THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
Trong
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội Nông dân Việt Nam
thực sự chủ động, tích cực phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong
thực hiện chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn
mới và giảm nghèo bền vững với những thành tựu to lớn. Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng khẳng định: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản
xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả,
tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát
triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng,
hoàn thành sớm hơn gần hai năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay
đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”(1).
Trong
những năm qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp từ 2,8% đến
3%/năm, là tốc độ cao của thế giới. Đặc biệt, tính đa dạng về sinh thái,
thổ nhưỡng, sinh học, đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào, nhân lực
trẻ khá phong phú, cho phép các hộ nông dân - hạt nhân của hợp tác xã
cùng doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả hơn 10 triệu héc-ta đất canh tác
nông nghiệp và hơn 14 triệu héc-ta rừng để sản xuất được cả ba nhóm nông
sản nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới với hàng nghìn giống cây, con, thổ
sản quý hiếm. Hằng năm, Việt Nam sản xuất được trên 45 triệu tấn thóc, 5
triệu tấn ngô, 5,8 triệu tấn thịt các loại, 8 triệu tấn thủy sản cả
khai thác tự nhiên và nuôi trồng; gần 20 triệu mét khối gỗ rừng trồng;
sản lượng cà phê thô đứng thứ hai trên thế giới; hạt tiêu đứng đầu thế
giới; cao su đứng thứ sáu trên thế giới; bảo đảm an ninh lương thực quốc
gia, đáp ứng cho nhu cầu của gần 100 triệu dân trong nước và dành phần
xuất khẩu đạt trên 45 tỷ USD đến 190 nước trên thế giới. Thành tựu đó đã
đưa tỷ lệ nghèo giảm đáng kể đem đến những cải thiện trong hầu hết các
chỉ số về năng suất, vốn và vốn nhân lực.
Tuy
nhiên, nhìn một cách tổng thể với yêu cầu phát triển nhanh và bền vững
trong tâm thế Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nông nghiệp,
nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ.
Sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, diêm nghiệp)
vẫn ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún và thiếu liên kết nên khó cạnh tranh
trên thị trường. Hiện nay, mới chỉ có 8% số doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 92%, đồng
nghĩa khó có khả năng chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và bất cập trong
kết nối cung cầu nông sản. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong
nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế nhưng
thực tế các chính sách này vẫn chậm đi vào cuộc sống. Các doanh nghiệp
đầu tư vào nông nghiệp đã và đang gặp không ít khó khăn trong tiếp cận
nguồn vốn từ ngân hàng và nhiều thủ tục liên quan đến đất đai, vay vốn,
xây dựng, môi trường, vẫn còn là những điểm nghẽn làm mất nhiều thời
gian. Việt Nam có đất nông nghiệp, tài nguyên nước và tài nguyên biển
dồi dào với sự đa dạng sinh học phong phú là những lợi thế tự nhiên đã
được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng những tổn hại về môi trường
ước tính ở mức từ 4% đến 8% GDP mỗi năm. Nước ta đang chịu tác động mạnh
mẽ của biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra trên cả các vùng kinh tế -
xã hội. Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn
văn minh là khát vọng của hội viên, nông dân Việt Nam, nhưng phần lớn hộ
nông dân còn thu nhập thấp, chưa có kỹ năng nghề và chưa thích nghi với
thị trường cạnh tranh, nhất là 53 dân tộc thiểu số mới có 6,2% số người
lao động từ 15 tuổi trở lên và có 5,9% số người lao động nữ từ 21 tuổi
trở lên được đào tạo nghề. Sau hơn 10 năm qua, các chính sách kinh tế đã
đưa đến nhiều thành công, nhưng đến nay đang dần mất đi động lực khi
nông hộ, nền nông nghiệp quy mô nhỏ, lẻ và manh mún đang đứng trước
thách thức thiếu kết nối giữa sản xuất với thị trường và nông dân chưa
được đào tạo nghề. Xã hội nông thôn đang đứng trước xu hướng biến đổi cơ
cấu mạnh mẽ (giai cấp, nghề nghiệp, dân số, tộc người, tôn giáo) trên
cả mặt tích cực (làm thay đổi căn bản một cách sâu sắc mọi mặt đời sống
xã hội của người dân) và tiêu cực (gia tăng khoảng cách giàu nghèo, sự
mất bình đẳng giữa lao động chân tay và lao động trí óc, sự mất cân bằng
giữa nam và nữ, sự tụt hậu của cộng đồng dân tộc thiểu số so với dân
tộc đa số ở Việt Nam về trình độ học vấn và các khía cạnh liên quan đến
thị trường, sự khác biệt giữa miền xuôi và miền núi, giữa thành thị và
nông thôn).
TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
Thứ nhất,
cần quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ
cấu lại nền kinh tế và đầu tư công, phát triển lành mạnh các loại thị
trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường tài chính
tiền tệ, thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên. Trong đó, “thực
hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông
nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông
nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(2).
Trong
bước chuyển đổi này, cần thấm nhuần sâu sắc và thực hiện thật tốt lời
dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Công nông trí thức hóa. Trí thức công
nông hóa. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ
tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần,
nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”(3). Tư
tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đại hội XIII của Đảng
đòi hỏi nhìn nhận ngành nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất vật chất
mà là ngành kinh doanh nông nghiệp - ngành kinh tế tri thức nông nghiệp
và nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hội
viên, nông dân phải được trang bị bằng kiến thức của nhà kinh doanh,
được đào tạo nghề theo hướng trí thức hóa nông dân, tập trung vào việc
nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực có lợi thế và giá trị
gia tăng cao dựa trên công nghệ mới, hiện đại về chế biến nông sản và mở
rộng các ngành, nghề phi nông nghiệp ở nông thôn để đồng bào nông dân
định canh, định cư bền vững tại miền quê đang sống của mình.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn,
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình
trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn:
danviet.vn)
Đại
hội XIII của Đảng xác định rõ: “Cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể
chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy
vai trò các vùng kinh tế động lực và các đô thị lớn, quan tâm phát triển
các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng”(4).
Chủ trương đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn
viên, hội viên phải thoát ra khỏi tư duy trong phạm vi địa giới hành
chính huyện, tỉnh, thành phố; tập trung xây dựng chiến lược quốc gia,
vùng, miền và chế biến nông sản; đổi mới tư duy từ tư duy sản xuất nông
nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò “bà đỡ” của doanh
nghiệp nông nghiệp với công nghệ mới, hiện đại và cơ chế, chính sách
tương thích nhất để hỗ trợ, khuyến khích tập trung đất đai, đầu tư khoa
học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị
trường. Đây là 5 vấn đề mấu chốt như trục xương sống trong chiến lược
phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta.
Thứ hai,
từ chủ trương “phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây
dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại
và nông dân thông minh”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chú
trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ
cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”(5).
Ở
nước ta, có khoảng 80% diện tích tự nhiên là nông thôn với ba phần tư
là miền núi, hệ thống sông đều chạy từ phía Tây sang phía Đông, rất đa
dạng về đất đai và thổ nhưỡng, về kỹ thuật canh tác và quản lý sản xuất
nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp của người nông dân có thể phân định
theo hai trình độ sau: ở trình độ thấp, sản xuất nông nghiệp chủ yếu
phục vụ cho gia đình của mỗi người nông dân, gọi là nông nghiệp thuần
nông hay nông nghiệp sinh nhai; ở trình độ cao, sản xuất nông nghiệp có
mức độ cơ giới hóa cao, được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản
xuất, bao gồm cả việc sử dụng máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,
lai tạo giống, nghiên cứu các giống mới, hướng đến tăng thu nhập từ các
sản phẩm nông nghiệp và sản xuất đầu ra chủ yếu phục vụ mục đích thương
mại, làm hàng hóa bán ra thị trường hay xuất khẩu. Theo sự phân định đó,
hiện nay hằng năm, Hội Nông dân Việt Nam có khoảng 3,5 triệu hộ hội
viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhưng mới
có khoảng 30% số hội viên biết kinh doanh nông nghiệp. Do đó, để phát
triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, cũng
như ở nhiều nước, Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế trong đó coi nông
nghiệp là ngành kinh tế quan trọng có vai trò làm “trụ đỡ” cho nền kinh
tế với nhiều chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng
thuỷ sản, diêm nghiệp.
