Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Chủ Nhật, 8/3/2009 21:27'(GMT+7)

Phía Mỹ đánh giá sai lệch tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Để rộng đường dư luận, xin giới thiệu đến bạn đọc bài phỏng vấn của VOVNews với ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó chánh Văn phòng nhân quyền về vấn đề này.

PV: Thưa ông, báo cáo nhân quyền của Mỹ về Việt Nam năm qua có gì mới không?

Ngày 25/2/2009, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố bản báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền, đề cập tới

vấn đề này ở 190 nước trên thế giới trong năm 2008. Có thể thấy ngôn từ và giọng điệu được sử dụng trong báo cáo có vẻ như có chút mềm mỏng hơn so với các bản báo cáo trước, bởi chính chính quyền Bush cũ cũng bị chỉ trích vì lạm dụng nhân quyền trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, thực chất báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ năm nay vẫn không có gì mới về nội dung, ngoài việc bổ sung một số vụ việc diễn ra trong năm 2008 ở các nước. Đã có sự thay đổi chính quyền ở Mỹ, nhưng người ta chưa nhận thấy sự thay đổi về cách tiếp cận vấn đề nhạy cảm này trong chính quyền mới.

Về tình hình nhân quyền ở Việt Nam được đưa ra trong bản báo cáo này cũng vậy. Có thể nói phía Mỹ không đánh giá hết về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vẫn là những nội dung cũ như các báo cáo hàng năm trước đây. Các nhà soạn thảo báo cáo này đã tìm kiếm một số vụ việc tiêu cực ở Việt Nam (những vụ việc kiểu như vậy thì ở đâu trên thế giới chẳng có, ngay ở Mỹ cũng vậy) để đi đến nhận xét rằng, tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2008 vẫn ở mức “không thể hài lòng” là không thỏa đáng. Lẽ thường, trong những điều kiện phát triển khác nhau, văn hóa khác nhau thì quan niệm và cách tiếp cận về quyền con người không hoàn toàn giống nhau, ngoài quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc.

PV: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, những đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam dựa trên những thông tin sai trái? Ý  kiến của Văn phòng nhân quyền về vấn đề này như thế nào?

Ngày 26/2/2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng những đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa trên những thông tin sai trái là hoàn toàn chính xác. Cần khẳng định lại rằng, những gì nêu trong Báo cáo nhân quyền 2008 của Bộ Ngoại giao Mỹ không đúng với thực tế ở Việt Nam cũng như không đại diện cho suy nghĩ và nhận định chung của đông đảo người dân Mỹ.

Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Vấn đề dân chủ, tôn giáo, quyền con người ở Việt Nam cần phải được nhìn nhận một cách toàn diện, khách quan trong bối cảnh lịch sử, tôn trọng các đặc thù về kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam. Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cấp thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

PV: Trong điều kiện một nước đang phát triển, lại trải qua chiến tranh, những gì Việt Nam làm được hôm nay nhằm đảm bảo quyền con người đã được bạn bè quốc tế thừa nhận phải không, thưa ông?

Trong bối cảnh tình hình đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vẫn còn để lại hậu quả nặng nề mà đến nay Việt Nam vẫn chưa khôi phục lại được, nhất là tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng Việt Nam đã luôn cố gắng để giá trị quyền con người được đảm bảo ở mức cao nhất hướng tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Thành tựu và kết quả đạt được qua hơn hai mươi năm đổi mới đã được rất nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Ngay trong buổi điều trần về quan hệ Mỹ-Việt tại Thượng viện Mỹ ở Washington ngày 12/3/2008 cũng đã phải ghi nhận rằng, hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, Việt Nam đã thực hiện rất tốt công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc (LHQ) đã công nhận Việt Nam hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo- một trong 10 Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Các con số thống kê cho thấy, chỉ riêng về giáo dục, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã dành trên 15% tổng ngân sách cho lĩnh vực này; năm học 2006-2007 đã có 36 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, 35 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Theo báo cáo của Chương trình phát triển LHQ (UNDP), thứ hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam là 105, tăng thêm 4 bậc so với năm 2006.

Điều phối viên LHQ tại Hà Nội nhân Ngày nhân quyền thế giới 10/12/2007 đã đánh giá Việt Nam có tiến bộ to lớn về kinh tế và xã hội, là nước tiên phong trong việc phê chuẩn các công ước nhân quyền quốc tế quan trọng.

Rất nhiều vị khách quốc tế cao cấp khi tới Việt Nam và tai nghe mắt thấy những thành tựu nhân quyền đã đạt được ở đây, như Chủ tịch Ủy ban châu Âu H. Barrosso cách đây không lâu bày tỏ sự ''ngưỡng mộ về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam'' và ''ấn tượng sâu sắc với thành tựu của Việt Nam trong hơn 20 năm qua''.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á - Thái Bình Dương, Christopher Hill, cũng đã nhấn mạnh tại Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ ngày 12/3/2008 rằng ''Việt Nam là một quốc gia mà tiến trình chuyển tiếp sang kinh tế thị trường và dân chủ có tầm mức quan trọng đối với Mỹ".

Thật đáng tiếc là Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền năm 2008 vẫn áp dụng những tiêu chí kép, đơn thuần chỉ sao chép lại các báo cáo cũ từ những năm trước. Rõ ràng là một bộ phận chính trị gia ở Mỹ vẫn không quan tâm tới việc tôn trọng quyền con người ở những phần còn lại trên thế giới mà chỉ muốn, dùng chiêu bài nhân quyền với một mục tiêu duy nhất là "duy trì sức ép thường xuyên" đối với chính phủ các quốc gia có chủ quyền, bất chấp những thay đổi thực tế đã và đang diễn ra ở những nước đó.

Trong khi đó, ở chính nước Mỹ, nhân quyền vẫn là một nhiệm vụ còn thực hiện dang dở đến mức luôn tồn tại sự khập khiễng giữa những lời phê phán của Bộ Ngoại giao Mỹ trong báo cáo về dân chủ và nhân quyền thường niên với những cái mà chính quyền Mỹ đang làm ngay ở chính nước Mỹ.

PV: Báo cáo đã đề cập những trường hợp cụ thể đã bị Nhà nước Việt Nam bắt giam và gọi đó là “tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo” ... Thưa ông, ông có thông tin gì về những trường hợp này không?

Trước hết, tôi xin khẳng định ở Việt Nam không có “tù nhân chính trị”, “tù nhân tôn giáo” như báo cáo thường niên về nhân quyền của Mỹ năm 2008 đề cập. Chúng tôi có đầy đủ thông tin về các trường hợp này. Những người này là những người vi phạm pháp luật Việt Nam và đang bị cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam khởi tố và bắt giữ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Các nước trên thế giới nói chung, cũng như phía Mỹ nói riêng đều xử lý nếu gặp các trường hợp như vậy. Các cơ quan bảo vệ pháp luật của mỗi nước đều phải giải quyết các vụ vi phạm pháp luật của nước đó, dù người đó là ai. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển, Việt Nam mong muốn phía Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam thông qua việc gắn vấn đề hoạt động bảo vệ pháp luật của Việt Nam với vấn đề nhân quyền.

Mọi cá nhân vi phạm pháp luật, chống lại hoặc xuyên tạc pháp luật Việt Nam đều bị coi là ngăn cản quá trình phát triển của đất nước và đều bị xét xử theo pháp luật, bất kể họ là ai. Vì vậy, hiện nay trong các trại giam ở Việt Nam có một số phạm nhân đang thi hành các án tù khác nhau vì vi phạm luật pháp Việt Nam, chống lại sự phát triển của đất nước. Họ là những tội phạm thông thường chứ không thể coi đó là “những tù nhân chính trị hoặc tù nhân tôn giáo” như nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cũng vì thế không thể coi Việt Nam hạn chế các hoạt động chính trị đối lập. Các tác giả soạn thảo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ lẽ ra phải rành rọt phân biệt rõ quan niệm này.

PV: Là người theo dõi về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, ông có mong muốn gì trong nhiệm kỳ chính phủ mới ở Mỹ (Cách nhìn nhận, đánh giá về tình hình nhân quyền của họ về Việt Nam)?

Mỗi nước, mỗi chế độ xã hội khác nhau có thể có quan điểm và cách tiếp cận không tương đồng về giá trị của quyền con người. Chính vì vậy, tôi mong phía Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống Obama có sự thay đổi về cách đánh giá và tiếp cận đối với Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền. Họ cần tích cực góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, tôn trọng các quyền tự quyết của người dân Việt Nam. Mỹ và Việt Nam cần tiếp tục đối thoại trên tinh thần bình đẳng và khách quan để hiểu nhau hơn và cùng tìm ra những nhận thức chung của quyền con người. Điều này mới thực sự cần thiết khi nhiều cơ hội đang mở ra cho sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước./.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo: Giáng Hương/VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất