Vừa qua, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp chính thức
ra văn bản “tuýt còi” Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận
tải (GTVT) sau hơn một năm triển khai thực hiện. Điều 57 của Thông tư
quy định: Lộ trình chuyển đổi sang giấy phép lái xe (GPLX) ô-tô, giấy
phép lái xe hạng A4 bằng vật liệu PET là trước ngày 31-12-2016. Sau sáu
tháng theo lộ trình chuyển đổi, người có giấy phép lái xe bằng giấy bìa
phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại giấy phép lái xe.
Bộ Tư pháp cho rằng, Điều 57 không có cơ sở pháp lý, làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo Bộ GTVT, chủ trương đổi GPLX bằng giấy bìa sang GPLX sử dụng vật liệu PET xuất phát từ thực trạng bằng lái xe bị làm giả rất nhiều, việc đổi là hợp lý nhằm quản lý, ngăn ngừa bằng giả. Ngay sau khi Thông tư 58 ban hành đã gặp phải phản ứng từ phía dư luận bởi những bất tiện, phiền hà, rắc rối cho người dân khi phải thực hiện việc đổi GPLX. Hơn một năm qua, các địa điểm đổi GPLX của Sở GTVT các địa phương, nhất là tại nhiều thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải khi người dân phải xếp hàng làm thủ tục đổi GPLX. Ngay sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chính thức ra văn bản, Bộ GTVT đã kịp thời sửa ngay thông tư theo hướng không bắt buộc người dân phải đổi GPLX giấy bìa còn hạn sang GPLX vật liệu PET, cũng như không bắt buộc thi lại lý thuyết khi GPLX quá hạn không được đổi. Động thái này khiến hàng triệu người chưa kịp đổi GPLX thở phào, tuy nhiên những người đã làm thủ tục đổi bằng lại cảm thấy bức xúc do đã tốn không ít thời gian, tiền bạc để thực hiện quy định của cơ quan chức năng. Việc chuyển đổi các GPLX không thời hạn hoặc đang còn thời hạn sử dụng sang vật liệu mới, có thu lệ phí, cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.
Một văn bản ban hành trái pháp luật đã được sửa chữa, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc ban hành các văn bản quy định trái pháp luật, cũng như sự chậm trễ trong việc phát hiện, ngăn chặn những văn bản không đúng luật như trên? Được biết, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân đã tham mưu cho Bộ GTVT ban hành thông tư có quy định trái luật gây thiệt hại, bức xúc cho người dân. Âu đó cũng là việc nên làm và cần phải tiến hành xử lý một cách nghiêm khắc, tránh tình trạng những cán bộ làm cơ chế, chính sách tham mưu một cách cơ học, quan liêu, xa rời thực tế.
Thanh Nga/Nhân dân