(TCTG) Cục Nghệ thuật biểu diễn đã hoàn thiện Đề án Dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới để trình lãnh đạo Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch phê duyệt. Mục tiêu của đề án là nhằm từng bước nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng trong thời kỳ đổi mới, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật sân khấu Việt Nam, tinh hoa sân khấu nhân loại
Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương- Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trao đổi với chúng tôi về đề án này:
Thưa ông, việc dàn dựng 100 tác phẩm sân khấu nổi tiếng liệu có tạo nên sức hút mới đối với công chúng, kéo họ đến với các nhà hát?
Chúng tôi hy vọng về điều này và đó cũng là một trong những mục tiêu của đề án. Lịch sử sân khấu VN có rất nhiều kịch bản nổi tiếng. Nhiều vở diễn nổi tiếng đi cùng năm tháng, qua sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, qua hai cuộc kháng chiến và cả thời kỳ dựng xây đất nước, gắn liền với tên tuổi nhiều thế hệ nghệ sĩ và các nghệ sĩ đó đã góp phần không nhỏ để xây dựng nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Và trong lịch sử sân khấu Việt Nam, những bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… là nền tảng và mang đặc trưng ngôn ngữ riêng. Hay nói cách khác, đó là bản sắc văn hoá dân tộc trong nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật truyền thống vừa là phương tiện biểu đạt, vừa là thành tố tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Bộ VHTTDL có quyết định là giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) xây dựng một đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của VN và thế giới. Con số 100 là bước đầu thực hiện dự án này, trong đó 1/3 là kịch nước ngoài, còn lại là kịch trong nước như: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói…
Thưa ông, lựa chọn những kịch bản nổi tiếng để dàn dựng là hết sức cần thiết trong điều kiện ngày hôm nay. Nhưng điều dư luận quan tâm là Cục NTBD phân chia cho các nhà hát dàn dựng những tác phẩm này hay các nhà hát sẽ có các dự án trình lên để tham gia dàn dựng?
Trong 100 kịch bản này, đối với các kịch bản trong nước thì chúng tôi lấy một số kịch bản truyên thống đã đi vào lịch sử sân khấu. Bên cạnh đó, chúng tôi lựa chọn những kịch bản của các tác giả đã đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước, tiếp đó là những kịch bản đã đoạt giải cao trong những kỳ hội diễn của các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc của những năm cuối 80 đến hết thế kỷ 20. Một loạt những kịch bản này có những hội đồng, các chuyên gia sân khấu để cùng lựa chọn, lập ra những danh sách 100 kịch bản. Những đơn vị công lập hoặc cả các đơn vị xã hội hoá đều có quyền lựa chọn những kịch bản cho phù hợp với tình hình diễn viên, điều kiện biểu diễn và những điều kiện khác để làm đơn xin Cục NTBD được tham gia thực hiện đề án này. Một kịch bản trong đề án này có thể có nhiều đơn vị dàn dựng. Cái đích cuối cùng của đề án này là các tác phẩm nghệ thuật được dàn dựng phải đến được với công chúng, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong đề án cũng có nêu mức cụ thể cho kinh phí đầu tư dàn dựng, cũng như việc phổ biến tác phẩm. Xin ông có thể nêu rõ là việc đầu tư này như thế nào để tác phẩm thực sự là có hiệu quả nhất?
Trong đề án này, cái đích của nó là các đơn vị nghệ thuật phải năng động để huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Kinh phí ở đây thì chúng tôi qui định rõ: đối với các vở truyền thống, Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ 120 triệu, đối với những vở kịch nói hỗ trợ 100 triệu. Bên cạnh số tiền 100 hoặc 120 triệu thì các đơn vị phải có nguồn vốn đối ứng bằng ấy nữa. Thí dụ một đơn vị kịch nói công lập thì bộ hỗ trợ 100 triệu và đơn vị đó phải trích 100 triệu trong ngân sách hoạt động thường xuyên (cũng là do nhà nước cấp) để dàn dựng tác phẩm. Có nghĩa là từ nguồn ngân sách Nhà nước, mỗi tác phẩm dàn dựng tối thiểu là 200 triệu, còn thiếu bao nhiêu thì đơn vị phải huy động từ các nguồn lực xã hội. Thực ra đây cũng là đề án để các đơn vị nghệ thuật tháo gỡ được lúng túng trong vấn đề xã hội hoá, năng động trong việc dàn dựng và đưa tác phẩm tới công chúng.
Thưa ông, đi liền với việc bộ sẽ cấp kinh phí thì việc thẩm định những tác phẩm được dàn dựng sẽ tiến hành như thế nào? Bởi nếu không có thẩm định, rất có thể việc dàn dựng không đạt như mong muốn mà chúng ta đề ra, cũng như mong muốn của khán giả?
Trong đề án đã ghi rõ là bộ chỉ chọn những đơn vị có đầy đủ các điều kiện tham gia, chứ đâu phải đơn vị nào tham gia bộ cũng đồng ý. Đây không phải là đề án phân bổ tiền cho tất cả các đơn vị nghệ thuật trong cả nước trong và ngoài công lập tham gia, mà đề án đưa ra những tiêu chí hết sức khắt khe để cho các đơn vị có đủ những điều kiện, tiêu chí cần thiết như: lực lượng nghệ sĩ biểu diễn, nhóm ê-kíp sáng tạo, định hướng hoạt động nghệ thuật, phương pháp dàn dựng và phổ biến tác phẩm tới công chúng hoặc là các biện pháp maketting để đưa tác phẩm tới công chúng yêu nghệ thuật, rồi có quá trình hoạt động mà nó mang bề dày. Các đơn vị nghệ thuật thấy những tiêu chí trong đề án đưa ra và khả năng của mình làm được thì có văn bản đề nghị và sau đó có hội đồng thẩm định của Cục NTBD, của Bộ thẩm định xem đơn vị có đủ khả năng dàn dựng tác phẩm này hay không? Trong đề án cũng nêu rõ là cấp 50% kinh phí và sau khi nghiệm thu tác phẩm thì bộ mới cấp hết số kinh phí còn lại. Đề án cũng nêu ra những qui chế hết sức chặt chẽ làm sao nâng cao chất lượng tác phẩm. Bởi vì mục tiêu cuối cùng là dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng để biến thành 100 tác phẩm sân khấu đạt chất lượng nghệ thuật cao và đưa những tác phẩm ấy phục vụ tới đông đảo quần chúng nhân dân.
Đây là lần đầu tiên có một đề án nêu những qui định cụ thể về việc các nhà hát sau khi dàn dựng, phải đưa vở kịch đến với công chúng và việc này cũng được hỗ trợ kinh phí. Đây phải chăng là giải pháp để khuyến khích hơn nữa các đơn vị đưa các tác phẩm đến với công chúng?
Một tác phẩm nghệ thuật mà không có công chúng thì cũng coi như tác phẩm đó đổ bể, chết yểu. Đời sống sân khấu của chúng ta trong những năm gần đây cũng diễn ra nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật công lập dàn dựng và tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng khi biểu diễn tới công chúng thì không có khán giả xem. Và các đơn vị ấy không có phương thức để tiếp cận khán giả, cho nên vở diễn dàn dựng đầu tư ra nhưng xếp vào kho. Đó là thực trạng đã diễn ra. Vì vậy, điều quan trọng nhất bây giờ đối với các đơn vị nghệ thuật là khi dàn dựng một tác phẩm sân khấu là phải đưa được tác phẩm đó phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng. Càng đỏ đèn nhiều, vở diễn trụ nhiều đêm thì đó là mốc đánh dấu sự thành công của tác phẩm đó. Đề án này cũng qui định rõ là sau 2 năm dàn dựng, đối với những vở kịch hát, thì tối thiểu đơn vị phải có được 50 đêm biểu diễn cho công chúng. Những đơn vị kịch nói phải có được 80 đêm biểu diễn tới công chúng. Đề án này đề cập tới lợi nhuận kinh tế, doanh thu. Mục đích của đề án là dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao và đưa tới phục vụ công chúng để nâng cao nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Các nhà hát phục vụ càng nhiều càng tốt.
Vâng, xin cảm ơn ông./.
Lãnh đạo các nhà hát nói gì?
NSUT Nguyễn Anh Dũng- Giám đốc Nhà hát Kịch VN:
Chúng tôi hoan nghênh đề án này. Nhưng thực ra việc dàn dựng 100 tác phẩm kinh điển với Nhà hát Kịch VN không có gì mới, bởi vì thông qua suốt một chặng đường dài 56 năm xây dựng và phát triển, thì nhà hát đã tham gia dàn dựng nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Nếu tổng kết sơ sơ thì chúng tôi đã dàn dựng 40 tac phẩm nước ngoài và 220 tác phẩm trong nước. Hàng năm hầu như chúng tôi đều khai thác, nghiên cứu, tìm tòi những tác phẩm tốt nhất để dàn dựng. Những tác phẩm mà Cục tổng kết lại thì hầu như đều là tác phẩm mà nhà hát đã dàn dựng. Ví dụ như Lịch sử nhân chứng, Đêm trắng... Chúng tôi luôn luôn tiên phong trong việc khai thác các tác phẩm kinh điển, chắc lọc những tác phẩm nổi tiếng ... Trong số 100 tác phẩm còn thiếu nhiều tác phẩm xuất sắc như: Nhân danh công lý… Trong việc dựng lại các tác phẩm nổi tiếng, cần có tiêu chí rõ ràng thế nào là nổi tiếng, thế nào là kinh điển. Thứ hai, cần phải coi trọng yếu tố khán giả. Cần tìm hiểu xem khi dàn dựng lại một tác phẩm nào đó sẽ có ích lợi cho thế hệ khán giả trẻ hôm nay. Nếu mang các tác phẩm nổi tiếng ra mà họ quay mặt đi thì chúng ta thất bại. Nếu chúng ta bỏ yếu tố khán giả thì cũng không thành công.
NSND Bùi Đắc Sừ- Giám đốc Nhà hát Chèo VN:
Về chủ trương, chúng tôi rất ủng hộ đề án này vì sân khấu đang thiếu vắng khán giả, các lớp trẻ chưa hiểu về sân khấu. Nếu làm được 100 hoặc 50 tác phẩm chọn lọc là đã tốt rồi. Vì mỗi tác phẩm trong một thời kỳ nào đó có giá trị nghệ thuật. Nhưng trong danh sách 100 tác phẩm này thiếu một tác phẩm quan trọng là vở "Quan âm Thị Kính", một vở chèo mẫu mực. Điều quan trọng là khi dàn dựng lại các vở kịch nổi tiếng, chúng ta phải định hướng cho công chúng là chúng ta muốn giới thiệu gì cho họ? Ví dụ với vở "Quan âm Thị Kính" thì chúng ta phải bảo tồn chèo cổ, những đến vở "Hồ Xuân Hương" thì chúng ta giới thiệu về chèo hiện đại, cách hát đã được cải biên.
NSND Lê Hùng- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ:
Đây là một đề án, một việc làm nghệ thuật, bởi khán giả phải được định hướng, có quyền được xem những tác phẩm kinh điển của thế giới.Chỉ có điều kinh phí quá thấp, chỉ có những nhà hát thực sự mạnh, thực sự yêu những tác phẩm kịch cũ, kịch kinh điển thì mới dám làm. Việc chọn lựa tác phẩm để dàn dựng là trách nhiệm của các nhà hát. Nếu bỏ công bỏ sức ra làm thì phải làm một cách có trách nhiệm và năng động để khai thác vở diễn đó. Đề án không nên định là phải diễn bao nhiêu buổi. Các nhà hát càng năng động thì vở diễn càng đến với khán giả tốt hơn.
Ông Phan Quốc Hùng- Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang:
Trước tiên là tôi hoan nghênh Bộ đã tổ chức kế hoạch thực hiện đề án này. Tuy nhiên một số tác phẩm nổi tiếng chưa được liệt kê vào danh sách 100 tác phẩm. Trong tình hình hiện nay mình dựng một tác phẩm mà giá trị đầu tư chỉ có 100 triệu thì không tương ứng và tính phổ biến thì nên xem lại. Trước đây chúng tôi có làm các vở như "Kim Vân Kiều" và sắp tới chúng tôi có làm "Hoàng đế Quang Trung" để hưởng ứng nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, thì mỗi vở chúng tôi phải đầu tư từ 2 tỷ đến 3 tỷ 8, mà tuổi thọ của nó cũng không nhiều lắm. Đề án cũng qui định dựng xong, phải diễn từ 60 đến 80 suất thì hơi khó.
Thực hiện quảng bá 100 tác phẩm này là chủ trương đúng, nhưng đáng lý ra trước đó mình phải đầu tư cơ sở vật chất trước để có đủ điều kiện để chuyển tải một số tác phẩm này. Tôi chưa nói các tỉnh, thành khác, ở thành phố HCM hiện nay chưa có một rạp hát nào có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật để chuyển tải một số tác phẩm tốt, đi vào bất hủ, trong đó có 100 tác phẩm mà chúng ta đang chuẩn bị dàn dựng. Muốn phổ biến tác phẩm tốt, thì cơ sở vật chất phải đi trước./. |
Bảo Ngọc