Thứ Năm, 21/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 22/11/2022 9:44'(GMT+7)

Vĩnh Phúc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề Lập Thạch (Vĩnh Phúc)  thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (Chỉ thị số 19-CT/TW), Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai học tập, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị. Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW vào tình hình thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành: 1 Chỉ thị, 1 Thông tri, 5 Nghị quyết, 6 Kế hoạch; UBND tỉnh ban hành 03 Đề án, 18 Quyết định, 14  Kế hoạch; các Sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã ban hành nhiều Văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện. Việc tuyên truyền Chỉ thị được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng, kịp thời phát hiện, nắm bắt tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

HÀNH TRÌNH 10 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tỉnh ủy đã chỉ đạo và phát huy được vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác dạy nghề trong tỉnh. Các cơ quan chuyên môn đã tham mưu tích cực cho UBND các cấp triển khai các hoạt động của Chỉ thị và Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).

Các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã phối hợp tốt trong việc triển khai thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội các cấp tham gia trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm; kiểm tra giám sát thực hiện Chỉ thị, Đề án. Kết quả thực hiện Chỉ thị, Đề án nói chung, kết quả hoạt động dạy nghề cho LĐNT nói riêng đã khẳng định Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định đúng vai trò cấp xã là trung tâm, cấp huyện là cơ quan tổ chức thực hiện, qua đó đã tác động đến nhận thức của LĐNT về công tác đào tạo nghề được chuyển biến theo hướng tích cực, số lượng LĐNT tham gia học nghề duy trì hàng năm. Các cơ sở dạy nghề công lập cấp huyện đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để phục vụ dạy nghề cho LĐNT. Đội ngũ giáo viên dạy nghề của các CSDN công lập cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Giáo viên các CSDN ngoài công lập (các cơ sở sản xuất kinh doanh) phần lớn là nghệ nhân, thợ lành nghề, đã được đào tạo qua lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho người dạy nghề, chủ yếu là tổ chức dạy nghề theo hình thức kèm cặp, truyền nghề từ 1 đến dưới 3 tháng với các nghề thủ công mỹ nghệ.

Về đổi mới dạy nghề cho LĐNT: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được kiện toàn, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với thực tế. Giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - TB&XH phối hợp với các sở ngành liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền sắp xếp, sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN hoạt động kém hiệu quả, theo hướng thu gọn đầu mối từ 55 cơ sở năm 2011 đến nay còn 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Trong đó: 07 trường Cao đẳng; 03 trường Trung cấp; 20 Trung tâm GDNN; 03 cơ sở khác có tham gia). Cơ cấu nghề đào tạo phong phú, đa dạng cơ bản đủ các nhóm nghề thuộc các lĩnh vực công nghiệp xây dựng, tiểu thủ công nghiệp; các nghề thuộc nhóm du lịch, dịch vụ đang được đầu tư phát triển. Quy mô đào tạo năm 2021 đạt 47.175 người; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển tương đối đầy đủ, cơ bản đảm bảo mỗi huyện có ít nhất một cơ sở GDNN đóng trên địa bàn (trừ Huyện Sông Lô), tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

 Tổng số nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là 1.942 người. Trong đó: Nhà giáo các trường cao đẳng 1.209  người, nhà giáo các trường trung cấp 52 người, nhà giáo các trung tâm GDNN 673 người và nhà giáo cơ sở khác 08 người; nhà giáo cơ sở công lập 1.349 người, nhà giáo cơ sở ngoài công lập 593 người. Chia theo trình độ chuyên môn: Trên đại học 702 người (36,15); đại học 728 người (37,49%); cao đẳng 235 người (12,10%); trung cấp 251 người (12,92%); trình độ khác 26 người (1,34%).

Giai đoạn 2011-2020, Sở Lao động - TB&XH chủ trì, phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề cho 362 cán bộ, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDNN trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 25,346 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ sở GDNN cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tại trường; hoặc tạo điều kiện cho giáo viên tự tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy, kỹ năng dạy học, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp cho đội ngũ giáo viên, người dạy nghề cho LĐNT.

Kết quả dạy nghề cho LĐNT: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, công tác đào tạo nghề giai đoạn 2011-2020, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo cho 249,783 người, trong đó: Trình độ cao đẳng 15,668 người; trình độ trung cấp 58,735 người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 157,38 người. Về kết quả hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT: Giai đoạn 2011-2020, đào tạo và hỗ trợ cho 9,519 lượt LĐNT tham gia học nghề, truyền nghề với tổng kinh phí hỗ trợ là 26,911 triệu đồng (Trong đó hỗ trợ trình sơ cấp và dưới 3 tháng: 5.439 lượt lao động với tổng kinh phí hỗ trợ là 11,059 triệu đồng; truyền nghề cho 4,080 lượt lao động, kinh phí hỗ trợ: 15,852,000 đồng).

Đối tượng hỗ trợ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, các đối tượng chính sách (lao động nữ, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất, người thuộc diện được hỗ trợ chính sách người có công với cách mạng) và LĐNT khác.

Sau đào tạo, 100% người học có việc làm và tự tạo việc làm hoặc tiếp tục các công việc sẵn có tại địa phương, trên 80% LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc tiêu bao sản phẩm; số còn lại tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc dạy nghề cho LĐNT góp phần áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân, dạy nghề cho LĐNT góp phần ổn định trật tự, an ninh, an toàn xã hội; gắn đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.

Nguồn lực thực hiện dạy nghề cho LĐNT: Tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2010-2020 là 428,731 triệu đồng (bốn trăm hai mươi tám tỷ, bảy trăm ba mươi mốt triệu đồng). Trong đó: Ngân sách Trung ương: 123,776 triệu đồng; Ngân sách tỉnh: 236,466 triệu đồng;

Chia theo nội dung hoạt động: Tuyên truyền, tư vấn học nghề, kiểm tra, giám sát: 1,497 triệu đồng. Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý: 25,346 triệu đồng. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo: 355,777 triệu đồng (kinh phí Trung ương 114,500 triệu đồng, kinh phí địa phương 241,277 triệu đồng). Hỗ trợ đào tạo cho LĐNT: 26,911 triệu đồng (trong đó, hỗ trợ sơ cấp và dưới 3 tháng cho LĐNT là 11,059 triệu đồng). Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã: 19,200 triệu đồng;

KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, PHÁT HUY KẾT QUẢ, TIẾP TỤC THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT; chưa quan tâm và đưa vào mục tiêu lãnh, chỉ đạo cụ thể trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Ban chỉ đạo cấp xã hoạt động đôi khi còn lúng túng, chưa sát sao, hiệu quả. Công tác tuyên truyền được chưa quan tâm, đẩy mạnh và tổ chức rộng rãi nhưng nội dung chưa sâu. Công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; công tác triển khai thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT ở một số địa phương còn chậm do kinh phí được giao chậm, các địa phương chưa chủ động xây dựng kế hoạch và phương thức tổ chức triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề nói chung...

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định một số phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, với một trong các nhiệm vụ trọng tâm là “Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”“Tập trung xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, giải phóng các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo nguyên tắc hiệu quả, bền vững. Trong đó, ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước” là khâu đột phá. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2025 đạt 82%, trong đó lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ đạt 40%.

Hai là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, xã hội, của cán bộ, công chức xã và mọi người dân về vai trò của đào tạo nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Ba là, tăng cường công tác thông tin, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng; đổi mới và tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; gắn công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình với việc tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Bốn là, rà soát các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với lao động chuyển đổi nghề nghiệp, chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động. Rà soát chính sách thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Chú trọng đầu tư tăng cường về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở đào tạo nghề cho LĐNT để đảm bảo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo...

Năm là, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho LĐNT. Ưu tiên hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho LĐNT để chuyển đổi nghề nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, lao động là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho LĐNT./.

Nguyễn Duyên

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất