Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 28/6/2009 15:28'(GMT+7)

Phát triển gia đình Việt Nam như một lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu

Từ xa xưa, cha ông ta đã rất coi trọng việc vun đắp hạnh phúc gia đình và và gìn giữ truyền thống văn hoá gia đình. Không thể kể hết những câu, những bài nói về gia đình, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, tình cảm vợ chồng trong kho tàng ca dao, dân ca, thành ngữ của Việt Nam. Trong đó câu ca dao mà có lẽ người Việt Nam nào cũng được nghe từ khi nằm trong nôi đó là câu:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con...

Gia đình là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành. Gia đình là điểm tựa tinh thần vô cùng lớn lao cho mỗi người: nơi khơi nguồn mọi sáng tạo, thành công; nơi chúng ta trở về sau mỗi hành trình mệt mỏi; là nơi che chở mỗi khi chúng ta vấp ngã hay thất bại trên đường đời. Gia đình cho chúng ta động lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, thành đạt trong cuộc sống...

Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những gia đình có 3, 4 thế hệ cùng chung sống ít dần đi, nhưng những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam vẫn được trân trọng và trao truyền cho các thế hệ tiếp nối. Sự "kính trên, nhường dưới", yêu thương, quan tâm chăm sóc nhau luôn luôn được các thành viên trong các gia đình gìn giữ. Để tạo dựng một gia đình hoà thuận, thì mọi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm đóng góp công sức vun đắp, cùng chia sẻ, gánh vác các công việc của gia đình.

Văn hoá gia đình là một bộ phận hợp thành của nền văn hoá Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù có chức năng kiểm soát, điều hành hành vi và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Chính vì thế, giữ gìn văn hoá gia đình cũng là góp phần giữ gìn truyền thống văn hoá Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng giáo dục gia đình là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành nhân cách cho các thế hệ tiếp nối.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam đang bị mai một. Nhiều gia đình vì mải làm ăn, kinh doanh mà xao nhãng việc dạy dỗ con cái. Thời gian dành cho gia đình cũng eo hẹp hơn, quan hệ của các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn tồn tại khá phổ biến. Vẫn tồn tại chuyện con cái ngược đãi bố mẹ, chồng hành hạ vợ, rồi cả những vụ án mạng đau lòng do chính những người trong gia đình gây nên. Đây là tệ nạn xã hội cần kiên quyết loại trừ.

Theo con số thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hoá- thể thao và Du lịch), đến hết năm 2008, cả nước ta có gần 17 triệu gia đình. Trong số này có hơn 13 triệu 500 nghìn gia đình văn hoá. Đây là những gia đình cùng nhau đồng lòng, đồng sức phát triển kinh tế, cùng nỗ lực học tập, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình. Nếu tất cả các gia đình Việt Nam đều là những gia đình văn hoá, ổn định về kinh tế và giữ được nền nếp văn hoá gia đình, thì chắc chắn những tệ nạn xã hội sẽ bị đẩy lùi, thế hệ trẻ sẽ được lớn lên và trưởng thành trong một môi trường gia đình và xã hội lành mạnh. Đây thực sự là một thế mạnh, một lợi thế của Việt Nam trong cạnh tranh toàn cầu hiện nay.

Để làm được điều này, mỗi người Việt Nam cần ý thức rằng xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà, mà còn góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước. Các Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan đến gia đình, để làm tốt công tác gia đình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Những lời dạy của Bác đến nay vẫn có tính thời sự, khẳng định giá trị hết sức to lớn của gia đình, cũng như trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc, đồng thời xây dựng một hình ảnh đẹp của con người và đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất