Nhằm đánh giá thực trạng hoạt động kinh tế tập thể, đồng thời thảo luận để đưa ra những giải pháp cho phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, ngày 29/8, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.”
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là nhu cầu bức thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp-nông thôn, tạo điều kiện dễ dàng trong ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nên đây trở thành 1 trong 10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giúp phát triển sản xuất và phân phối sản phẩm.
Trên địa bàn 56 xã nông thôn mới của thành phố có 65 hợp tác xã, trong đó có 40 hợp tác xã nông nghiệp và 25 hợp tác xã phi nông nghiệp. Qua khảo sát thực tế, các hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, hoạt động hiệu quả thấp, chính sách hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, đến nay có 14 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (chiếm 35%), 12 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả (30%) và 4 hợp tác xã đang thực hiện thủ tục giải thể (10%) và còn 10 hợp tác xã chưa đánh giá do mới thành lập, chưa đi vào hoạt động. Ngành nghề hoạt động của 40 hợp tác xã nông nghiệp rất đa dạng với 9 ngành nghề như sản xuất, kinh doanh rau an toàn, nấm, hoa, cây cảnh, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp...
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố, trên địa bàn 56 xã xây dựng nông thôn mới có 102 tổ hợp tác với 1.543 tổ viên (bình quân 15 tổ viên/tổ hợp tác). Các tổ hợp tác được thành lập và hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của tổ viên, khắc phục được một số yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội, tham gia vào chương trình nông thôn mới tại địa phương...
Mặc dù bước đầu các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng trong quá trình hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác gặp khá nhiều khó khăn do nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, sự cần thiết về phát triển kinh tế tập thể; khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, trong đó số vốn góp không đủ cho nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.
Thêm vào đó, hợp tác xã đã được giao đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất nên không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng; trình độ của cán bộ quản lý chưa cao, năng lực nắm bắt thông tin, khả năng dự báo thị trường, sự linh hoạt đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đặc biệt, những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm đang là vấn đề lớn đối với các hợp tác xã và tổ hợp tác do chưa có sự gắn kết giữa tổ chức sản xuất với tiêu thụ sản phẩm...
Trước khó khăn đặt ra, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố cho rằng nếu hợp tác xã, tổ hợp tác không thể tự mình giải quyết thì chính quyền các cấp liên quan cần tháo gỡ để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tập thể. Mục tiêu của thành phố là đẩy mạnh, củng cố phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới; đồng thời vận động các hộ nông dân liên kết hình thành các mô hình kinh tế tập thể tại các xã xây dựng nông thôn mới chưa có hợp tác xã, tổ hợp tác.
Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Đua cho biết thành phố sẽ phát triển mới các hợp tác xã theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và không bị giới hạn phạm vi hành chính; gắn kết sản xuất-chế biến với tiêu thụ; ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm nông sản và tạo sức cạnh tranh trên thị trường...
Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết để kinh tế tập thể ở các xã nông thôn mới phát triển tốt, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn của các hợp tác xã, tổ hợp tác. Các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ được hỗ trợ để tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi về lãi suất phục vụ đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, điều hành hợp tác xã nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và xã viên; nhân rộng, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.
Riêng khó khăn về đất đai, thành phố sẽ hỗ trợ cho các hợp tác xã có nhu cầu sử dụng đất và có phương án sử dụng đất khả thi để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh./.
Liên Phương (TTXVN)