Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 21/10/2009 11:2'(GMT+7)

Phụ nữ làm gì để làm chủ cuộc đời và tìm thấy nguồn vui sống?

Một cảnh trong vở kịch "Nhà búp bê"

Một cảnh trong vở kịch "Nhà búp bê"

Tất nhiên, tất cả những vấn đề nêu trên không thể giải đáp ngay một lúc, lại càng không thể giải đáp trong một cuộc thi. Tuy nhiên, "những người tổ chức cuộc thi mong muốn được lắng nghe ý kiến của giới trẻ, sự quan tâm và chia sẻ của giới trẻ về vấn đề bình đẳng giới hiện nay, qua đó mang đến thông điệp tích cực, cổ vũ xã hội cùng phấn đấu cho mục tiêu này"- Nhà báo Tạ Bích Loan- Trưởng Ban Thanh thiếu niên (VTV6) nói về mục tiêu của cuộc thi "Viết tiếp câu chuyện của Nora" do VTV6- Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) tổ chức qua website vtv6.com.vn. Cuộc thi được Đại sứ quán Na-uy tại VN tài trợ.

Nora là nhân vật chính trong vở kịch Nhà búp bê của nhà viết kịch vĩ đại Na-uy, Henrik Ibsen được viết vào thế kỷ 19. Nora là một người phụ nữ của gia đình, hy sinh tất thảy vì chồng con. Nhưng đến phút cuối cùng, Nora mới nhận ra rằng, hóa ra người chồng mà chị hết mực chăm lo chỉ coi vợ là một con búp bê trang trí trong nhà, có thể sẵn sàng hy sinh vợ vì danh vọng cá nhân.

Nhà búp bê của Ibsen ra đời đã chấm dứt sự thịnh hành của các loại kịch sa-lông thời bấy giờ và làm cho “cả châu Âu sửng sốt” và ngay lập tức nó được các nhà hát nổi tiếng ở châu Âu dàn dựng. Hơn 100 năm qua, câu chuyện về thân phận người phụ nữ qua hình ảnh Nora của Ibsen vẫn là câu chuyện được mọi người quan tâm, chừng nào phụ nữ vẫn bị đối xử bất công ngay trong chính gia đình của mình. Vở kịch vẫn tiếp tục được rất nhiều nhà hát lớn ở khắp nơi trên thế giới tiếp tục dàn dựng, trong đó có nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam. Năm 2006, Đạo diễn- Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng đã đưa vở Nhà búp bê nổi tiếng này của Henrik Ibsen đến với khán giả Việt Nam qua sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ và diễn viên tài năng (Lê Khanh, Chí Trung, Khánh Huyền, Ngọc Bích…). NSND Lê Hùng và Lê Khanh cũng được mời làm ban giám khảo của cuộc thi.

"Chúng tôi hy vọng vở kịch sẽ là điểm bắt đầu và tạo ra nhiều hứng khởi cho các bạn trẻ khám phá vấn đề bình đẳng giới" - Bà Nguyễn Thị Bích Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng thuộc Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á- đơn vị đồng tổ chức cuộc thi bày tỏ. Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Tâm, để Luật bình đẳng giới cũng như Luật về chống bạo hành phụ nữ trong gia đình đi vào đời sống, cần phải có nhiều giải pháp, trong đó có việc tổ chức cuộc thi "Viết tiếp câu chuyện của Nora" hướng tới giới trẻ. "Chúng tôi chỉ mong qua cuộc thi, các bạn trẻ sẽ tìm hiểu, quan tâm về vấn đề bình đẳng giới và giới trẻ rất năng động để có thể gợi ý về cách thức thực hiện vấn đề bình đẳng giới như thế nào đó cho hiệu quả ở Việt Nam".

Theo TS Nguyễn Thị Minh Thái, Trường Đại học Khoa học- Xã hội và Nhân văn Quốc gia- một thành viên của Ban Giám khảo nhấn mạnh, ý nghĩa xã hội của vở kịch Nhà búp bê đã lan toả ra khắp cả thế giới. Chính phủ Na-uy đã tiến hành dự án đặt tên là "Chị em nhà Nora", bởi tất cả các nước khi dựng vở kịch này thì họ phát hiện thấy phụ nữ ở nước họ vẫn đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự như nhân vật Nora từ cách đây hàng trăm năm. Nhiều phụ nữ phát hiện mình là một con búp bê trong tay chồng nhưng vẫn trăn trở không biết mình có nên đi khỏi gia đình không? Nên đi đâu, làm gì để sống?

Ở Việt Nam, vấn đề bình đẳng giới ngày càng được cải thiện. Nhưng trong thực tế, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn nhiều vụ việc thương tâm, mà nạn nhân là những người phụ nữ bị chồng đánh đập, ngược đãi. Có những người sống trong nhung lụa, giàu sang nhưng luôn cảm thấy bất hạnh. Làm gì để giúp đỡ những Nora của Việt Nam? Cuộc thi "Viết tiếp câu chuyện của Nora" hướng tới đối tượng là công dân Việt Nam từ 16 đến 26 tuổi. Trong bài thi viết bằng Tiếng Việt không dài quá 1.500 từ, các bạn trẻ nêu những cảm nhận về chủ đề "Viết tiếp câu chuyện của Nora" ở những khía cạnh sau:

+ Bạn nghĩ gì về cách kết thúc vở kịch của tác giả Ibsen?

+ Nếu là Nora, bạn sẽ làm gì?

+ Bạn học được điều gì từ vở kịch "Nhà búp bê"? Và tại sao?

+ Theo cách hiểu của bạn, điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Nora của năm 2010 với Nora của tác giả Ibsen?

Các bài thi sẽ phải đi sâu phân tích về vấn đề bình đẳng giới. Đưa ra một cách tiếp cận và hướng suy nghĩa mới về bình đẳng giới ở Việt Nam. Có những ý tưởng mới lạ và độc đáo để có thể áp dụng vào hoàn cảnh ở Việt Nam.

Bà Zenia Chrysostomidis- Bí thư thứ hai- Đại sứ quán Na-uy tại Việt Nam cho biết: Đại sứ quán Na-uy rất hân hạnh được tài trợ cho dự án này và Đại sứ quán Nauy cho rằn đây là một ý tưởng thú vị và rất sáng tạo. "Bình đẳng giới là một trong những vấn đề chủ chốt của chính sách đối ngoại Na-uy. Vì vậy, dự án này rất là phù hợp và chúng tôi hy vọng dự án này sẽ khơi nguồn cảm hứng đối với các bạn trẻ ở Việt Nam" - Bà Zenia Chrysostomidis nói.

Cuộc thi ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Nguyễn Hồng Hạnh- Sinh viên trường Đại học Hà Nội cho biết: "Đối với cuộc thi Viết tiếp câu chuyện của Nora, dưới cái nhìn của một sinh viên em cho rằng đây là một vấn đề rất thú vị và chắc chắn nó sẽ nhận được sự quan tâm của các bạn trẻ. Bởi vì vấn đề bất đình đẳng giới luôn luôn tồn tại. Chẳng hạn như con gái chúng em thường đặt ra câu hỏi " Tại sao các bạn con trai được làm như thế, còn con gái lại không?" Em cũng có trao đổi với một số bạn khác thì các bạn đều cảm thấy rất hào hứng và muốn nói lên suy nghĩ của mình, dù rằng suy nghĩ đó chưa hẳn là hoàn thiện...."

Hạn cuối tham dự Cuộc thi "Viết tiếp câu chuyện của Nora" là ngày 25/11/2009. Cuộc thi sẽ chia làm 3 vòng: sơ loại, sơ khảo và chung khảo. Ban Giám khảo sẽ chọn ra các bài viết xuất sắc nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì và 3 giải Ba.

Theo bà Tạ Bích Loan, Ban tổ chức cuộc thi đã nghĩ tới nhiều hình thức để quảng bá nhiều hơn cho cuộc thi này. Từ kế hoạch quảng bá cho cuộc thi này ở 3 trường Đại học ở Hà Nội, tổ chức cho các bạn học sinh, sinh viên tới xem vở kịch "Nhà búp bê" và cùng thảo luận để sau đó mỗi người viết bài dự thi của mình. VTV6 cũng thường xuyên phát lại ở kịch "Nhà búp bê" và đưa trích đoạn vở kịch này lên Website của VTV6 để tạo điều kiện cho các bạn trẻ trong cả nước có thể theo dõi vở kịch này từ đó viết bài thi, nêu những ý tưởng hữu ích cho việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam./.

- Nam Hải -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất