Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Chủ Nhật, 26/11/2023 16:0'(GMT+7)

Phát triển nguồn dược liệu từ cây quế

Cây quế được xem là 1 trong 4 vị thuốc quý.

Cây quế được xem là 1 trong 4 vị thuốc quý.

Y học phương Đông xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Việt Nam là một trong những nước trồng rất nhiều quế, hàng năm xuất khẩu đến hàng trăm tấn quế vỏ và hàng chục tấn tinh dầu quế.Quế tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees; họ long não (Lauraceae). Cây to, cao 10 - 20m, vỏ ngoài nứt nẻ, thân phân nhiều nhánh. Cây mọc hoang trong rừng, hoặc trồng bằng hạt, hay chiết cành, sau 5 năm có thể thu hoạch, nhưng vỏ quế bóc sau 20 - 30 năm thì tốt nhất. Vỏ quế bóc vào tháng 4 - 5 hay 9 - 10 sẽ dễ hơn vì đây là giai đoạn quế làm nhựa.

Quế cành thu hái vào mùa hè, phơi khô. Lá và vỏ dùng cất tinh dầu.Cành quế đầu nhỏ vót gọi là quế tiêm, cành nhỏ vừa là quế chi. Vỏ quế gọi là quế thông.Quế thông gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm. Quế bóc ở thân, cành to, dày là quế nhục.

Thành phần hóa học: Vỏ giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2 - 1,5%) nhưng tinh dầu lại giàu aldehyd cinnamic (80,85%). Không có eugenol nhưng có một lượng nhỏ acid cinnamic, acetat cinnamyl và o-methoxycinnamaldehyd; còn có cinnzeylanol, cinnzeylanin.

NGUỒN GỐC, PHÂN BỐ CÂY QUẾ

Quế là loại gia vị lâu đời nhất trên thế giới. Nó được phát hiện và sử dụng đầu tiên ở Trung Quốc. Sau đó lan sang châu Âu và đi khắp thế giới bằng con đường giao thương buôn bán.

Trên thế giới, cây được trồng ở nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Sri Lanka, Nam Mỹ,…

Ở nước ta, Quế phân bố hầu khắp các vùng trên cả nước. Tuy nhiên, phải kể đến bốn vùng trồng quế tập trung là Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa – Nghệ An và Quảng Nam – Quảng Ngãi. Ngoài ra, mỗi vùng miền có thể có cách gọi tên khác như Quế Yên Bái, Quế Qùy, Quế Quảng, Mạy quế (Tày)…

ĐẶC ĐIỂM SINH TRƯỞNG

Cây quế khi mới trồng cần có bóng che để sinh trưởng phát triển, càng lớn thì mức độ chịu bóng của cây càng giảm. Khoảng 3-4 năm trồng cây quế sẽ hoàn toàn ưa sáng. Lúc đó bộ rễ cây đã phát triển vững chắc, rễ lớn cắm sâu vào đất, rễ nhỏ đâm rộng đan chéo vào nhau. Nhờ đó cây có trụ vững chãi, sinh trưởng  khỏe mạnh ở các khu vực đất đai kém màu mỡ, đồi núi dốc. Cây quế rừng có chu kì sinh trưởng khá dài. Phải mất 8-10 năm tuổi cây mới bắt đầu ra hoa bé chỉ tầm nửa hạt gạo nhưng mùi rất thơm mát dịu cả vùng đồi.

Thông thường, những rừng quế thấp thì chỉ khoảng 3-5 năm là người dân có thể thu hoạch. Tuy nhiên đối với sản phẩm chất lượng cao thì yêu cầu cây quế phải trên 15 năm tuổi. Tất cả bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có thể dùng được. Nhưng người ta chủ yếu thu hoạch vỏ quế, cành quế hay lá để phơi khô hoặc cất tinh dầu.

CÁC VÙNG TRỒNG CÂY QUẾ NỔI TIẾNG Ở NƯỚC TA

Quế rừng thường mọc hỗn giao trong những khu rừng nhiệt đới ẩm tự nhiên. Nước ta thường quy hoạch các vùng cạnh cây tự mọc định hướng thành 4 vùng trồng quế chủ chốt bao gồm: vùng Quế Trà Mi; vùng Quế Yên Bái; vùng Quế Quế Phong và vùng Quế Quảng Ninh. Mỗi vùng lại có những đặc trưng sắc thái riêng biệt.

 Vùng Quế Trà Mi - Trà Bồng:

 Trà Mi, Trà Bồng là hai vùng từ lâu đã nổi tiếng với việc trồng quế cả về sản lượng lẫn chất lượng cây quế rừng. Tại đây, nhiệt độ trung bình năm khoảng 22 độ C, lượng mưa 2300mm/ năm cùng độ ẩm bình quân là 85%. Vùng quế Trà Mi, Trà Bồng có độ cao khoảng 400-500m.

 Ở nơi đây quế không chỉ đơn thuần là nguồn lợi kinh tế mà còn là loại cây thân thuộc, gắn bó lâu đời với các dân tộc ít người như Cà toong, Cà tu, Bu. Các xã trồng nhiều quế như Trà Thủy thuộc Trà Bồng, Trà Mai thuộc Trà Mi cùng một số xã khác như Trà Quân, Trà Hiệp, Trà Long, Trà Giác.

Vùng Quế Yên Bái:

Vùng đất này có nhiều lợi thế để phát triển việc trồng cây quế rừng như: vùng rừng núi chia cắt, độ cao 300-700m, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 22,7 độ C, lượng mưa lớn cùng độ ẩm cao. Có nơi lượng mưa còn lên tới 3000mm độ ẩm đạt 84%.

Nhờ vậy mà nơi đây là vùng trồng quế có diện tích trồng và sản lượng vỏ quế cung cấp lớn nhất nước. Riêng sản lượng tại 4 huyện Văn Yên, Văn Chấn, Văn Bàn, Trấn Yên đã có thể chiếm 70% của cả vùng trồng quế Yên Bái. Tại Yên Bái các vùng trồng quế tiêu biểu như Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Phong Dụ, Châu Quế…

Vùng Quế Yên Phong Thường Xuân:

Độ cao bình quân nơi đây khoảng 300-700m, nằm giữa lưu vực sông Chu và sông Hiến nên có nguồn nước dồi dào. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,1 độ C; lượng mưa trên 2000mm/ năm với độ ẩm bình quân là 85%. Bởi điều kiện tự nhiên như thế nên cây quế rừng nơi đây phát triển rất tốt.

Một số vùng trồng cây quế nổi bật nơi đây như huyện Quế Phong, Qùy Châu của tỉnh Nghệ An và huyện Thường Xuân, Ngọc Lạc của tỉnh Thanh Hóa. Quế ở nơi đây có hàm lượng tinh dầu cao lại được các đồng bào dân tộc Mường, Mán, Thái khai thác và chế biến cẩn thận nên sản phẩm có uy tín cùng giá trị kinh tế cao.

Vùng Quế Quảng Ninh:

Tại đây cây quế rừng được trồng trên những đai cao 200-400m. Nhiệt độ bình quân là 23 độ C cùng lượng mưa đạt mức 2300mm/ năm giúp cây quế ở đây sinh trưởng khỏe mạnh. Các vườn quế nơi đây không chỉ là nguồn cung sản phẩm trong nước mà còn phục vụ cho việc xuất khẩu nước ngoài. Tại đây có các vùng trồng quế điển hình như vùng Hà Cối, Hải Ninh, Đầm Hòa, Tiên Yêu và Bình Liêu.

Nhờ có việc trồng cây quế rừng mà cuộc sống của người dân trước đây vốn lam lũ vất vả, được bữa nay lo bữa mai qua ngày đã dần trở nên tốt hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện mọi mặt, người dân không còn lo lắng đói nghèo nữa mà còn yên tâm phát triển kinh tế. 

NHỮNG TÁC DỤNG DƯỢC LIỆU CỦA QUẾ

Quan quế: Chữa bệnh trung hàn, giết ba loại trùng, thông khí huyết, lợi khớp xương, chữa đau bụng đau dạ, trừ chứng đau do gió lạnh, chủ trị chứng lao thương, bổ thêm cho trung khí, chữa đau họng, ho nghịch khó thở, làm ấm gân, thông mạch, lợi khiếu và đau bụng.

Quế chi: Chủ trị: vị nhạt, thể nhẹ, đi lên đầu mặt, chữa chứng đau trong bụng, giải được chứng lạnh ngoài bì phu, điều hòa vinh vệ, cơ biểu, trị tê tay tê chân, giải tán phong hàn, không có mồ hôi làm cho ra mồ hôi, đã có mồ hôi làm cho cầm mồ hôi, đi ngang, làm thuốc dẫn kinh cho tay chân, đi thẳng làm thuốc dẫn đạo cho chứng bôn đồn.

Quế tâm (gọt bỏ hết bì thô dày, lấy phần bên trong màu tía, rất ngọt): hạ được nhau sót, chữa chứng huyết xung lên, đau bụng hậu sản, ngăn được chứng thổ ra máu, mửa ra máu, thông kinh hành huyết, đạo trệ, có công năng bổ âm bổ dương, chữa chứng chân mềm nhũn cấu vào không biết đau và chứng trung phong bán thân bất toại, nghiến răng, đờ lưỡi, tắt tiếng, có khả năng ôn bổ thận khí, chữa được chứng đau vùng thượng vị.

Y học cổ truyền đã có cách sử dụng các vị thuốc từ quế rất đa dạng. Ngày nay, theo các nghiên cứu mới nhất, các vị thuốc từ quế còn có tác dụng ngừa bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ bệnh tim, kháng viêm mạnh, bảo vệ não khỏi chứng mất trí và suy giảm nhận thức, phòng ung thư, mụn trứng cá, loại bỏ hơi thở hôi, tốt cho da.... Quế cho chúng ta nhiều vị thuốc và ứng dụng điều trị phong phú trong suốt lịch sử y học.

Trong đời sống hàng ngày, quế có nhiều ứng dụng như trong ẩm thực dùng làm gia vị; chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ như túi thơm thảo mộc, xông nhà, làm miếng lót giày….

- Giúp dễ ngủ: Có thể sử dụng tinh dầu quế đốt lên và để trong góc phòng. Việc đó sẽ tạo ra cơ chế khuếch tán hương thơm, làm cho không gian trong phòng có mùi thơm đặc trưng của thảo dược và dễ dàng ngủ sâu hơn.

- Chữa đau nhức xương khớp: Quế ngâm rượu để xoa bóp giúp giảm đau khớp rất tốt. Tuy nhiên, cần thận trọng không nên dùng quá nhiều sẽ gây bỏng rát da vì quế rất nóng. Có thể dùng vài giọt tinh dầu quế pha với dầu nền như dầu dừa hay baby oil để xoa bóp giúp thư giãn, giãn cơ rất tốt.

- Chống hôi miệng: Có thể sử dụng vỏ quế khô hoặc tinh dầu quế. Hương thơm của quế sẽ giúp bạn có hơi thở thơm mát.Nhai một miếng quế khô còn có khả năng kháng khuẩn, chống viêm để loại bỏ sâu răng và các nguyên nhân khác gây hôi miệng.

- Làm giảm triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh: Pha vài giọt tinh dầu quế vào chậu nước nóng nhỏ xông mặt làm thông đường hô hấp, chữa nghẹt mũi, dễ thở.

- Dùng để ngâm, tắm, xông: Làm thơm, làm ấm cơ thể, thư giãn toàn bộ cơ thể.

- Quế, gia vị của nhiều món ngon: Vị thơm, cay và ngọt của quế giúp khử bớt mùi tanh, gây của cá, thịt; làm cho món ăn có hương vị hấp dẫn hơn, kích thích hệ tiêu hóa. Là thành phần gia vị của món phở, bún bò, làm bánh ngọt có hương quế, làm chả quế… Ngoài mùi thơm làm cho món ăn thêm hấp dẫn, thành phần tinh dầu của quế cũng giúp hệ tiêu hóa kháng khuẩn, làm món ăn thêm tính ấm, trừ đi phần hàn, giúp người ăn tránh được đau bụng. Tuy nhiên, cần thận trọng và dùng vừa phải, dùng nhiều quế có thể khiến môi miệng bị kích ứng, những người dị ứng với quế nên tránh các món ăn có quế làm gia vị, cũng không nên ăn quá nhiều quế vì quế tính nóng, gây mất cân bằng âm dương trong cơ thể.

- Túi thơm quế: Mùi nấm mốc từ áo quần hay tường vôi ẩm, mùi máy lạnh, mùi xe ô tô… những thứ mùi khó chịu ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành xung quanh sẽ được khử sạch bằng túi thơm quế. Tinh dầu quế có tác dụng khử khuẩn, diệt nấm, xua đuổi ký sinh trùng

- Miếng lót giày: Khử mùi, làm ấm lòng bàn chân, hạn chế được nấm chân hay còn gọi là nấm candida albicans.

- Quế cũng chính là thành phần không thể thiếu trong các loại nhang thảo mộc sử dụng trong thờ cúng và nhang thiền. Nhang có thành phần là quế rất thơm, mang lại cảm giác ấm áp, bình an. Nguyên liệu làm nhang gồm tăm, bột cây quế, bột keo... Tùy theo cách pha trộn mà tạo ra những mùi hương thơm đặc biệt khác nhau.

Cây quế được sử dụng nhiều trong các món ăn của gia đình Việt.

Cây quế được sử dụng nhiều trong các món ăn của gia đình Việt.

PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH VÀ BỀN VỮNG, NGÀNH SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN QUẾ 

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150 nghìn ha, trồng cây quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam đạt hơn 41.400 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế hằng năm trên toàn cầu đang tăng nhanh, khoảng từ 8% đến 12% đã khiến giá quế ngày càng tăng cao, nhất là từ năm 2016 đến nay. Đây là tín hiệu tốt, song thực tế này cũng có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển trồng cây quế ồ ạt tại Việt Nam. Bên cạnh hoạt động sản xuất, các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng tăng theo. Nếu không có những định hướng quản lý và phát triển ngành quế một cách chiến lược, kịp thời và bền vững thì có thể sẽ đưa đến những lúng túng cho các cơ quan quản lý ở địa phương, khó đáp ứng được các rào cản chất lượng, rủi ro về giá cả, về thị trường đầu ra. Điều này sẽ đưa đến hậu quả và tác động tiêu cực cho người dân trồng quế và các doanh nghiệp liên quan đến chế biến và xuất khẩu quế ở Việt Nam. 

Tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên), với diện tích tự nhiên hơn 52 nghìn héc-ta, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 65%, nông dân đã lựa chọn phát triển cây quế là hướng đi phù hợp... Kết quả, sau 5 năm triển khai, đến nay toàn huyện đã trồng được hơn 2.250 ha quế. Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng quế. Tại tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều huyện miền núi được coi là trung tâm của cây quế, tỉnh đã có quy hoạch tổng thể, đồng thời trực tiếp hỗ trợ cơ chế, chính sách, tài chính cho người trồng quế. Theo đó, chính sách nhằm bảo tồn giống quế gốc bản địa, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng quy hoạch trồng quế. Giai đoạn 2018-2025, các địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn được hưởng cơ chế hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu quế áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và khả năng đầu tư trồng quế; hỗ trợ bảo tồn, sản xuất, cung ứng giống gốc quế Trà My, nhất là các hộ gia đình, cá nhân có rừng quế được lựa chọn để chuyển hóa thành rừng giống và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống bảo đảm các quy định về sản xuất giống cây trồng. Các tỉnh khác như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… cũng đang tích cực triển khai hiệu quả đề án phát triển cây quế theo hướng quy hoạch ổn định, bền vững. Huyện Bắc Hà (Lào Cai) hiện có hơn 9.500 ha rừng trồng quế, doanh thu từ quế đạt hơn 300 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng quế, hàng nghìn gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế. Hiện nay toàn huyện có 2.400 ha quế hữu cơ, cho năng suất, chất lượng cao. Huyện đã khuyến khích, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm quế gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại địa phương, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu. Riêng tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, nhờ giá quế tăng cao, đồng bào các dân tộc một số địa phương đã kịp thời chuyển đổi các loại cây có giá trị kinh tế thấp hơn sang trồng quế. Huyện Văn Yên hiện có khoảng 50 nghìn héc-ta diện tích đất trồng quế, mỗi năm xuất bán ra thị trường trong nước và quốc tế khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại. Từ cây xóa đói, giảm nghèo, giờ đây quế trở thành cây làm giàu cho nông dân với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu đồng/năm. Để phát triển ổn định, huyện Văn Yên đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cây quế cho các xã từ năm 2010. Đặc biệt, từ năm 2020, quế Văn Yên trở thành một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi Hiệp định EVFTA.

Nhận thức được tính cấp thiết của việc phải có tầm nhìn chiến lược và các giải pháp dài hạn cho ngành quế, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đánh giá hiện trạng, tiềm năng và các thách thức, tìm kiếm giải pháp hỗ trợ phát triển bền vững ngành quế Việt Nam, nhất là các giải pháp thúc đẩy việc kết nối chuỗi ngành hàng. Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng, diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.

Quế trở thành cây thoát nghèo ở Yên Bái. (Ảnh minh họa: Thanh Sơn - Đức Khải)

Quế trở thành cây thoát nghèo ở Yên Bái. (Ảnh minh họa: Thanh Sơn - Đức Khải)

Để phát triển ổn định và bền vững, ngành sản xuất, chế biến quế cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm quế  phải phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của cộng đồng xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, Nhà nước, chính quyền các địa phương cần có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến quế.

Thuỳ Dương
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất