Thúc đẩy văn hóa trong phát triển vừa cần thiết để giải quyết những thách thức hiện hữu ở Việt Nam vừa đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của cộng đồng.
Chiều 5/3, tại Hà Nội, tổ chức Quốc tế về Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.
Phát biểu trước khi diễn ra cuộc tọa đàm, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, nhấn mạnh: “Mối quan hệ đối tác đa ngành, đặc biệt là quan hệ với các đối tác tư nhân để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc bảo tồn văn hóa là rất quan trọng. Điều này không chỉ là sự lựa chọn mà là sự hợp tác cần thiết phải có. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của giới truyền thông trong việc thúc đẩy sự chung tay của công chúng, các tổ chức tư nhân cùng chúng tôi hỗ trợ Việt Nam cũng như là một mạng lưới đối tác trên toàn thế giới”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng: Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa chính là sự góp sức, chung tay của các đơn vị quản lý nhà nước, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Việc thúc đẩy văn hóa trong công cuộc phát triển không chỉ là yếu tố cần thiết để giải quyết những thách thức hiện hữu ở Việt Nam, mà còn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của cộng đồng. Đồng thời, cần có sự nghiên cứu và định hướng chỉ đạo cũng như kinh nghiệm quốc tế của UNESCO để tham khảo và áp dụng cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Dù ở các nước phát triển nhất, việc xây dựng thói quen hợp tác giữa các nhà hảo tâm với các cơ quan văn hóa là vấn đề sống còn. Chúng ta không thể nhìn và chỉ có dựa vào các nguồn tài trợ từ nước ngoài mà còn ở phía các nhà hảo tâm của Việt Nam. Bởi sự phát triển của Việt Nam đến giai đoạn này- chúng ta đã vượt qua ngưỡng nghèo và chúng ta phải bằng nội lực của mình để tham gia vào các hoạt động phát triển văn hóa”./.
(Theo: VOV)