Thứ Năm, 28/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 19/5/2012 18:31'(GMT+7)

Cơn sốt gỗ sưa và ma lực tâm linh

Kiểm lâm bắt giữ một vụ chặt trộm gỗ sưa. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Kiểm lâm bắt giữ một vụ chặt trộm gỗ sưa. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Dù về chất lượng gỗ và độ đẹp gỗ sưa còn thua kém nhiều loại cây khác, nhưng chẳng ai giải thích được, vì sao giá loại gỗ này lại cao đến mức khó tin.

Cây Sưa hay còn gọi là cây Huê đang được đồn bán với giá trị lên tới cả chục triệu đồng/kg, điều này đã và đang khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để đi săn lùng từ đồng bằng tới rừng xanh.

Thực hư giá trị gỗ sưa “đắt như vàng” không biết đến đâu, nhưng có một thực tế đáng buồn là người dân ở nhiều nơi đang đổ xô đi săn lùng loại cây này. Cao trào của thực tế này là vụ chặt trộm 3 cây sưa tiền tỷ tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hồi cuối tháng 4 vừa qua.

Tuy nhiên một điều rất khó lý giải là trong khi các nhà khoa học ở Việt Nam vẫn một mực khẳng định rằng: sưa chỉ là loại cây gỗ nhóm 2 và thường chỉ dùng làm bàn ghế, lọ lục bình hoặc kèo cột trong nhà. Và việc loại gỗ này được “thổi” giá ngất trời là một điều khó lý giải.

Nhiều nhà khoa học nghiên cứu lâu năm về cây lâm nghiệp đánh giá: về mặt chịu lực, gỗ sưa không bằng cây gỗ nhóm 1 như lim, gụ…, về độ đẹp thì gỗ sưa vẫn đứng sau gỗ trắc.

Theo chân một tay chơi có tiếng ở Đồng Kỵ - Bắc Ninh, chúng tôi được “mục sở thị” số đồ dùng toàn bằng sưa của người đàn ông này. Vừa chỉ vào số bàn ghế bằng sưa, ông T cho biết: “Số bàn ghế này đã có thâm niên hàng trăm năm, tôi đã phải lặn lội vào tận miền trung để thuyết phục chủ nhân bán nó cho tôi với giá… 20 tỉ đồng”. Tuy nhiên khi phóng viên mang máy ảnh ra chụp ông T từ chối thẳng thừng: “Chỉ xem thôi, không được chụp”.

Dẫn theo lời ông T, ông cho biết: “Khi đã bỏ ra tới 20 tỉ đồng để rước số vật dụng này về thì tôi phải tìm hiểu cặn kẽ chứ…. Vốn nó là tài sản của một gia đình có dòng dõi hoàng tộc triều nhà Nguyễn, những năm phân chia lại tài sản ruộng đất, gia đình này lo sẽ bị tịch thu nên đã cho vét bùn và vùi xuống ao. Phải đến hơn 10 năm sau mới dám mang lên để dùng. Nhưng điều lạ lùng là từ khi mang từ dưới ao lên để sử dụng, bàn ghế vẫn không có mùi hôi thối, mà ngược lại rất thơm".

Từ khi dùng cho tới khi bán lại cho tôi họ cũng không dùng véc – ni hay chất bảo quản gỗ nào để tăng độ bóng cho nó. Thế nhưng như anh thấy đấy… dù không sơn bóng nhưng vân gỗ vẫn rất đẹp…. Tôi không có ý định bán nó nên cũng không muốn nhiều người biết tới…”

Tuy nhiên khi phóng viên hỏi vì sao giá trị của gỗ sưa lại cao đến như thế thì ông T lắc đầu: “Cái này, tôi cũng không chắc chắn lắm, chỉ có điều, hầu hết những tay chơi đồ gỗ lâu năm chưa chắc đã nắm được…”

Hiện nay, theo nhiều nhà khoa học: Nhiều nơi ở nước ta người dân trồng loại cây này để lấy gỗ như Yên Bái, Tam Đảo - Vĩnh Phúc… Cây sưa dễ trồng và sau 20 năm cây sẽ có lõi có thể khai thác.

Tuy nhiên, khi hỏi vì sao cây gỗ sưa đắt thế, người Trung Quốc thu mua để làm gì, hầu hết các nhà khoa học, kể cả các giáo sư, tiến sĩ chuyên môn về cây cối, thảo dược đều lắc đầu không biết tại sao.

Không phải gần đây gỗ sưa mới được thương nhân Trung Quốc lùng mua với giá tiền tỷ, mà đã nhiều năm nay rồi. Vì vậy nhiều người đồn đoán rằng: có thể họ phát hiện ra trong loại gỗ này có tinh chất gì đặc biệt, mang lại lợi ích lớn, hoặc được dùng vào mục đích đặc biệt.

Trao đổi với phóng viên, GS. TS Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành sinh vật Việt Nam cho biết: Cây sưa cũng chỉ giống như nhiều loại cây khác, cây gỗ sưa đơn giản chỉ là một loại cây lâm nghiệp có giá trị về gỗ, tuy nhiên, xung quanh loại cây này có nhiều vấn đề mang tính tâm linh mà cho đến hiện nay, không ai có thể lý giải được.

“Người Trung Quốc tin rằng: cây sưa mang một giá trị tâm linh rất lớn. Ngày xưa khi các vị vua chúa băng hà, người ta thường lấy gỗ sưa để đóng quan tài, mài gỗ cây sưa thành bột để rắc vào bên trong quan tài với niềm tin rằng linh hồn người nằm trong quan tài sẽ sớm được siêu thoát”, GS cho biết.

Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, gỗ của cây sưa hiện nay thường được dùng làm các tràng hạt để sử dụng trong các nghi thức tín ngưỡng phật giáo, và giá trị của những tràng hạt này lên đến hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng…

Tuy nhiên, vấn đề khiến GS.TS Nguyễn Lân Dũng và các nhà quản lý lo ngại là việc giá trị của cây gỗ sưa được đội lên hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần đang khiến loại cây này trở nên quý đột biến. Điều này dễ khiến người dân đổ xô đi trồng cây sưa, tuy nhiên một thực tế là: để loại cây này khai thác được thì phải mất 30 đến 40 năm, và đến khi đó nhiều khả năng cây sưa sẽ lại cùng chung số phận như cây thanh hao, hải ly hay ốc bưu vàng…

“Không phải chỉ mình cây gỗ sưa hay trước đây là cây thanh hao mà thực tế người dân đã phải chịu nhiều thiệt thòi khi đổ xô đi trồng dưa hấu, hay thanh long. Đến lúc thu hoạch, thì các đầu mối thu mua lại không mua nữa. Vì vậy, người dân chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những vấn đề trên” – GS.TS Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.

Dưới góc độ bảo vệ tài nguyên rừng, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cho biết việc khai thác ồ ạt gỗ sưa có thể không phải thảm họa cho tài nguyên sinh thái rừng tuy nhiên về mặt quản lý nhà nước trách nhiệm thuộc về ngành kiểm lâm. Không thể vì giá trị kinh tế mà để rừng bị chặt phá.

Cũng từ trường hợp của cây gỗ sưa, GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng nhấn mạnh: Không chỉ mình cây gỗ sưa mà sẽ còn rất nhiều loại cây khác sẽ vào “tầm ngắm” của “lâm tặc” vì vậy cần có biện pháp bảo vệ phù hợp tránh tình trạng tạo nên những cơn sốt ảo như hiện nay./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất