Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 2/3/2012 10:0'(GMT+7)

Ngọt ngào khúc hát Soong hao

Chuẩn bị thi hát.

Chuẩn bị thi hát.

Khi những màn sương còn chưa tan trên khóm mía, luống rau thì từ các nẻo đường, đồng bào thuộc các xã Hộ Đáp, Cấm Sơn, Xa Lý, Phong Vân, Phong Minh, Tân Sơn (Lục Ngạn), Đồng Mỏ, Chi Lăng, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) trong những bộ trang phục chàm truyền thống lại rủ nhau “xuống núi” dự hội hát Soong hao tại chợ phiên Tân Sơn (mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào ngày này). Từ người già tóc bạc đến những em bé còn say giấc ngủ trên lưng mẹ cũng về hội góp vui, đi chợ với đồng bào cũng chính là đi hội. Đến chợ không chỉ để trao đổi mua bán mà còn giao lưu, gặp gỡ và uống rượu; nam thanh, nữ tú trưng diện những bộ trang phục đẹp nhất cùng khoe sắc, đua tài, tỏ tình và trao gửi lời yêu thương, hát giao duyên qua những điệu Soong hao mộc mạc, trữ tình. Năm nay dù thời tiết mưa rét nhưng từ tối 11 tháng Giêng khu trung tâm hội hát đã kín người. Trên sân khấu các cặp hát hứng khởi trổ tài, phía dưới khán giả hào hứng vỗ tay, khu vực bên ngoài dành để thi đấu các môn thể thao và trò chơi dân tộc như kéo co, đập niêu, đẩy gậy… Hấp dẫn hơn cả là phần trình diễn trang phục dân tộc của các người đẹp miền sơn cước tạo cho không khí ngày hội thêm sôi nổi.

Bà Vi Thị Hằng, dân tộc Nùng, thôn Khuôn Cho (Tân Sơn) kể: Từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ dạy hát Soong hao và hiện bà đang tích cực truyền lại cho con cháu. Cũng theo bà Hằng, hát Soong hao có nhiều loại, gồm hát giao duyên ở các phiên chợ, ngày hội; hát trong nhà, vào bản, Soong hao mây, trăng, sao, núi, truyền, trong đám cưới... Tuy nhiên ngày nay chỉ còn Soong hao giao duyên, nói rồi bà nhẩm theo những lời ca thiết tha đó mà bà đã hát suốt thời thanh xuân “Pê hạc pén ma cà nả sở; Kín càng say toong bô mi hơ?" Nghĩa là: "Tôi gặp được bạn trong phiên chợ này, hỏi xem bạn đã có người yêu chưa?"…

Ông Lê Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Lục Ngạn cho biết: Soong hao là lối hát độc đáo của người Nùng. Trước đây đồng bào hát Soong hao quanh năm, đặc biệt vào mùa xuân, trai gái thường rủ nhau ra chợ hát giao duyên, qua những canh hát kéo dài, nếu hai người thấy “kết nhau” thì dắt tay nhau đi chơi. Cuộc hát kéo dài đến lúc xế chiều, họ hát say sưa trên các ngả đường đi về bản, rồi từng đôi trai gái tìm nơi vắng vẻ trò chuyện tâm tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng sau những cuộc hát ấy… Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang có nguy cơ bị chìm vào quên lãng bởi số lượng người biết hát đã giảm, đặc biệt là lớp trẻ biết hát không nhiều. Từ năm 1996 đến nay, Lục Ngạn đã tích cực duy trì, tổ chức các buổi truyền dạy, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo người dân tham dự, qua đó làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào và thiết thực gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bàn./.

(Theo: Kim Sa/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất