Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 6/3/2017 15:11'(GMT+7)

Phòng chống tham nhũng bằng cách công khai tài sản cán bộ


Giám sát kê khai tài sản

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và gia đình bà sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang. Mặc dù Bộ Công Thương đã chính thức lên tiếng về vấn đề này nhưng dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc kiểm soát nguồn thu và tài sản của cán bộ, đảng viên.


Theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội), kiểm soát tài sản của cán bộ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó chủ yếu thông qua bản kê khai tài sản của công chức. Tuy nhiên, việc kê khai này chỉ dựa trên sự tự giác, trung thực của bản thân người kê khai mà chưa có sự giám sát, chưa có cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền nào chủ động trong việc xác minh. Do vậy, kê khai này chỉ mang tính hình thức và việc phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong kê khai tài sản không đúng là rất ít.

Trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Trước đó, năm 2015, trong số hơn 1 triệu cán bộ, công chức thực hiện kê khai tài sản chỉ có 5 người bị cơ quan chức năng kết luận là không trung thực.

TS Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nguyên nhân khiến việc kê khai và kiểm soát tài sản của cán bộ còn nhiều hạn chế và kém hiệu quả như hiện nay là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp; chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai.

Bên cạnh đó, việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Đặc biệt, một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Giải trình nguồn gốc tài sản

Theo các chuyên gia, việc kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ quyền hạn sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không kiểm soát được sự lưu chuyển cả dòng tiền hay tài sản trong xã hội. Điều này đã được giải đáp từ rất nhiều những vụ án tham nhũng lớn, hầu như tài sản tham nhũng đã được chuyển giao cho người thân, họ hàng hoặc thậm chí chuyển ra nước ngoài.

Vì vậy, xác định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không chỉ là của người có chức vụ quyền hạn mà của bất kỳ ai. Có nghĩa, bất kỳ một công dân nào cũng phải sẵn sàng trả lời hay giải trình trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền về một khoản tiền hay tài sản nào đó mà cơ quan đó thấy rằng có dấu hiệu không bình thường. Để làm được điều đó, cần quan tâm hơn đến việc tạo ra các công cụ để kiểm soát toàn bộ xã hội như thông qua công cụ thuế, sử dụng mọi thanh toán qua tài khoản, hạn chế tiền mặt.

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh, muốn kiểm soát thu nhập của cán bộ, đảng viên, cần áp dụng việc không dùng tiền mặt, tức là dùng thẻ tín dụng, khi đó chúng ta sẽ kiểm soát được vấn đề nguồn “tiền đen”, đồng thời quy định mọi khoản thu, chi đều phải minh bạch, mọi khoản mua sắm, tiêu dùng của cán bộ, đảng viên phải gắn với mã số của từng người thì việc kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập đạt hiệu quả.

Đối với hình thức kê khai tài sản, bà Bùi Thị An đề nghị, cần công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi công tác và tại địa phương nơi sinh sống (thông qua hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) để người dân, xã hội có điều kiện thực hiện việc giám sát, qua đó góp phần phát hiện những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không trung thực.

Đồng tình với quan điểm mở rộng phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, TS Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, Luật Phòng chống tham nhũng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chế tài xử lý đối với cá nhân và tập thể không công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân; quy định rõ căn cứ xác minh tài sản và bắt buộc phải xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, cần thu hẹp cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai và đổi mới mô hình tổ chức cơ quan chống tham nhũng để nâng cao hiệu quả công tác này. Đặc biệt, luật cũng cần quy định cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chế tài đủ mạnh để xử lý kịp thời người kê khai thiếu trung thực và bảo vệ, động viên, biểu dương, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức và người dân tố cáo người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; cơ chế kiểm soát quyền lực và giải pháp khắc phục tình trạng lạm quyền để trục lợi.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong đó, cũng nêu rõ tình trạng tham nhũng, tham quyền lực, tư duy nhiệm kì, lợi ích nhóm... là một trong những biểu hiện của suy thoái về đạo đức, lối sống. Bởi vậy, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên qua vấn đề kiểm soát tài sản, thu nhập cần được xem là một trong những giải pháp quan trọng để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Thu Phương/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất