Thứ Sáu, 22/11/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Tư, 11/1/2023 18:31'(GMT+7)

Xác định tầm nhìn, chính sách cho giai đoạn phát triển mới của văn học, nghệ thuật

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu định hướng Hội nghị.

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu định hướng Hội nghị.

Chiều 11/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác văn học, nghệ thuật (VHNT), hoạt động của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Liên hiệp Hội) chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại biểu các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan.

KHƠI THÔNG DÒNG VHNT GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG

Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua, lĩnh vực văn hóa, VHNT đã được quan tâm đặc biệt, tạo động lực quan trọng, chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân.

Trong năm 2022, hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm VHNT diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Những cuộc liên hoan, triển lãm toàn quốc và từng khu vực được tổ chức đã góp phần quan trọng thúc đẩy sáng tạo. Các loại hình nghệ thuật đã tập trung khai thác ưu thế, sức mạnh đặc trưng, có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, có chất lượng. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được Liên hiệp Hội và các Hội, các đơn vị nghệ thuật hưởng ứng, tham gia tích cực. Các đơn vị nghệ thuật tư nhân từng bước phục hồi, tiếp tục có những đóng góp quan trọng, khơi thông dòng VHNT gắn với thị trường sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Phong trào VHNT quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư, góp phần bảo tồn và phát huy di sản VHNT truyền thống của các dân tộc.

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam Đỗ Hồng Quân phát biểu.

CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ TIẾP TỤC ĐƯỢC PHÁT HUY

Cùng với sự phục hồi của các phương thức quảng bá, phát hành, biểu diễn truyền thống, việc chuyển đổi số trong giai đoạn dịch bệnh tiếp tục được phát huy, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Liên hiệp Hội và một số Hội đã có sáng kiến, xây dựng các chương trình, kế hoạch đưa tác phẩm VHNT đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Báo chí, truyền thông, mạng internet tiếp tục khẳng định được vai trò, góp phần đa dạng hóa các diễn đàn, kênh thông tin, truyền tải về VHNT. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực VHNT được triển khai với những chương trình, đề án cụ thể nhằm xây dựng ngân hàng dữ liệu.

Hoạt động lý luận, phê bình VHNT được chú trọng thông qua việc triển khai các đề tài, đề án nghiên cứu lớn và các hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên môn. Công tác hợp tác quốc tế được Liên hiệp Hội và các Hội quan tâm, có những sáng kiến thiết thực. Tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam và tham gia các hoạt động quảng bá tại nước ngoài. Các hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy đã tiếp tục góp phần tiếp thu các tác phẩm VHNT nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giới thiệu các tác phẩm VHNT Việt Nam ra thế giới.

Cùng với đó, trong năm 2022, công tác xây dựng Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội và các Hội tiếp tục được quan tâm, đạt được những kết quả thiết thực; công tác vận động, tập hợp, hỗ trợ, phát triển hội viên tiếp tục được chú trọng. Các hình thức truyền thống như hỗ trợ sáng tác, tổ chức cho hội viên đi thực tế, tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác, lớp tập huấn,  bồi dưỡng… được nối lại sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh và có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng…

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ LĨNH VỰC VHNT ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG

Năm 2022, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực VHNT được tăng cường với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thành lập đoàn kiểm tra theo kế hoạch, làm việc với Liên hiệp Hội và một số tổ chức thành viên. Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành “Hướng dẫn công tác văn hóa - văn nghệ năm 2022; xây dựng và ban hành Hướng dẫn về việc theo dõi, chỉ đạo đối với các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tổ chức các cuộc giao ban hàng quý đối với Liên hiệp Hội và các Hội đảm bảo nền nếp, chất lượng, hiệu quả; tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trong lĩnh vực VHNT tại Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành Trung ương và một số địa phương…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thảo và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu.

Công tác quản lý nhà nước về VHNT trong năm 2022 đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách cụ thể theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu lực, hiệu quả thực thi. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới một số văn bản pháp quy, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói chung, VHNT nói riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật, trong đó có 2 dự án Luật thuộc lĩnh vực VHNT và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác. Nhiệm vụ thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các hoạt động VHNT được chú trọng, Nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, VHNT từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa tăng đáng kể. Công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực đáp ứng hoạt động của Hội và hội viên được quan tâm, thực hiện tốt.

Năm 2022, với quyết tâm, nỗ lực và những hoạt động cụ thể, mối quan hệ công tác giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với Liên hiệp Hội và các Hội đã được củng cố, gắn kết, từng bước tạo cơ chế hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…

MỘT SỐ YẾU KÉM KÉO DÀI CHẬM ĐƯỢC KHẮC PHỤC

Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, trong đó có những yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục.

Thứ nhất, đời sống VHNT tuy đã có bước phục hồi, phát triển nhanh chóng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được khống chế và quản lý tốt; tuy nhiên, những hạn chế, yếu kém kéo dài đã được chỉ ra trước đây vẫn chậm được khắc phục. Các tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn ít và chưa có cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo công chúng. Trong khi các sản phẩm VHNT thị trường, nặng về giải trí được giới thiệu rộng rãi bằng nhiều hình thức đa dạng, qua nhiều kênh, nhất là trên không gian internet và mạng xã hội. Thậm chí, các sản phẩm VHNT phản cảm, có hại đến nền tảng chuẩn mực đạo đức xã hội vẫn xuất hiện phổ biến trên môi trường mạng. Một số văn nghệ sĩ không giữ được bản lĩnh, thiên kiến trong đánh giá thực hiện, bộc lộ sự dao động, hoài nghi về lý tưởng và niềm tin vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cá biệt có một số văn nghệ sĩ có tư tưởng cực đoan, sai trái, hành động gây phương hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, Liên hiệp Hội và các Hội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong xây dựng tổ chức, tìm tòi, đổi mới phương thức hoạt động nhưng kết quả đạt được chưa đồng đều; một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới. Tính gắn kết giữa Liên hiệp Hội và các Hội với các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý còn có mặt thiếu cơ chế khoa học, thiếu tính bền vững; công tác xét, trao giải thưởng, hỗ trợ, phát triển hội viên còn một số trường hợp thiếu sự đồng thuận, gây băn khoăn trong hội viên và dư luận xã hội; chưa thực sự phát huy hiệu quả vai trò tư vấn, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến đối với những vấn đề quan trọng của đất nước…

Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Minh Nhựt báo cáo công tác VHNT năm 2022... 

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về VHNT ở một số địa phương, trong một số lĩnh vực chưa hiệu quả, đặc biệt là trong kiểm tra, giám sát, hậu kiểm. Hoạt động cấp phép biểu diễn nghệ thuật, kinh doanh dịch vụ VHNT… vi phạm và tái vi phạm vẫn tiềm ẩn. Mặt khác, trong thực thi quản lý ở địa phương, có trường hợp cứng nhắc, dẫn đến xử lý các vụ việc cụ thể không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng. Việc ngăn chặn các sản phẩm VHNT độc hại chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những nội dung, vấn đề cần quan tâm trong công tác VHNT nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa, VHNT năm 2023 nhằm tạo sức lan tỏa, thống nhất về tư tưởng, hành động, góp phần thiết thực cho sự nghiệp phát triển nền văn hóa, VHNT nước nhà trong tình hình mới.

Các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực VHNT cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Liên hiệp Hội và các Hội thống nhất nhận thức, hành động, không ngừng đổi mới, sáng tạo, cụ thể hóa các chỉ đạo, đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 thành những chương trình, đề án lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm, hiện thực hóa khát vọng chấn hưng và phát triển nền VHNT nước nhà; triển khai các nội dung đã được thống nhất tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”…

Nhiều ý kiến cho rằng cần quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nhất là về cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy, trụ sở làm việc; phân bổ nguồn lực tương xứng cho lĩnh vực VHNT phát triển theo chủ trương của Đảng…

Các đồng chí chủ trì Hội nghị.

TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, XÁC ĐỊNH, TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA, VĂN HÓA, GIA ĐÌNH VÀ CHUẨN MỰC CON NGƯỜI VIỆT NAM THỜI KỲ MỚI

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nêu rõ, năm 2023 và thới gian tới sẽ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trên lĩnh vực VHNT như triển khai tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới; tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất; 80 năm ngày ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023); 75 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội (1948-2023) và một số Hội chuyên ngành... Do đó, Liên hiệp Hội và các Hội cần tập trung xây dựng kế hoạch, đề án, chương trình hành động cụ thể; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò cầu nối của văn nghệ sĩ trong tham gia các hoạt động…

Trên cơ sở những nội dung đã được nêu lên và trao đổi tại Hội nghị, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Liên hiệp Hội và các Hội cùng các cơ quan, đơn vị chức năng quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực VHNT cho đội ngũ văn nghệ sĩ; đặc biệt là kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 và bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị. VHNT và đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tham gia tích cực, hiệu quả trong việc tiếp tục nghiên cứu, xác định, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Hướng dẫn số 66-HD/BTGTW ngày 8/8/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc triển khai thực hiện Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc phân công theo dõi, chỉ đạo các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ…

Hai là, trên cơ sở các nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực VHNT, Liên hiệp Hội và các Hội tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2023; kiện toàn tổ chức, nhân sự lãnh đạo còn thiếu theo đúng quy định; tập trung bồi dưỡng cán bộ kế cận, làm tốt công tác quy hoạch. Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, phương thức hoạt động, tiếp tục phát huy các cơ chế truyền thống, đồng thời linh hoạt, sáng tạo các hình thức mới phù hợp, thu hút sự tham gia hiệu quả của hội viên, hướng về cơ sở, làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng VHNT, tạo nguồn phát triển hội viên đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đồng chí Trần Thanh Lâm kết luận Hội nghị.

Ba là, Liên hiệp Hội và các Hội tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 215-KH/BTGTW ngày 10/11/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới…

Bốn là, Liên hiệp Hội và các Hội tập trung, dành ưu tiên xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đây không chỉ là hoạt động mang tính kỷ niệm đơn thuần mà trọng tâm là tổng kết, đánh giá sâu sắc, kỹ lưỡng thành tựu, xu hướng, xử lý những vấn đề khó khăn, phức tạp khi điều kiện chín muồi, từ đó xác định tầm nhìn, tâm thế, trách nhiệm và phương hướng, nhiệm vụ, chính sách, nguồn lực cho giai đoạn phát triền mới. Tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất là cuộc tập hợp, đoàn kết, biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng nhập cuộc, đồng hành cùng đất nước và nhân dân trên hành trình đi đến phồn vinh, hạnh phúc như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Năm là, động viên, khích lệ, có cơ chế tài trợ, hỗ trợ phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm để sáng tạo, quảng bá các tác phẩm lớn, có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tổ chức tốt lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội và ngày thành lập của một số Hội chuyên ngành. Xây đựng chương trình, kế hoạt tổ chức kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943-2023). Tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Quang cảnh Hội nghị.

Sáu là, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, đầu tư nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT, phấn đấu từ năm 2023 xây dựng báo cáo thường niên của Liên hiệp Hội để tư vấn giúp Đảng, Nhà nước kịp thời có những quyết sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển của VHNT nước nhà…/.

Một số hình ảnh:

Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh phát biểu.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông phát biểu.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn phát biểu.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn phát biểu.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi phát biểu.

Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Bùi Thế Đức phát biểu.

Quang cảnh Hội nghị.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

 Tin, ảnh: THẾ HOÀNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất