Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Tư, 27/9/2023 10:9'(GMT+7)

Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện

Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh tư liệu: Thanh Hà/TTXVN

Phố cổ Hội An luôn là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Ảnh tư liệu: Thanh Hà/TTXVN

Giảm thiểu rác thải nhựa ở điểm đến

Thành phố Hội An (Quảng Nam) - điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Lượng rác thải phát sinh ở đây mỗi ngày là gần 100 tấn và sẽ tiếp tục nhiều thêm; trong đó rác thải nhựa dùng một lần chiếm 15 - 23%. Ngay từ năm 2020, Hội An đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, du khách hạn chế và giảm thiểu đồ nhựa sử dụng một lần.

Đầu tháng 9/2023, Hội An chính thức ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải nhựa" thải ra môi trường và du khách không còn đồ nhựa dùng một lần. Đây là hành động thiết thực, lan tỏa trong cộng đồng du lịch cả nước về phát triển du lịch xanh bền vững. Trước đó, tháng 10/2022, Hội An đã ra mắt mô hình “Trạm đong đầy” ở chợ - một giải pháp mua sắm không phát sinh bao bì, gia tăng vòng đời của rác, đặt biệt là rác thải nhựa. Hội An phấn đấu các cửa hàng, chợ, siêu thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; mỗi năm giảm từ 13 - 15%, để đến năm 2025 ở đây không còn phát sinh rác thải nhựa sử dụng một lần.

Từ tháng 9/2023, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) bắt đầu thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch. Cô Tô kêu gọi mỗi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tại Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), các cơ sở lưu trú cũng tích cực dùng dụng cụ ăn uống bằng gỗ, sứ, thủy tinh thay thế đồ nhựa, đầu tư máy lọc nước đặt tại phòng, phân loại rác thải và hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần... Ngay từ tháng 3/2022, UBND huyện Côn Đảo đã tham gia mạng lưới đô thị giảm nhựa của WWF trên toàn cầu với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn 2020 - 2024. 

Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo. Ảnh: TTXVN/phát

Toàn cảnh Vườn Quốc gia Côn Đảo và trung tâm hành chính huyện Côn Đảo. Ảnh: TTXVN/phát

Côn Đảo hướng tới năm 2025 sẽ giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường và không còn rác thải nhựa trong thiên nhiên vào năm 2030. Từ đó, Côn Đảo sẽ là đô thị thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình đô thị giảm nhựa trên toàn cầu. Ở đây, nhiều hoạt động truyền thông đã được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của du khách, người dân và cộng đồng về giảm sử dụng túi nilon, nhựa nhựa sử dụng một lần; Tuần lễ giảm nhựa, triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp “Ngày hội đổi rác lấy quà”, thu gom rác trong khu sinh thái, rạn san hô, rừng ngập mặn…được người dân, du khách tích cực hưởng ứng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình) Vũ Thị Dược cho biết: Nơi đây đã phát động nhiều chiến dịch giảm thải rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Địa phương đã hình thành nhiều mô hình du lịch xanh, giúp học sinh trải nghiệm du lịch sạch, làm đẹp môi trường, cảnh quan. Chương trình “Chở xanh - Thở lành” với việc phát thùng rác bằng mây tre đan cho người dân, khách du lịch; “Hộp quà xanh - điều em muốn nói” giúp học sinh tái chế rác thải nhựa thành tháp cây, trồng cây xanh; Ngày Chủ nhật xanh. Điều đặc biệt là du khách rất thích tham gia những chương trình thiết thực này. 

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang thực hiện dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam" giai đoạn 2023 - 2024. Chương trình với nhiều hoạt động thiết thực sẽ thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ: Dự án gồm 3 hợp phần chính, trong đó đáng chú ý là việc thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam. Hiệp hội xây dựng Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch và ứng dụng (apps) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch. Hiệp hội mong muốn thông qua dự án sẽ góp phần thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; bảo vệ môi trường xanh bền vững, góp phần vào việc phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

“Du lịch và đầu tư xanh” 

Người dân Côn Đảo thu nhặt và phân loại rác tại bãi biển ông Câu. Ảnh: TTXVN phát

Người dân Côn Đảo thu nhặt và phân loại rác tại bãi biển ông Câu. Ảnh: TTXVN phát


Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Ngày Du lịch thế giới diễn ra hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của du lịch trong đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị. Năm 2023, chủ đề của Ngày Du lịch thế giới  là “Du lịch và đầu tư xanh”. 

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu đạt gần 1,5 tỷ lượt. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,9 nghìn tỷ USD; du lịch tạo ra 1/10 việc làm trên toàn cầu. Do đó, du lịch luôn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong bối cảnh ngành Du lịch đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì chủ đề “Du lịch và đầu tư xanh” góp phần kêu gọi tăng cường đầu tư cho du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới.

Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili cho rằng cần suy nghĩ lại về cách thức đầu tư cho du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút đầu tư vào những dự án du lịch giàu tiềm năng tạo ra sự khác biệt. 

Cộng đồng cần chung tay giải quyết một số thách thức về biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển bền vững hơn. Đó là đi theo lộ trình giảm phát thải ròng bằng 0, giảm mức tiêu thụ năng lượng và tận dụng năng lượng tái tạo, bảo vệ đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái ở tất cả các điểm đến.

Hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới 2023  là dịp để Việt Nam khẳng định với cộng đồng quốc tế về mục tiêu và cam kết phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững như đã được nêu trong các đề án, chiến lược phát triển du lịch quốc gia. 

Khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận). Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Khu du lịch Mũi Né (Bình Thuận). Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Ở nước ta, du lịch xanh là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội...

Việc hạn chế, giảm thiểu tiến tới nói không với rác thải nhựa cũng là mục tiêu của ngành Du lịch để hướng tới phát triển bền vững. Đây thực sự là việc có thể làm ngay và cần thực hiện nhanh chóng, huy động cộng đồng, du khách cùng tham gia với nhiều mô hình sinh động.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch thông tin, rác thải nhựa tác động xấu đến hoạt động du lịch, gây ô nhiễm môi trường, làm mất đi cảnh quan đẹp, hấp dẫn của các khu, điểm du lịch, gây phản cảm cho du khách, nhất là ở biển, đảo. Rác thải nhựa sẽ làm giảm doanh thu và đóng góp của ngành Du lịch do suy giảm lượng khách, thiệt hại về kinh tế ngành du lịch, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.

Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ cũng đang trở nên thịnh hành. Với các điểm đến thân thiện môi trường, gần gũi với thiên nhiên, con người tìm được về với cội nguồn cũng như nét văn hóa đặc sắc địa phương. Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm với môi trường, với xã hội là một xu hướng, đồng thời là hướng phát triển của du lịch Việt Nam trong yêu cầu cũng như định hướng chiến lược phát triển. 

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đưa ra những tiêu chí để các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh và trách nhiệm với xã hội, môi trường và cả cộng đồng người dân bản địa. Các sản phẩm du lịch khi đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường, xã hội sẽ ngày càng được chào đón, thu hút sự quan tâm và hấp dẫn du khách đến, thậm chí là quay lại điểm đến ngày càng nhiều hơn. 

Thanh Giang (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất