Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 21/5/2012 11:9'(GMT+7)

Phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam: Phát huy hiệu quả mô hình tổ khai thác hải sản

Tổ đoàn kết giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.

Tổ đoàn kết giúp ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác hải sản.

Tổ khai thác hải sản (KTHS) được thành lập từ 3 tàu cá trở lên, theo nguyên tắc tự nguyện, hoạt động theo quy ước tổ chức hoạt động của tổ, do các thành viên trong tổ cùng thống nhất xây dựng và được UBND phường xác nhận. Các tổ KTHS của Đà Nẵng hiện nay được hình thành trên cả 3 vùng biển là vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ, trong đó vùng khơi có số tổ đội nhiều nhất, gồm 42 tổ .

Trong những năm qua, mô hình tổ KTHS đã tạo được sức mạnh đoàn kết tập thể trong đánh bắt hải sản, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần đảm bảo an toàn về người và tàu cá khi đi hoạt động khai thác. Đồng thời, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên biển , khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Tiền, trú tại tổ 25, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, tổ KTHS của ông có 3 tàu cá, hành nghề câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa. Theo ông Tiền, mô hình tổ KTHS chính là tạo cho ngư dân tâm lý yên tâm khi vươn khơi xa và bám biển dài ngày (mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 70 ngày), tạo sự chia sẻ ngư trường khai thác giữa các tàu cá trong tổ và sự hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn trên biển.

Nhằm xây dựng hệ thống thông tin liên lạc thông suốt giữa các tàu cá với nhau và giữa tàu với đất liền, Chi cục Thuỷ sản cũng đã phối hợp với Ban chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố vận động các tổ KTHS thành lập thêm tổ thông tin liên lạc (TTLL). Thành viên tổ TTLL là thuyền trưởng của các tàu trong tổ KTHS. Tổ TTLL chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của các tàu thành viên trong tổ khi đi khai thác và báo cáo tình hình hoạt động cho các cơ quan chức năng khi có yêu cầu....Nhờ đó, các tàu đã chủ động hơn trong việc phòng tránh khi có bão và áp thấp nhiệt đới; tham gia tích cực trong công tác tìm kiếm cứu nạn.

Các tổ KTHS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn xây dựng được nguồn quỹ chung của tổ. Nguồn quỹ này được sử dụng trong việc giúp đỡ các thành viên trong tổ mua máy thông tin liên lạc ICOM, mua thêm ngư cụ để đi biển, sửa chữa nâng cấp tàu, thăm hỏi nhau lúc đau ốm, hỗ trợ kinh phí chi các tàu tham gia cứu hộ, tàu bị nạn…Đồng thời, các tổ KTHS đã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền giữa các thành viên trong tổ về việc nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật. Tại phường Mân Thái và Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà, các tổ KTHS ven bờ ở đây còn tích cực tham gia công tác bảo vệ các rạn san hô và hệ sinh thái khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà.

Để nhân rộng và phát triển các tổ KTHS, trong thời gian qua chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho ngư dân như hỗ trợ gần 100 bộ ICOM M710, các bình chữa cháy, áo phao, các bộ hải đồ; mua bảo hiểm cho ngư dân. Các tổ xây dựng các mô hình khuyến ngư về KTHS có hiệu quả kinh tế như mô hình nghề câu vàng, lưới rê chim, rê hỗn hợp, lưới vây ngày và hỗ trợ bảo quản sản phẩm trên tàu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã phối hợp với trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang tổ chức đào tạo và cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng cho hơn 800 người với kinh phí hơn 600 triệu đồng từ nguồn ngân sách thành phố...

Ông Hồ Phó, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục phát triển các tổ đội KTHS ở cả 3 tuyến (xa bờ, lộng và ven bờ), trong đó ưu tiên phát triển các tổ khai thác xa bờ. Đồng thời, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình tổ đội theo hướng kết hợp giữa khai thác, dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm. Trong tháng 6/2012, Sở sẽ thành lập thêm mô hình tổ dịch vụ hậu cần trên biển đầu tiên của thành phố./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất