Thứ Bảy, 5/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 21/2/2009 21:44'(GMT+7)

Phát triển ngành nội tiết Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương

PGS.TS Tạ Văn Bình, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương

PV. Trên thực tế, hội chứng chuyển hóa được xem là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh, đặc biệt các bệnh trong lĩnh vực nội tiết. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, vẫn rất nhiều người mơ hồ về hội chứng này. Ông có thể cho biết một số bệnh thường gặp do hội chứng chuyển hóa cũng như các nguy cơ cao?

PGS.TS Tạ Văn Bình: Nhiều chuyên gia trên thế giới đã coi Hội chứng chuyển hóa là nguyên nhân của nhiều bệnh. Hội chứng này được Reaven mô tả năm 1988, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận năm 1998. Hội chứng chuyển hóa có nhiều tên gọi khác nhau như: Hội chứng kháng insulin, Hội chứng rối loạn chuyển hóa, Hội chứng X.

Sở dĩ có nhiều tên gọi khác nhau là do có một vài nhóm các nhà nghiên cứu khác nhau để phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của mình đã đưa ra những tiêu chí riêng. Nhưng tựu chung lại hội chứng bao gồm một nhóm các bệnh “do nguyên nhân chuyển hóa” gây ra; đặc biệt là nhóm bệnh Nội tiết - Tim mạch.

Những bệnh thường gặp của Hội chứng chuyển hóa như bệnh đái tháo đường typ2, bệnh tăng huyết áp, bệnh xơ vữa mạch máu, bệnh rối loạn lipid máu- ta thường gọi đơn giản là bệnh mỡ máu, bệnh gout... Theo một điều tra mới nhất của chúng tôi ở khu vực Hà Nội (năm 2008) thì bệnh đái tháo đường typ 2 chiếm 36,2%; tăng huyết áp 36,1%), rối loạn lipid máu 35,1%...

PV: Ông có thể cho biết, hằng năm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, số lượng bệnh nhân đến khám do mắc chứng rối loạn chuyển hóa là bao nhiêu? Kiến thức của họ về việc phòng chống các biến chứng của bệnh này như thế nào?

PGS.TS. Tạ Văn Bình: Chúng tôi chưa có số liệu thống kê cụ thể; nhưng chắc chắn là tỷ lệ này khá cao. Cũng theo điều tra tại khu vực Hà Nội năm 2008 thì tỷ lệ người mắc Hội chứng chuyển hóa chung là 36,1%. Tỷ lệ này thay đổi theo lứa tuổi. Hay gặp nhất là lứa tuổi từ 40 đến 64 (có tới 45- 48,2%). Điều đáng suy nghĩ đây là lứa tuổi có vai trò chính yếu trong việc làm ra của cải, vật chất cho mỗi gia đình và xã hội.

Nhiều chuyên gia y tế thế giới đã khẳng định: “Bệnh lý của thế kỷ 21 là bệnh nội tiết – chuyển hóa”. Tuy nhiên, kiến thức của người bệnh, thậm chí của người chưa mắc bệnh là vấn đề đáng lo ngại, bởi nhiều người không biết Hội chứng chuyển hóa là một bệnh, thậm chí là bệnh nguy hiểm. Họ cũng không biết rằng bệnh này có thể phòng ngừa được. Điều đó dẫn đến đa số bệnh nhân mắc đái tháo đường nhập viện trong tình trạng đã quá muộn.

Đây là một thực tế đáng buồn vì nó gây khó khăn cho việc điều trị và điều trị không đạt kết quả cao như mong muốn. Tôi cho rằng đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là do chúng ta chưa có hệ thống quản lý bệnh đái tháo đường có hiệu quả và do trình độ hiểu biết về bệnh đái tháo đường và các biến chứng còn nhiều hạn chế của người dân (bao gồm cả nhân viên y tế).

PV: Nguy cơ về bệnh  nguy hiểm là vậy, xin ông cho biết số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ y, bác sĩ trong chuyên ngành nội tiết ở Việt Nam và  khả năng chuyên môn của đội ngũ này so với thế giới như thế nào?

PGS.TS. Tạ Văn Bình: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, trong một thời gian dài ta chỉ tập trung vào nhóm các bệnh lây nhiễm mà ít chú ý đến các nhóm bệnh không lây nhiễm. Vì thế, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ở các quốc gia muốn có một thầy thuốc chuyên về nội tiết phải mất từ 11 đến 12 năm đào tạo; chúng ta chưa có tiêu chuẩn này. Về số lượng chúng ta có trung bình một bác sĩ chuyên khoa Nội tiết cho 100.000 dân, trong khi con số này ở Nhật Bản là từ 3- 4 bác sĩ/100.000 dân. Theo tôi, chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm nhiều từ các đồng nghiệp thế giới và cũng cần có thời gian để phát triển, bổ sung cả chất lượng, số lượng mới đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.


Chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường biến chứng bàn chân tại Khoa Chăm sóc bàn chân của bệnh viện.

PV: Với cơ sở khám chữa bệnh còn chật hẹp, người bệnh đông, Bệnh viện Nội tiết Trung ương khắc phục như thế nào để bảo đảm công tác khám chữa bệnh hiệu quả?

PGS.TS. Tạ Văn Bình: Đối với các quốc gia đang phát triển thì nhóm bệnh này trước đây 5- 10 năm khá hiếm gặp nên trong thực tế chúng ta không nhiều kinh nghiệm trong điều trị, còn về phòng bệnh thì hầu như không có chút “vốn liếng” nào. Thật sự là không dễ dàng gì khi cùng một lúc chúng tôi phải giải quyết cả những khó khăn về cơ sở vật chất lẫn chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng để giải quyết những khó khăn về chuyên môn chúng tôi đã gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với hợp tác quốc tế; vì thế đã rút ngắn được khoảng cách về trình độ với các quốc gia chung quanh. Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất chúng tôi tiến hành củng cố, sắp xếp lực lượng khám chữa bệnh, bố trí lịch làm việc một cách khoa học, hợp lý để tăng hiệu quả khám chữa bệnh.

PV: Chuyên môn là như vậy, còn vấn đề cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ các thầy thuốc và hoạt động tài chính của bệnh viện thì thế nào, ông có thể vui lòng cho biết ?

PGS. TS Tạ Văn Bình : Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trong số ít bệnh viện trong cả nước thực hiện thành công cơ chế khoán 10 của Chính phủ vào năm 2004, đến năm 2007 lại tiếp tục đi tiên phong triển khai cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 43 của Chính phủ.

Nói thì đơn giản như vậy, nhưng đây là một quá trình vất vả, khó khăn. Nhờ có sự đoàn kết, quyết tâm trong tập thể đơn vị, được sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Y tế nên những khó khăn cũng dần qua đi. Để chuẩn bị triển khai thực hiện cơ chế chính sách mới, trước hết chúng tôi công khai cho tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện. Mọi việc được bàn bạc, thảo luận trong đảng ủy, trong các chi bộ. Khi trong Đảng đã thống nhất thì đưa ra thảo luận ở các khoa phong và trong toàn bệnh viện. Ban chấp hành Công đoàn phối hợp với lãnh đạo khoa chủ trì các cuộc họp thảo luận.

Sau khi thu thập đủ các ý kiến góp ý của toàn bệnh viện, Ban chỉ đạo dựa trên các ý kiến đóng góp để xây dựng dự thảo các quy chế hoạt động. Dự thảo này được gửi xuống các khoa phòng tiếp tục góp ý. Sau nhiều lần góp ý như vậy Ban chỉ đạo sửa chữa rồi ra văn bản chính thức để giám đốc ký ban hành. Qua hai năm thực hiện Nghị định 43 chúng tôi nhận thấy có nhiều cái lợi ; đối tượng được hưởng lợi nhất là người bệnh, chúng tôi nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía người bệnh về chất lượng và thời gian điều trị, đặc biệt là thái độ giao tiếp của cán bộ, nhân viên y tế. Cũng qua việc thực hiện Nghị định 43, đời sống của nhân viên y tế cũng khá hơn mà số lượng, chất lượng các công trình nghiên cứu - kể cả hợp tác nghiên cứu với nước ngoài cũng tăng lên. Nếu Nghị định 43 được mở rộng sẽ không chỉ tiết kiệm cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mà còn tạo ra một hướng đi mới.

PV: Theo ông, Bệnh viện Nội tiết trung ương và các cơ quan chức năng phải làm thế nào để vừa làm tốt việc khám chữa bệnh, vừa nâng cao cơ sở vật chất cũng như số lượng, chất lượng đội ngũ thầy thuốc tiến ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới?

PGS.TS. Tạ Văn Bình: Nước ta còn nghèo, mọi việc đều phải tiết kiệm. Nhưng con người lao động Việt Nam chân chính thì rất cần cù, lại thông minh và sáng tạo. Muốn tiến lên ngang tầm với bạn bè về trình độ thì mình phải khiêm tốn học hỏi. Việc học không chỉ là đọc sách hoặc theo các lớp học chính quy trong nước và ngoài nước. Chúng tôi học bằng cách mở rộng  hợp tác nghiên cứu khoa học. Làm như vậy thì mình cũng phải chủ động vừa học, vừa nghiên cứu, vừa làm.

Khi nghiên cứu lại có sự trao đổi kinh nghiệm, trao đổi cán bộ. Qua đó, mình có thể áp dụng những tiến bộ mới nhất trong việc khám chữa bệnh cho dân mình. Tất nhiên việc đầu tư cơ sở vật chất cũng phải tương ứng thì việc hợp tác nghiên cứu quốc tế mới đạt hiệu quả cao. Trong khoa học không có sự ưu tiên, chỉ có đúng hay sai, làm được hay không làm được. Như vậy càng có nhiều nghiên cứu hợp tác thì sự tiến bộ càng nhanh. Tất nhiên làm như thế này thì vất vả và đòi hỏi phải thực sự tâm huyết mới làm được.

PV:  Ông có thể nói về hướng phát triển sắp tới của trong việc phát triển Bệnh viện cũng như phổ biến kiến thức cho người dân và người bệnh về căn bệnh nguy hiểm này?

PGS.TS. Tạ Văn Bình: Bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh phục vụ nhân dân và các nhiệm vụ khác đã được Bộ Y tế giao phó, hoạt động theo các hướng dẫn thực hiện Nghị định 43. Để cho mọi người hiểu về bệnh đái tháo đường và Hội chứng chuyển hóa chúng tôi đã có kế hoạch phổ biến kiến thức thông qua truyền thông cộng đồng.

Được phép của Bộ Y tế, chúng tôi đã thành lập Viện nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa từ tháng 5 năm 2007. Chúng tôi cũng được Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam vào tháng 3-2007. Hàng năm chúng tôi đều có kế hoạch truyền thông để giáo dục trong cộng đồng.

P.V: Các hoạt động chính của Viện nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa, Hội người giáo dục bệnh nhân đái tháo đường Việt Nam là gì, thưa ông?

PGS.TS. Tạ Văn Bình: Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa có một số các nhiệm vụ chính, đặc biệt là nghiên cứu áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào khám, điều trị cho người mắc bệnh đái tháo đường; tận dụng các nguồn lực trong nước, hợp tác với các cá nhân, các tổ chức khác trên thế giới để đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển các dịch vụ khác trong lĩnh vực phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn chuyển hóa.

Còn Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường là một tổ chức bao gồm tất cả những người tự nguyện đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp phòng chống bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Hội hoạt động theo các quy định của pháp luật và có quan hệ chuyên môn với các Hội chuyên ngành khác của Việt Nam và thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất