Vừa cầm hộp cơm lên một chốc, hai mẹ con chị Nguyễn Thanh Thủy, quê ở
Nghệ An lại phải bưng bê đống giấy báo chạy sang gốc cây phía bên cạnh
tránh nắng. Ở đoạn đường đối diện công viên Thủ Lệ, nhiều phụ huynh
không nỡ đánh thức con sau buổi thi sáng nay đành lấy tạm mảnh vải bạt
treo lên cây tìm bóng mát. Với không ít phụ huynh, sỹ tử tỉnh xa về Hà
Nội dự thi, nỗi nhọc nhằn là điều khó tránh khỏi trong vài tiếng nghỉ
ngơi ngắn ngủi giữa trưa hè oi bức.
Nhà trọ chị Thủy thuê mãi phía Mễ Trì, hai mẹ con lại chẳng rành đường
nên thi xong môn đầu tiên ở trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội,
hai mẹ con tay xách nách mang "hành quân" luôn ra bãi cỏ phía công viên
Thủ Lệ.
Chẳng giấu được vẻ mệt mỏi, chị Thủy bảo, hai hôm vừa rồi chưa tối nào
chị được tròn giấc tới sáng. Lúc thì chị lo phòng trọ cả ngày không thấy
ánh sáng, phòng trọ ẩm thấp quá, nhỡ đứa nhỏ nhà mình đổ bệnh thì khổ.
Lúc khác, chị nhìn con gái ngồi viết viết, vẽ vẽ cả ngày trời thì lại sợ
rằng, nếu không được điểm như ý, cô con gái nhà chị sẽ sinh ra chán
nản, rồi chẳng có tâm trạng mà học lại lần nữa.
"Sáng nay, tôi đón nó ngoài cổng trường, thấy nó bảo chỉ được 6 điểm,
rồi im thin thít suốt cả bữa cơm," người phụ nữ quê Nghệ An lo lắng.
Nhìn con gái thiêm thiếp, chị Thủy bảo, chị vẫn chẳng thể nào chợp mắt
được. Con gái làm bài không như ý, chị cũng lo "cháy ruột cháy gan"
nhưng chỉ dám nhẹ nhàng động viên con gái thi tốt những môn sau.
Nhiều thí sinh không ngủ trưa mà tranh thủ ôn bài, chuẩn bị cho môn thi buổi chiều
Cách đó không xa, cậu học sinh tên Trần Văn Thông (Bắc Ninh) cũng vừa kết thúc bữa ăn nhanh của mình.
Mặt đỏ bừng, cậu học sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 chẳng hề có ý định chợp
mắt mà lục tục lôi từ trong ba lô ra đống vở ôn tập, cẩn thận hệ thống
lại lý thuyết.
"Em không ngủ được, chỉ ngả lưng một chút cho đỡ mỏi thôi. Môn thi tiếp
theo lý thuyết rất rộng nên em phải tranh thủ xem lại một lượt," cậu học
sinh quê Bắc Ninh cười nói.
Giống như Thông, Nguyễn Thành Vũ quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, cũng nghỉ trưa
ngay tại điểm thi. Dải tấm nilon ra ngay trong vỉa hè khuôn viên trường
Đại học Giao thông Vận tải, Vũ vội ngả lưng xuống nghỉ ngơi lấy sức sau
buổi thi Toán sáng nay.
Mái tóc cắt ngắn, người hơi gầy, nước da đen nhẻm, Vũ bảo, nhà em vốn ở
vùng quê nghèo, quanh năm chỉ có ruộng đồng và thường xuyên đối mặt với
những cơn lũ từ dòng sông La Giang. Để cho Vũ đi thi, gia đình mới bán
vài tạ thóc của vụ mùa Đông Xuân, vài con gà mới có tiền “giắt lưng”
mang theo chi tiêu cho vài ngày thi cử ở Thủ đô.
Ngay khi hoàn thành môn thi sáng, hai mẹ con Vũ đã tranh thủ kiếm quán
cơm bụi vỉa hè để lấy sức còn "chiến đấu" với môn thi tiếp theo.
Về đến trường thi, hai mẹ con chọn phía vỉa hè trong khuôn viên, nơi có
nhiều tán cây rộng xõa bóng mát làm nơi “tạm trú” giấc ngủ trưa.
Kể về kết quả làm bài thi sáng, cậu học trò vùng quê nghèo Hà Tĩnh nói
rằng, môn Toán là một trong các môn ưa thích nhất khi em còn ngồi trên
ghế nhà trường.
“Môn Toán em làm rất tốt, sau khi so sánh đáp án với các bạn, em dự đoán
ít nhất được 7 điểm trở lên. Hi vọng rằng với môn thi tiếp trong những
buổi tới, em cũng sẽ làm được bài như thế,” Vũ chia sẻ.
Chiếc cặp sách thường ngày hôm nay, Vũ dùng để làm chiếc gối đầu. Tuy
nhiên, vừa nằm được chốc lát, Vũ lại lọ mọ dậy tìm quyển sách giáo khoa
Vật lý để cố gắng đọc qua những kiến thức và ôn luyện lại các chủ đề nội
dung do môn này bao hàm nhiều lý thuyết.
Ngồi kế bên, bác Định Thị Hải, mẹ Vũ đang cầm chiếc quạt giấy phe phẩy để con đỡ nóng.
Mái tóc điểm bạc, khuôn mặt khắc khổ, bác Hải kể, Vũ là đứa đầu tiên
được đi thi Đại học ở thủ đô trong gia đình nhà có 3 chị em.
Lần đầu tiên ra Hà Nội, hai mẹ con đã phải nhọc nhằn tìm chỗ trọ giá rẻ cách trường đến 4 cây số ở tận cầu Diễn.
“Căn nhà thuê có 3 ngày những cũng tốn kém mất gần nửa tạ thóc. Giá cả,
dịch vụ sinh hoạt ở Thủ đô đắt đỏ. Hai mẹ con ăn uống bữa trưa cũng bằng
cả gia đình ở nhà ăn 2 ngày. Nhưng tốn mấy cũng phải chịu vì chỉ có con
đường học hành mới có thể thoát nghèo,” bác Hải tâm sự.
Khi thi xong, bác đã có ý định thuê xe ôm đưa Vũ về chỗ trọ nhưng em nhất quyết không về vì sợ tốn kém.
“Nhìn nhiều bạn cùng trang lứa có điều kiện, nghĩ cũng thấy tủi thân,
thương cho con, nhưng khi nghe cháu khoe làm được bài, tôi cảm thấy được
an ủi. Lo cho con ăn học 12 năm đèn sách quả là nhọc nhằn với người
nông dân ở quê,” bác Hải hồ hởi nói.
Để chia sẻ niềm vui đó, bác Hải đã ra cửa hàng dịch vụ gọi điện thoại về
nhà thông báo kết quả thi cũng như tình hình sức khỏe hai mẹ con trên
này.
“Nhà không có điện thoại, phải nghe nhờ nhà hàng xóm. Gọi điện 2 lần về
nhà mới có thể gặp được bố nó. Nghe xong, ông nhà không quên dặn dò phải
chăm lo chu đáo cho cháu, để có sức khỏe và động viên tinh thần con làm
bài tốt hơn,” bác Hải ngậm ngùi kể.
Với nhiều thí sinh và phụ huynh, khởi đầu cuộc hành trình tới đỉnh vinh
quang của con đường khoa bảng là vô cùng nhọc nhằn. Họ, những người xuất
thân từ những hoàn cảnh khác nhau nhưng vẫn cố gắng vượt qua để chinh
phục ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, với mong muốn được
học con chữ để thoát nghèo./.