Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 19/12/2015 22:4'(GMT+7)

Phú Yên: Những mô hình nổi bật trong học tập và làm theo Bác

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Thị Minh Hiền trao giấy khen cho đại diện các tập thể thực hiện tốt Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị

Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Thị Minh Hiền trao giấy khen cho đại diện các tập thể thực hiện tốt Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong đó, việc triển khai các mô hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Phú Yên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian qua.

Nét nổi bật trong triển khai thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị (Chỉ thị 03) là nhiều địa phương, cơ sở đã có nhiều cách làm hay, xây dựng các mô hình mới, đem lại hiệu quả cao  như tổ chức chào cờ đầu tuần gắn với việc học tập dưới cờ các tác phẩm, các bài nói, bài viết của Người và mẩu chuyện về Người; tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân… Tiêu biểu nhất là huyện Sông Hinh, địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức và duy trì nghiêm túc việc chào cờ Tổ quốc đầu tuần. Từ cuối năm 2009, mô hình tổ chức chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ hai hàng tuần gắn với học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác dưới cờ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo nhân ra diện rộng cả tỉnh và duy trì nền nếp cho đến nay. Đến nay mô hình “tổ chức chào cờ Tổ quốc và học tập dưới cờ trong tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương” tiếp tục được phát huy và thông qua chào cờ đầu tuần, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, giờ giấc làm việc, tác phong làm việc, góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ công tác và học tập, trở thành nét đẹp văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị và trong ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức địa phương.

Và để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, ngày 03/6/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU trong đó chỉ đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị chấp hành và sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định pháp luật, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan; không uống rượu, bia trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, kể cả khi tổ chức hội nghị, tiếp khách trong nước; thực hiện nghiêm Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; nâng cao tinh thần trách nhiệm khi giải quyết hồ sơ, công việc của tổ chức, công dân, doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định, tránh gây phiền hà, sách nhiễu khi thi hành nhiệm vụ, công vụ... Đây là nội dung hết sức quan trọng, tác dụng tích cực đến việc chấn chỉnh tác phong, nâng cao phẩm chất đạo đức và lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chỉ thị ban hành đúng thời điểm, phù hợp với xu thế và tình hình thực tiễn về xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gương mẫu. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện đã có tác động tích cực đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong chấp hành và sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, nâng cao chất lượng công việc, nhất là nghiêm túc thực hiện không uống rượu, bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ buổi trưa của ngày làm việc...

Xuất phát từ thực tiễn triển khai việc học tập và làm theo tấm gương của Bác có hiệu quả ở hai huyện miền núi của tỉnh là Sông Hinh và Sơn Hòa, ngày 14/02/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 68-KH/TU về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Đây là một mô hình mới, được triển khai trong toàn tỉnh, vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định việc huy động công sức, trí tuệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, trọng tâm là giúp các xã, thôn (buôn) còn khó khăn và hộ nghèo vươn lên, vượt khó, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh. Do đó, từng cấp ủy đảng, từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch, cử cán bộ trực tiếp làm việc với địa phương (xã, thôn, buôn khó khăn) và thâm nhập, nắm tình hình cụ thể từng hộ nghèo, hộ còn khó khăn để có nội dung và hình thức giúp đỡ một cách thiết thực, hiệu quả. 

Với mô hình này, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã ký cam kết giúp đỡ 62 xã (19 xã miền núi đặc biệt khó khăn, 16 xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn, 27 xã nghèo còn khó khăn), các huyện, thị, thành phố đã phân công giúp đỡ 61 thôn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị nhất là đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của địa phương, cơ sở như hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác, xây dựng tủ sách pháp luật, làm đường liên thôn, chỉnh trang và hỗ trợ thiết bị cho các trạm y tế xã, các trường học, trụ sở thôn (buôn), làm đèn chiếu sáng đường quê, tuyên truyền, tư vấn pháp luật, xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc, thăm hỏi, trao quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo... và đã có trên 3.000 hộ nghèo được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh chọn và nhận giúp đỡ bằng cách xây dựng, sửa chữa 286 ngôi nhà, mua 57 con bò và 776 con heo, dê giống để sinh sản, tặng 2.534 xuất quà, đặc biệt đã nhận đỡ đầu và giúp đỡ học sinh nghèo có điều kiện đến trường với trên 1.000 em với nhiều hình thức như hỗ trợ học phí, sách vở, đồ dùng học tập hàng tháng, tặng xe đạp, trao học bổng… Ngoài ra, còn giúp đỡ, hướng dẫn hộ nghèo vay vốn sản xuất với lãi xuất thấp, nhóm cán bộ, đảng viên cho mượn vốn không tính lãi để sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để giúp nhân dân biết cách làm ăn và thoát nghèo theo phương châm “cho mượn cần câu thay vì cho con cá”… Bằng các hình thức giúp đỡ này, toàn tỉnh đã ủng hộ trên 22 tỷ đồng, trong đó các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh trên 7 tỷ đồng, cấp huyện, xã, phường, thị trấn 5,5 tỷ đồng (trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trích từ tiền lương để ủng hộ gần 3 tỷ đồng) và trên 10 tỷ đồng vận động từ các đơn vị, doanh nghiệp ngoài kế hoạch phân công của tỉnh. 

Chú trọng công tác xây dựng điển hình, phát hiện, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những tập thể, cá nhân tiên tiến, những cách làm hay, sáng kiến tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời biểu dương, động viên những nhân tố tích cực, đồng thời phê phán, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, nói không đi đôi với làm, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, đến nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa rộng rãi và đi vào chiều sâu. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã kịp thời xây dựng chuyên trang, chuyên mục về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác gắn với các chuyên mục xây dựng Đảng, góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, giúp Ban Thường vụ các cấp ủy và lãnh đạo các ngành phát hiện, nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cơ quan báo chí, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thông qua các hoạt động chuyên ngành đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, cổ động về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo nên sức mạnh tổng hợp, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh thực hiện quyết tâm chính trị, xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng văn hóa, tinh thần theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người.

Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 03, có thể khẳng định tính đúng đắn, phù hợp của việc “làm theo” trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc triển khai các mô hình thực hiện trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bởi hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc triển khai thực hiện các mô hình phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị đang đặt ra hiện nay nên tích cực hưởng ứng. Đồng thời, thông qua các mô hình, đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở trong quá trình triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành. Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, từng tổ chức, cơ quan, cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình với nhân dân, với Đảng, tạo chuyển biến tích cực trong mọi mặt công tác và rèn luyên đạo đức, tác phong, lối sống, góp phần làm cho Đảng gắn bó mật thiết hơn với nhân dân, củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng./.

Nguyễn Thị Kim Thoa
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất