Trong 2 ngày 4 và 5/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử 8 bị cáo ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội "vi phạm các quy định về sử dụng đất đai" theo quy định tại Điều 173 - Bộ luật Hình sự.
Tám bị cáo gồm Nguyễn Văn Phố (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã), Nguyễn Văn Hôm (nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Bí thư Đảng ủy xã), Quách Văn Trọng (nguyên thủ quỹ của Ủy ban nhân dân xã), Dương Văn Huynh (nguyên Ủy viên Ủy ban nhân dân xã, phụ trách thôn Thanh Trí), Phạm Thanh Ngọc (nguyên Trưởng thôn Thanh Sơn), Nguyễn Xuân Miễn (nguyên Bí thư Chi bộ thôn Thanh Sơn), Nguyễn Văn Thực (nguyên trưởng thôn Phú Ninh) và Hoàng Văn Ứng (nguyên Bí thư Chi bộ thôn Phú Ninh).
Năm 2001, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn lập đề án xây dựng đường giao thông nông thôn. Theo đó, huyện hỗ trợ các xã tiền ximăng, còn lại do nhân dân đóng góp. Lợi dụng chủ trương trên, “quan xã” và “quan thôn” ở Minh Phú đã lập các tờ trình, đưa ra nghị quyết đề nghị với Hội đồng nhân dân, Đảng ủy cho phép “đấu thầu” chuyển mục đích sử dụng đất lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo cáo trạng, từ năm 2001 đến 2004, nguyên Chủ tịch xã Minh Phú Nguyễn Văn Phố đã lợi dụng chức danh, trách nhiệm quản lý sử dụng đất trên địa bàn để chuyển mục đích sử dụng hơn 101.000 m2 đất nông nghiệp, đất rừng thành đất ở bán cho các hộ dân, cá nhân. Đồng thời, Phố còn cùng với nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nguyễn Văn Hôm tự ý cho phép các thôn trong xã Minh Phú tổ chức việc chuyển mục đích sử dụng gần 160.000 m2 đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công của 7 thôn sang đất thổ cư. Tổng số tiền các bị cáo thu được từ việc bán trên 260.000 m2 đất lên đến hơn 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, Phố chỉ đạo thủ quỹ xã Quách Văn Trọng thu tiền của 313 hộ sử dụng đất với nội dung “tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng” với tổng số tiền thu được hơn 3,8 tỷ đồng. Phần lớn khoản tiền này các bị cáo đã cố tình để ngoài ngân sách nhằm chi tiêu, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tại Tòa, kiểm sát viên giữ quyền công tố đã đề nghị mức án đối với từng bị cáo, trong đó bị cáo Phố từ 42 - 48 tháng tù giam, Hôm từ 36 - 42 tháng tù giam. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 20 - 36 tháng tù treo.
Trong phần tranh luận tại phiên tòa, các bị cáo đều cho rằng, mức án mà Viện kiểm sát đề nghị quá cao. Bị cáo Phố và bị cáo Hôm khai rằng, việc xã cho phép bán, chuyển nhượng đất lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng là do người dân trong xã quá nghèo nên không có tiền đóng góp. Do đó, bán, chuyển nhượng đất sẽ giúp xã có ngân sách để xây dựng, dân sẽ không phải góp tiền nữa. Bị cáo Hôm còn “khoe” rằng “trong quá trình thực hiện việc bán đất người dân rất tin tưởng và ủng hộ lãnh đạo xã nên không đơn từ, khiếu nại. Thậm chí, đến tận bây giờ 'uy tín' của chúng tôi trong dân vẫn rất cao."
Thế nhưng khi Hội đồng xét xử cho biết, các cơ quan chức năng phát hiện ra vi phạm của xã do người dân có đơn thư, khiếu nại gửi các cơ quan chức năng thì các bị cáo vẫn cố thanh minh: "đó chỉ là số ít, còn đại bộ phận người dân đều ủng hộ."
Tương tự, 6 bị cáo còn lại nguyên là thủ quỹ xã, bí thư, trưởng thôn cũng một mực kêu oan. Bị cáo Thực còn nói “Do xã có chủ trương và đã ra Nghị quyết nên thôn chỉ biết chấp hành. Chứ nếu biết làm thế là sai phạm thì thôn đã không làm”.
Được nói lời cuối cùng trước Tòa, cả 8 bị cáo đều lần lượt "khoe" hàng loạt những danh hiệu, thành tích, giấy khen của cá nhân và đổ lỗi vi phạm là do không hiểu luật, là để bảo vệ quyền lợi cho người dân; đồng thời cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để giảm nhẹ mức án cho các bị cáo.
Do tính chất phức tạp của vụ án, Hội đồng xét xử đã quyết định nghỉ nghị án, đến sáng 9/3 sẽ tuyên án./.
TG-TTXVN