Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, mâm cỗ trong những
ngày Tết luôn có một ý nghĩa quan trọng, không chỉ là tưởng nhớ tổ tiên
mà còn là dịp để người thân và bạn bè gần xa sum họp gia đình. Do vậy,
các gia đình thường dành không ít thời gian cho công việc chuẩn bị các
loại thực phẩm như thịt, cá, hải sản, củ, quả, các loại bánh, mứt kẹo,
rượu, bia, nước giải khát... Ngoài ra, với tâm lý "không để thiếu thứ
gì trong ba ngày Tết", nên các gia đình thường mua nhiều loại thực phẩm
với số lượng lớn để trữ, sử dụng trong nhiều ngày.
Tuy nhiên, việc mua nhiều loại thực phẩm trong một lúc, với số lượng
lớn song không phải gia đình nào cũng có trang thiết bị bảo quản, nhất
là đối với các gia đình sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, vào những ngày Tết thời tiết thường hay có sự thay đổi bất
thường, do đó các loại thực phẩm dễ bị ôi thiu, ẩm, mốc..., cũng như
quá trình chế biến các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nên nguy
cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp này là rất lớn.
Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y
tế) TS Lâm Quốc Hùng cho biết: Mỗi loại thực phẩm đều có nguy cơ ô
nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, nhất là đối với các sản phẩm từ
thịt, cá, hải sản thường chứa các chất tăng trọng, chất bảo quản nên
rất dễ gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương
hàn, ký sinh trùng. Các loại rau, củ, quả dễ bị ô nhiễm bởi các hóa
chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản, vi sinh vật gây bệnh. Trong khi
đó, các loại thực phẩm được bao gói sẵn thường bị ô nhiễm hóa chất tạo
mầu cấm sử dụng, sử dụng hóa chất làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục
cho phép, sản phẩm quá hạn sử dụng, bảo quản không đúng yêu cầu... Ngoài
ra, ô nhiễm thực phẩm còn do chính con người gây ra trong quá trình
chế biến, bảo quản thức ăn. Ðây chính là những nguyên nhân thường dẫn
đến các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm gia
tăng trong thời điểm này.
Ðể mỗi gia đình có mâm cỗ ngày Tết ngon, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng
và an toàn, TS Lâm Quốc Hùng cho rằng: Hiện nay, trên thị trường các
loại hàng hóa phục vụ Tết hết sức đa dạng và phong phú về chủng loại,
nhất là các sản phẩm thực phẩm tươi sống được bày bán ở nhiều nơi thuận
tiện cho người tiêu dùng lựa chọn. Trong những ngày sát Tết Nguyên đán
do nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng đột biến, cho nên một
số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lợi dụng đưa ra thị trường
những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, hay trà trộn các sản
phẩm thực phẩm kém chất lượng vào các sản phẩm cùng loại để đánh lừa
người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Do vậy, khi lựa chọn, mua các sản
phẩm thực phẩm như các loại rau, củ, quả, thịt, cá, đồ uống đã qua chế
biến, người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm,
nhất là nhãn mác, hạn sử dụng, quá trình bảo quản thực phẩm và nơi bày
bán các sản phẩm thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, người
tiêu dùng có thể sử dụng cảm quan của mình bằng việc nhìn, sờ, ngửi để
nhận dạng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nhất là cần chú ý các
sản phẩm bị dập nát, biến dạng. Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực
phẩm không có mầu sắc khác thường, không bị ôi thiu, mốc, ố, ươn, hỏng,
có mùi khác lạ...
Ðối với các nguyên liệu thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ
trước khi chế biến, nấu ăn như rau, củ, quả dùng để ăn sống phải được
rửa dưới vòi nước sạch, ngâm nước muối và rửa nước sạch nhiều lần trước
khi ăn. Các sản phẩm đông lạnh, phải được rã đông hoàn toàn, thức ăn
phải được nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu, nếu thức ăn chín qua bốn
giờ đồng hồ mà không được bảo quản ở điều kiện ủ nóng thì phải nấu lại
trước khi ăn và tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín
như gỏi cá, tiết canh... Ðối với các loại bánh, mứt, kẹo, người tiêu
dùng chỉ mua những sản phẩm được bao gói cẩn thận, kín, khô, có nhãn
ghi đầy đủ, rõ ràng địa chỉ sản xuất, có đăng ký chất lượng hàng hóa và
còn thời hạn sử dụng.
Người nội trợ lưu ý, trong quá trình chế biến thực phẩm các loại,
nhất là thực phẩm tươi sống, tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống với
thức ăn đã được chế biến chín; không sử dụng chung các dụng cụ sơ chế,
chế biến thức ăn sống và thức ăn chín. Thường xuyên rửa tay bằng
xà-phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, cũng như trước khi
ăn. Người dân cần chú ý đến việc cân đối hài hòa lượng thực phẩm ăn
hằng ngày về thành phần như thịt, cá, rau, củ, quả, tinh bột trong các
bữa ăn, nhất là tránh việc lạm dụng các loại đồ uống có độ cồn cao như
rượu, bia. Tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm có nguy cơ
chứa độc tố tự nhiên như các loại nấm lạ, măng lạ, cá lạ làm thực
phẩm. Ngoài ra, trong những ngày Tết, do có nhiều sự thay đổi trong
sinh hoạt, nên có sự thay đổi về nhịp sinh học thường dẫn đến sự mệt
mỏi, sức đề kháng của cơ thể không cao. Do vậy, khi có những dấu hiệu
bất thường về sức khỏe cần đến ngay các cơ sở y tế nơi gần nhất để được
cán bộ y tế tư vấn, khám và điều trị kịp thời.