BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG TẠI VIỆT NAM
Bình đẳng giới (BĐG) là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. (Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006). Trên cơ sở các cam kết quốc tế về bình đẳng giới mà Việt Nam là một thành viên tích cực; Việt Nam dần hoàn thiện hành lang pháp lý trong nước, thể hiện trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và các văn bản thi hành. Trên lĩnh vực báo chí, truyền thông, hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về bình đẳng giới cũng dần hoàn thiện với Luật Quảng cáo 2012, Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng 2018, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 …
Với những nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới, được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Báo cáo Phát triển con người năm 2021 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho thấy, chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,703 vào năm 2021, Việt Nam đã tăng vượt hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia vào năm 2021.
Dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong quản lý và lãnh đạo ở các cấp vẫn còn thấp; tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực cao (63%); khoảng cách thu nhập giữa nam giới và phụ nữ lớn (4,58 triệu và 5,19 triệu)… (Đỗ Thu Hương - Lê Thị Thu Trang (2021). Một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của cả nam giới và phụ nữ.
THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ GIỚI TRÊN BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG
Truyền thông đại chúng có tác động đặc biệt trong việc truyền tải nội dung thông tin về BĐG, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về BĐG vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông. Trong thực tế, một số cơ quan báo chí, truyền thông, một số phóng viên, nhà báo còn thiếu kiến thức và kĩ năng khi sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông có nhạy cảm giới. Nhiều sản phẩm đã và đang củng cố định kiến giới và góp phần duy trì tình trạng bất bình đẳng giới.
Thời gian qua, báo chí, truyền thông Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong tuyên truyền về bình đẳng giới. Việc khai thác, sáng tạo các sản phẩm báo chí, truyền thông theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Các sản phẩm báo chí, truyền thông ngày càng được chú trọng lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới. Khi viết về phụ nữ, các tác phẩm đã dần thoát khỏi khuôn mẫu “đóng khung” hình ảnh phụ nữ yếu mềm, gắn với các công việc nhẹ nhàng, nội trợ, chăm sóc gia đình, lo toan cho chồng con... Thay vào đó là hình ảnh phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo nhưng cũng không kém phần quyết đoán, trở thành đề tài được các phương tiện thông tin đại chúng cập nhật, khai thác trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên các bài báo cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh những nữ chính trị gia, nữ doanh nhân, nữ nghệ sĩ, hay những phụ nữ thành đạt và quyền lực. Họ được báo chí, phương tiện truyền thông tiếp cận khai thác thông tin với vai trò là chủ thể, là những người có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của xã hội.
Báo chí, truyền thông từng bước góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của nam giới, phụ nữ, cộng đồng LGBTQ+ trong đời sống xã hội hiện đại (LGBTQ+: đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác biệt hoặc không nhận định mình theo bất kỳ nhãn nào, hoặc đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân. Dấu cộng - sự tồn tại đa dạng các nhóm khác như: phi nhị nguyên giới, liên giới tính, vô tính luyến ái...). Sự tác động của báo chí, truyền thông đưa đến những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi của công chúng, khách quan hơn trong nhận diện bản dạng giới và xu hướng tính dục của con người. Một số chương trình truyền hình thực tế và truyền thông mạng xã hội như Come out - Bước ra ánh sáng, Just Love, Người ấy là ai, Love Wins, Nghe cầu vồng nói - LGBT Việt… đã góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của công chúng đối với cộng đồng GLBTQ+, từ đó hiểu, đồng cảm, chia sẻ và giảm thiểu định kiến đối với họ.
ĐỊNH KIẾN GIỚI, THIẾU NHẠY CẢM GIỚI VẪN TỒN TẠI TRÊN CÁC SẢN PHẨM BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG
Khảo sát sơ bộ trên báo chí, truyền thông, nhận thấy vẫn còn không ít những “hạt sạn” trong xây dựng hình ảnh nam giới, phụ nữ. Các bài viết có yếu tố giới được “đóng khung” cách mô tả/phản ánh nam giới, phụ nữ hoặc trong cách phân tích, lý giải và định hướng cách tư duy, cách tiếp cận các vấn đề giới. Trong đó, nội dung, thông điệp truyền thông về bình đẳng giới bị “đóng khung” khai thác trên các khía cạnh:
Quá đề cao yêu cầu sự nghiệp đối với nam giới nhưng lại nhấn mạnh vai trò “bếp núc” đối với phụ nữ
Một người đàn ông khi không thành công trong sự nghiệp, hoặc không lựa chọn nghề nghiệp theo kỳ vọng, ngoài việc họ bị gia đình phản đối thì có thể còn bị hàng xóm dị nghị về năng lực và công việc họ làm. Trong bài viết “9X từ bỏ việc nhà nước ổn định, theo đuổi nghề làm túi xách” (Báo Vietnamnet, ngày 6/11/2020) có viết: “Đang làm công việc nhà nước ổn định, Lâm Đoàn (32 tuổi, ở Gò Vấp) quyết định bỏ ngang để theo đuổi nghề làm túi xách cho búp bê”, “Tìm được công việc yêu thích nhưng Đoàn lại vấp phải sự phản đối từ gia đình, lời bàn tán của hàng xóm khi thấy đàn ông đi chơi búp bê, suốt ngày lúi húi hắt cắt rồi may”.
Nhưng khi phản ánh hình ảnh phụ nữ thì sẽ luôn gắn với trách nhiệm nội trợ, bếp núc. Như bài viết “Không dọn được mâm cơm tử tế cho chồng là phụ nữ vụng” (Báo Vietnamnet, ngày 11/5/2021) có cho rằng: “Nếu sinh ra trong một gia đình được dạy dỗ cẩn thận thì không bao giờ cho chồng con ăn cơm bằng nồi như vậy!”, “việc bày tất cả nồi lên mâm cơm là biểu hiện của người phụ nữ tùy tiện, thiếu giáo dục từ khi còn nhỏ”. Hoặc bài viết “Câu chuyện chiếc máy rửa bát và trách nhiệm của phụ nữ” (Báo Vietnamnet, ngày 10/6/2021) có viết: “phụ nữ thì phải biết thu vén chi tiêu”, “Cháu mới về làm dâu nên thể hiện tốt một chút, chứ đến cái bát còn không tự rửa là bị mọi người cười chê lười biếng đó".
Bộ phim truyền hình “Anh có phải là đàn ông không” chiếu trên khung giờ vàng của VTV3 lựa chọn khai thác đề tài khá mới, xoay quanh cuộc sống gia đình, công việc, sự nghiệp của ba người đàn ông là Tuấn Khang, Duy Anh và Nhật Minh. Tác phẩm thể hiện định kiến đối với nam giới qua các luận điểm chính: 1) Phái mạnh phải là trụ cột kinh tế (Nhân vật Duy Anh ở nhà chăm con, theo bố mẹ anh, là không thể chấp nhận được. Cha mẹ Duy Anh đang cùng luồng ý kiến phổ biến đó với số đông trong xã hội); 2) Định kiến phái mạnh phải nắm quyền kiểm soát gia đình và thống trị phụ nữ (Minh sau khi thất nghiệp vẫn ngày ngày áo mũ ra đường đi làm, nhưng thực tế là lang thang đợi hết 8 giờ hành chính, hoặc ở nhà lén lút không cho ai biết. Trong nhận thức của Minh, đàn ông không thể thất bại, không thể thua kém vợ); 3) Đàn ông phải hoàn hảo, không được mắc sai lầm (Tuấn Khang với quan niệm để không mắc sai lầm sẽ không tin tưởng ai, từ chối sự nỗ lực của cha, giữ mối thù hận trong lòng).
“Đóng khung” các đặc điểm “nam tính” , “nữ tính” trong mô tả tính cách nam giới, phụ nữ
Một số bài báo được khảo sát vẫn đóng khung các đặc điểm “nam tính” như: luôn mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm, không được thể hiện cảm xúc “yếu đuối”... Đây là những chuẩn mực tính cách đã ăn sâu vào suy nghĩ của đông đảo mọi người nay tiếp tục được củng cố trên báo chí. Trong bài viết “Làm đàn ông hay làm đàn bà: ai khó hơn ai?” (Báo Tiền phong, ngày 20/5/2021) có viết như sau: “Khi đàn bà khóc, nếu đàn ông không dỗ dành thì sẽ bị nói là không biết nâng niu. Đàn ông khóc, phụ nữ sẽ chỉ nói: Anh là đàn ông, sao có thể tùy tiện rơi nước mắt, hay anh không phải đàn ông?”.
Trong khi đó, phụ nữ được xây dựng với những tính cách nổi bật: ngoan hiền, dịu dàng… Trong bài viết “Những phụ nữ kiểu này đàn ông chỉ để yêu thôi chứ không cưới” (Báo Vietnamnet, ngày 19/4/2020) có những lời nhận xét như sau: “phụ nữ thông minh là biết cách tỏ ra mình khờ khạo, và phụ nữ khờ khạo mới cố tỏ ra mình thông minh”; “Mẫu vợ hiền lý tưởng của đàn ông đến giờ vẫn luôn là người vợ ngoan hiền, dịu dàng và khéo léo”. Có thể dễ dàng nhận ra những quan niệm định kiến xưa cũ đã khiến nam giới có những nhìn nhận sai lệch về trách nhiệm của mình đối với gia đình, đặc biệt là tạo lên định kiến vô cùng lớn về phụ nữ.
“Đóng khung” vẻ ngoài mạnh mẽ, cơ bắp của nam giới, và “lạm dụng” mô tả vẻ đẹp gợi cảm của phụ nữ
Mặc dù chuẩn mực đẹp của xã hội đang thay đổi, hình ảnh nam giới sử dụng mĩ phẩm, biết trang điểm, ăn mặc theo nhiều phong cách khác nhau đã phổ biến hơn, tuy nhiên, điều đó chưa đủ để xóa bỏ hình tượng vẻ đẹp “chuẩn men” của nam giới phải có vẻ ngoài nam tính, mạnh mẽ, cuốn hút với thân hình săn chắc,.. trong suy nghĩ của nhiều người.
Khác biệt với “khung” mô tả hình dáng nam giới, báo chí truyền thông thường tập trung ngòi bút vào vẻ đẹp hình thể của nữ giới, nhất là phụ nữ nổi tiếng. Thay vì miêu tả phụ nữ với vẻ đẹp đoan trang, thùy mị, kín đáo như trước thì báo chí đang “dựng khung” phụ nữ hiện đại với những từ ngữ như: gợi cảm, nóng bỏng, quyến rũ,... Tuy nhiên, báo chí đã lạm dụng vẻ đẹp hình thể phụ nữ quá mức; ngoài ra, việc miêu tả, gợi nhắc đến hình thể của nữ giới như là cách để làm người phụ nữ ấy trở nên nổi bật. Từ đó, mỗi khi có bài viết về phụ nữ, công chúng sẽ hướng đến vẻ đẹp hình thể mà quên đi các mặt tích cực khác của nữ giới. Một số bài viết không chỉ nhắc đến vẻ đẹp hình thể mà còn có nhiều từ ngữ, bình phẩm về số đo 3 vòng của các nhân vật nữ hay tập trung khai thác sự cố hớ hênh cơ thể của phụ nữ.
Cách “giật title”, gắn với các đặc tính “gợi cảm”, thậm chí “gợi dục” của phụ nữ phổ biến trên mặt báo: “Joy Corrigan mặc áo tắm nóng bỏng hoang dại khiến cánh mày râu điên đảo” (Báo Tiền phong 19/10/2020); “Chân dài 9x Georgia Fowler quyến rũ khiến cánh mày râu mê mẩn” (Báo Tiền phong 4/2/2021); “Nàng mẫu 2k gợi cảm với áo tắm, hút hồn cánh mày râu” (Báo Tiền phong 20/5/2021); “Thiên thần nội y” Lais Ribeiro mặc bikini cưỡi ngựa khiến cánh mày râu chao đảo (Báo Tiền phong, ngày 20/7/2021); “Mỹ nhân nóng bỏng Juliana Chavarriaga 'đốt mắt' phái mạnh trên Maxim” (Báo Tiền phong, ngày 22/10/2021)…
GIẢI PHÁP PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA BÁO CHÍ, TRUYỀN THÔNG TRONG VIỆC THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI TẠI VIỆT NAM
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý. Bổ sung và hoàn thiện khái niệm “giới” trong các văn bản qui phạm pháp luật, với nội hàm không chỉ là nam giới, phụ nữ mà có nhóm đối tượng LGBTQ+, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới thực chất tại Việt Nam.
Hai là, cần có những tiêu chí cơ bản cho việc đăng tải các sản phẩm truyền thông đảm bảo bình đẳng giới, không có ngôn từ hay thông điệp mang định kiến giới. Trong đó, lưu ý đến những quy định nhằm loại bỏ định kiến giới, phân biệt đối xử về giới ra khỏi các sản phẩm truyền thông. Xây dựng chế tài xử phạt khi có vi phạm đối với cơ quan báo chí và với phóng viên/nhà báo.
Ba là, bổ sung qui định và chế tài quản lý đối với các sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới trên mạng xã hội. Đây là nền tảng truyền thông mới, có độ lan tỏa nhanh, mạnh, rộng nhưng hiện nay đang thiếu các chế tài cụ thể để kiểm duyệt nội dung có nhạy cảm giới, cũng như thiếu chế tài xử lý.
Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông
Thứ nhất, căn cứ Quyết định số 1790/QĐ-TTg ngày 23/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông bình đẳng giới tại cơ quan/đơn vị; trong đó, xác định bình đẳng giới là một trong những mục tiêu quan trọng trong sản xuất tin bài.
Thứ hai, xây dựng Cẩm nang nghề báo; Bộ tiêu chí tác nghiệp của phóng viên/nhà báo về bình đẳng giới. Trong đó, qui định cụ thể qui trình sản xuất đối với tin/ bài có nhạy cảm giới từ khâu viết tin/bài; biên tập và kiểm duyệt. Xóa bỏ khuôn mẫu và định kiến giới.
Thứ ba, đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kĩ năng về giới cho đội ngũ phóng viên, nhà báo, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tác nghiệp với các đề tài có nhạy cảm giới.
Thứ tư, khai thác đa dạng các chủ đề về quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường các bài viết về những tấm gương điển hình tiên tiến, có năng lượng tích cực và truyền cảm hứng là nam giới, phụ nữ, LGBTQ+; kịp thời lên án đối với những hành vi bất bình đẳng giới như: bạo lực giới, định kiến giới…
Đối với phóng viên/nhà báo, nhân viên truyền thông
Thứ nhất, cần thực hiện tốt những quy định quốc tế và các văn bản pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới, về Giới trên truyền thông. Trong quá trình tác nghiệp, mỗi người cần tự nhận thức và loại bỏ thông điệp, nội dung, diễn ngôn… mang định kiến giới trong bài viết. Cần khách quan, trung thực khi viết về nam giới, nữ giới, về cộng đồng LGBTQ+; loại bỏ những kì thị, thiên kiến củng cố thêm bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội, cản trở sự phát triển của mỗi giới, đồng thời tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, khi đưa tin về hình ảnh nữ giới, cộng đồng LGBTQ+ , cần đặt nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp là ưu tiên số một. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt đối với trẻ em và nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương; không giật gân, câu view với bất cứ mục đích gì.
Đối với công chúng truyền thông
Thứ nhất, nam giới, phụ nữ, cộng đồng LGBTQ+ cần tích cực phát huy ưu điểm, thế mạnh, thiết lập các mối quan hệ tốt trên cơ sở của sự hiểu biết và tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau; phá vỡ những định kiến giới và suy nghĩ lỗi thời. Loại bỏ tâm lý tự ti, an phận của bản thân, sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến giới; dám nghĩ, dám làm và tin vào khả năng thành công của mình. Thông qua các cuộc tọa đàm, trò chuyện trên báo chí và các phương tiện truyền thông, mạnh dạn truyền đi các thông điệp để xóa bỏ định kiến giới.
Thứ hai, công chúng cần tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến đối với các nội dung liên quan đến vấn đề giới trên báo chí, truyền thông. Phản hồi ngay nếu có những thông tin, bài viết mang định kiến giới, bất bình đẳng giới. Tiếp nhận những thông tin tuyên truyền về bình đẳng giới đúng đắn và thay đổi suy nghĩ của bản thân cũng như tuyên truyền cho những người xung quanh mình.
Có thể khẳng định, mọi nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới sẽ không được thực thi bền vững nếu toàn xã hội vẫn được giáo dục theo những định kiến giới truyền thống. Báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Báo chí, truyền thông cũng tạo ra và duy trì các khuôn mẫu, chuẩn mực mới tiến bộ, phù hợp với sự phát triển, đồng thời dần dần loại bỏ những khuôn mẫu và chuẩn mực cũ không còn phù hợp./.
TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy
Học viện Phụ nữ Việt Nam