Trong
Chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, cần hướng tới mục tiêu tăng
trưởng từ 3% - 3,5%/năm với giá trị xuất khẩu đến năm 2025 đạt khoảng
50 tỷ USD và xây dựng những vùng nông thôn định canh, định cư giàu có,
tối thiểu 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 10% số
xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu thực sự đáng sống. Vì vậy, Trung
ương Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung nghiên cứu thể chế hóa
chủ trương Đại hội XIII về “Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập
suốt đời. Đẩy mạnh tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển,
nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Thúc đẩy phát triển các cơ sở giáo
dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các cơ chế, chính sách và giải
pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do
quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(6). Điều này giúp các chi
hội trưởng chi hội nông dân nghề nghiệp và giám đốc hợp tác xã có đủ
năng lực trí tuệ và kỹ năng trong thực hiện mục tiêu phát triển nông
nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có và nông thôn văn minh, hiện đại.
Thứ ba,
Đại hội XIII của Đảng xác định, phải “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với
công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây
dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”(7)
để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết sáu nhà (nhà
nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân
phối) nhằm phát huy cao độ vai trò chủ thể của nông dân.
Thực
hiện chủ trương này, các nhà quản lý phải phát huy vai trò của mình
trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, thúc đẩy, tạo điều kiện
thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu để
nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp và tham
gia thị trường. Hiện nay, nông nghiệp không thể thiếu doanh nghiệp làm
khâu kết nối sản xuất với thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp là tất yếu. Muốn vậy, các chính sách khuyến khích cần cụ
thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, tạo được sức hấp dẫn bằng các cơ chế,
chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng về phát huy vai trò của
nông hộ trong hợp tác xã và doanh nghiệp để tích tụ, tập trung đất đai,
đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển
nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường.
Cần
tập trung đào tạo các kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới và kỹ
năng quản trị kinh doanh cho hội viên nông dân, đặc biệt lấy các nhà
nông thành công trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp làm gương và làm
theo phương châm “nông dân dạy nông dân” bằng phương pháp dạy học thực
hành theo quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi mà các nhà khoa
học của nhà nông đóng vai trò như “thư viện của nông dân”. Có hình thức
tổ chức, tập hợp các nhà khoa học nông nghiệp và tiếp tục tôn vinh danh
hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” để mang đến cho hội viên, nông dân
không chỉ niềm tự hào mà quan trọng hơn là những tâm đức và kiến thức
quý báu của họ. Hỗ trợ hội viên, nông dân các trang thiết bị thông tin,
kết nối, liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường để làm
tốt các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ,
xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản.
Mô hình khởi nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sạch ở tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TTXVN)
Thứ tư,
tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa kiểu mẫu với hệ
thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ và bảo vệ môi
trường sinh thái.
Cùng
với phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều xu
hướng tiêu cực tác động vào xã hội Việt Nam nói chung, nông thôn nói
riêng, đã và đang nảy sinh những vấn đề lớn trong việc giữ gìn và phát
huy các giá trị tinh thần, chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc.
Đó là, sự thiếu tôn trọng các mối quan hệ đạo đức truyền thống, chủ
nghĩa cá nhân phát triển, coi trọng kinh tế và coi nhẹ văn hóa. Cùng với
đó, cơ cấu xã hội biến đổi mạnh mẽ trên cả mặt tích cực và tiêu cực,
vốn tự nhiên suy giảm liên tục và môi trường ngày càng dễ bị tổn thương
bởi thiên tai và biến đối khí hậu ngày càng tăng lên.
Trước
tình hình nhiệm vụ mới, Hội Nông dân Việt Nam phát huy vai trò trung
tâm và nòng cốt trong vận động hội viên, nông dân xây dựng người nông
dân mới giàu lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm, trọng nghĩa tình và
có trình độ chuyên môn và kỹ năng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Đây
cũng là trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn
mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu luôn ổn định, văn
minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và kết cấu hạ tầng nông
nghiệp, nông thôn đồng bộ. Cán bộ, hội viên, nông dân phải đi đầu đấu
tranh ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức và từng bước vươn lên khắc phục
các hạn chế của con người Việt Nam, nêu cao vai trò và nhiệm vụ trong
cải tạo cảnh quan nông thôn và sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, giữ
vững an ninh, trật tự và môi trường xã hội nông thôn.
Cán
bộ, hội viên, nông dân chủ động, tích cực tham gia sử dụng hiệu quả tài
nguyên, nhất là sử dụng đất và nước tiết kiệm nhất, giám sát và kiến
nghị xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi
trường, ngăn chặn suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; chủ
động thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai, đẩy mạnh phát triển
nông nghiệp xanh và nông nghiệp tuần hoàn bằng công nghệ hiện đại, tiệm
cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh có năng suất và chất lượng
cao để thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao.
Hội Nông dân và người nông dân thấy rõ ràng hơn tác động của suy thoái
môi trường đến người dân, mong muốn hiện thực hóa chủ trương “Thúc đẩy
chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng
tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” theo tinh thần Nghị quyết số
24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động
ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ
môi trường và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 -
2020 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày
25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, thành các hành động cụ thể và kết
quả hữu hình bằng cả ba yếu tố tầm nhìn, năng lực và động lực.
Thứ năm,
tiếp tục hướng dẫn hội viên, nông dân nghiệp vụ xây dựng dự án phát
triển nông nghiệp hàng hóa, vay và sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Chính
sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Hỗ trợ
nông dân theo hình thức nhóm hộ nông dân gắn chặt với xây dựng tổ hội
nông dân, chi hội nông dân nghề nghiệp và hợp tác xã kiểu mới hoạt động
theo phương thức “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu
trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng ngành nghề - lĩnh vực sản xuất, kinh
doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm,
cùng hưởng thụ).
Phát
triển Quỹ Hỗ trợ nông dân theo văn bản số 4035/KTTH, ngày 26/7/1995
của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 773/CV-NH1 ngày 23/2/1995 của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, nông dân xây
dựng và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa
theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, làm giàu chính đáng và
giảm nghèo bền vững. Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam, ngoài cấp
Trung ương còn có 63 Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, 654 Quỹ Hỗ trợ nông
dân cấp huyện đang quản lý trên 3.740 tỷ đồng và hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội đang quản lý cho vay
135.000 tỷ đồng vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam
hoạt động theo phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” và
“giao dịch tại nhà, giải ngân tại chỗ”. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng
trưởng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng lợi
thế của từng vùng và dựa trên tăng năng suất, chất lượng nông sản và
nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và năng lực cạnh tranh;
phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu
mới gắn chặt với chi hội nông dân nghề nghiệp và doanh nghiệp để nâng
cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thích
ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm vì sức khỏe
cộng đồng.
Thực
hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội Nông dân các cấp tiếp tục
chủ trì, phối hợp nghiên cứu đổi mới công tác định hướng về vay vốn của
nông dân theo yêu cầu phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn
với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng
xanh hóa, xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp và tổ hội nông dân nghề
nghiệp gắn với xây dựng hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo phương thức
“5 tự” và “5 cùng” để nâng cao năng lực tổ chức liên kết “sáu nhà” hay
liên kết chuỗi và nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức mới và đẩy mạnh
trí thức hóa nông dân. Chỉ có vậy, 8 triệu hộ nông dân trong đó có 3,5
triệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp mới phát triển được
vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh, gắn với cơ sở công
nghiệp chế biến để đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn nước ta đạt được
cả “ba cao” về năng suất, chất lượng, giá trị theo chỉ đạo của đồng chí
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thịnh
vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại./.
TS. Thào Xuân Sùng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng
Nguyên Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
_________________
(1) (2) (4) (5) (6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.61-62, 124, 122, 124, 137, 124.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.7, tr.73.
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)