính “quá độ”. Và nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, “chủ nghĩa xã hội là phải có biện pháp chứ không chỉ là đường lối” và có “mục đích” và “cách làm”. Cho nên, cần phải dự báo hoặc phác thảo một cách khoa học không chỉ những chặng đường, bước đi, những thời kỳ, giai đoạn mà còn chuẩn bị những điều kiện cần và đủ một cách phù hợp trong tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, việc tiếp tục nghiên cứu và làm rõ cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng trở nên bức bách. Đây chính là vấn đề tính thống nhất và tính đa dạng của chủ nghĩa xã hội. Cần phải thúc đẩy sự phát triển độc lập của chủ nghĩa Mác ở từng nước. Các nước xã hội chủ nghĩa đều có mục tiêu chung, nhưng mỗi nước đi tới mục tiêu chung đó lại hoàn toàn không giống nhau vì con đường riêng ấy phải phù hợp với điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội ở mỗi nước. Trước đây, chúng ta thường nhấn mạnh một chiều tính thống nhất mà xem nhẹ tính đa dạng. Do vậy, cùng với việc chuẩn hóa lại các quy luật chung, rất cần đề cập đến và xác lập các “dung mạo”, các “đặc sắc” cụ thể và các tính quy luật trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Ba là, một trong những tiền đề quan trọng nhất để biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng thành hiện thực chính là phải xây dựng một nền kinh tế năng động và hiện đại; đồng thời, xác lập một thể chế chính trị phù hợp. Đây cũng chính là một mục tiêu trước mắt của chủ nghĩa xã hội. Trên phương diện này, cả lý luận và thực tiễn đang cấp bách đòi hỏi giải quyết hàng loạt vấn đề: Chủ nghĩa xã hội có tương hợp với kinh tế thị trường không? Sự điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đối với nó như thế nào? Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong điều kiện đó ra sao? Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là như thế nào? Về quan niệm những giá trị nhân loại chung và việc chúng ta thâu thái, sử dụng những giá trị của nhân loại trong chủ nghĩa tư bản vì chủ nghĩa xã hội như thế nào? Vấn đề an ninh sinh thái và sự phát triển bền vững là gì? Văn hóa chính trị là gì và như thế nào?...

Nhận thức và tổ chức thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội nếu chỉ tự gò mình vào phương pháp đem đối lập nó với chủ nghĩa tư bản sẽ là một sự tự làm khô cứng chủ nghĩa xã hội, tự cô lập mình và rốt cuộc, vô hình trung lại rơi vào siêu hình, máy móc. Không phải đơn thuần cứ đem đối lập về mọi mặt với chủ nghĩa tư bản là thấy được chủ nghĩa xã hội hoặc chỉ qua việc trích dẫn các tác phẩm kinh điển, hay chỉ từ thực tiễn mấy thập niên qua là đủ. Điều quan trọng là phải vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu, xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của Việt Nam và thời đại, từ đó đề ra những phương hướng chủ đạo, hệ giải pháp lớn, hữu hiệu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, sự phát triển của nền kinh tế tri thức cả về quy mô, tính chất và chiều sâu của nó, xu thế toàn cầu hóa đã và đang làm đảo lộn thế giới, thì các vấn đề trên đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không thể không trở thành công việc cấp bách. Thực tiễn cho thấy, những sự thay đổi thường xuyên có ý nghĩa thế giới quan, nảy sinh những ngành, kiến thức mới, những quan niệm và tư tưởng mới không thể không thay đổi tầm nhìn và quyết sách kể cả ở tầm chiến lược, vì sự phát triển của tư duy phụ thuộc vào những điều kiện và tình huống cụ thể của lịch sử. Trong thế giới phát triển và đang phát triển có rất nhiều ý tưởng độc lập. Do vậy, trước đây cũng như trong tương lai, điều cần thiết là phải suy nghĩ và hành động một cách độc lập theo tiếng gọi của mệnh lệnh phát triển nhân văn một cách phải thật sự tự do và độc lập.

Bốn là, khi chủ nghĩa xã hội chính là chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị, chính là văn hóa thì con người thật sự phải là trung tâm của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là mệnh đề cao nhất của thế kỷ XXI.

Kinh tế là thể hiện trực tiếp của văn hóa, hay nói cách khác văn hóa là tầng sâu thực thể của sự phát triển kinh tế, là cái không thể đo được, đếm được và đó chính là cội nguồn, là căn bản để phát triển. Đó chính là đường lối phát triển kinh tế, chính là văn hóa. Nói một cách rộng lớn, văn hóa chính là con người, con người làm ra văn hóa, cho nên phát triển văn hóa chính là phát triển con người. Nếu không có sự phát triển con người thì chúng ta sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn. Nhìn sâu hơn, người ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, thậm chí trở thành một cường quốc kinh tế chỉ trong dăm chục năm, nhưng để có một nền văn hóa, trở thành một cường quốc văn hóa, đòi hỏi người ta phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm, trước hết là con người. Việt Nam cần mở tầm viễn kiến này!

Đối với Việt Nam, quá trình con người với tư cách là con người được giải phóng khỏi áp bức, nô dịch, đi đến con đường là chủ nhân của xã hội, con người tự do, diễn ra như thế nào? Từ con người cá nhân đến con người xã hội và ngược lại, ra sao? Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và những điều gì bảo đảm cho con người làm tốt các vai trò đó? Môi trường xã hội và môi trường sinh thái và mối quan hệ tự nhiên và tất yếu giữa chúng như thế nào để bảo đảm phát triển bền vững, vì con người và xã hội? V.v và v.v. Tất cả phải được tiên lượng và giải quyết tổng thể và hài hòa.

Bởi lẽ, đây chính là mục tiêu tối thượng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam: Tất cả từ con người, vì con người và cho con người.

Nói một cách rộng lớn, văn hóa chính là con người, con người làm ra văn hóa, cho nên phát triển văn hóa chính là phát triển con người. Nếu không có sự phát triển con người thì chúng ta sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn.

Năm là, về phương thức phát triển. Lịch sử thế giới đã và đang cho thấy, chưa bao giờ phát triển như một cuộc duyệt binh. Vì phương thức sự phát triển của lịch sử vốn là đa dạng trong thống nhất: Vừa tuần tự, vừa nhảy vọt, vừa phát triển, vừa ngưng đọng, thậm chí cả những bước phát triển dích dắc xen lẫn cả những bước lùi tạm thời... Nói cách khác, đó cũng là sự phát triển nhảy vọt, khi chuẩn bị thế trận toàn vẹn, chờ đợi và nắm lấy thời cơ đã thực sự chín muồi, để giải quyết đại cục. Có thể nói, đó là nghệ thuật phát triển rút ngắn cần được nghiền ngẫm một cách thấu đáo. Đó cũng chính là những kinh nghiệm lớn về phương pháp xử lý thời và thế, cái khách quan và cái chủ quan, bên trong và bên ngoài..., dẫn dắt lịch sử đất nước phát triển theo phương thức rút ngắn, khi thời cơ và điều kiện cho phép.

Nói khái lược, để tiếp tục phát triển công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, với tinh thần độc lập -  đoàn kết - hài hòa - hội nhập - và nhân văn trên lộ trình chủ động hội nhập quốc tế thấm đẫm văn hóa là phẩm giá quan trọng của hệ giá trị Việt Nam, vì lợi ích quốc gia tối thượng trong hành xử trước thế giới và vì thế giới, chúng ta tôn trọng, hài hòa mọi con đường phát triển khác nhau, xử lý những đặc điểm riêng, những phẩm chất đặc thù nhưng giữ vững bản chất chung thống nhất của chủ nghĩa xã hội, nắm lấy các vấn đề có tính quy luật và quy luật của sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam; và qua đó, làm nổi bật hơn các nguyên tắc, tìm tòi các phương thức thực thi mục tiêu sống động xuất phát từ điều kiện của đất nước và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Do đó, hiển nhiên là chúng ta cần xây dựng và phát triển một chiến lược phát triển văn hoá của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trước mắt với tầm nhìn tới năm 2030 và tới 2045. Đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, với khát vọng Việt Nam xã hội chủ nghĩa độc lập, nhân văn và hùng cường.

Tổng hòa các giá trị ấy làm nên hệ giá trị Việt Nam làm nên triết lý phát triển xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 12 chữ: Độc lập - Tự do - Dân chủ - Pháp quyền - Nhân văn - Hùng cường để Việt Nam nhịp bước cùng thế giới, vì một thế giới hòa bình, thống nhất và hòa bình hôm nay và tương lai.

Đó là tư cách và danh dự của Quốc thể Việt Nam.

Đó là lẽ sống và thanh danh của mỗi người Việt Nam!./.

* Triết lý phát triển Việt Nam tầm nhìn năm 2045 (Phần 1)

* Triết lý phát triển Việt Nam tầm nhìn năm 2045 (Phần 2)

TS. NHỊ LÊ
Nguyên Phó tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
__________________

(1) Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất