Vượt qua những khó khăn khách quan
và cả chủ quan về thời tiết, biến động bất thường của thị trường, đến
cuối năm 2016, ngành nông nghiệp đã cán mốc một cách ngoạn mục: tốc độ
tăng trưởng GDP của toàn ngành tăng 1,2% (giá trị sản xuất tăng 1,44%,
trong đó chăn nuôi tăng 5,4%, lâm nghiệp tăng 6,17%, thủy sản tăng
2,9%).
Đáng chú ý trong hoàn cảnh khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhưng bằng việc chuyển hướng kịp thời và tập trung vào những ngành hàng còn có dư địa tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu nông sản không giảm mà còn tăng cao nhất từ trước tới nay, đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với 2015, thặng dư thương mại đạt 7,5 tỷ USD và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị từ một tỷ USD trở lên.
Nhìn vào sự bứt phá, tạo đà tăng trưởng của ngành trong sáu tháng cuối năm 2016, chúng ta thấy vai trò rất lớn của các ngành hàng đang có dư địa, lợi thế phát triển. Thí dụ, như thủy sản, trong đó con tôm nước lợ tăng trưởng tới 9% và hiện đang có tiềm năng phát triển khoảng 700 nghìn ha; hay như thịt lợn tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay với khoảng 30 triệu con, trong đó đàn giống chiếm khoảng 10%. Nổi bật nhất là mặt hàng rau quả. Nếu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 1,9 tỷ USD, thấp hơn lúa gạo, thì sang năm 2016 đã cán đích 2,4 tỷ USD, soán ngôi ngoạn mục của lúa gạo (chỉ đạt 1,9 tỷ USD).
Tuy nhiên, trong niềm vui thắng lợi ấy, không khó nhận thấy mặt trận nông nghiệp cũng đang phải đối diện nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trên thực tế, nông nghiệp nước ta nhìn chung vẫn là nền sản xuất nhỏ lẻ, dựa trên quy mô hộ là chính với 13,8 triệu hộ và 78 triệu miếng ruộng. Chính vì thế, việc thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới đặt ra cấp bách nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất, đem lại đời sống ấm no và bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn chiếm tới 70% diện tích và 46% số lao động cả nước.
Năm 2017 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp 5 năm giai đoạn 2016 - 2021 trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức được dự báo vẫn chưa giảm so với năm 2016. Tuy vậy, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả hai nhiệm vụ lớn là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 2,5 đến 2,8%, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3 đến 2,2%, và kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 32 đến 32,5 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu quan trọng này, đồng thời vươn tới tầm cao mới, ngành nông nghiệp, ngoài các nhiệm vụ vĩ mô, hành chính như thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, rà soát hệ thống quản lý ngành từ trung ương đến địa phương, gỡ khó cho doanh nghiệp, cho nông dân… sẽ tập trung đặc biệt vào các giải pháp mang tính thị trường như xây dựng ba trục sản phẩm chủ lực, bao gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố; và nhóm sản phẩm vùng miền vốn là những đặc sản có quy mô nhỏ, sẽ được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã theo quy mô “mỗi làng, xã một sản phẩm”. Tất cả các trục sản phẩm khi định dạng, hình thành xong cần có vùng sản xuất tập trung, cần có doanh nghiệp làm nòng cốt. Đáng chú ý, cần có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất và cả việc hình thành các hợp tác xã để liên kết tập trung và sản xuất ở quy mô lớn.
Theo Nhân dân