Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 23/1/2009 9:32'(GMT+7)

Phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng hiện đại trên nền tảng văn hóa 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

1. Thủ đô của mỗi quốc gia, dù lịch sử có thể dài ngắn khác nhau, chức năng cũng có thể khác nhau (là trung tâm chính trị-hành chính, hay là trung tâm đô thị đa chức năng…), song đều có một nét chung - Thủ đô là nơi kết tinh và toả sáng nền văn hoá của một vùng đất, của một dân tộc. Quan sát diện mạo và nghiên cứu đời sống ở Thủ đô có thể hiểu, về cơ bản, đặc sắc văn hoá và sức sống của một đất nước, một dân tộc.

Hà Nội là Thủ đô đã gần tròn ngàn năm tuổi, nhưng vẫn đang trong quá trình phát triển, nhất là khi Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa quyết định hợp nhất Hà Nội với Hà Tây và một phần đất tỉnh Hoà Bình và tỉnh Vĩnh Phúc(1). Để trở thành một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng đáng là đầu não chính trị - hành chính, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao lưu quốc tế của cả nước (2), Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm. Chính phủ đang chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng qui hoạch tổng thể phát triển Thủ đô đến năm 2020 với tầm nhìn 2050; đồng thời chủ trì triển khai một Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và giá trị lịch sử - văn hoá 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô“(3). Những việc làm này thể hiện một cách tiếp cận đúng, bởi suy cho cùng, sự phát triển hiện đại của Thủ đô chỉ có thể bền vững nếu dựa trên nền tảng vững chắc của văn hoá ngàn năm.

2. Trải qua gần trọn một thiên niên kỷ hình thành, phát triển, lịch sử Thăng Long - Hà Nội là một kho tàng vô giá những kinh nghiệm lịch sử được cô đúc thành giá trị văn hoá. Giá trị văn hoá đó kết tinh thành quả sáng tạo của các thế hệ người Thăng Long -Hà Nội trong quá trình lao động, tranh đấu để xây dựng và bảo vệ kinh đô - thủ đô. Giá trị văn hoá Thăng Long-Hà Nội tích hợp một hệ thống các chuẩn mực được phổ rộng trên nhiều lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, trong đó, xuyên suốt như một dòng mạch chủ đạo, như một triết lý phát triển chính là nhận thức, thái độ ứng xử và phương thức, cách thức của các thế hệ người Thăng Long-Hà Nội trong việc khai thác, phát huy các nguồn lực tự nhiên, xã hội để phát triển, bảo vệ kinh đô - thủ đô phù hợp với mọi hoàn cảnh, bình thường hay không bình thường. Cùng với thời gian, hoàn cảnh luôn biến đổi, điều kiện kinh tế, xã hội cũng đổi thay, song nhận thức, thái độ, phương thức, cách thức ứng xử của con người với tự nhiên, với xã hội được tích luỹ, gạn lọc từ chiều sâu và bề dày 1000 năm lịch sử, rất cần và rất nên được kế thừa nghiêm túc, phát triển hoàn thiện để phục vụ cho mục đích tốt đẹp hôm nay.

3. Mùa Thu năm Canh Tuất 1010, khi quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, Lý Thái Tổ đặc biệt quan tâm và đánh giá cao vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của vùng đất này. Với tầm nhìn xa rộng của bậc minh vương, vị Vua khai sáng Triều Lý đã nhìn thấy lợi thế đặc biệt của Thăng Long, không phải chỉ bởi “thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuốn hổ ngồi”, “thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là Kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, mà trước hết và rất quan trọng là vì đây “đã đúng ngôi Nam - Bắc - Tây - Đông, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi”, vì nơi đây “Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi, xem khắp nước ta, chỉ nơi đây là thắng địa”(4). Đấy là tấm lòng của một vị vua yêu nước, thương dân, luôn đặt lợi ích của trăm họ làm điểm xuất phát và cũng là mục tiêu của mọi quyết sách; và tầm nhìn văn hoá của bậc minh triết, biết trân trọng giá trị của môi trường, điều kiện tự nhiên, gắn bó con người, cộng đồng và cả triều đại mình với vùng thiên nhiên được đất trời ưu đãi.

Tư tưởng trọng thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên của Lý Thái Tổ trong Chiếu dời đô đã trở thành phương châm ứng xử văn hoá của các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội đối với môi trường sinh thái. Lựa theo địa hình tự nhiên của vùng đất nhiều sông hồ, địa thế bằng, cao và thoáng, người Thăng Long - Hà Nội, trải bao đời đã lựa chọn và thể nghiệm kiến thiết một không gian đô thị hợp lý. Dù chất liệu và phong cách xây dựng qua các thời kỳ có khác nhau (từ nhà thấp bằng tre gỗ tới nhà hình ống bằng gạch ngói, tiến tới nhà cao tầng bằng xi măng, sắt thép…; từ phố cổ, phố cũ đến phố mới..), song đặc trưng kiến trúc truyền thống của Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là sự hoà hợp, gắn bó giữa các công trình xây dựng, các khu dân cư với cảnh quan thiên nhiên trong một không gian đô thị hài hoà mà điểm nhấn là cây xanh - mặt nước. Vì lẽ đó, Thăng Long - Hà Nội tuy là một trong hai trung tâm đô thị lớn nhất Việt Nam, song vẫn có một vẻ đẹp sâu lắng và huyền thoại rất riêng. Cũng căn cứ vào địa hình, điều kiện tài nguyên, khí hậu... mà người Thăng Long - Hà Nội, các thế hệ kế tiếp nhau, trăn trở tìm tòi, lựa chọn con đường sản xuất kinh doanh với những ngành nghề phù hợp, hướng vào các mặt hàng đặc sản có chất lượng, hiệu quả cao, ít làm tổn thương đến môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, tạo nên thương hiệu “ba mươi sáu phố phường” và ấn tượng về đất Kẻ Chợ làm ăn, buôn bán sầm uất. Để phòng ngừa những tai biến của tự nhiên, nhất là thảm hoạ lũ lụt, người Thăng Long - Hà Nội luôn coi trọng khơi thông dòng chảy các dòng sông, bảo vệ, gìn giữ các hồ đầm, đồng thời chăm lo xây dựng hệ thống đê kè ngăn lũ. Ở những thời điểm đất nước có chiến tranh, dựa vào địa hình, địa vật và thế liên hoàn với các địa phương phụ cận, người Thăng Long - Hà Nội đã sáng tạo cách đánh phù hợp, khi tiến, khi thoái, lúc phòng thủ quyết liệt, lúc chủ động rút khỏi kinh thành, tạo thời cơ, chớp thời cơ phản công chiến lược, giành thắng lợi quyết định. Thân thiện, hoà hợp với tự nhiên, sử dụng hợp lý đồng thời bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy hiệu quả lợi thế tự nhiên chính là tầm văn hoá của Thăng Long - Hà Nội.

Từ cuối thế kỷ XX đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã diễn ra làn sóng đô thị hoá với tốc độ rất nhanh. Chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây, diện tích nội thị của Thủ đô Hà Nội (trước khi hợp nhất với Hà Tây) đã tăng 4,5 lần, từ 40 km2 lên 178 km2 (5). Thành phố ngày càng mở rộng, khang trang, hiện đại hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, trong đời sống đô thị đang xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại, đặc biệt là sự xuống cấp về nhận thức và thái độ ứng xử với môi trường sinh thái, với tài nguyên thiên nhiên. Trong chiến lược phát triển Thủ đô, điều kiện tự nhiên chưa được xem như là một nguồn lực quí giá, cần có kế hoạch khai thác, gìn giữ, bồi đắp hợp lý, lâu dài. Việc sử dụng lãng phí đất đai, nguồn nước; khai thác cát và vật liệu xây dựng bừa bãi; san lấp hồ ao, xả nước và rác thải xuống các dòng sông; lấn chiếm hành lang đê điều; xây dựng tuỳ tiện, chắp vá, bất chấp qui hoạch… làm suy kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên đang là những vấn nạn đáng báo động.

Chưa bao giờ những kinh nghiệm lịch sử của ông cha về nhận thức và thái độ ứng xử văn hoá với tự nhiên, dựa vào tính bền vững của môi trường tự nhiên và lợi thế của cảnh quan địa hình để phát triển không gian đô thị hợp lý và phát triển kinh tế, xã hội bền vững(6) lại có ý nghĩa thiết thực, sâu sắc với Hà Nội như hôm nay, khi Thủ đô có một tầm vóc mới, được bổ sung một nguồn lực tự nhiên với một hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, ngay từ đầu và nhất quán, một qui hoạch phát triển Thủ đô thật sự khoa học trên cơ sở tính đến và sử dụng hợp lý nhất các nguồn lực, trong đó đặc biệt là nguồn tài nguyên thiên nhiên - đó là lời nhắn gửi từ lịch sử, vào đêm trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm.

4. Đồng thời với nguồn lực tự nhiên, Thăng Long - Hà Nội có lợi thế vượt trội so với các địa phương trong cả nước về tài nguyên văn hoá và nguồn nhân lực chất lượng cao. Sáng tạo, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá; phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và trọng dụng nhân tài, chăm lo xây dựng phẩm chất, nhân cách người kinh đô - thủ đô là nét văn hoá đặc sắc và cũng là kinh nghiệm lịch sử nổi bật của Thăng Long – Hà Nội.

Là kinh đô - thủ đô lâu đời, Thăng Long - Hà Nội là mảnh đất chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại nhất của đất nước qua các thời kỳ, cũng là nơi tập trung với mật độ cao nhất các thành tựu văn hoá của dân tộc. Có thể nói, mỗi con đường, làng quê, góc phố ở thành phố này đều là những địa danh lịch sử lưu giữ, kết tinh những giá trị sáng tạo của các thế hệ người Thăng Long - Hà Nội. Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử và thử thách của thời gian, Hà Nội ngày nay vẫn còn giữ được hàng ngàn di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng quí hiếm, tiêu biểu là Cổ Loa, Thành cổ, Phố cổ, là hàng trăm đình, chùa, miếu, phủ, tượng đài, làng nghề, phố nghề… nổi tiếng. Điển hình nhất là di tích Hoàng thành mới phát lộ với hàng triệu hiện vật vô cùng đa dạng, tinh xảo chồng xếp trong các tầng văn hoá, phản ánh sinh động một dòng chảy văn hoá liên tục, rực rỡ hơn mười thế kỷ. Đồng thời với sự phong phú về văn hoá vật thể, Thăng Long - Hà Nội còn lưu giữ một kho tàng vô giá về văn hoá phi vật thể, bao gồm các thư tịch Hán Nôm, các tác phẩm, loại hình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và dân gian; các nghề truyền thống, văn hoá ẩm thực; các lễ hội và sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo… (7).

Điều cần nhấn mạnh như là nét đặc sắc văn hoá của Thăng Long - Hà Nội chính là thái độ trân trọng, tình cảm gắn bó của con người đối với các giá trị văn hoá. Không nói nhiều về thái độ ứng xử và sự đầu tư, ở những mức độ và động cơ khác nhau, của chính quyền Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ đối với việc trùng tu, tôn tạo, phát huy các di sản văn hoá vật thể và quảng bá các di sản văn hoá phi vật thể. Nổi bật và xuyên suốt là quan hệ và tình cảm đặc biệt của nhân dân đối với các di sản văn hoá. Người Thăng Long - Hà Nội yêu mến, tự hào, coi các di sản văn hoá là linh hồn vẻ đẹp, là nguồn tài nguyên giàu có của kinh đô - thủ đô; là máu thịt trong đời sống của cộng đồng. Nhân dân tự giác gìn giữ, tự nguyện đóng góp để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá; gắn việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hoá với các hoạt động lễ hội, các sinh hoạt văn hoá cộng đồng và gửi gắm vào đó niềm biết ơn thành kính các bậc anh hùng tiên liệt có công lao to lớn đối với đất nước, với kinh đô - thủ đô, những cụ tổ khai sáng các làng nghề, phường nghề… Nhân dân thật sự đóng vai trò chủ thể văn hoá, bằng hoạt động văn hoá đã thổi luồng sinh khí, tạo nên sức sống và sự tươi mới của các giá trị văn hoá.

Ngày nay, cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội được bổ sung một nguồn tài nguyên văn hoá rất phong phú của tỉnh Hà Tây cũ - miền đất của văn hoá Xứ Đoài với rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá, nhiều làng nghề thủ công truyền thống, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá cộng đồng… nổi tiếng. Hoà hợp hai vùng văn hoá giàu bản sắc thành một vùng văn hoá thống nhất, giàu có, đa dạng; có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời sáng tạo những giá trị văn hoá của thời đại mới; gắn kết qui hoạch phát triển văn hoá với qui hoạch không gian đô thị, qui hoạch dân cư, phát triển kinh tế, xã hội, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn; phát huy vai trò chủ thể văn hoá của nhân dân, ngăn chặn các hành động xâm hại và nguy cơ trở thành phế tích của các di tích lịch sử, văn hoá… phải được xem là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, một công việc cấp bách phải làm ngay. Sức sống của Hà Nội, sức thu hút và lan toả của Hà Nội chủ yếu và trước hết là giá tri văn hoá.

Thăng Long - Hà Nội, từ xưa đến nay là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ nhân tài, hào kiệt của cả nước. Các thế hệ nối tiếp nhau, những người thợ lành nghề, những tài năng thuộc mọi lĩnh vực từ mọi miền đất nước, phần lớn, đều tụ hội về kinh đô - thủ đô, chọn đây làm nơi dựng nghiệp, tạo thành một nguồn nhân lực chất lượng cao. Cộng đồng dân cư Thăng Long - Hà Nội trở thành một tập hợp động và mở, luôn luôn được bổ sung những thành viên mới mang theo những tố chất văn hoá đa dạng, phong phú từ các vùng miền cả nước. Trong quá trình chung sức chung lòng xây dựng, bảo vệ kinh đô - thủ đô, giữa những cư dân gốc Thăng Long - Hà Nội với những người mới nhập cư đã hình thành mối quan hệ tương tác văn hoá cởi mở và hoà hợp; những tố chất tốt đẹp được giữ gìn, bồi đắp, phát triển, những tố chất không phù hợp được sàng lọc, thải loại, theo thời gian, cùng thời gian kết tinh thành bản sắc văn hoá, thành phẩm chất nhân cách đặc trưng của người Thăng Long - Hà Nội(8). Tài hoa trong lao động, sáng tạo; khí phách, kiên cường trong đấu tranh bảo vệ, giải phóng kinh đô - thủ đô trước hoạ xâm lăng; khoan dung, độ lượng trong đối nhân xử thế; hào hoa, thanh lịch trong sinh hoạt, giao tiếp… là những phẩm chất nhân cách nổi bật, rất đáng tự hào của người Thăng Long - Hà Nội, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mến mộ.

Phẩm chất của người Thăng Long - Hà Nội được hình thành một cách tự nhiên từ chính ý thức tự giác của mỗi người về niềm tự hào, vinh dự và trách nhiệm công dân của kinh đô - thủ đô. Phẩm chất đó được nuôi dưỡng, bồi đắp bởi sự chăm lo giáo dục của gia đình, nhà trường và sự quan tâm của cộng đồng, xã hội; được gìn giữ, phát triển trong một môi trường văn hoá, xã hội lành mạnh theo sự quản lý qui củ và hiệu quả của chính quyền nhà nước. Ngày nay, trong bối cảnh Hà Nội mở rộng, dân cư đông, trong đó cư dân nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, cư dân ngoại tỉnh kéo về Thủ đô tìm kiếm việc làm ngày càng nhiều; trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng tác động sâu sắc đến mỗi gia đình, đến từng con người theo cả hai chiều thuận nghịch, vấn đề nâng cao dân trí; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại; củng cố sự đồng thuận xã hội, cố kết cộng đồng là nhiệm vụ trọng đại, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Là nơi tập trung nguồn nhân lực phong phú, có chất lượng cao, từ rất sớm, các vị vua Triều Lý, và các triều đại kế tiếp luôn xác định Thăng Long là cái nôi đào tạo nhân tài cho cả nước. Năm 1070, nhà Lý lập Văn Miếu, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên, năm 1076 lập Quốc Tử Giám và định kỳ mở các khoa thi để tuyển chọn nhân tài. Nhà Trần lập Quốc Học viện. Nhà Lê phát triển Quốc Tử Giám thành một trung tâm đào tạo nhân tài, đặt nghi lễ xướng danh, đọc tên những người thi đỗ, lễ vinh qui, đón rước các vị khoa bảng về làng; lễ khắc tên tuổi những người đỗ tiến sĩ vào bia đá ở Văn Miếu nhằm tôn vinh các bậc hiền tài (9). Tư tưởng bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhân tài được thể hiện đậm nét trong tuyên ngôn của vua Lê Thánh Tông được ghi trong Văn bia “Bài ký đề danh Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3” (năm 1442 - Triều Lê): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết” (10). Trong thời cận đại, người Pháp cai trị Hà Nội cũng xây dựng ở thành phố này những trung tâm đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ bộ máy thực dân và công cuộc khai thác thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương. Đến thời cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã kế thừa và phát triển tư tưởng trọng dụng nhân tài lên một tầm cao mới. Ngay từ những năm tháng đầu tiên của Nhà nước dân chủ cộng hoà, giữa lúc Hà Nội cùng cả nước đang phải đương đầu với trăm ngàn khó khăn, thử thách trước giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tháng 11 năm 1946, Hồ Chí Minh, từ Thủ đô đã yêu cầu các địa phương phải tìm kiếm, giới thiệu với Chính phủ những người tài đức. Và chính Người, bằng tấm lòng nhân ái, bao dung, thái độ thật sự trọng thị nhân tài đã cảm hoá, thu hút rất nhiều nhà văn hoá, bác học tài giỏi trong nước, trong kiều bào trở về Thủ đô Hà Nội theo cách mạng. Cũng chính Người, với niềm tin vào lòng yêu nước và phẩm chất tốt đẹp của những tài năng lớn, đã trao cho họ những trọng trách trong Chính phủ, nhờ vậy Chính phủ Hồ Chí Minh thật sự tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam, được nhân dân tuyệt đối tin tưởng và ngưỡng mộ.

Ngày nay, Thủ đô Hà Nội là trung tâm khoa học, giáo dục hàng đầu của đất nước với hàng chục trường đại học, hàng trăm viện, trung tâm nghiên cứu, tập trung những nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hoá, nhà quản lý hàng đầu của đất nước, trong đó không thiếu những người tài đức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Thủ đô. Hà Nội cũng là nơi thu hút nhiều chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Thật sự coi đây là tài sản quí giá nhất của Thủ đô; tin cậy, tôn trọng, tạo môi trường thuận lợi và những điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng sáng tạo của lực lượng tinh hoa này; có cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh xứng đáng với những giá trị cống hiến của họ - đó là việc lãnh đạo Hà Nội nên làm, cần làm hết sức mình, bởi đây chính là chiếc chìa khoá vàng mở cửa đưa Thủ đô đi nhanh vào kinh tế tri thức, là đòn bẩy tạo nên bứt phá để Thủ đô vươn lên về đích sớm trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

5. Cuối cùng, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực con người, tài nguyên văn hoá vốn rất tiềm tàng của Thủ đô được phát huy đến mức nào lại tuỳ thuộc chủ yếu vào năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy lãnh đạo Thăng Long - Hà Nội, mà quan trọng nhất là tầm trí tuệ và chất văn hoá - văn hoá lãnh đạo, văn hoá quản lý.

Về khách quan, bản thân vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của kinh đô - thủ đô đối với đời sống đất nước; niềm tin và đòi hỏi nghiêm ngặt của nhân dân sở tại, của đồng bào cả nước luôn đặt trước giới lãnh đạo Thăng Long - Hà Nội yêu cầu tự vượt lên để hoàn thành tốt nhất chức trách được giao. Trong thực tế lịch sử, loại trừ những thời điểm Thăng Long - Hà Nội bị đặt dưới ách thống trị của các thế lực xâm lược nước ngoài, hầu hết bộ máy quản lý, điều hành kinh đô - thủ đô qua các triều đại, thời kỳ, ở những mức độ khác nhau và với nhãn quan chính trị khác nhau, đều đã phấn đấu thực thi công vụ với tất cả khả năng có thể, để lại những kinh nghiệm quí (11). Nhìn từ góc độ văn hoá, quản lý, phát triển kinh đô - thủ đô có nội hàm khá rộng và rất phong phú, soi vào lịch sử Thăng Long - Hà Nội, có thể nhấn mạnh một số điểm sau đây.

Trước hết, quản lý Thăng Long - Hà Nội phải xuất phát từ nhận thức đúng về vai trò, vị trí của kinh đô - thủ đô; đánh giá chính xác đặc thù và lợi thế so sánh để lựa chọn con đường phát triển đúng hướng. Kinh đô - thủ đô là trái tim của cả nước, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, vai trò, vị thế đó đòi hỏi phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Yêu cầu đó phải được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong toàn bộ kế hoạch phát triển. Đặc điểm của Thăng Long - Hà Nội là một đô thị lâu đời, một thành phố sông, hồ, một vùng đất có hệ sinh thái đa dạng, phong phú nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến tự nhiên. Lợi thế hàng đầu của Thăng Long - Hà Nội là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng trí tuệ dồi dào, tài nguyên văn hoá vô cùng phong phú. Tất cả những yếu tố đó đều phải được tính đến một cách khoa học trong qui hoạch phát triển đô thị, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nhất là xác định hướng phát triển ưu tiên và những lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm mũi nhọn; giải quyết hài hoà phát triển theo diện rộng với phát triển theo chiều sâu.

Là kinh đô - thủ đô, quản lý, phát triển Thăng Long - Hà Nội phải phát huy được sức mạnh tổng hợp trên cơ sở giải quyết tốt quan hệ bên trong, quan hệ với bộ máy nhà nước trung ương, quan hệ với các địa phương trong cả nước và quan hệ quốc tế- Trong phạm vi nội bộ, cần nhận thức đúng và giải quyết hợp lý quan hệ tương tác giữa khu đô thị trung tâm với vùng nông thôn ngoại thành; phân công và phối hợp hiệu quả hoạt động giữa các cấp hành chính, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của cấp chính quyền cơ sở; kết hợp vai trò quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp với phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền làm chủ và khả năng tự quản của nhân dân.

Trong quan hệ với bộ máy nhà nước trung ương, một mặt, Thăng Long - Hà Nội cần phát huy đến mức cao nhất sự chỉ đạo, đầu tư, giúp đỡ của nhà nước trung ương, tranh thủ, khai thác tiềm năng chất xám của đội ngũ chuyên gia các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn; mặt khác, phải năng động, chủ động trong lưạ chọn con đường phát triển phù hợp và phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng vốn có của kinh đô - thủ đô. Nhà nước trung ương cần dành sự ưu tiên đầu tư đặc biệt để phát triển Thăng Long - Hà Nội, coi đó và lĩnh vực đầu tư quan trọng nhất, đồng thời phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng, với những cơ chế thông thoáng, đủ tầm để bộ máy lãnh đạo, quản lý kinh đô - thủ đô có thể phát huy tốt nhất quyền chủ động, quyền quyết định trong hoạt động điều hành.

Trong quan hệ với các địa phương, Thăng Long - Hà Nội cần chủ động xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện hay từng mặt để thu hút, tranh thủ các nguồn lực và thế mạnh của cả nước phục vụ yêu cầu phát triển; đồng thời cần phát huy lợi thế so sánh của mình, đặc biệt là thế mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao, về năng lực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ để góp phần thúc đẩy quá trình phát triển của các địa phương, thực sự đóng vai trò một trung tâm lớn đa chức năng của cả nước, một đầu tầu của vùng đồng bằng Bắc bộ(12).

Là đầu mối giao lưu quốc tế lớn của đất nước, Thăng Long - Hà Nội, một mặt, phải phục vụ trực tiếp, hiệu quả nhất các hoạt động đối ngoại của nhà nước trung ương, đồng thời phải chủ động xây dựng và thực hiện chiến lược đối ngoại của chính mình, vừa vươn ra thế giới, thiết kế quan hệ hợp tác, hữu nghị với các kinh đô - thủ đô các nước trong khu vực và thế giới, vừa thực hiện hoạt động đối ngoại ngay trên đất kinh đô - thủ đô, nơi thu hút nhiều khách quốc tế, thông qua hoạt động giao tiếp, ứng xử văn hoá và tinh tế của nhân dân.

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là nhân tố quyết định sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Gánh vác trọng trách nặng nề trên một địa bàn trọng yếu, nhạy cảm; chịu trách nhiệm trước một cộng đồng dân cư có trình độ dân trí cao, có nhận thức và đòi hỏi cao về dân chủ, đội ngũ lãnh đạo, quản lý Thăng Long - Hà Nội phải được đào tạo bài bản, phải được tuyển chọn, sàng lọc nghiêm ngặt. Người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành ở Thăng Long - Hà Nội, ở những cấp độ khác nhau, phải thật sự tiêu biểu cho trí tuệ và văn hoá của người kinh đô - thủ đô, có sức cảm hoá, tập hợp và phát huy quyền làm chủ và năng lực sáng tạo vô cùng to lớn của nhân dân.

Mặc dù hôm nay Thủ đô Hà Nội đã mở rộng, có thêm nhiều nguồn lực và nhân tố mới, song, sự phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai, không thể khác, phải đặt trên căn cốt của văn hoá Thăng Long - Hà Nội đã được hội tụ, kết tinh và toả sáng trong suốt 1000 năm lịch sử. Và mặc dù, trên con đường đi vào hiện đại, trong xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp thu tinh hoa văn hoá và các thành tựu của văn minh nhân loại để tiến cùng thời đại, song những điều đó không thay thế mà cần thiết phải được kết hợp hài hoà với những di sản văn hoá ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, bởi vì trước sau và mãi mãi, Hà Nội vẫn là Thủ đô của một nước Việt Nam văn hiến./.

Phùng Hữu Phú - Ngô Thanh Hằng
————————

(1) Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá XII, kỳ họp thứ ba: Nghị quyết “Về điều chỉnh địa giới thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, tháng 5-2008.

(2) Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25-12-2000 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ 2001-2010”.

(3) Chương trình Khoa học cấp nhà nước, mã số KX 09 gồm 12 đề tài có nhiệm vụ tổng kết toàn diện lịch sử 1000 năm xây dựng, phát triển Thăng Long-Hà Nội (1010- 2010), nhằm góp phần đưa ra những căn cứ khoa học cho việc định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.

(4) Những câu trong “ ” là trích trong “Chiếu đời đô” của Lý Thái Tổ, dẫn theo Kỷ yếu hội thảo khoa học của Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học KX 09: “Khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế-xã hội trong quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững vùng Thủ đô Hà Nội”, Nxb Hà Nội, 2007, tr.11.

(5) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Báo cáo “Quản lý đất đai với vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, 7-7-2008.

(6) Đỗ Xuân Sâm, Lê Đức Hạnh: Phân tích các tiềm năng, lợi thế và các hạn chế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường của Hà Nội hiện nay và tác động của nó đến quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô; Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, kinh tế-xã hội trong quá trình đô thị hoá và phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội”, Sđd, tr.42-46.

(7) Võ Quang Trọng: Báo cáo tổng quan đề tài khoa học cấp nhà nước, KX 09. 10 “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể ở Thăng Long - Hà Nội”, Hà Nội, 2005-2008.

(8) Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Ban chủ nhiệm chương trình khoa học nhà nước KX 09: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Nxb Hà Nội, 2005.

(9) Trần Văn Bính: Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hoá Thăng Long - Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Sdd, tr.49.

(10) Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam, dẫn theo Vũ Hy Chương: Báo cáo tổng quan Đề tài khoa học cấp nhà nước KX.09.08 “Phát triển khoa học và trọng dụng nhân tài của Thăng Long - Hà Nội”, Hà Nội, 2004.

(11) UBND thành phố Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp nhà nước KX.09 : Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Quản lý và phát triển Thăng Long - Hà Nội”, Nxb Hà Nội, 2008.

(12) Vũ Văn Quân: Báo cáo tổng quan Đề tài khoa học cấp nhà nước KX.09.02 “Thăng Long - Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước - những bài học về quản lý và phát triển”, Hà Nội, 2004 - 2008.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất