Thứ Sáu, 22/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 12/8/2021 16:32'(GMT+7)

Phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức, nội dung công tác tuyên giáo

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 ngày 16/7.

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 ngày 16/7.

Mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư với tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, tác động đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, song ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ Trung ương đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới phương thức, nội dung công tác tuyên giáo.

Đồng chí Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Nhiều cách làm mới trong công tác tuyên giáo Thủ đô

Đồng chí Bùi Huyền Mai.

Đồng chí Bùi Huyền Mai.

Thời gian vừa qua, đất nước và Thủ đô đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026… Tình hình đất nước và Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh rất khó khăn do đợt dịch thứ ba, thứ 4 của dịch COVID-19 bùng phát, có ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Hà Nội, công tác tuyên giáo của Thành phố đã hoàn thành kế hoạch, có điểm nhấn nổi bật.

Thứ nhất, chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố Hà Nội với nhiều đổi mới, phù hợp.

Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức học tập nghị quyết theo hình thức trực tuyến. Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của Thành ủy Hà Nội đã kết nối tới 603 điểm cầu đến cấp xã, với hơn 18.000 cán bộ, đảng viên tham gia. Phát huy hình thức học tập quán triệt này, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu tổ chức hội nghị học tập, quán triệt 10 chương trình công tác lớn trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 17 của Đảng bộ Thành phố, kết hợp giữa hình thức trực tuyến với chương trình truyền hình trực tiếp, trọn vẹn 2 ngày trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Các đồng chí báo cáo viên là 4 đồng chí Phó bí thư Thành ủy, trực tiếp là 10 đồng chí chủ nhiệm của các chương trình công tác nên cách truyền đạt vừa khoa học, vừa có tính thực tiễn cao. Dư luận cán bộ đảng viên, nhất là những đội ngũ cán bộ ở cơ sở và nhân dân đều hoan nghênh, đánh giá cao cách làm mới, sáng tạo này.

Mặc khác, Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã kịp thời tham mưu đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo có nào viết hưởng ứng bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định tính đúng đắn, sự phù hợp của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với thực tiễn của Đảng bộ thành phố Hà Nội, xác định rõ những phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới của Thủ đô.

Thứ hai, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy xử lý kịp thời, phù hợp. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức khảo sát các nhóm phụ huynh và giáo viên lớp 9 về việc điều chỉnh thời gian, cách thức thi tuyển vào lớp trên địa bàn thành phố theo hướng giảm thời gian, ghép môn thi. Từ kết quả tổng hợp, phân tích của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quyết định kịp thời về kỳ thi tuyển vào lớp 10 với hơn 93.000 thí sinh tham gia, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thứ ba, đối với công tác văn hóa văn nghệ, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Hà Nội xác định kiên trì phát triển, phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng của người dân Thủ đô, xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực đầu tư thích đáng để văn hóa thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tích cực tham mưu để chuẩn bị ban hành nghị quyết về công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Để nghị quyết vừa có tính khoa học, vừa đảm bảo tính thực tiễn, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức 3 cuộc tọa đàm lấy ý kiến các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, các nhà quản lý, thể hiện rõ quyết tâm của Thành ủy về xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa ở Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, bắt kịp xu thế của thời đại, không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa với mục tiêu cao nhất là hướng về người dân trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Đây là sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của Đảng bộ Thành phố, là điểm nhấn trong hoạt động công tác tuyên giáo của Thủ đô trong 6 tháng đầu năm 2020.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đề xuất, kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương sớm ban hành hướng dẫn, kế hoạch thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các chuyên đề toàn khóa để các địa phương sớm tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả.

Ban Tuyên giáo Trung ương sớm có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ trên các lĩnh vực công tác tuyên giáo cho các cán bộ tuyên giáo mới được phân công trên lĩnh vực này.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực, quyết tâm trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng phòng, chống đại dịch COVID-19

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê.

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, hệ thống tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI,  Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với 169 điểm cầu cho hơn 15.000 người tham dự, tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, với đặc thù riêng của thành phố, hệ thống tuyên giáo thành phố cùng với các cơ quan chức năng triển khai việc xây dựng chính quyền đô thị và thành lập Thành phố Thủ Đức; tuyên truyền chủ đề năm 2021 của thành phố “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, nổi bật là hai sự kiện lịch sử quan trọng kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021) từ bến cảng Sài Gòn và 45 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định vinh dự, chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976 - 2/7/2021).

Ban Tuyên giáo Thành ủy đã và đang tham mưu một nội dung quan trọng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI là nghiên cứu tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Nghị quyết chuyên đề về Đề án “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của người dân thành phố”. Bênh cạnh đó là tiếp tục phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 95 tập thể và 82 cá nhân; Ban Tuyên giáo Thành ủy tặng Giấy khen cho 74 tập thể và 146 cá nhân đã có thành tích thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2021.

Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã tham mưu triển khai thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về hợp nhất Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; triển khai thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản đối với các cơ quan báo chí thuộc Thành ủy theo Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và xây dựng dự thảo Quy chế lãnh đạo và quản lý của Ban Thường vụ Thành ủy; xây dựng kế hoạch và ký kết các chương trình phối hợp truyền thông năm 2021 với các cơ quan báo chí Trung ương và các cơ quan báo chí thành phố.

Về việc hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, điểm mới và sáng tạo là của Ban Tuyên giáo Thành ủy là, dựa trên Hướng dẫn tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Ban đã biên soạn tài liệu số và sẽ phát hành tập sách, đến nay đã thực hiện được 48 infographic, 48 bài viết về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, đăng trên Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống, giá trị và ý nghĩa của các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta; bồi bắp niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ban Chỉ đạo 35 Thành ủy và các bộ phận tham mưu, giúp việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ thông tin, nhất là trên internet và mạng xã hội; tổ chức nhiều lượt tin bài trên báo chí và mạng xã hội để định hướng thông tin, đấu tranh bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, sai trái. Lực lượng cộng tác viên của Ban Chỉ đạo 35 Thành ủy được xây dựng thống nhất, đảm bảo chất lượng, bảo mật; được diễn tập thường xuyên và tổ chức tham gia các đợt hoạt động cao điểm của Trung ương và thành phố đạt hiệu quả cao. 

Đặc biệt từ cuối tháng 4 năm 2021, đội ngũ tuyên giáo Thành phố đã cùng cả hệ thống chính trị thành phố nỗ lực hết sức mình cho việc phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch thứ tư hết sức phức tạp và khó khăn. Với những diễn biến phức tạp mới của đợt dịch thứ tư phát sinh từ tháng 5 năm 2021, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục nỗ lực hết sức mình để kiểm soát hết dịch COVID-19. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã phối hợp với các sở, ngành; chỉ đạo các cơ quan báo chí và hệ thống tuyên giáo cơ sở, phối hợp với Ban tuyên giáo các tỉnh, thành khu vực phía Nam triển khai công tác tuyên truyền, cung cấp những thông tin chính thống, tích cực về diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19trên địa bàn thành phố đến người dân. Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón nhận sự quan tâm, chia sẻ, động viên, sự giúp đỡ quý báu của Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, các đơn vị, các địa phương với nhiều hình thức khác nhau,...

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đông dân, lãnh đạo thành phố luôn thận trong khi ra quyết định những vấn đề tác động đến tâm trạng, đời sống của người dân trên địa bàn. Do đó, thông tin tuyên truyền trên báo chí, trên mạng xã hội cần được quan tâm đúng mức, nhất là đối với các cơ quan báo chí không thuộc thành phố, thành phố rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin tích cực, làm tốt công tác tư tưởng, góp phần ổn định tình hình, phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, tránh gây xáo trộn, tạo tâm lý hoang mang trong nhân dân. Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật An ninh mạng nhưng thực tế còn đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý. Cũng cần nhìn nhận rõ, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, công tác tư tưởng trong phòng chống đại dịch COVID-19, nên trong quá trình chỉ đạo, xử lý, có chỗ còn chưa khớp nối rõ ràng, biểu hiện sự lúng túng. Một số ít cơ quan báo chí chính thống, báo điện tử, tạp chí “báo hóa”, trang tin điện tử, mạng xã hội đã khai thác những vấn đề hạn chế, sơ suất, tạo ra sự hoang mang trong nhân dân. Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, Ban Tuyên giáo Trung ương cần mở chuyên đề để cùng trao đổi, quản lý tình trạng “báo hóa” các tạp chí, báo mạng điện tử hiện nay.

Trong việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Hiện nay, Thành phố xin tạm hoãn một số lớp học tập Nghị quyết do tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Thành phố sẽ tổ chức triển khai ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt theo từng chuyên đề phù hợp với các đối tượng và cơ sở

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, tổng hợp và phát hành tài liệu, chuyên đề về những điểm mới cần quan tâm trong công tác tuyên giáo (với tất cả các lĩnh vực tư tưởng, lý luận, khoa giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản...) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII để các tỉnh thành triển khai và sử dụng để bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo.

Đồng chí Trần Thị Lộc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn: Cần có hướng dẫn sâu sát và cụ thể hơn trong các nội dung công tác tuyên giáo

Đồng chí Trần Thị Lộc.

Đồng chí Trần Thị Lộc.

Trong tháng 6 tháng đầu năm 2021, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên giáo, tình hình tư tưởng, tâm trạng và dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ổn định; an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; không có những vụ việc phức tạp, điểm nóng xảy ra.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, có nội dung còn khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm hướng dẫn sâu sát và cụ thể hơn về một số nội dung như sau:

Về bộ tiêu chí Trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện đạt chuẩn, đã được Ban Tuyên giáo Trung ương xin ý kiến các địa phương trong năm 2020. Đến nay, Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí TTCT cấp huyện đạt chuẩn, do vậy các địa phương khó khăn trong việc báo cáo cấp ủy, phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện. Trong khi Kết luận số 66-KL/TW của Ban Bí thư ngày 8/11/2019 về tổng kết việc thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quân, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tại mục 2.6. quy định: “Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; bảo đảm kinh phí theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng; phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản các trung tâm trong cả nước đều đạt chuẩn”. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương sớm trình Ban Bí thư Trung ương ban hành bộ tiêu chí TTCT cấp huyện đạt chuẩn để các địa phương tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện.

Về công tác khoa giáo, hiện nay công tác khoa giáo của Đảng ở các địa phương bố trí phòng chuyên môn phụ trách, trong khi Ban Tuyên giáo Trung ương có các vụ phụ trách từng lĩnh vực. Do vậy, việc chỉ đạo công tác khoa giáo trên địa bàn cả nước chưa rõ, chưa cụ thể. Trong năm, chỉ có hướng dẫn công tác khoa giáo từ đầu năm, còn các văn bản khác không có. Để nâng cao chất lượng công tác khoa giáo cần tổ chức giao ban khoa giáo theo cụm hoặc lĩnh vực; ban hành các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo về công tác khoa giáo thường xuyên hơn; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác khoa giáo các cấp để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Các báo cáo công tác khoa giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương nên gửi các địa phương để biết và nghiên cứu tổ chức thực hiện.

Về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, cần tổng kết việc thực hiện Quy định số 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 12/5/1999 về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 1/2/2013 về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

Về việc lập cơ quan tham mưu, giúp việc và đơn vị sự nghiệp của cấp ủy; việc bố trí cán bộ chuyên trách đảng, tại điểm 17.1 của Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức cơ sở đảng không thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc, cấp uỷ phân công cấp uỷ viên phụ trách các mặt công tác văn phòng, tuyên giáo, tổ chức, kiểm tra, dân vận; các thành viên nói chung đều kiêm nhiệm”.

Nội dung này khó khăn cho cơ sở khi tổ chức thực hiện, hiện nay, cơ bản các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều thành lập Ban Tuyên giáo cấp xã, phường, thị trấn gồm 5-9 thành viên, do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy xã là Trưởng ban, có phân công Phó Trưởng ban.

Cần có hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của Tuyên giáo cấp xã, phường thị trấn. Nếu thành lập Ban tuyên giáo cấp xã hoạt động kiêm nghiệm thì cần phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, bộ máy. Quy định chức năng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo cấp xã, cơ quan nào hướng dẫn. Hiện nay, nếu chỉ phân công một đồng chí cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên giáo chưa phù hợp, vì công tác tuyên giáo cơ sở là nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Do vậy, cần nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng thành lập bộ phận tham mưu, giúp việc cấp ủy cơ sở gồm: Ban Tuyên giáo, tổ chức, dân vận đều hoạt động kiêm nhiệm cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Về quy chế báo cáo viên của Đảng, sau 10 năm tổ chức thực hiện Quy chế 518, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên của tỉnh được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền miệng đảm bảo được tính định hướng về tư tưởng chính trị nhất quán từ Trung ương đến cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số bật cập cần nghiên cứu bổ sung:

Quy chế chưa đề cập đến đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, dẫn đến việc tổ chức thực hiện trong thực tế chưa thống nhất, lúng túng do thiếu văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động, quyền trách nhiệm quản lý đội ngũ tuyên truyền viên.

Bổ sung vào quy chế mới chức năng, nhiệm vụ tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ và hoạt động cụ thể của đội ngũ tuyên truyền viên cấp cơ sở, đồng thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho đội ngũ tuyên truyền viên. Thẩm quyền thành lập và quản lý lực lượng tuyên truyền viên.

Có văn bản quy định, hướng dẫn phù hợp để vừa phát huy được khả năng tuyên truyền miệng của hệ thống Báo cáo viên vừa sử dụng các hình thức trực tuyến về cơ sở. Quy định việc tổ chức đối thoại của cấp ủy với cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện theo văn bản hướng dẫn nào. Vì hiện nay có nhiều văn bản quy định người đứng đầu cấp ủy phải tổ chức đối thoại với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng chí Hồ Đại Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị: Chú trọng “Tuyên giáo số” trong các nội dung công tác tuyên giáo

Đồng chí Hồ Đại Nam. 

Đối với việc tổ chức học tập, quán triệt, nghiên cứu các Nghị quyết Đại hội Đảng cấp tỉnh và cấp huyện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giới thiệu 3 chuyên đề: Công tác xây dựng Đảng (do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy trình bày), kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh (do đồng chí Phó Bí thư – Chủ tịch UBND trình bày) và chuyên đề Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội (do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo trình bày). Việc bố trí chuyên đề về xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết là để thực hiện yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư tại phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng là khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Ở  Quảng Trị ngay sau Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động đã sớm được hoàn thiện, ban hành để triển khai thực hiện.

Đối với việc học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quảng Trị tổ chức 1 điểm cầu cấp tỉnh và nối đến các điểm cầu cấp huyện, đến các phường, xã, thị trấn có điều kiện như Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nét mới trong việc học tập Nghị quyết lần này là ngay sau khi học tập, nghiên cứu nghị quyết, tỉnh Quảng Trị tổ chức làm bài thu hoạch theo hình thức trắc nghiệm là chủ yếu và thực hiện tại Hội trường. Hệ thống câu hỏi được thiết kế gồm 15 câu được in sẵn trên 4 mặt giấy A3. Nội dung câu hỏi yêu cầu người làm bài thu hoạch phải hiểu và nắm được những nội dung cơ bản cả trong tài liệu và trình bày của báo cáo viên. Câu trả lời có thể ngắn, nhưng để trả lời được phải nghiên cứu các văn kiện. Có câu hỏi tự luận liên hệ thực tế cơ quan, địa phương, đơn vị với dung lượng chỉ 7-10 dòng. Bài thu hoạch được đánh giá theo thang điểm 100 theo điểm số của từng câu, kết quả đánh giá được gửi đến cấp ủy quản lý cán bộ, đảng viên. Đây là lần đầu tiên Quảng Trị thực hiện làm bài thu hoạch theo hình thức trắc nghiệm là chủ yếu, cái khó là thiết kế nội dung câu hỏi. Qua 2 bài thu hoạch sau khi nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, theo đánh giá có 95% bài đạt khá giỏi, chỉ 5% bài đạt yêu cầu. Các cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên tham dự các lớp nghiên cứu Nghị quyết đều đánh giá rất cao việc đổi mới cách làm bài thu hoạch này. Trên cơ sở kết quả thực hiện, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục nhân rộng trong các đợt học tập nghị quyết sắp đến. Số lượng và nội dung câu hỏi có sự phân biệt giữa các đối tượng, cấp cơ sở có số lượng câu hỏi ít hơn và dễ hơn.

Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 9/3/2021 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu sau nghiên cứu, quán triệt, học tập nghị quyết phải làm tốt công tác tuyên truyền thường xuyên trong suốt nhiệm kỳ. Xuất phát từ yêu cầu của Bộ Chính trị và từ thực tế  là mỗi nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương ban hành khoảng 7 - 8 nghị quyết, các nghị quyết này phần lớn được chỉ đạo học tập, nghiên cứu bài bản từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, mỗi nhiệm kỳ Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn ban hành hàng chục nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Ở Quảng Trị, mỗi nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ cũng ban hành khoảng 7-10 Nghị quyết và khoảng 40 Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Thường vụ, nhưng các văn bản này phần lớn chỉ gửi đến các tổ chức đảng cấp dưới, không tổ chức học tập, nghiên cứu tập trung. Trong lúc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng ban hành trong nhiệm kỳ phần lớn là để cụ thể hóa các nội dung nghị quyết Đại hội. Vì vậy, việc tổ chức nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng.

Từ nhận thức đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án về “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”. Trong đó đề ra nhiều giải pháp thiết thực như “học nghị quyết trực tuyến, thảo luận và viết thu hoạch tại hội trường…”. Các văn bản của Đảng mới ban hành (không quản lý theo chế độ mật) đều được đăng tải kịp thời lên các trang, cổng thông tin điện tử của các cấp ủy Đảng. Hàng quý, tổ chức Đảng cấp trên cơ sở thống kê danh mục và hướng dẫn các nội dung cần quan tâm, liên quan nhiều đến ngành, địa phương để cơ sở lựa chọn, tổ chức nghiên cứu, học tập, phổ biến trong sinh hoạt chi bộ.

Quảng Trị cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền nghị quyết trên không gian mạng, giải pháp chủ yếu là tổ chức các cuộc thi hoặc biên tập các video clip ngắn (dưới 30 phút) để lan tỏa, chia sẽ rộng rãi trên các trang mạng xã hội của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Các Ban Tuyên giáo cấp huyện ký kết Quy chế phối hợp với mặt trận và các đoàn thể cùng cấp trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng, trong đó, Ban Tuyên giáo các cấp chủ trì trong xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền, các đoàn thể tổ chức chuyển tải đến đoàn viên, hội viên.

Một trong những yêu cầu mới đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với ngành Tuyên giáo là “dự báo  chính xác, kịp thời diễn biến tình hình để chủ động đối phó với mọi tình huống”. Vì vậy, công tác dư luận xã hội cần có những giải pháp, cách làm mới. Quảng Trị vừa qua đã triển khai một số giải pháp như:

Thứ nhất, đổi mới phương pháp quản lý đối với đội ngũ công tác viên dư luận xã hội, thực hiện ký hợp đồng có thời hạn, trong đó quy định rõ các yêu cầu và trách nhiệm của cộng tác viên dư luận xã hội như: hàng tháng phải giao nộp sản phẩm theo biểu mẫu quy định vào cuối tháng, báo cáo kịp thời khi có vụ việc phát sinh, dư luận quan tâm liên quan đến lĩnh vực, địa phương được phân công. Cách làm này mới được triển khai từ tháng 4/2021 nhưng đã phát huy tác dụng rất tốt.

Thứ hai, Quảng Trị cũng đã duy trì có hiệu quả đường dây tiếp nhận thông tin 24/7, mỗi năm đường dây tiếp nhận khoảng 800 tin nhắn hoặc điện thoại phản ánh, trong đó có khoảng 10% là những thông tin có giá trị phục vụ kịp thời cho công tác dự báo tình hình và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Ban.

6 tháng đầu năm 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã triển khai thành công một số cuộc điều tra dư luận xã hội thông qua internet. So với điều tra bằng phiếu anket, điều tra qua internet đã khẳng định được nhiều ưu điểm nổi trội như: tiếp cận được số lượng mẫu lớn trong thời gian ngắn, không có phiếu lỗi hay trả lời sót câu hỏi, trong vài giờ có thể điều tra và có kết quả điều tra, rất phù hợp đối với các cuộc điều tra nhanh phục vụ công tác dự báo, chỉ đạo về một vấn đề cụ thể. Đề nghị Viện Dư luận xã hội tổ chức tập huấn về kỹ thuật và hướng dẫn các địa phương nhân rộng cách làm này.

Về vấn đề chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo, đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong công tác tham mưu của ngành Tuyên giáo trong lĩnh vực khoa giáo. Chúng ta đều biết, chuyển đổi số đối với ngành tuyên giáo là chuyển đổi cách thức làm việc của các cơ quan, cán bộ, công chức làm công tác tuyên giáo trong môi trường số. Hiện nay, phần lớn chúng ta đang ở giai đoạn 1 của quá trình chuyển đổi số đó là số hóa văn bản và lưu trử, gửi, nhận trên máy tính. Các công việc của giai đoạn 2  như xây dựng và áp dụng các quy trình, phần mềm chuyên dùng còn ít, còn giai đoạn 3 phần lớn chưa thực hiện. Trên thực tế chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng hiện nay đang tụt hậu so với các cơ quan Nhà nước.

Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đây là việc khó nhưng không thể không làm. Trong Chương trình hành động số 08-CTr/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới xác định 2 đầu việc là “Xây dựng đề án phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên trên internet” và “Đề án tự động hóa các hoạt động nghiên cứu, điều tra, nắm bắt định hướng dư luận xã hội”. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu có thể xây dựng một đề án tổng thể, toàn diện hơn về Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo.

 Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất