Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 2/4/2012 19:4'(GMT+7)

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai

Trồng chuối mô đang giúp người dân huyện Bảo Thắng thoát nghèo.

Trồng chuối mô đang giúp người dân huyện Bảo Thắng thoát nghèo.

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang được triển khai tích cực. Các sở, ban, ngành đã chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh và trực tiếp thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng NTM theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay 100% xã (144 xã) đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý dự án xã và 100% thôn (1.675 thôn) đã thành lập Ban phát triển thôn. Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM được triển khai đúng tiến độ, 100% xã đã hoàn thành đồ án quy hoạch, được HĐND xã phê chuẩn và UBND các huyện, thành phố phê duyệt đúng quy định.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, Chương trình đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn như: làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trong khi trình độ sản xuất của bà con còn lạc hậu; quỹ đất của các xã còn hạn hẹp, hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém...

Đặc biệt, huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất bởi để xây dựng toàn bộ các xã đạt chuẩn nông thôn mới cần phải có nguồn lực lớn; theo tính toán của cơ quan chuyên ngành, Lào Cai cần phải có khoản kinh phí đầu tư trên 25.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho giai đoạn 2011-2015 là 9.000 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chiếm trên 30%, còn lại 70% là các nguồn vốn khác như một phần vốn vay tín dung và phần lớn từ nguồn xã hội hóa, trong đó có vài trò rất quan trọng của các doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp dưới mọi hình thức.

Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, hiện nay số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 doanh nghiệp và chi nhánh (số doanh nghiệp được quản lý mã số thuế). Năm 2011, số tiền thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng. Có thể khẳng định đây là lực lượng rất hùng hậu đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp vừa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đóng góp đáng kể cho các chương trình phát triển của tỉnh như chương trình 135, chương trình 30a với số kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trực tiếp tham gia lĩnh vực sản xuất kinh doanh về nông nghiệp đã tạo công ăn việc làm, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho nông dân… Đặc biệt, năm 2011, nhằm chung sức xây dựng nông thôn mới, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, ủng hộ 35 tỷ đồng để xây dựng NTM.

Chương trình xây dựng NTM đòi hòi phải có nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, do đó rất cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Hơn nữa, điều kiện sản xuất và đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn Lào Cai còn rất nhiều khó khăn, rủi ro; sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của dịch hại, thiên tai … Để giúp cho nông thôn phát triển và đời sống nông dân không ngừng nâng cao thì cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của doanh nghiệp.

Xuất phát từ thực tế trên cho thấy: để doanh nghiệp trên địa bàn tích cực phát huy vai trò hơn nữa trong xây dựng NTM, việc làm cấp thiết hiện nay là địa phương cần vận động các doanh nghiệp có tiềm lực đề nghị giúp trực tiếp một hoặc một số công trình xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới; trước mắt trong giai đoạn 2012-2015 tập trung thực hiện ở 35 xã đã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM.

Hơn nữa, các cấp chính quyền cần tích cực vận động các doanh nghiệp đang tổ chức, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đóng góp kinh phí, vật liệu xây dựng để địa phương có thêm nguồn lực phân bổ giúp đỡ các xã xây dựng NTM. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông–lâm-nghiệp; hợp tác với nông dân tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm như sản xuất kinh doanh lúa hàng hóa chất lượng cao, các loại cây công nghiệp; liên kết trồng rừng kinh tế để có nguyên liệu cho sản xuất lâm sản…

Xây dựng nông thôn mới là chiến lược dài hạn và là chương trình tổng hợp về tất cả các mặt kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội mà chủ thể là người dân.Đặc biệt, đây là chương trình được thực hiện trên cơ sở có sự đầu tư của Nhà nước và sự phát huy nội lực của địa phương. Vì vậy địa phương phải biết huy động mọi nguồn lực, trong đó có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo thành công./.

Bài, ảnh: Nguyên Sa (Lào Cai)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất