Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 22/10/2009 21:18'(GMT+7)

Phát triển dạy nghề: Doanh nghiệp sẽ là điểm nhấn

Học viên Trung tâm Dạy nghề quận Hoàn Kiếm thực hành tỉa hoa và nấu ăn. Ảnh: Trung Kiên

Học viên Trung tâm Dạy nghề quận Hoàn Kiếm thực hành tỉa hoa và nấu ăn. Ảnh: Trung Kiên

Đòi hỏi bức thiết

Hiện nay, vấn đề dạy nghề, học nghề và đào tạo nghề đang ngày càng trở nên quan trọng và bức thiết hơn bao giờ hết nhưng vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Do vậy, việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào dự thảo. Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐ-TB&XH Đàm Hữu Đắc cho rằng, công tác đào tạo nghề với các trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn theo hướng hiện đại. Song, để đào tạo nghề có chất lượng cao hơn nữa, mạng lưới cơ sở dạy nghề, quy mô đào tạo nghề cần phải tăng nhanh và phát triển đa dạng loại hình dạy nghề.

Thống kê cho thấy, năm 2001 có 140 trường dạy nghề, 166 trung tâm dạy nghề thì đến năm 2008 đã có 240 trường trung cấp nghề (TCN), 92 trường cao đẳng nghề (CĐN) và 750 trung tâm dạy nghề. Quy mô dạy nghề cũng tăng nhanh, từ 887,3 ngàn người năm 2001 lên 1,538 triệu người năm 2008. Con số này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2008 lên 26%, dự kiến năm 2009 là 28% và 2010 là 30%.

Cơ cấu nghề và đào tạo cũng đã bước đầu được điều chỉnh theo nhu cầu phát triển ngành nghề trong xã hội, đã xây dựng và ban hành 301 danh mục nghề CĐ và 385 nghề ở trình độ TC. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã triển khai dạy nghề theo nhu cầu tại doanh nghiệp và dạy nghề cho nông dân gắn với giải quyết việc làm và tự tạo việc làm; thực hiện thí điểm đặt hàng đào tạo với các tập đoàn kinh tế và đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh cây công nghiệp.

Vì vậy, hiện nay, sau khi tốt nghiệp có khoảng 70% học sinh học nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, ở một số ngành nghề tỷ lệ này đạt trên 90%. Dạy nghề không chỉ góp phần tích cực vào giải quyết việc làm trong nước mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho XKLĐ, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho người lao động.

Thiếu cơ chế và quy chuẩn

Theo Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc, đẩy mạnh xã hội hóa và thực hiện công bằng trong dạy nghề cần phải có sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp và các tổ chức. Vấn đề được đặt ra là: Lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia dạy nghề; doanh nghiệp có thể tham gia vào nội dung gì của dạy nghề; cách thức và mức độ tham gia và triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả cao. Theo nhận định của các doanh nghiệp, đến năm 2020, dân số Việt Nam có khoảng 99 triệu người, trong đó 57,5 triệu người trong độ tuổi lao động; cơ cấu lao động nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp, xây dựng và dịch vụ sẽ là 30% - 32% và 38%. Hằng năm, số lao động trong khu vực nông nghiệp chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ khoảng một triệu người.

Tính toán của các nhà khoa học cũng cho thấy, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng giáo dục khoảng 8%/năm thì tốc độ tăng trưởng dạy nghề sẽ đạt bình quân ở mức 3% cho giai đoạn 2011-2020. Số lao động được giải quyết việc làm bình quân mỗi năm khoảng 1,6 triệu người (giai đoạn 2011-2015). Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 triệu lao động có việc làm; để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, các doanh nghiệp cần khoảng 27,5 triệu người được đào tạo nghề (chiếm 55%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề theo từng lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 35%, trong công nghiệp 63% và dịch vụ 50%. Cơ cấu tỷ lệ lao động theo các cấp trình độ dạy nghề: sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 72%, TCN chiếm 14,4%, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành khoảng 13,6%.

Riêng 11 tập đoàn và tổng công ty lớn, từ năm 2020, bình quân mỗi năm cần khoảng 60-70 ngàn lao động, trong đó 80% trình độ TCN trở lên. Mặt khác, nhu cầu nhân lực trình độ cao cho một số tập đoàn kinh tế khi mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ càng tăng lên. Đối với xuất khẩu lao động, dự báo trong giai đoạn 2009-2020, sẽ đưa khoảng 800 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài; bảo đảm 100% lao động xuất khẩu phải qua đào tạo nghề, trong đó có trình độ TCN trở lên.

Như vậy, với việc nâng cao chất lượng, quy mô đào tạo nghề, việc "kéo" các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề được xem là điểm nhấn của dự thảo. Tuy nhiên, để "trói" các doanh nghiệp cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp, vẫn thiếu một cơ chế cũng như quy chuẩn cho công tác này.

Theo HNM           

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất