Thứ Sáu, 14/6/2013 16:28'(GMT+7)
Phát triển tổ, đội sản xuất trên biển nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Tổng cục
Thủy sản đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo chính sách khuyến khích ngư
dân sản xuất trên biển.
Theo dự thảo, chính sách sẽ tập trung vào việc
khuyến khích ngư dân sản xuất theo hình thức tổ, đội; phát triển khai
thác hải sản (nhất là khai thác xa bờ) kết hợp với bảo vệ chủ quyền an
ninh trên biển; các chính sách khuyến khích đầu tư hầm bảo quản, máy
móc, trang thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch với mục tiêu giảm
tỷ lệ tổn thất xuống còn 15% năm 2015 và 10% năm 2020.
Theo
báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Việt Nam hiện có tỷ lệ tổn thất sau thu
hoạch khai thác thủy sản ở mức cao (từ 20-30%), tập trung ở giảm chất
lượng và giá trị ở khâu bảo quản sản phẩm. Mỗi năm, với sản lượng khai
thác hải sản đạt 2,4 triệu tấn, tổn thất sau thu hoạch lên tới trên
480.000 tấn, tương đương với gần 9.600 tỷ đồng. Riêng cá ngừ đại dương
năm 2012 với tổng sản lượng trên 18.000 tấn, do bảo quản kém, giảm chất
lượng sau thu hoạch đã gây thiệt hai hơn 1.100 tỷ đồng. Trong vụ cá Bắc
của năm 2013, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt trên 10.000 tấn,
nhưng do chất lượng giảm đã khiến giá giảm 60%, gây thiệt hại hơn 700 tỷ
đồng.
Thời gian qua, các ý kiến đóng góp đã tập trung xác
định rõ các đối tượng sẽ được hưởng chính sách khuyến khích, điều kiện
để được hưởng chính sách, định mức và hình thức khuyến khích phát triển;
trong đó, đặc biệt khuyến khích đầu tư hầm bảo quản sản phẩm trên các
tàu cá nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Mức khuyến khích đầu tư sẽ được
căn cứ vào 3 yếu tố: Thể tích hầm bảo quản (không căn cứ vào chiều dài
của tàu); Loại tàu (phân biệt giữa tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu
cần); Công nghệ bảo quản trên tàu.
Nhiều chuyên gia ngành
thủy sản cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của việc ban hành chính sách
khuyến khích phát triển tổ, đội sản xuất trên biển nhằm giảm tổn thất
sau thu hoạch; đồng thời, đề nghị nhóm soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung
nhằm điều chỉnh chính sách để tránh sự chồng chéo và phải phù hợp với
các quy định quốc tế./.
Thúy Hiền/TTXVN