Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức xây dựng các phong trào thi đua bám
sát nhiệm vụ trọng tâm từng năm. Phong trào thi đua yêu nước của Ban đã
đi vào thực chất, bằng hành động cụ thể theo tinh thần của 8 chữ: Đoàn
kết-Trí tuệ-Đổi mới-Hiệu quả.
Sáng 30/9, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Đại hội thi đua yêu nước và kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của Ban.
Các đồng chí: Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê
Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Hòa Bình,
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các vị nguyên
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung
ương đã dự lễ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng
Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lẵng
hoa chúc mừng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã
trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng tập thể Ban Kinh tế Trung ương;
Huân chương Lao động tặng một số vị lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương.
Ban Kinh tế Trung ương đã trao Huân chương chiến công; Bằng khen của Thủ
tướng Chính phủ; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp kinh tế Đảng, Bằng khen
của Trưởng ban Kinh tế Trung ương tặng các tập thể, cá nhân có nhiều
đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển của Ban Kinh tế Trung
ương.
Cách đây tròn 65 năm, ngày 30/9/1950, Ban Thường vụ Trung ương (khóa I)
đã ra Quyết nghị thành lập Ban Kinh tế Trung ương, với nhiệm vụ “nghiên
cứu và đề nghị mọi chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp
Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính” và phân công ông Phạm Văn
Đồng làm Trưởng ban.
Qua 65 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn với tên gọi
khác nhau, phát huy truyền thống tốt đẹp, Ban Kinh tế Trung ương luôn
trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nỗ lực
không ngừng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đoàn kết phấn đấu thực hiện
tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ban Kinh tế Trung ương chủ động trước những diễn biến của tình hình, góp
phần tích cực trong việc hoạch định những cơ chế, chính sách kinh tế-xã
hội phù hợp với thực tiễn của đất nước và luôn đóng vai trò là cơ quan
tham mưu chiến lược, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế-xã hội.
Sau gần 3 năm tái lập, Ban Kinh tế Trung ương đã triển khai tốt nhiệm vụ
tổ chức, vận hành bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao,
nhất là các nhiệm vụ quan trọng như nghiên cứu, tham mưu, đề xuất; thẩm
định và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đóng góp quan trọng trong việc
tham mưu giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các
giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.
Những thành tựu, kết quả đạt được của Ban Kinh tế Trung ương từ khi
thành lập đến nay luôn gắn liền với phong trào thi đua yêu nước của các
thế hệ cán bộ, công chức, người lao động của Ban trong suốt 65 năm qua.
Ngay khi được tái lập, ý thức được tầm quan trọng của công tác thi đua
yêu nước, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức xây dựng các phong trào thi
đua bám sát nhiệm vụ trọng tâm từng năm. Phong trào thi đua yêu nước của
Ban đã đi vào thực chất, bằng hành động cụ thể theo tinh thần của 8
chữ: Đoàn kết-Trí tuệ-Đổi mới-Hiệu quả.
Phát biểu tại Đại hội, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ghi nhận, đánh
giá cao phong trào thi đua yêu nước; chúc mừng những thành tựu, kết quả
to lớn đã đạt được của Ban Kinh tế Trung ương.
Phát huy những kết quả của phong trào thi đua yêu nước, để hoàn thành
tốt các nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư
Lê Hồng Anh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục quan tâm làm tốt
công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc các
chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước về công tác thi
đua, khen thưởng trong giai đoạn cách mạng hiện nay, tạo phong trào thi
đua sôi nổi, liên tục và rộng khắp, phát huy truyền thống của đơn vị,
khơi dậy ý thức tự giác, sức sáng tạo của mọi cán bộ, đảng viên, quyết
tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không ngừng đổi mới nội dung,
phương thức tổ chức, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn
với thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh," chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng bộ, cơ quan và các
đoàn thể trong sạch vững mạnh.
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh Ban Kinh tế Trung ương tiếp
tục phát huy kết quả, kinh nghiệm, bám sát chương trình, kế hoạch công
tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động
triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kịp thời, hiệu lực và hiệu quả.
Trong đó, cần tập trung cao độ cho việc chuẩn bị các nội dung liên quan
về phát triển kinh tế-xã hội phục vụ Đại hội XII của Đảng để các Hội
nghị Trung ương sắp tới thông qua; chủ động phối hợp với các cơ quan,
đơn vị ở Trung ương và địa phương, triển khai thực hiện Kết luận của Bộ
Chính trị về sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X)
về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa.
Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu giúp Bộ
Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề chiến lược dài hạn về phát triển kinh
tế-xã hội của đất nước và chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp
hành Trung ương khóa XII về lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhất là những chiến
lược, sách lược đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững,
tránh bẫy thu nhập trung bình; tham mưu giúp cấp ủy các địa phương trong
việc xây dựng chương trình hành động phát triển kinh tế-xã hội.
Ban Kinh tế Trung ương chủ động hơn nữa trong việc cập nhật, dự báo diễn
biến tình hình quốc tế, khu vực; nắm bắt thông tin, dư luận xã hội để
phản ánh kịp thời với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề kinh
tế-xã hội quan trọng, góp phần tích cực trong việc hoạch định cơ chế,
chính sách kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn sinh động của đất
nước./.
(TTXVN)