Tối 29/2, tỉnh Ninh Bình tổ chức công diễn báo cáo giai đoạn 1 của đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm truyền thống."
Hàng chục nam, nữ diễn viên đến từ Nhà hát Chèo Ninh Bình, các nghệ sỹ của Thủ đô Hà Nội và nghệ nhân cao tuổi của huyện Yên Mô đã trình diễn hơn 10 điệu hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, ông Trần Hữu Bình, hát Xẩm (hay còn gọi là hát rong) là một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cổ truyền của dân tộc, vừa bình dân, vừa chuyên nghiệp, vừa độc đáo lại quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam.
Hát Xẩm có nguồn gốc từ lâu đời, là một trong những món ăn tinh thần của người dân Việt Nam. Ninh Bình là nơi phát tích của nghệ thuật chèo và cũng là vùng đất có những nghệ nhân tiêu biểu nhất của dân tộc đang lưu giữ loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Vì thế, có cơ sở để khẳng định Ninh Bình là một trong những “cái nôi” của loại hình nghệ thuật hát Xẩm cổ truyền.
Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, loại hình nghệ thuật hát Xẩm đang có nguy cơ bị thất truyền. Một trong những nguyên nhân chính là các nghệ nhân hát Xẩm ngày một vắng bóng. Hiện tại, chỉ có nghệ nhân-nghệ sỹ ưu tú Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô là còn có thể tự sáng tác, tự trình diễn nhạc cụ và biểu diễn một cách nhuần nhuyễn, mang lại cái hồn cho loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nhưng cụ Hà Thị Cầu hiện đã rất yếu, khả năng nhớ và hát các làn điệu Xẩm cũng dần mai một.
Cuối năm 2011, tỉnh Ninh Bình bắt đầu thực hiện đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm truyền thống" với mục tiêu sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền. Để thực hiện đề án, tỉnh đã mời các nghệ nhân, nghệ sỹ ưu tú ở trung ương và địa phương biên soạn chương trình, mời nghệ nhân-nghệ sỹ ưu tú Hà Thị Cầu trực tiếp hướng dẫn./.
Minh Yến (TTXVN)