Thứ Tư, 27/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 25/3/2016 10:17'(GMT+7)

Phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika

Tăng cường công tác kiểm dịch tại sân bây Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tăng cường công tác kiểm dịch tại sân bây Quốc tế Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika

Trước thông tin du khách người Australia nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, ngày 24/3 đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại tỉnh Bình Thuận để trực tiếp chỉ đạo công tác xác minh, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. 

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trong ba tháng đầu năm 2016, tại tỉnh Bình Thuận chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virút Zika. Các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác điều được giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không có dịch bệnh xảy ra, số mắc giảm dần qua từng năm. Các bệnh truyền nhiễm như: Viêm não vi rút, Viêm não mô cầu toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc nào. Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh phát động chiến dịch “ Người dân diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và Sốt xuất huyết” tại các tuyến. Giám sát phát hiện sớm ổ dịch, khoanh vùng nguy cơ để xử lý triệt để ổ dịch theo đúng quy định. Cử các đội phòng chống dịch trực tiếp xuống cơ sở để triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, Zika… 

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh Bình Thuận có số ca về dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết chiếm tỷ trọng lớn tại khu vực. Bên cạnh đó Bình Thuận là nơi phát triển du lịch mạnh và khách du lịch tới rất nhiều. Để công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại tỉnh có hiệu quả, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần quan tâm chú trọng trong các công tác phòng chống dịch. Ngoài ra các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch tại nơi mình ở, cộng đồng xung quanh. Đối với trường hợp người dân thờ ơ không tự giác tham gia phòng dịch, địa phương cần có chế tài để xử lý nghiêm. 

Đối với dịch Zika đang diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị địa phương nâng mức độ cảnh báo của dịch từ mức độ 1 lên mức độ 2 để đáp ứng theo đúng tình huống 2. Bên cạnh đó cần tăng cường phát hiện sớm tại các cơ sở y tế, khu vực có nhiều khách quốc tế, giám sát trực tiếp tại cộng đồng. Bệnh Zika lây truyền qua đường muỗi đốt, nên triển khai phác đồ phòng chống bệnh Zika như phác đồ phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Địa phương cần tăng cường giám sát các mẫu xét nghiệm tại các bệnh viện, đặc biệt là khu vực Mũi Né, nơi có nhiều khách quốc tế lưu trú để kịp thời có phương án phòng ngừa. 

Trước đó, ngày 22/3, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/2/2016 và xuất cảnh về Australia ngày 6/3/2016; đến ngày 8/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam , người này đã đến Thành Phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.

80% số ca bệnh nhiễm virus Zika không có triệu chứng

Liên quan đến du khách người Australia bị nhiễm virus Zika sau khi rời Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Hoa Hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa, cho biết đơn vị vẫn đang chờ thông tin từ Bộ Y tế về khách sạn mà du khách này lưu trú trong thời gian ở Khánh Hòa, từ đó mới tiếp tục điều tra những người đã tiếp xúc với du khách này để tìm hiểu, tầm soát hỗ trợ cho họ.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Hoa Hội, khó khăn trong công tác phòng chống bệnh do virus Zika là có 80% số ca bệnh không có triệu chứng. Do vậy, nếu du khách mắc bệnh này nhưng chưa có triệu chứng thì họ vẫn có thể đi qua các cửa khẩu của Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, địa phương đã tăng cường tầm soát huyết thanh máu, trường hợp nào bị sốt, có dấu hiệu nghi ngờ đều làm xét nghiệm máu để xác định virus Zika.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika, ngành y tế Khánh Hòa đã nâng mức độ cảnh báo, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh này tại các cảng quốc tế; tập trung giám sát, diệt bọ gậy, muỗi vằn Aedes aegypti, cung cấp tài liệu tuyên truyền cho du khách.

Tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, ngành y tế Khánh Hòa đã trang bị ba máy đo thân nhiệt từ xa để phục vụ công tác kiểm dịch, bố trí từ 4-5 kiểm dịch viên trực 24/24 giờ để tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời hành khách có nghi ngờ về bệnh để cách ly. Tại năm cảng hàng hải quốc tế trên địa bàn tỉnh gồm Hyundai Vinashin, Nha Trang, Cam Ranh, Đầm Môn, Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong có từ 1-2 kiểm dịch viên trực 24/24 giờ để giám sát phòng chống bệnh.

Ngành y tế tỉnh thành lập đội phòng chống dịch cơ động để hỗ trợ phòng chống dịch tại khu vực cửa khẩu, chuẩn bị trang thiết bị, trang phục phòng hộ, hóa chất và máy phun để phục vụ cho công tác kiểm dịch y tế và xử lý y tế. Tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ phát động chiến dịch "Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống dịch bệnh do virus Zika" trên địa bàn tỉnh.

3 giải pháp tổng thể phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika

Nói đến trường hợp một du khách người Australia nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ vào thời điểm ủ bệnh của bệnh nhân, có khả năng du khách này đã lây nhiễm vi rút Zika tại các điểm đã đi qua ở Việt Nam, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, dù chưa xác định chính xác ổ dịch Zika nhưng Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng trường hợp cảnh báo thứ 2 đó là xác định có ca nhiễm Zika xâm nhập. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám sát các ca nghi ngờ nhiễm vi rút Zika trong 2 tuần từ ngày 28/3-8/4/2016. 

Cụ thể, trong khoảng thời gian này, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu, lấy mẫu 100% ca bệnh xâm nhập nghi ngờ nhiễm vi rút Zika. Đồng thời, 30 bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Đa khoa I, II của tỉnh Lâm Đồng sẽ thực hiện lấy mẫu hàng ngày từ 5-10 ca bệnh. Các ca bệnh này phải có các đặc điểm là bệnh khởi phát trong vòng 5 ngày, có các triệu chứng phát ban hoặc sốt và có một trong các biểu hiện như viêm kết mạc không mủ, xung huyết kết mạc, đau cơ, đau khớp, đau đầu. Tổng số mẫu với ca bệnh nội tại do các bệnh viện cung cấp dự kiến khoảng 1.600 mẫu. Riêng đối với bệnh nhân nghi nhiễm vi rút Zika có phát ban sẽ thực hiện thu dung 100% ca bệnh trong ngày. 

Các mẫu bệnh phẩm và phiếu thông tin ca bệnh được chuyển về Khoa Vi sinh miễn dịch – Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm. Để nâng cao hiệu quả của đợt giám sát này, ngay trong sáng 25/3, các nhân viên y tế thuộc các bệnh viện trong chương trình đã được tập huấn, hướng dẫn việc khám chọn ca bệnh cũng như vấn đề thu thập, bảo quản, vận chuyển và xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đối với ca nghi ngờ nhiễm vi rút Zika.
 
Theo bác sĩ Lương Chấn Quang - Phó trưởng Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh), kế hoạch giám sát lần này đặt trọng tâm vào những tỉnh, thành phố có các điểm du lịch, giao thương đi lại cao có thể dễ dàng lan truyền mầm bệnh từ người và cả kể từ muỗi. Mục tiêu của đợt giám sát nhằm phát hiện sự lưu hành của vi rút Zika và triển khai kịp thời biện pháp phòng chống ngăn ngừa vi rút Zika lây lan trong cộng đồng. 

Trước đó, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương triển khai đợt giám sát nhanh vào tháng 2-3/2016 tại 8 bệnh viện khu vực phía Nam, với tiêu chuẩn chẩn đoán là có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, một nghiên cứu vụ dịch này ở đảo Yap (thuộc Liên bang Micronesia) cho thấy triệu chứng phát ban chiếm 90% ca bệnh, còn sốt chỉ chiếm 65%. Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra tiêu chuẩn chẩn đoán bao gồm ca bệnh phát ban hoặc sốt và ít nhất một trong các triệu chứng khác theo danh mục. Do đó, có thể do tiêu chuẩn chẩn đoán của Việt Nam trong thời gian qua quá chặt, kèm theo số điểm giám sát ít và trải rộng nên trong thời gian qua ngành y tế không phát hiện được ca bệnh. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt chưa xác định ổ dịch hay nơi chính xác bệnh nhân người Australia bị nhiễm vi rút Zika nên ngành y tế sử dụng 3 giải pháp tổng thể, bao gồm dịch tễ học, xét nghiệm và can thiệp tổng thể để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. 

Cụ thể, đối với biện pháp dịch tễ học, ngành y tế tiếp tục phối hợp với các nước để làm rõ đường đi của người bệnh này vào các điểm đã đi qua, để có can thiệp chính xác hơn. Về mặt xét nghiệm, riêng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur thành phố phối hợp với Sở Y tế thành phố triển khai giám sát tại 30 điểm nguy cơ trên toàn thành phố. Đối với 24 quận, huyện cùng với các bệnh viện lớn trên địa bàn, ngành chức năng sẽ thực hiện lấy mẫu hàng ngày; trong đó, đặc biệt chú trọng các mẫu có đặc điểm lâm sàng gần giống với Zika như sốt, phát ban…để gửi về Viện Pasteur thành phố làm xét nghiệm truy tìm vi rút Zika. 

Theo nhận định của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay có nhiều nước nhiễm vi rút này nên nguy cơ xâm nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh luôn hiện hữu. Do đó, ngành y tế sẽ tiếp tục giám sát xét nghiệm 100% ca nghi ngờ xâm nhập. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi tại một số nơi trọng điểm có nhiều khách du lịch; tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tích cực tham gia vào chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng.
 
Ngoài ra, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các bệnh viện giám sát các ca bệnh teo não ở trẻ em để phân tích, từ đó có thể phát hiện sớm vi rút Zika và không để dịch lan rộng. Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập huấn các biện pháp ứng phó và lấy mẫu ca bệnh nghi ngờ nhiễm vi rút Zika cho 30 cơ sở y tế gồm 23 bệnh viện quận huyện và 6 bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố. 

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Danh sách các quốc gia lưu hành hoặc ghi nhận vi rút Zika được cập nhật trên website của Cục Y tế dự phòng: http:www.vncdc.gov.vn. 

Bên cạnh đó, người đi, đến, về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế tiếp nhận các thông tin liên quan đến việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika là 0989. 671.115. 

Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi. Người dân cũng cần áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng); thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải; thay nước bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê ở chân chạn…/.
 

 TG



 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất