Thông điệp – Thông điệp về dân tộc thiểu số
Thông điệp là một trong những yếu tố cơ bản trong quá trình truyền thông. Có nhiều định nghĩa về khái niệm thông điệp. Dương Xuân Sơn và cộng sự (2011) định nghĩa thông điệp là tin tức được thể hiện bằng tín hiệu, ký hiệu, mã số, bằng mực trên giấy, sóng trên không trung hoặc bằng bất cứ tín hiệu nào mà người ta có thể hiểu được và được trình bày ra một cách có ý nghĩa (Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang, 2011; tr12). Các nhà khoa học này nhấn mạnh đến hiệu quả truyền thông trong việc nguồn truyền và công chúng phải hiểu được nhau và cùng chia sẻ về cách hiểu trong thông điệp truyền thông.
Cùng quan điểm nhấn mạnh về sự thấu hiểu lẫn nhau giữa nguồn truyền và công chúng để đạt đến hiệu quả truyền thông nhưng Nguyễn Văn Dững và cộng sự nhấn mạnh hơn các nội hàm của khái niệm thông điệp hàm chứa cả tâm tư, tình cảm, tri thức: “Thông điệp là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận. Thông điệp chính là những tâm tư, tình cảm, mong muốn, đòi hỏi, ý kiến, hiểu biết, kinh nghiệm sống, tri thức khoa học – kỹ thuật… được mã hóa theo một hệ thống ký hiệu nào đó. Hệ thống này phải được cả bên phát và bên nhận cùng chấp nhận và có chung cách viết – tức là có khả năng giải mã. Tiếng nói, chữ viết, hệ thống biển báo, hình ảnh, cử chỉ biểu đạt của con người được sử dụng để chuyển tải thông điệp” (Nguyễn Văn Dững, Đỗ Thị Thu Hằng, 2012; tr.13).
Thông điệp về DTTS trên báo ấn phẩm báo chí nói chung, trong đó có báo in báo dành cho đồng bào DTTS của Lào Cai nói riêng đã giới thiệu tính đa dạng và phong phú về văn hóa các dân tộc đồng thời phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong đời sống mà các nhóm người DTTS đang phải đương đầu, góp phần thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi văn hóa, kinh tế, các mối quan hệ cộng đồng xã hội phát triển theo hướng tốt đẹp, bền vững.
Thực trạng thông điệp về dân tộc thiểu số trên Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc
Ngày 19/5/1994 ấn phẩm Báo ảnh Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp phép xuất bản đã chính thức ra mắt bạn đọc. Đây là sáng kiến của Báo Lào Cai nhằm đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền hướng về vùng đồng bào dân tộc thời kỳ mới tái lập tỉnh. Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc hiện nay có khuôn khổ 29cm x 42cm; 4 trang in màu, xuất bản 3 kỳ/tháng (phát hành ngày 5, 15, 25 hằng tháng). Từ năm 2020 đến tháng 6 năm 2022, Báo đã phát hành 87 số, trong đó, 6 tháng đầu năm 2022 đã phát hành 27 số.
Kết quả phân tích từ 87 số báo Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc trong thời gian khảo sát cho thấy có tổng số 914 tin, bài và 1.168 ảnh minh họa được đăng tải thuộc các nhóm chủ đề lớn về Thời sự - Chính trị, Kinh tế - xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Bảo vệ an ninh trật tự, Gương sáng. Trong đó, số lượng tin bài có nội dung về dân tộc thiểu số có 242 tin, bài (chiếm tỷ lệ 26,4% tổng số), trong đó có 132 tin, bài phản ánh trực tiếp về người dân tộc thiểu số là (chiếm tỷ lệ 54,5%) và 110 tin, bài phản ánh gián tiếp về người dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 45,4%). Với tỷ lệ tin bài như thế này có thể xem là chưa cao khi đây là tờ báo mà công chúng đích được xác định là dân tộc thiểu số tại Lào Cai.
Trong số 242 tin, bài đề cập tới dân tộc thiểu số thì có 139 tin, bài viết về chủ đề kinh tế - xã hội (chiếm tỷ lệ 57,4%). Thông điệp xuất hiện trong các tin, bài về lĩnh vực này tập trung khắc họa làm nổi bật hình ảnh người dân tộc thiểu số nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, kinh tế, mang một màu sắc tươi sáng, tràn đầy nghị lực, hướng đến những điều tốt đẹp về một cuộc sống ấm no, đủ đầy, hạnh phúc ở phía trước. Lĩnh vực văn hóa được đề cập với tỷ lệ cao thứ 2 với 43/242 tin, bài (chiếm tỷ lệ 17,7%). Nội dung cơ bản đề cập và khắc họa làm nổi bật vẻ đẹp trong các giá trị văn hóa truyền thống với các từ ngữ mô tả hấp dẫn, sinh động, mỹ miều.
Chuyên mục “Gương sáng bản làng” có 54 tin bài thì có 35/242 tin bài (chiếm tỷ lệ 14,4% tổng số bài viết) giới thiệu, ca ngợi điển hình tiên tiến tiêu biểu là người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực. Nổi bật là các mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp từ đó thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực, từng bước thoát nghèo, làm giàu. Đây là một chuyên mục riêng cho nên tin bài đều đặn. Các nhân vật được phản ánh, khai thác trong chuyên mục đề cập nhiều lĩnh vực, các cá nhân được đề cập cân đối về tuổi tác, giới tính.
Tỷ lệ tin bài đề cập đến lĩnh vực giáo dục là thấp với 18/242 tin, bài (chiếm tỷ lệ 7,4%). Nội dung các bài viết về lĩnh vực giáo dục chủ yếu đề cập sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, vượt qua điều kiện không thuận lợi của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục – đào tạo và bản thân những thầy cô giáo đang công tác, làm việc trong ngành giáo dục – đào tạo và học sinh các cấp học để đạt được những thành công, kết quả góp phần vào sự phát triển chung ở khu vực dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tin bài đề cập lĩnh vực thời sự - chính trị thấp với 9/242 tin bài (chiếm tỷ lệ 3,7%). Nội dung của các tin bài này cơ bản đề cập tới người dân tộc thiểu số trong không khí, tâm trạng vui tươi, hào hứng, phấn chấn, nhiệt tình, trách nhiệm trong tham gia các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương, đất nước.
Về ảnh sử dụng trong tin bài, kết quả khảo sát cho thấy trong 87 số báo phân tích có 1.168 ảnh trong các tin bài. Trong đó, 547 ảnh đề cập đến dân tộc thiểu số (chiếm 46.8%). Tính trung bình với 87 số báo thì mỗi số sẽ có hơn 13 ảnh trên tất cả các lĩnh vực (bao gồm cả ảnh về dân tộc thiểu số); nếu tính riêng ảnh về dân tộc thiểu số là hơn 6 ảnh; Nếu tính trung bình tách lượng ảnh về dân tộc thiểu số và ảnh khác thì trung bình các ảnh khác là hơn 7 ảnh/1 số. Đây là tờ báo ảnh cho nên tỷ lệ ảnh nhiều hơn. Nếu tin bài về dân tộc thiểu số là thấp hơn so với các tin bài khác thì ảnh về dân tộc thiểu số lại chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều.
Các lĩnh vực được đề cập trong ảnh về dân tộc thiểu số cũng có sự khác biệt đáng kể, trong đó, có 148/547 ảnh (chiếm tỷ lệ 27%) phản ánh trực tiếp về người dân tộc thiểu số, bao gồm ảnh chân dung người, nhóm người thuộc các dân tộc HMông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó (chiếm tỷ lệ 27%) tổng số ảnh; có 399/547 ảnh (chiếm tỷ lệ 72,9%) có chủ đề, nội dung liên quan trực tiếp đến khu vực dân tộc thiểu số như kiến trúc, lao động, sinh hoạt, văn hóa, cảnh quan, trang phục, học tập,... Thông điệp thông qua ảnh trong tin bài phản ánh đa dạng, phong phú, sinh động các hoạt động, lĩnh vực của người dân tộc thiểu số. Thông điệp hình ảnh người dân tộc thiểu số mang màu sắc tươi sáng, khỏe khoắn, tràn đầy nghị lực, trong đó, ảnh mang màu sắc nghệ thuật từ góc chụp, ánh sáng… ghi lại những khoảnh khắc đẹp của người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhất là những hình ảnh về chủ đề văn hóa, lao động, sản xuất, sinh hoạt.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy số lượng, tần suất và cơ cấu lĩnh vực tin, bài mang thông điệp trực tiếp về người dân tộc thiểu số còn thấp, chưa liên tục và chưa hợp lý. Số lượng ảnh trong các tin bài phản ánh về người dân tộc thiểu số ở một số số báo phát hành thấp. Ảnh phản ánh trực tiếp về người dân tộc thiểu số có 148 ảnh/87 số báo là thấp, tính trung bình mỗi số báo có 1,6 hình ảnh phản ánh trực tiếp về người dân tộc thiểu số. Tần suất ảnh về người dân tộc thiểu số cũng chưa liên tục và không đều đặn mỗi số báo mà bị giãn cách giữa một số kỳ phát hành.
Thống kê cho thấy, có 25 kỳ phát hành không có hình ảnh phản ảnh trực tiếp về người dân tộc thiểu số trên Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc. Cơ cấu, số lượng hình ảnh phản ánh về người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệnh, chưa cân đối giữa các dân tộc. Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ ảnh về dân tộc HMông là cao nhất, với 43,2% tổng số ảnh nhưng một số dân tộc thiểu số khác lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Tỷ lệ tin, bài, ảnh mang thông điệp phản ánh về khó khăn trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần cũng như tâm tư, nguyện vọng, ước muốn, gửi gắm của đồng bào đối với cấp ủy, chính quyền chiếm tỷ lệ thấp.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thông điệp về dân tộc thiểu số trên Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc
Trong bối cảnh đất nước và tỉnh Lào Cai tăng cường, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại,… theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là mục tiêu tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững manh về an ninh quốc phòng, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước thì yêu cầu việc đẩy mạnh nội dung, hình thức, biện pháp truyền thông thông điệp về người dân tộc thiểu số đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết.
Một là, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý. Tập trung đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, quản lý nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho Báo Lào Cai. Thống nhất nhận thức lấy yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu của độc giả làm trung tâm để quyết định phương hướng đổi mới. Xem Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc là một ấn phẩm báo chí đặc trưng, có sứ mệnh đặc biệt trong việc thúc đẩy và góp phần nâng cao sự phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Cùng với Báo Lào Cai thường kỳ, Báo Lào Cai cuối tuần, lấy Báo Lào Cai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số làm ấn phẩm nền tảng, báo điện tử làm mũi nhọn trong việc truyền thông thông điệp về người dân tộc thiểu số, kết hợp khai thác tối đa thế mạnh của mỗi loại hình báo chí, tránh chồng chéo về nội dung và lãng phí nguồn nhân lực. Tích cực tương tác với độc giả, thường xuyên nắm bắt ý kiến của độc giả về nội dung và hình thức ấn phẩm Báo Lào Cai dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nhu cầu, thói quen tiếp nhận thông tin của độc giả.
Hai là, coi trọng việc xây dựng chiến lược đổi mới quản lý thông điệp về người dân tộc thiểu số; xác định đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả, vị thế, uy tín của tờ báo. Thực hiện nghiêm túc việc chỉ đạo, quản lý các bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch, chiến lược quản lý thông điệp truyền thông về người dân tộc thiểu số theo hướng đổi mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó chú trọng đến yếu tố toàn diện, khách quan, trung thực. Bên cạnh chủ đề thông điệp mang tính tích cực thuộc các lĩnh vực chiếm tỷ lệ cao còn cần thiết truyền đi thông điệp, phản ánh những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng mang tính xây dựng về người dân tộc thiểu số, cùng với đó là các chủ đề quan trọng khác như việc cải tạo tập tục lạc hậu trong cưới, tang, lễ hội, tín ngưỡng theo hướng văn minh; vấn đề xây dựng nông thôn mới, vấn đề bảo vệ an ninh biên giới,… Kế hoạch và chiến lược truyền thông, quản lý thông điệp về người dân tộc thiểu số trên Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc cũng cần chú ý đến việc sắp xếp các bài viết có tính chất “đinh”, chuyên sâu về lĩnh vực hoặc chào mừng một sự kiện chính trị - văn hóa lớn của đất nước, của tỉnh để định hướng dự luận xã hội. Chú trọng tăng cường tuyến tin, bài, hình ảnh có tính chất tổng kết thực tiễn, thông điệp về các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giới thiệu, chia sẻ trên các chuyên mục trên Báo, nhất là chuyên mục “Gương sáng bản làng” và “Xây dựng nông thôn mới”.
Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, bộ máy. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển Báo Lào Cai. Ưu tiên điều chuyển, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp một số vị trí cán bộ quản lý, phóng viên trình độ, năng lực, kinh nghiệm viết về mảng dân tộc thiểu số, trong đó chú ý phóng viên là người dân tộc thiểu số từ đó làm tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch quản lý thông điệp về dân tộc thiểu số hiệu quả, chất lượng hơn. Cần tiếp tục nghiên cứu, hợp lý hóa các khâu, quy trình, bộ phận chuyên môn, phát huy đúng năng lực sở trường của từng phóng viên, biên tập viên, người lao động có thể đóng góp cho sự phát triển của tờ báo và phù hợp nhất với mô hình tòa soạn hội tụ cũng như chiến lược phát triển chung của Báo Lào Cai.
Bốn là, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cộng tác viên chuyên sâu. Chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên cập nhật, bổ sung khiến thức, kỹ năng làm báo về dân tộc thiểu số cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Khuyến khích, động viên, tạo điều kiện, môi trường, công việc thuận lợi để cán bộ, phóng viên, biên tập viên tự học, tự nghiên cứu, trải nghiệm phương pháp tiếp cận, khai thác chủ đề về dân tộc, miền núi qua đó phát triển kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm bổ ích cho công tác chuyên môn đang đảm nhận. Xây dựng cơ chế nhằm khuyến khích, động viên, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, phóng viên sáng tạo tác phẩm báo chí, nhất là tác phẩm báo chí chất lượng cao về chủ đề dân tộc thiểu số, coi đây là một thế mạnh để tham dự các giải báo chí do tỉnh và các ban, bộ, ngành Trung ương tổ chức. Nghiên cứu cơ chế đặt bài các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cây viết người dân tộc thiểu số đối với các chuyên mục quan trọng, chuyên mục mới, khó, nhạy cảm để tăng cường chất lượng bài viết về chủ đề người dân tộc thiểu số.
Năm là, phát huy tối ưu vai trò của Báo trong tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phát hành, hợp tác truyền thông, xây dựng cơ sở dữ liệu về dân tộc thiểu số. Bám sát đời sống thực tiễn, bảo đảm phương châm trong cung cấp thông tin: “nhanh - trúng - đúng – hay - toàn diện”. Đổi mới phương thức tiếp cận bạn đọc. Nghiên cứu đổi mới hình thức báo in, maket, dung lượng thông tin ngắn, gọn, đến gần hơn với xu thế đọc báo hiện nay của độc giả. Nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thực tế của việc sử dụng báo in, trong đó có ấn phẩm Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc để xây dựng kế hoạch phát hành phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tiết kiệm, phát huy hiệu quả công tác truyền thông, quản lý thông điệp về dân tộc thiểu số. Nghiên cứu phát hành bản PDF Báo Lào Cai dành cho đồng bào các dân tộc cùng với Báo Lào Cai thường kỳ và Lào Cai cuối tuần trên Báo điện tử nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền.
Phùng Nam Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai