Thứ Bảy, 27/7/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Hai, 16/1/2023 15:19'(GMT+7)

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đến thăm, chúc Tết văn nghệ sỹ

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng nhạc sỹ Doãn Nho. (Ảnh: TA)

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, tặng hoa chúc mừng nhạc sỹ Doãn Nho. (Ảnh: TA)

Trong không khí đón tết Quý Mão 2023, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ niềm vui, niềm xúc động khi đến thăm nhà văn Ma Văn Kháng cùng gia đình. Trong quá trình công tác của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã có nhiều đóng góp to lớn với nhiều tác phẩm hay, góp sức vào sự nghiệp văn hóa, tư tưởng của Đảng, của Nhân dân, nhất là mang lại ánh sáng văn hóa cho những đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Nhà văn Ma Văn Kháng còn được biết tới với vai trò nghề giáo, người đã mang lại con chữ lên vùng cao cho những đồng bào các dân tộc thiểu số.

Đồng chí Trần Thanh Lâm khẳng định, tuy năm nay đã cao tuổi nhưng nhà văn Ma Văn Kháng vẫn là tấm gương sáng cho những cán bộ, nhà văn trẻ học tập, noi theo, các nhân vật trong các tác phẩm của nhà văn là điển hình để giáo dục tư tưởng, lý luận cho lớp thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt cho lớp cán bộ đảng viên, tuyên truyền hiện nay.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, chúc sức khỏe nhà văn Ma Văn Kháng. (Ảnh: TA)

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, chúc sức khỏe nhà văn Ma Văn Kháng. (Ảnh: TA)

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chúc đồng chí và gia đình sức khỏe, tiếp tục cống hiến bằng những tác phẩm hay, chất lượng, đóng góp cho sự nghiệp văn chương của nước nhà.

Đáp từ, nhà văn Ma Văn Kháng cảm ơn sự quan tâm, chăm lo của Đảng, của Ban Tuyên giáo Trung ương với bản thân và gia đình trong những ngày giáp Tết này. Nhà văn Ma Văn Kháng xin hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng góp sức một phần vào công cuộc phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, phát triển nền văn học nước nhà.

 Nhà văn Ma Văn Kháng sinh ngày 01/12/1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, tên khai sinh là Đinh Trọng Đoàn, Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã lên miền núi từ năm 18 tuổi và sống hơn 25 năm trên vùng cao. Ông theo học tại trường Thiếu nhi Việt Nam, rồi chuyển sang Đội thiếu nhi nghệ thuật của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau đó ông được nhận vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam, rồi đến trường Trung cấp sư phạm tại Khu học xá Nam Ninh ở Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giáo viên cấp hai, giảng dạy môn Văn học và là hiệu trưởng trường cấp 3 thị xã Lào Cai nay là tỉnh Lào Cai. Từ năm 1962 đến năm 1964 ông đã học tập và tốt nghiệp tại Đại học sư phạm Hà Nội, sau đấy lại trở về Lào Cai dạy học và viết truyện ngắn.

Từ cuối năm 1976 ông chuyển về công tác tại Hà Nội, đã từng là Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Từ tháng 3 năm 1995 ông là Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã sáng tác hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư. Tác phẩm đầu tiên của ông là truyện ngắn Phố cụt, được đăng trên báo Văn học, tiền thân của báo Văn Nghệ. Tác phẩm mới nhất và theo dự kiến cũng là tác phẩm cuối cùng của ông vừa được xuất bản vào tháng 9 năm 2017, chính là tiểu thuyết Chim én liệng trời cao.

Với những đóng góp lớn lao cho nền văn học Việt Nam, nhà văn Ma Văn Kháng đã vinh dự được tặng Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Truyện ngắn chọn lọc, Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn và nhiều giải thưởng quan trọng của Hội Nhà văn Việt Nam (Giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 cho quyển tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn; Giải thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ). Năm 2021, ông nhận Giải Búa liềm Vàng lần thứ VI.

* Cũng trong buổi sáng cùng ngày, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thay mặt Lãnh đạo Ban đã đến thăm nhạc sỹ Doãn Nho và gia đình nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tại gia đình nhạc sỹ Doãn Nho, trong không khí ấm áp, thân tình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã ân cần thăm hỏi sức khỏe nhạc sỹ Doãn Nho - người năm nay đã tròn 90 tuổi, hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết tại Hội nghị Văn hóa diễn ra ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng, đồng chí nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, chúc sức khỏe nhạc sỹ Doãn Nho cùng gia đình nhân dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. (Ảnh: TA)

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương thăm hỏi, chúc sức khỏe nhạc sỹ Doãn Nho cùng gia đình nhân dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. (Ảnh: TA)

Đồng chí Trần Thanh Lâm cảm ơn những đóng góp không biết mệt mỏi của nhạc sỹ Doãn Nho cho nền âm nhạc nước nhà trong suốt những năm qua. Đồng chí Trần Thanh Lâm mong rằng trong thời gian tới, nhạc sỹ Doãn Nho sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho thế hệ nhạc sỹ trẻ noi theo, học tập, tiếp tục có những đóng góp tích cực, xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước./.

 Đại tá, Nhạc sĩ Doãn Nho, sinh ngày 01/8/1933, tại Làng Cót, xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm (nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Thuở nhỏ, ông đã sớm tiếp xúc với âm nhạc dân gian Bắc Bộ và âm nhạc phương Tây, bắt đầu học violon năm 10 tuổi. Tháng 5 năm 1945, ông tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, với nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến các bài hát cách mạng. Năm 1946, ông tham gia vào Đội tuyền truyền lưu động Bắc Giang, rồi Đội Tuyên truyền xung phong Vĩnh Yên năm 1948. Năm 1951, ông về Đội văn công trường Lục quân, vừa chơi violon vừa sáng tác những ca khúc đầu tay như Bà mẹ nuôi (1951), Tiến theo gương La Văn Cầu... Tháng 10 năm 1954, ông công tác tại Đoàn văn công Tổng cục chính trị, viết bài hát Vui giải phóng, hợp xướng Sóng Cửa Tùng (1955) và những ca khúc như Chiếc khăn rơi (1956), Tiến bước dưới quân kỳ (1958) đã định hình phong cách sáng tác của ông sau này.

Với chặng đường hơn 70 năm phục vụ trong quân đội và hoạt động âm nhạc, đã cống hiến cho đất nước nhiều tác phẩm có giá trị như: ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”,“Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Chiếc khăn Piêu”,... Các tác phẩm của nhạc sĩ Doãn Nho đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, cổ vũ quân dân ta trong các cuộc kháng chiến cứu quốc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bên cạnh đó, Nhạc sĩ Doãn Nho có nhiều sáng tác mang tầm vóc về giao hưởng, thanh xướng kịch, nhạc kịch... về đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” có giá trị nghệ thuật và lịch sử văn hóa cao. Một số tác phẩm khí nhạc như: Thơ giao hưởng số 1 Tháng Tám lịch sửKhúc tưởng niệm cho soprano và dàn nhạcConcertino cung la thứ cho violon và dàn nhạcLiên khúc giao hưởng ba chương Chiến thắngThơ giao hưởng số 2 Thánh GióngThanh xướng kịch Hoa Lư - Thăng Long (chương 1); nhạc cho vở balê Một thời và mãi mãi dựa trên xúc cảm về hình tượng hai liệt sĩ trẻ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm... Ông còn viết nhạc cho kịch, kịch múa và nhạc phim. Năm 1982, ông nhận bằng tiến sĩ lý luận tại Nhạc viện Kiev và có nhiều bài tiểu luận, tham luận, phê bình âm nhạc.

Với những đóng góp lớn lao đó, Nhạc sĩ Doãn Nho đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương độc lập hạng 3, Huân chương lao động hạng 3, Huân chương quân công hạng nhất; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Tin, ảnh: Nhật Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất