Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 30/5/2013 21:22'(GMT+7)

Phú Thọ: Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp

Phòng Tư pháp huyện Phù Ninh phối hợp với Sở NN & PTNT Phú Thọ tập huấn các văn bản pháp luật liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn và trưởng khu.(Ảnh: Báo Phú Thọ).

Phòng Tư pháp huyện Phù Ninh phối hợp với Sở NN & PTNT Phú Thọ tập huấn các văn bản pháp luật liên quan đến chương trình xây dựng nông thôn mới cho cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn và trưởng khu.(Ảnh: Báo Phú Thọ).

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức và thực hiện các cuộc vận động do địa phương, ngành, đoàn thể phát động.

Trong năm qua, 100% đơn vị cấp huyện và nhiều sở, ngành, tổ chức, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp, trường học đã bám sát kế hoạch của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch PBGDPL và chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả. Nội dung tuyên truyền phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị.

Việc tuyên truyền PBGDPL đến các tầng lớp nhân dân được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp như: tuyên truyền miệng; phát hành tài liệu; thực hiện mô hình “Ngày pháp luật”; qua các phương tiện thông tin đại chúng; cổ động; khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật; tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại, trợ giúp pháp lý; hòa giải ở cơ sở; hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị hoặc công tác đặc thù của một số ngành...

Thông qua các hình thức tuyên truyền tích cực gắn với mỗi nhóm đối tượng khác nhau, đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động, chiến  sỹ lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; từng bước tạo thói quen chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 76 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 354 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, thị; 2.069 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và  7.407 hòa giải viên ở cơ sở. Cùng với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, đây là lực lượng nòng cốt thực hiện tuyên truyền PBGDPL của tỉnh. Trong năm 2012, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức gần 10.000 hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép để triển khai văn bản; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; in ấn và phát hành trên 400.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật...

Cổng giao tiếp điện tử tỉnh, Báo Phú Thọ, Đài PT-TH  tỉnh, website của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong năm qua cũng đã tăng cường hàng trăm chương trình, chuyên mục tuyên truyền PBGDPL. Nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã tổ chức ký kết, thực hiện các kế hoạch liên tịch triển khai tuyên truyền PBGDPL.

Thanh tra các cấp, các ngành trong tỉnh đã tham gia tiếp 6.107 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ảnh, đề nghị; giải quyết 263 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tiến hành thanh tra, kiểm tra hành chính tại 859 đơn vị; tổ chức 26 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; triển khai 321 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 1.321 đơn vị cơ sở và cá nhân trên các lĩnh vực quản lý nhà nước về dịch vụ thông tin truyền thông, văn hóa, tài nguyên, môi trường, khoáng sản, an toàn giao thông...

Công tác PBGDPL trong trường học trên địa bàn tỉnh cũng thường xuyên được quan tâm, chú trọng. 100% trường học đã thực hiện giảng dạy đúng, đủ nội dung theo chương trình giáo dục pháp luật. Nhiều trường học có kết nối mạng Internet tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu pháp luật và phục vụ công tác giảng dạy của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên; thường xuyên tổ chức cho giáo viên, học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quản lý thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên; phát huy có hiệu quả hoạt động của các đội xung kích an ninh, câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội…

Hoạt động trợ giúp pháp lý tại trụ sở, trợ giúp lưu động và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng thường xuyên được tăng cường. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm trợ giúp pháp lý, 5 chi nhánh ở các cụm huyện với 208 cộng tác viên, 177 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Năm 2012 đã thụ lý và giải quyết 1.707 vụ việc cho 1.720 đối tượng; tổ chức 34 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 71 xã, thị trấn với 4.209 lượt người tham gia; tổ chức hòa giải thành cho 3.869 việc, đạt tỉ lệ 81,6%.

Trong thời gian tới, để công tác PBGDPL phát huy những kết quả đạt được, khắc phục nhưng hạn chế yếu kém, tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của công tác PBGDPL trong tình hình mới.

Hai là, tập trung đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, phong tục, tập quán của từng dân tộc, từng địa bàn.

Ba là, nhân rộng các hình thức, biện pháp có hiệu quả, đồng thời tăng cường việc lồng ghép các phương thức PBGDPL trong hoạt động chính trị - văn hóa - xã hội trên địa bàn để trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân./.

Giang Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất