Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019, cùng với việc tập trung dạy học, củng cố, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, ngành giáo dục Vĩnh Phúc tăng cường công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh nhằm giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, trong năm học 2017 - 2018 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT chiếm 70%, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT + nghề chiếm 28,8%.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết: Để thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, từ năm học mới ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã đưa công tác phân luồng học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học và yêu cầu các nhà trường thành lập các Ban hướng nghiệp, Tổ tư vấn hướng nghiệp với nhiệm vụ triển khai các nội dung thực hiện giáo dục hướng nghiệp lồng ghép vào các môn học như công nghệ, sinh học, giáo dục công dân và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Trường THPT Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên) được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thầy Phan Hồng Hiệp, Hiệu trưởng, cho biết: Nhận thức rõ vai trò hướng nghiệp có thể đem lại sự chuyển biến về nhận thức một cách mạnh mẽ trong học sinh, cha mẹ học sinh nên nhà trường đã triển khai kế hoạch giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu năm học. Ngay từ đầu các năm học, nhà trường tổ chức rà soát chất lượng của học sinh các khối lớp để phân loại học sinh, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách.
Bên cạnh đó, nhà trường đã lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp với hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, hằng năm nhà trường đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực để tổ chức hoạt động ngoại khóa về công tác tư vấn định hướng nghề nghiệp để các em có thể lựa chọn những ngành nghề cơ bản phù hợp năng lực và điều kiện thực tế của xã hội. Nhà trường còn phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ dạy miễn phí tiếng Hàn, Nhật Bản cho các học sinh có nhu cầu theo học vào cuối tuần.
Tại Trường THPT Nguyễn Thái Học (thành phố Vĩnh Yên) việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó có tư vấn trực tiếp của các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài địa bàn tỉnh, các trường nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm... thu hút sự quan tâm lắng nghe của nhiều học sinh.
Là một trong 260 học sinh của Trường THPT Nguyễn Thái Học chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, em Nguyễn Phương Thảo cho biết: Các buổi tư vấn nghề nghiệp của các thầy, cô giáo trong trường đã giúp chúng em tự đánh giá được năng lực bản thân và nắm bắt được nhu cầu thực tế lao động việc làm hiện nay, xu hướng phát triển các ngành, nghề trong thời gian tới trong cả nước và trên địa bàn tỉnh. Từ đó chúng em đã có định hướng, lựa chọn về môn thi, trường thi, nghề nghiệp phù hợp và chủ động trước kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần.
Cô giáo Vũ Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học, chia sẻ: Để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia năm nay, khi có những thông tin đẩy đủ về kỳ thi, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để học sinh có định hướng rõ ràng, cụ thể để tập trung ôn luyện cho kỳ thi cũng như lựa chọn ngành nghề thi phù hợp.
Cô giáo Vũ Thị Tuyết Mai cho biết thêm: Việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát huy nguồn nhân lực cũng như nâng cao chất lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chính quy. Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp các em có định hướng rõ ràng, cụ thể để bước vào học và ôn tập cho kỳ thi. Giáo viên trong Tổ Tư vấn cũng như các thầy cô trực tiếp giảng dạy trong nhà trường thường xuyên cung cấp chi tiết, đầy đủ các thông tin về các trường đại học, cao đẳng, điểm chuẩn các ngành thi, khối thi trong những năm qua và những thông tin tuyển sinh. Tổ chức giảng dạy, sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh hàng tháng. Từ đó, giúp các em tìm hiểu sâu và có sự lựa chọn nghề phù hợp.
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác phân luồng học sinh. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt đề án “Dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2020”. Đề án được đưa ra nhằm quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động phổ thông qua đào tạo lên 80%, qua đào tạo nghề là 64%.
Để đạt được mục tiêu này, Vĩnh Phúc xác định công tác định hướng, phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS là một trong những giải pháp trọng tâm. Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các trường, các em học sinh học nghề. Theo đó, mỗi năm, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho các trường THCS, THPT 2,5 triệu đồng cho công tác hướng nghiệp; hỗ trợ mỗi tháng cho học sinh sau THCS đi học bổ túc văn hóa THPT cùng học nghề 350.000 đồng và 100.000 đồng tiền sách, vở, đồ dùng học tập. Học sinh sau THPT học cao đẳng nghề được hỗ trợ 450.000 đồng và 100.000 đồng tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập/tháng.
Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 có 60-70% học sinh THCS vào THPT; 30-35% học sinh THCS vào bổ túc văn hóa và học nghề./.
Nguyễn Thị Thảo/TTXVN