Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 1/3/2012 21:44'(GMT+7)

Ấn tượng khảo cổ học Việt Nam

GS.TS. Peter Bellwood, Đại học Quốc gia Australia trình bày tham luận về "vị trí của Việt Nam trong tiền sử Đông Á-Một hướng tiếp cận đa ngành từ đá cũ sang đá mới"

GS.TS. Peter Bellwood, Đại học Quốc gia Australia trình bày tham luận về "vị trí của Việt Nam trong tiền sử Đông Á-Một hướng tiếp cận đa ngành từ đá cũ sang đá mới"

Vị tiến sĩ người Đức này cho biết, ông và một số đồng nghiệp đã có cơ hội tiếp cận một số địa điểm được khai quật ở Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long và Thành nhà Hồ. Những chuyến đi “thực tế” này để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với những người bạn đến từ trời Âu.

Là một nhà khoa học, Leneen nghĩ rằng, những di chỉ khảo cổ này không chỉ có ý nghĩa cho việc nghiên cứu mà còn là địa chỉ thú vị sẽ hấp dẫn khách du lịch Đức-những người đam mê khám phá các di tích lịch sử, đặc biệt là di chỉ khảo cổ học.

TS. Stefan Leneen là một trong những nhà khoa học quốc tế đang tham dự Hội thảo quốc tế “Khảo cổ học Việt Nam” do Viện Ghớt, Hà Nội đăng cai khai mạc sáng 29-2. Hội thảo, do Nhóm đối tác Đức phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản Văn hóa và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức, thu hút 22 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Diễn ra trong 3 ngày, Hội thảo này có thể coi là “bước đệm” cho tiến trình thực hiện dự án trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" ở Đức trong thời gian hai năm, 2014-2015.

Nói về ý nghĩa của Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hữu Toàn cho biết, khảo cổ học Việt Nam là ngành khoa học non trẻ, nhưng qua những bước trưởng thành của mình, khảo cổ học Việt Nam đã góp phần rất tích cực vào việc nghiên cứu, làm sáng tỏ lịch sử văn hóa dân tộc trong suốt dọc dài lịch sử.

Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa Nguyễn Hữu Toàn: "Khi kinh tế-xã hội phát triển, chúng ta sẽ có điều kiện đầu tư trang thiết bị khoa học kỹ thuật cho ngành khảo cổ học phát triển hơn, xứng tầm với uy tín và vai trò của nó trong khoa học xã hội Việt Nam"

“Đối với các bạn Đức, những hiểu biết về văn hóa, lịch sử Việt Nam nói chung, khảo cổ học Việt Nam nói riêng vẫn còn hạn chế. Cho nên, để tiến tới cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”, hội thảo khoa học này nhằm giúp chúng ta và các bạn Đức chia sẻ những hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của khảo cổ học Việt Nam cũng như những thành tựu của khảo cổ học Việt Nam đối với việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở hiểu biết đó, chúng ta sẽ tổ chức được cuộc trưng bày thành công. Thông qua đó, chúng ta giới thiệu được thành tựu của khảo cổ học Việt Nam cũng như lịch sử-văn hóa Việt Nam tới không chỉ người dân Đức mà bạn bè quốc tế”, ông Toàn nhấn mạnh.

Trong ngày đầu, Hội thảo đã nghe những tham luận về “Lịch sử nghiên cứu của khảo cổ học Việt Nam”, “Vị trí của Việt Nam trong tiền sử Đông Á-Một hướng tiếp cận đa ngành từ Đá cũ sang Đá mới”, “Các nhà nước sơ khai ở miền Bắc Việt Nam”, “Khảo sát chung về văn hóa Đông Sơn và sự tác động của nó tới các vùng lân cận” và “Cổ Loa: Công trình phòng thủ và kinh đô sớm nhất”.

Bất cứ chi tiết nào về khảo cổ học Việt Nam cũng đều được các nhà khoa học quốc tế quan tâm. Nhiều câu hỏi được đặt ra như trống đồng Đông Sơn được khai quật ở di chỉ nào và khuôn đúc nào được tìm thấy khẳng định trống đồng Đông Sơn là một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. Những câu trả lời đã phần nào giải đáp được những thắc mắc của các bạn quốc tế và ngay cả những người yêu khảo cổ học Việt Nam.

Ngoài lời giới thiệu khá chi tiết, những người tham dự Hội thảo còn được tiếp cận với rất nhiều hiện vật khảo cổ có giá trị văn hóa-lịch sử bằng hình ảnh sống động cũng như biết thêm nhiều di chỉ khảo cổ đã được khảo sát và khai quật những năm qua như di tích Dương Xá (Hà Nội), Làng Cả (Phú Thọ), Đại Trạch (Ninh Bình), Đồng Mỏm (Nghệ An)… thêm phần khẳng định văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ một cuộc hội thảo (diễn ra trong thời gian không dài-3 ngày với 22 tham luận), những người yêu khảo cổ mới chỉ có thể có cái nhìn tổng quan về khảo cổ học Việt Nam từ thời đại đồ đá đến thời cận đại. Đấy cũng chính là mục tiêu của cuộc Hội thảo này. Để có cái nhìn chi tiết hơn về khảo cổ học Việt Nam giúp cuộc trưng bày sẽ diễn ra sau hai năm nữa thành công nhất định, cần nhiều hơn nữa những cuộc hội thảo như thế này để không chỉ bạn bè quốc tế mà ngay cả người dân trong nước cũng hiểu hơn về nền khảo cổ học Việt Nam.


“Tiềm năng của khảo cổ học Việt Nam, tôi cho là rất lớn bởi vì Việt Nam có rất nhiều di tích và đội ngũ khảo cổ học của các bạn cũng đã trưởng thành. Chính vì tiềm năng đó, chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ có sự phối hợp nghiên cứu, trưng bày dài hơi hơn. Chúng tôi cũng hy vọng làm sao khai thác được những nghiên cứu của các bạn về khảo cổ học.

Cho đến thời điểm này, chúng tôi không gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện dự án bởi chúng tôi gặp những đối tác Việt Nam rất ủng hộ cho chương trình và sẵn sàng cùng nhau phối hợp. Tôi hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ làm tốt chương trình này.”

TS. Stefan Leneen

(Theo: Mai Hương/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất