Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 25/4/2010 10:41'(GMT+7)

Cầu Hàm Luông thúc đẩy Bến Tre phát triển cùng cả nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị đại biểu cắt băng khánh thành cầu Hàm Luông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các vị đại biểu cắt băng khánh thành cầu Hàm Luông.

Chiều 24/4, tại Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã dự Lễ cắt băng khánh thành, chính thức đưa Cầu Hàm Luông trên sông Hàm Luông vào hoạt động.

Cầu Hàm Luông nối quốc lộ 60 đi Trà Vinh, Sóc Trăng được xây dựng theo tiêu chuẩn vĩnh cửu bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực với tổng chiều dài khoảng 8,2 km, trong đó cầu chính dài 1.280m, đường dẫn hai đầu cầu 6.486m, cách phà Hàm Luông hiện hữu khoảng 2,3 km về phía thượng lưu.

Cây cầu có nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng với khẩu độ rộng 150 m lớn nhất Việt Nam (cầu Hàm Rồng lớn thứ hai với khẩu độ 130 m), khổ cầu rộng 16m, tĩnh không thông thuyền cao 20,5m cùng với quốc lộ 60 nối liền hai bờ cù lao Bảo và cù lao Minh (đây là 2 trong số 3 cù lao lớn hợp thành tỉnh Bến Tre).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho CBNV cụm phà Hậu Giang.

Cầu được khởi công ngày 1/4/2007 với tổng kinh phí hơn 786 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Cùng với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đã rút ngắn được tuyến đường bộ từ TP Hồ Chí Minh đến tỉnh Trà Vinh và vùng duyên hải đồng bằng sông Cửu Long khoảng 70km, giúp cho các huyện dừa xanh là Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Chợ Lách ( với hơn 600.000 dân) của tỉnh Bến Tre thoát khỏi thế ốc đảo.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tham gia thiết kế xây dựng cầu. Thủ tướng cho rằng việc khánh thành cầu Hàm Luông vào đúng dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có ý nghĩa thiết thực, góp phần  tạo điều kiện và diện mạo mới để Bến Tre và các tỉnh lân cận vươn lên hòa nhịp cùng với sự phát triển chung của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu trên chuyến phà Hậu Giang trước khi cụm phà Hậu Giang hoàn thành "sứ mạng lịch sử".

* Chiều cùng ngày, trên đường công tác từ Bến Tre về TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi qua phà sông Hậu. Đây là một trong những chuyến phà cuối cùng qua sông Hậu,  kết thúc vai trò lịch sử gần 100 năm qua của cụm phà Hậu Giang.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu, cống hiến của các thế hệ tài công, thủy thủ, lãnh đạo, cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ của cụm phà Hậu Giang, nhất là đảm bảo giao thông thông suốt  trong nhiều thập kỷ qua.

Thủ tướng mong muốn cán bộ, kỹ sư cụm phà Hậu Giang (nay là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ) không chỉ tiếp quản, sử dụng và duy tu tốt cầu Cần Thơ mà còn tích cực tham gia phát triển các công trình giao thông mới tại khu vực.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ, công nhân viên cụm phà Hậu Giang vì những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng trao Bằng chứng nhận "Cầu Hàm Luông là công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".

Trong dịp khánh thành cầu Hàm Luông, UBND TP Hà Nội đã trao Bằng chứng nhận "Cầu Hàm Luông là công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất