Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 20/11/2010 20:48'(GMT+7)

Phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông

Giờ học môn Giáo dục công dân của học sinh trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Giờ học môn Giáo dục công dân của học sinh trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm (Hà Nội).

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ÐT) đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo đông đảo, phần lớn có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng được nâng cao. Trong đào tạo giáo viên, quy mô tuyển sinh vào hệ chính quy đại học sư phạm hằng năm từ 22,5 nghìn đến 23 nghìn sinh viên; cao đẳng sư phạm từ 24,5 nghìn đến 26 nghìn sinh viên, góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, phổ thông ở các cơ sở giáo dục.

Tính đến năm học 2009 - 2010, cả nước có hơn 804 nghìn giáo viên phổ thông, trong đó có hơn 347,8 nghìn giáo viên tiểu học, gần 314 nghìn giáo viên trung học cơ sở (THCS) và hơn 142,4 nghìn giáo viên trung học phổ thông (THPT). Phần lớn giáo viên phổ thông đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó giáo viên tiểu học có 99,09%, giáo viên THCS 98,25% và giáo viên THPT có 98,91%. Trong số giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn có 6% là trình độ thạc sĩ, tiến sĩ...

Mặt khác, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đội ngũ giáo viên cũng được ngành GD và ÐT chú trọng. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở các tỉnh hằng năm đều đạt hơn 90%. Chỉ tính riêng trong năm học 2009-2010, cả nước có hơn 30 nghìn lượt nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của các cấp đã được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng do Bộ GD và ÐT tổ chức hay trực tiếp chỉ đạo, đã phát huy tác dụng tích cực trong nhận thức và hành động đổi mới phương pháp, nội dung dạy và học. Việc chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên phổ thông không chỉ đạt trình độ đào tạo trở lên mà còn có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năng lực sư phạm  của phần lớn giáo viên được nâng lên, bước đầu đáp ứng được nhu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời kỳ CNH, HÐH, đội ngũ giáo viên phổ thông vẫn còn không ít những hạn chế. Số lượng giáo viên còn thiếu nhiều, nhất là giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ sư phạm tốt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Cơ cấu giáo viên vẫn còn mất cân đối giữa các môn học, bậc học, các vùng, miền. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo có mặt chưa đáp ứng yêu cầu và truyền đạt lý thuyết, ít chú ý đến phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành của người học. Ðối với giáo viên tiểu học, nếu triển khai thực hiện dạy học hai buổi/ngày thì cả nước vẫn thiếu hơn 51 nghìn giáo viên. Ngoài ra, đối với bậc học THCS và THPT vẫn còn một số trường thiếu giáo viên các môn có tính đặc thù như công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, giáo dục công dân, ngoại ngữ... dẫn đến tình trạng giáo viên dạy kiêm nhiệm không đúng chuyên môn đào tạo còn khá phổ biến, không bảo đảm chất lượng giáo dục. Mặt khác, tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn cao nhưng chưa tương xứng với  yêu cầu về chất lượng, kỹ năng sư phạm hạn chế, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Số giáo viên có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ tin học còn chiếm tỷ lệ thấp.

Ðáng chú ý, công tác đào tạo giáo viên chưa thật sự gắn kết với nhu cầu sử dụng của từng địa phương, vùng miền. Công tác xây dựng quy hoạch, phát triển đội ngũ chưa được các cấp quản lý quan tâm đúng mức. Nhất là chế độ, chính sách vẫn còn những bất hợp lý, chưa tạo được động lực đủ mạnh để phát huy tiềm năng của đội ngũ giáo viên phổ thông.

Ðể đáp ứng yêu cầu phát triển GD và ÐT trong sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, cần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Theo các chuyên gia giáo dục, trước hết, Bộ GD và ÐT cần xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trường sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học, cao đẳng và trường cán bộ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, các trường, khoa sư phạm tập trung vào đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; đồng thời tham gia vào việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy trong hệ thống giáo dục. Ngành GD và ÐT cùng các địa phương đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo về tư tưởng, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy để tiến hành đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Ðáng chú ý, việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chính sách, chế độ đối với nhà giáo cũng như các điều kiện bảo đảm việc thực hiện các chính sách, chế độ nhằm tạo động lực thu hút, động viên đội ngũ giáo viên phổ thông toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp giáo dục.

Theo Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, năm học 2010-2011, ngành GD và ÐT đang triển khai xây dựng quy hoạch đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Có chính sách đặc thù và kế hoạch để phát triển giảng viên sư phạm và giáo viên các môn học còn thiếu giáo viên như: Âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, tiếng dân tộc thiểu số, giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục công dân, tiếng Anh, tin học. Xây dựng chương trình phát triển các trường sư phạm, các trường nghiên cứu và mở các mã ngành đào tạo mới: giáo viên tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp, giáo viên dạy các chương trình giáo dục người lớn; rà soát điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường nghiệp vụ sư phạm, năng lực giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa, hạnh phúc gia đình nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông góp phần tạo những bước đột phá trong phát triển GD và ÐT.

Mạnh Xuân (NDĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất