Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 3/2/2009 11:41'(GMT+7)

Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí để xây dựng đất nước

Từ khi thực hiện cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, nhưng mặt trái của nó cũng hết sức nặng nề, trong đó có tệ tham nhũng. Để ngăn chặn, đấu tranh với tệ nạn này, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, trong đó có Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống thamnhũng, lãng phí (Nghị quyết số 4-NQ/TW, ngày 21-8-2006). Chỉ mới hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Ngay sau khi Nghị quyết số 4-NQ/TW được ban hành, Ban Bí thư đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc (trong các ngày 9 và 10-10-2006) để phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã biên soạn kịp thời các tài liệu phục vụ triển khai Nghị quyết, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy đã tổ chức hội nghị để phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết trong phạm vi bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Phần lớn các bộ, ngành, địa phương đã lồng ghép việc phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết với việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong quá trình triển khai Nghị quyết, các cấp ủy và tổ chức đảng đã gắn việc tổ chức thực hiện Nghị quyết với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nhằm nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng đảng, trong đó tập trung củng cố những tổ chức đảng yếu kém, gắn công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh với việc củng cố chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng. Nhiều chi bộ, đảng bộ tiến hành kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ của đảng viên; có biện pháp giáo dục, nhắc nhở đảng viên để ngăn ngừa vi phạm. Nhiều cơ sở đảng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30-3-2007, của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đưa nội dung kiểm điểm việc chấp hành các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách thủ tục hành chính, giữ gìn phẩm chất đạo đức vào sinh hoạt thường kỳ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, nhất là các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, giáo dục nội dung Nghị quyết bằng những hình thức phong phú, thiết thực, như: biên soạn và phát hành tài liệu, tổ chức hội nghị, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức thi tìm hiểu về nội dung Nghị quyết Trung ương 3 và Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhiều báo, đài ở Trung ương và địa phương đã xây dựng chuyên đề, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chính vì vậy, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.

Để hoàn thiện công tác cán bộ, góp phần ngăn ngừa tham nhũng, Ban Tổ chức Trung ương đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, trình Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định về quản lý cán bộ, đảng viên, công chức theo hướng phân cấp mạnh cho cấp dưới và tăng quyền hạn cho người đứng đầu. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy cũng chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý cán bộ nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác này, nhất là việc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; quan tâm chấn chỉnh công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thi tuyển công chức.

Một số biện pháp khác, như: chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ, công chức; cải cách chế độ tiền lương; trả lương qua tài khoản; xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp... đã được thực hiện nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc phòng, chống tham nhũng. Đáng chú ý là, một số cấp ủy và tổ chức đảng đã chú ý chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Theo báo cáo của 13 tỉnh ủy, thành ủy, trong 2 năm qua, đã xử lý trách nhiệm 229 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Cách làm này đã nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy cũng tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản trên tất cả các lĩnh vực nhằm phục vụ yêu cầu phòng, chống tham nhũng, trong đó đã chú trọng các lĩnh vực trọng điểm mà Nghị quyết Trung ương 3 quy định, như: quản lý và sử dụng đất đai, công sở; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và hoạt động mua sắm công; thu, chi ngân sách; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước và nhân sự tại doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 6-2008, các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành việc rà soát văn bản hiện hành thuộc thẩm quyền (rà soát trên 1.000 văn bản; ban hành mới 400 văn bản; hủy bỏ, thay thế 46 văn bản; sửa đổi, bổ sung hàng trăm văn bản khác).

Cũng có thể thấy rõ, công tác cải cách hành chính trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong phòng, chống tham nhũng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, ngày 7-11-2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 53/2007/NQ-CP về công tác cải cách hành chính. Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác rà soát thủ tục hành chính để bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; công khai các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" trong việc giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách thể chế kinh tế, lập pháp, tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện cơ chế "một cửa" đến cấp xã và áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào quản lý hành chính, như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng triển khai mô hình "một cửa - ứng dụng công nghệ thông tin" tại một số quận. Trong phạm vi cả nước, công tác cải cách hành chính, trong đó cải cách về thủ tục hành chính đã có nhiều chuyển biến: các thủ tục đăng ký, quản lý hộ khẩu; đăng ký phương tiện giao thông; cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế; cấp giấy phép và nhiều thủ tục khác đã được rà soát, sửa đổi theo hướng cụ thể, đơn giản, giảm thiểu phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền của cán bộ, công chức, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, việc xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn và chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai, công sở, xây dựng cơ bản, thu chi ngân sách cũng góp phần quan trọng vào việc phòng, chống tham nhũng.

Một trong những biện pháp được thực hiện có hiệu quả rõ nét là công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Từ ngày 1-10-2006 đến ngày 30-6-2008, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 5.674 đơn tố cáo về tham nhũng, 4.274 đơn khiếu nại liên quan đến tham nhũng. Qua phân loại cho thấy, có 1.565 đơn tố cáo, khiếu nại đúng (chiếm 15,7%), 2.031 đơn tố cáo, khiếu nại không đúng (chiếm 20,4%). Đã xử lý kỷ luật hành chính 614 vụ, 1.339 người, xử lý hình sự 413 vụ. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã cố gắng giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng công khai, minh bạch và dân chủ. Tình trạng kiến nghị xử lý nội bộ, xử lý hành chính hoặc "rút kinh nghiệm" trong các kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được một số bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh và từng bước khắc phục.

Trong hai năm qua, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 27.783 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và thanh tra chuyên ngành. Qua đó, phát hiện sai phạm với tổng giá trị là 12.720 tỉ đồng, 19.501 ha đất; kiến nghị thu hồi 8.963 tỉ đồng, 16.643 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 5.244 người; chuyển cơ quan điều tra 223 vụ, 375 đối tượng.

Công tác kiểm toán cũng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong năm 2007, với 207 cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị thu hồi cho ngân sách 2.764 tỉ đồng, giảm chi ngân sách 1.244 tỉ đồng, phát hiện thêm các khoản nợ đọng mà các cơ quan quản lý thu ngân sách không báo cáo 413 tỉ đồng, các khoản phải nộp hoặc hoàn trả ngân sách 6.095 tỉ đồng. Trong những tháng đầu năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 83/135 cuộc kiểm toán, trong đó, đã báo cáo kết quả 35 cuộc, phát hiện, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước trên 943 tỉ đồng. Kết quả kiểm toán trong 2 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, vốn, tài sản công; ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí.

Các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về tham nhũng đã được tăng cường và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng được xử lý nghiêm minh, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Một số vụ việc tham nhũng tồn tại, kéo dài, phát hiện từ nhiều năm trước đây đã được khởi tố, điều tra, xử lý. Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ ngày 01-10-2006 đến ngày 30-6-2008, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố 714 vụ án, với 1.568 bị can về các tội tham nhũng, trong đó nhiều nhất là tội tham ô tài sản (404 vụ/826 bị can, chiếm 56,6%). Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 722 vụ/1.922 bị can, tòa án các cấp đã xét xử 601 vụ/1.412 bị cáo. Các tỉnh ủy, thành ủy và các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung điều tra nhằm phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng trong các lĩnh vực nhạy cảm, như: quản lý thuế, đất đai, đầu tư nước ngoài, thu chi tài chính và những vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm. Theo báo cáo của các ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, đến thời điểm 30-9-2008, số vụ án tham nhũng mà các tỉnh, thành phố hiện đang thụ lý là 221 vụ, 624 bị can; trong đó có 15 vụ tham nhũng nghiêm trọng được tập trung chỉ đạo. Việc xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ tham nhũng đã có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tham nhũng và tạo niềm tin trong nhân dân.

Có thể nói, hoạt động của các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và cấp tỉnh tuy mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng cùng với các cơ quan chức năng khác, như công an, thanh tra, viện kiểm sát, tòa án... đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các ban chỉ đạo đã tổ chức phối hợp với các cơ quan có liên quan, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã thể hiện rõ vai trò trung tâm trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng; duy trì đều đặn và nâng cao chất lượng các cuộc họp định kỳ và các hội nghị giao ban để đánh giá tình hình, đề ra phương hướng, chương trình công tác, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ.

Cũng cần phải nhấn mạnh vai trò tích cực của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng. ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tiến hành giám sát việc tiếp dân của chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp, giám sát việc công khai nhiệm vụ, thu chi ngân sách, đề bạt, nâng lương, nâng ngạch, tiếp nhận, tuyển dụng, thuyên chuyển và xử lý cán bộ, công chức có vi phạm. Mặt trận Tổ quốc các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã và trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã bố trí nhiều hòm thư để nhân dân tố cáo, phát hiện tham nhũng, lãng phí; tiếp nhận và phân loại đơn thư của công dân để chuyển tải, kiến nghị kịp thời tới cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giám sát việc giải quyết đơn thư của các cơ quan nhà nước.

Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được mở rộng. Chính phủ đã định kỳ thực hiện việc đối thoại về phòng, chống tham nhũng với cộng đồng tài trợ quốc tế. Thông qua đối thoại, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã cung cấp cho cộng đồng quốc tế những thông tin chính thức về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các diễn đàn, sáng kiến hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng như hợp tác về phòng, chống tham nhũng giữa các nền kinh tế thuộc APEC; thí điểm thực hiện "Sáng kiến về minh bạch trong hoạt động xây dựng"... Nhiều cuộc hội thảo, chương trình học tập, trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng với các quốc gia và tổ chức quốc tế đã được tổ chức, góp phần giúp các cơ quan chức năng tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Các diễn đàn quốc tế này cũng là nơi tuyên truyền quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin của bạn bè quốc tế đối với công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Có thể khẳng định rằng, tuy còn nhiều hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục, nhưng nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu: trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã có bước kiềm chế, số vụ việc tham nhũng, lãng phí lớn, nghiêm trọng, phức tạp trong 2 năm qua đã giảm hơn. Kết quả trên thể hiện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí là đúng đắn và khả thi, khẳng định quyết tâm cũng như khả năng của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạt được kết quả nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, quyết tâm trong điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, cùng với sự cố gắng, quyết tâm của các cấp ủy, các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện.

Từ những kết quả đạt được, cùng những hạn chế, yếu kém và những kinh nghiệm bước đầu qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, để phấn đấu đạt được mục tiêu của Nghị quyết là "Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí...", trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập Nghị quyết Trung ương 3, Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với thực hiện bước 2 Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; chú trọng tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định cụ thể và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí; duy trì chuyên trang, chuyên mục trên báo chí, kịp thời biểu dương các điển hình tốt, phổ biến các kinh nghiệm hay, phê phán những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp. Phân cấp mạnh mẽ gắn liền với quyền hạn và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Khẩn trương hoàn thành và ban hành các văn bản, đề án như: Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; các quy chế của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3; Chiến lược phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, tòa án. Phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Bổ sung vào Bộ luật Hình sự các hành vi tham nhũng mới được quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí sát hợp với tình hình của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Có giải pháp khắc phục kịp thời những yếu kém qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Trungương 3; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, kỷ cương, liêm chính; nâng cao đời sống cán bộ, công chức; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch kiểm tra, thanh tra để tránh trùng lắp; chủ động rà soát, phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc xảy ra ở địa phương, không để tồn đọng, kéo dài.

Thứ năm, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Tổ chức nghiên cứu, học tập, trao đổi để tiếp thu những kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các nước, đồng thời tăng cường đối thoại để bạn bè quốc tế thấy rõ quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ sáu, trong chỉ đạo, điều hành, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những trọng tâm công tác lớn để tập trung chỉ đạo; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và kiểm điểm việc thực hiện theo định kỳ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan giám sát, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan báo chí cùng toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí./.

Trương Vĩnh Trọng

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất