Thứ Ba, 17/9/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 19/1/2015 14:42'(GMT+7)

Phú Thọ quyết tâm phấn đấu đưa hát Xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2016

Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ, phong tục, còn gọi là hát cửa đình hay “Khúc môn đình”, là hình thức nghệ thuật đa yếu tố: Ca nhạc, hát, múa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Hát Xoan có bề dày lịch sử, có tổ chức nghệ thuật chặt chẽ, không gian văn hóa rộng lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ khắp cộng đồng. Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Bali – Indonesia, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Sở dĩ hát Xoan nằm trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp là bởi vì những giá trị văn hóa, nghệ thuật cũng như quá trình lịch sử cùng với những tư liệu và di tích về di sản này đang có nhiều nguy cơ mai một và mất vĩnh viễn. Theo như kết quả kiểm kê mà Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ tiến hành thì hiện nay hát Xoan còn được lưu giữ ở 9 huyện, 18 xã, 31 cửa đình. Trong đó thành phố Việt Trì (Phú Thọ) là cái nôi của di sản, hiện còn 69 nghệ nhân biết các làn điệu Xoan cổ, nhưng chỉ có 8 người còn đủ sức khỏe và khả năng truyền dạy. Những nghệ nhân còn lại hiện giờ đã quá già và yếu không còn đủ minh mẫn và sức khỏe để có thể truyền dạy cũng như tham gia và các công tác bảo tồn loại hình di sản này. Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật hát Xoan đã được các ngành, các cấp, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cả cộng đồng hết sức quan tâm.

Để bảo tồn một cách khoa học, bền vững hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 – 2020) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngày 7/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn 2013 – 2020). Tính đến thời điểm này, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp Hát Xoan Phú Thọ”, với những nội dung cụ thể như: Xây dựng quy chế phong tặng danh hiệu nghệ nhân hát Xoan Phú Thọ; tiến hành nghiên cứu, truyền dạy hát Xoan cho đông đảo quần chúng nhân dân, đưa hát Xoan vào trong trường học; có kế hoạch đầu tư quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các di tích liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể hát Xoan… Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo Sở VHTTDL thực hiện những nhóm việc cụ thể về điều tra, kiểm kê, đánh giá thực trạng các địa phương có di sản hát Xoan; thực trạng nghệ nhân hát Xoan; sưu tầm, xuất bản Tổng tập hát Xoan Phú Thọ… Đặc biệt trong hai năm 2013, 2014, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghệ nhân kế cận tại 2 xã Kim Đức và Phượng Lâu với gần 100 học viên tham gia. Các học viên là những đối tượng được lựa chọn kỹ từ các hạt nhân tiêu biểu ở 2 xã. Là những người có năng khiếu, nhiệt tình, trách nhiệm, am hiểu về di sản hát Xoan có điều kiện tham gia hoạt động thường xuyên, lâu dài trong 4 phường Xoan gốc, người cao tuổi nhất là 72 tuổi và người nhỏ tuổi nhất là 24 tuổi.

Ngoài ra, tỉnh cũng mở các lớp học hát Xoan cộng đồng tại xã Kim Đức, Hồng Lâu và Hùng Lô với hơn 100 học viên tham gia học 25 bài Xoan cổ. Chương trình truyền dạy này đã khẳng định bước thành công ban đầu trong dự án bảo tồn, truyền dạy và thực hành hát Xoan, tạo được phong trào có sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân… Từ năm 2016 đến 2020, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho năm di tích tại các phường Xoan gốc ở thành phố Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ Hát Xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa Hát Xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tiếp đó là phục hồi cho các di tích còn lại tại các phường Xoan gốc, hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi tục lệ hát Xoan truyền thống. Đến năm 2020, phấn đấu khôi phục thành công không gian văn hóa hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; nâng tỉ lệ người biết hoát Xoan thành niên và thiếu niên, nhi đồng ở các phường Xoan gốc của tỉnh lên 70%. Hát Xoan vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là hiện tượng của văn hoá dân gian đặc trưng của vùng đất Tổ Hùng Vương. Để đạt được mục tiêu đưa hát xoan khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp cần có sự nỗ lực của cả cộng đồng, phải hiểu được cái hay, cái đẹp và giá trị lịch sử vô giá thì hát Xoan mới bám rễ sâu trong đời sống văn hóa và mãi mãi trường tồn để không chỉ bừng sáng trong lòng mỗi người dân Việt mà còn của bạn bè khắp năm châu. 

Theo cinet.gov.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất