Chủ Nhật, 29/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 11/6/2009 17:56'(GMT+7)

Phát triển báo chí thành những tổ hợp truyền thông

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, việc thứ nhất mà công tác quản lý báo chí thực hiện là phải làm tốt công tác quy hoạch. Chúng ta vướng nhất là quy hoạch. Với báo chí, phải làm tốt ba quy hoạch: Một là quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh - truyền hình đã được Chính phủ phê duyệt. Tiến tới sau khi luật Viễn thông, luật Tần số vô tuyến điện được phê duyệt, chúng ta phải xã hội hoá quyết liệt nhất là xã hội hoá hạ tầng.

Việc quan trọng thứ hai là Quy hoạch báo in theo hướng xây dựng các tập đoàn, các tổ hợp báo chí chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá cao hơn. Bộ trưởng phân tích, hiện có tới 40% thông tin trên các báo in của chúng ta bị trùng lặp. Điều này sẽ gây lãng phí không nhỏ thời gian của người đọc. Bản thân các toà soạn cũng bị lãng phí giấy in, mực in…

Việc thứ ba là quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt, trước hết là tổng biên tập. Phải quan tâm trước nhất là đào tạo quản lý: Quản lý con người, quản lý nội dung và quản lý kỹ thuật để hiện đại hoá ngành. Tiếp sau đó là quản lý tài chính.

Việc cần làm tiếp sau công tác quy hoạch là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về quản lý. Về Luật, đã hoàn thiện trình Quốc hội thông qua 2 luật: Luật Tiếp cận thông tin và Luật Báo chí sửa đổi sẽ trình vào năm 2010. Hai luật này là hai chân của một chuyên ngành.

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, Báo chí Việt Nam trong thời gian qua phát triển rất nhanh cả về loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung, hình thức, cả về đội ngũ, và tính chuyên nghiệp của những người làm báo. Đó là một sự phát triển toàn diện. Bạn bè thế giới cũng đánh giá như vậy. Hiện nay chúng ta có đủ các loại hình báo chí: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, phát triển ngang tầm thế giới.

Chính vì báo chí phát triển mà mọi người dân “ngồi một chỗ” không chỉ nắm vững tình hình đất nước mà còn biết tất cả, vừa bề rộng, vừa chiều sâu. Nhờ báo chí, mọi định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đến với người dân rất nhanh. Ngược lại, những kiến nghị của người dân đến với các cơ quan Nhà nước thuận lợi hơn.

“Nhờ có báo chí mà chính sách kích cầu vừa qua chỉ sau 1 tháng là đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Nếu chờ đến hệ thống chính quyền 4 cấp thì sẽ còn mất rất nhiều thời gian. Như vậy, muốn thành công phải đổi mới nhận thức. Muốn đổi mới nhận thức phải có thông tin. Muốn có thông tin phải có báo chí” - Bộ trưởng đánh giá.

Tuy nhiên, điểm tồn tại mà những người làm quản lý báo chí băn khoăn nhất là báo chí đưa thông tin không chính xác, không trung thực, do nhận thức, do tầm nhìn và cả do những suy diễn, chụp mũ, áp đặt thiếu thiện chí.

Để có thể làm tốt hơn nữa, khẳng định tên tuổi báo chí Việt Nam, chúng ta phải xây dựng mô hình báo chí chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá. Xây dựng theo tổ hợp thông tin truyền thông đa phương tiện. Tiến hành hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ. Đào tạo nhưng phải có bồi dưỡng chuyên đề, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ.

Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về báo chí khẳng định, khối lượng công việc lớn, song chắc chắn, với những nỗ lực và quyết tâm, Báo chí Việt Nam sẽ thực sự có bước chuyển mình và phát triển trong giai đoạn mới.

“Công tác quản lý báo chí Việt Nam vẫn còn đang đi sau thực tiễn, thậm chí có lúc chới với trước thực tiễn. Điều này đòi hỏi công tác quản lý phải vươn lên, chủ động hơn, quản lý phải vì sự phát triển…” - những tâm huyết này đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp chia sẻ tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về báo chí năm 2007 - 2008 và triển khai nhiệm vụ 2009 - 2010, tổ chức ở Đà Nẵng cuối tuần qua.

Bộ trưởng đặc biệt chú ý vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Những người làm quản lý nhà nước về báo chí chưa làm trọn trách nhiệm quản lý báo chí. Trong tất cả những tồn tại, nhược điểm của báo chí, có một phần trách nhiệm của người quản lý báo chí. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Bộ trưởng nhận trách nhiệm này.


Vnmedia.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất