Ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc cùng những hi sinh, mất mát của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến, các đại biểu thành kính ghi ơn những đóng góp của trên 100 ngàn người có công với cách mạng tỉnh Bến Tre, trong đó hơn 33 ngàn liệt sĩ, 13 ngàn thân nhân liệt sĩ, 18.000 thương binh, 11.000 bệnh binh, 2.162 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…Đây cũng là dịp tôn vinh các tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công tiêu biểu trong lao động sản xuất, học tập và công tác được tôn vinh.
* Tối 26/7, tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Vị Xuyên, Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc với sự tham gia của trên 300 đoàn viên thanh niên tiêu biểu.
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của gần 1.800 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh giành độc lập - tự do cho Tổ quốc. Sau lễ dâng hương, các đoàn viên, thanh niên thắp nến tri ân lên các phần mộ Anh hùng liệt sỹ, thể hiện đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam.
Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND,UBND, MTTQ, các cơ quan, đoàn thể tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành công trình nâng cấp, cải tạo Đài tưởng niệm, khu mộ, xây mới khuôn viên nhà và bia ghi danh các Anh hùng liệt sỹ quê Hà Giang, Tuyên Quang hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị). Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang cùng thân nhân các gia đình có phần mộ tại Nghĩa trang Trường Sơn đã đến thăm, đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn; thăm và trao tặng 20 triệu đồng cho 10 hộ gia đình chính sách ở huyện Cam Lộ và thị xã Quảng Trị (Quảng Trị); dâng hương, dâng hoa tại Tượng đài Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị) và Khu di tích lịch sử thanh niên xung phong toàn quốc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
* Tỉnh Lào Cai đã tổ chức gặp mặt 35 mẹ, vợ liệt sĩ, thương binh, bệnh binh tiêu biểu trong toàn tỉnh.
Từ năm 2002 - 2011, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã đóng góp hơn 13 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”, qua đó góp phần làm mới 360 nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa 50 nhà tình nghĩa, tặng hàng nghìn sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách. Tỉnh hội Phụ nữ đã vận động hội viên đóng góp hàng chục sổ tiết kiệm, trao hơn 2 nghìn suất quà, hơn 24.000 kg lương thực cho 10.154 lượt hộ gia đình chính sách khó khăn. Các cấp hội phụ nữ huy động 6.768 công lao động giúp đỡ các gia đình chính sách; làm mới 43 nhà “Mái ấm tình thương” tặng phụ nữ là các đối tượng chính sách…
Dịp này, các huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, thành phố Lào Cai, huyện Mường Khương, đồn biên phòng Bản Lầu (Mường Khương) đã tổ chức gặp mặt, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm cho các thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ tiêu biểu trên địa bàn. Trước đó, các đơn vị hải quan, bộ đội biên phòng đã tặng hàng chục nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Tối 26/7, tuổi trẻ Đoàn TNCS HCM tỉnh Lào Cai có chương trình thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại hai nghĩa trang lớn trên địa bàn thành phố Lào Cai.
* Chiều 26/7, Báo Thanh niên phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thái Bình cùng các nhà tài trợ tổ chức lễ tri ân 9 người con quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
“Tri ân liệt sỹ Gạc Ma” là chương trình do báo Thanh niên phát động từ ngày 15/5/2012. Sau hơn 2 tháng triển khai, đoàn đã đi qua 16 tỉnh, thành từ Hải Phòng đến Khánh Hòa để thăm và tặng quà thân nhân các gia đình liệt sỹ có người thân hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Thái Bình là một trong số những địa phương có nhiều liệt sỹ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, trong số đó có nhiều người tuổi đời còn rất trẻ, hy sinh khi chưa lập gia đình. Sự hy sinh của các chiến sỹ trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 đã trở thành tượng đài cho tinh thần chiến đấu ngoan cường và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quân và dân Việt Nam cho đến hôm nay.
* Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu với sự tham dự của các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), Anh hùng Lực lượng vũ trang và gần 500 gia đình chính sách đại diện cho hơn 21 ngàn gia đình chính sách trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe những câu chuyện kể xúc động, tự hào của mẹ VNAH Lê Thị Ngọc ở Tp.Vũng Tàu; thương binh nặng Trần Minh Quốc ở thị xã Bà Rịa; con liệt sĩ thành đạt - Phạm Minh An hiện đang là Giám đốc Bệnh viện Bà Rịa; nhạc sỹ Trần Tiến; ông Đặng Xuân Tấn-hiện là quản trang Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh; ông Huỳnh Ngọc Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Cao su Bà Rịa-đơn vị phụng dưỡng tất cả mẹ VNAH của huyện Châu Đức và cô Nguyễn Thị Quế Anh, giáo viên Trường mầm non Phước Hải (huyện Đất Đỏ). Từ những câu chuyện kể về sự hy sinh, mất mát của chồng, con, cha, anh đến những kỷ niệm khó quên trong cuộc chiến đấu ác liệt tại chiến trường và những sự quan tâm giúp đỡ người có công hiện nay của cá nhân, tập thể…
Hàng năm, ngân sách tỉnh trích khoảng 15 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa nhà, thăm hỏi, tặng quà và tổ chức cho đối tượng chính sách đi tham quan, điều dưỡng... Trên 5.300 hộ người có công được duyệt vay vốn để phát triển sản xuất, nhiều người làm ăn có hiệu quả trở thành hộ khá, giàu. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đóng góp xây tặng 911 căn nhà tình nghĩa và có nhiều hoạt động thiết thực giúp các gia đình có công, gia đình chính sách.
Nhân dịp này, UBND đã tặng bằng khen 10 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa giai đoạn 2007- 2012 và 19 người có công với cách mạng tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, công tác từ năm 2007-2012.
* Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Nông đã vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa gần 10 tỷ đồng để xây dựng và trao tặng 320 căn nhà, sửa chữa 126 nhà tình thương cho các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng.
Đắk Nông có trên 13.000 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, trong đó số đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng là gần 3.000 người. Hàng năm, tỉnh bố trí ngân sách hàng chục tỷ đồng để chăm lo đời sống các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Xác định công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách là trách nhiệm của hệ thống chính trị và chính quyền, hàng năm tỉnh bố trí ngân sách hàng chục tỷ đồng cho công tác này. Các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công một cách sâu rộng, thường xuyên. 100% số hộ chính sách và người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân trên địa bàn.
* Lễ Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa, ngày 26/7 là dịp tri ân, chia sẻ với những thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", đồng thời biểu dương, ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, tập thể, cá nhân đối với công tác "Đền ơn đáp nghĩa".
Tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cố gắng trong công tác chăm sóc người có công, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.491 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 11 nghìn nhà với tổng số tiền trên 44 tỷ đồng; tặng 21.070 sổ tiết kiệm tình nghĩa với số tiền trên 3 tỷ đồng; phụng dưỡng 324 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng đến suốt đời..., cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tranh tre tạm bợ cho đối tượng chính sách, 97% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước và thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng; tiếp tục nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Nhân dịp này, Thanh Hóa phát động toàn dân tham gia xây dựng Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng Liệt sỹ. Hưởng ứng lời kêu gọi, tại buổi lễ đã có hàng chục tập thể, cá nhân ủng hộ với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trên 30 vạn thanh niên Hưng Yên đã hăng hái tòng quân cứu nước; trên 22.000 chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trên khắp các chiến trường; trên 10.000 chiến sỹ đã bỏ lại một phần xương máu tại chiến trường, trên 100.000 người đã được tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến; gần 900 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 30 anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động trong kháng chiến; 9/10 huyện, thành phố và 36 xã, phường được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách và người có công; dành hơn 30 tỷ đồng/năm để thăm hỏi động viên, tăng quà từng gia đình vào các dịp lễ, tết. Mỗi năm tỉnh cũng dành hàng chục tỷ đồng để nâng cấp, tu sửa các công trình ghi công liệt sỹ, các công trình nhà ở cho thương binh, gia đình chính sách… Dịp này, tỉnh Hưng Yên đã tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền ơn đáp nghĩa.
* Tối 26/7, trên 7.500 ngôi mộ tại các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn đã được đoàn viên thanh niên tỉnh Ninh Bình thắp sáng tại Lễ tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ.
Tuổi trẻ tỉnh Ninh Bình đã vận động, quyên góp được gần 300 triệu đồng xây mới, sửa chữa nhà, thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng; gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng. Hàng nghìn đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh đã dành hơn 1.200 ngày công chăm sóc, tu bổ các nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ tại địa phương. Cùng ngày, chi đoàn thanh niên liên cơ quan Tỉnh ủy đã tới thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Đề; Đặng Thị Lành và ông Tạ Đức Hiện là thương binh 1/4 tại xã Ninh An (huyện Hoa Lư).
* Tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (huyện Anh Sơn, Nghệ An), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức lễ tưởng niệm “Uống nước nhớ nguồn” . Đây là nơi an nghỉ của hơn 11.000 anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam là con em tỉnh Nghệ An và các địa phương trong cả nước đã hy sinh tại Lào trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Sau lễ tưởng niệm trang nghiêm, trọng thể là lễ tạ, lễ tri ân để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ; cùng cầu chúc cho nhân dân 2 dân tộc Việt - Lào ngày càng gắn bó, đoàn kết keo sơn, xây dựng đất nước hoà bình, độc lập, dân chủ và phồn vinh.
Trước đó, nằm trong các hoạt động hướng về lễ hội uống nước nhớ nguồn, Ban Lễ hội đã tổ chức lễ khai quang, lễ yết cáo, khai mạc lễ hội, giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng với các nhân chứng lịch sử và dâng hương, dâng hoa, mâm ngũ quả và hơn 11.000 ngọn nến được các em học sinh đồng loạt thắp lên. Không gian nghĩa trang ấm áp nghĩa tình trong nghi ngút khói hương càng tôn thêm không khí linh thiêng và vô cùng xúc động. Phần hội là các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp "Thắm tình hữu nghị Việt - Lào"; giao lưu nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Bài ca không quên”; triển lãm ảnh về đề tài thương binh - liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng; chiếu phim; hội trại; bóng chuyền nam cũng như trưng bày các sản phẩm văn hoá dân tộc Việt - Lào.
* Tối 26/7, hơn 500 cán bộ thành phố Tam Kỳ, các đơn vị trực thuộc Tỉnh đoàn Quảng Nam cùng đại diện Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương đã tề tựu đông đủ tại nghĩa trang liệt sỹ TP Tam Kỳ để cùng kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tôn vinh những cống hiến và những mất mát hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền hoà bình độc lập của dân tộc.
Quảng Nam là một tỉnh có số lượng đối tượng chính sách người có công với cách mạng khá đông, chiếm trên 20% dân số. Toàn tỉnh có gần 65.000 liệt sỹ, với khoảng 135.000 thân nhân; trên 30.000 thương bệnh binh, trên 6.300 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 4.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học; trên 46.500 người có công với cách mạng;… Đặc biệt, tỉnh có 7.475 Bà mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện có 456 Mẹ còn sống và nhận được sự quan tâm chăm sóc của các cá nhân, đơn vị. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, "Áo lụa tặng bà", "Đi tìm địa chỉ đỏ","Bát hương nghĩa tình", "Hành quân về nguồn", thăm viếng và chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc phần mộ và làm sạch đẹp nghĩa trang liệt sĩ... được tuổi trẻ Quảng Nam thực hiện với một hoài bão “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”./.
Theo TTXVN