Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 4/5/2011 22:6'(GMT+7)

Phương hướng nhiệm vụ hoạt động tài chính - ngân sách năm 2011

Đánh giá hoạt động tài chính - ngân sách năm 2010

Nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2010 được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước từ nửa cuối năm 2009 đã có chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm... Bên cạnh thuận lợi, năm 2010 cũng đặt ra những khó khăn, thách thức: hạn hán trầm trọng những tháng đầu năm, mưa lũ những tháng cuối năm ở miền Trung; giá cả thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước; nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao...

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành của Nhà nước cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 tiếp tục phục hồi và phát triển: tăng trưởng kinh tế (GDP) ước đạt 6,78%(1) (kế hoạch là 6,5%); kim ngạch xuất khẩu ước tăng khoảng 25,5% (kế hoạch là trên 6%), kim ngạch nhập khẩu ước tăng khoảng 20,1% (kế hoạch là 9%); huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt kế hoạch đề ra là 41,9% GDP; tình hình chính trị, xã hội ổn định, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động của ngành tài chính đã có những đóng góp quan trọng vào những thành công chung của cả nước. Cụ thể như sau:

Một là, chủ động điều hành chính sách tài chính linh hoạt, thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến tình hình thực tế và yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ và tổ chức thực hiện chính sách tài khóa theo hướng chủ động, linh hoạt, nhưng thận trọng hơn so với năm 2009 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát ở mức cao, đồng thời tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Những giải pháp tài khóa nới lỏng nhằm khắc phục ảnh hưởng khủng hoảng của năm 2009 như miễn, giảm, giãn thuế đã dừng thực hiện. Trong điều hành, đã phấn đấu tăng thu, quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm chi và nâng cao hiệu quả chi ngân sách, qua đó giảm bội chi ngân sách năm 2010 xuống còn 5,8% GDP (giảm 0,4% GDP so với dự toán và giảm 1,1% GDP so với thực hiện năm 2009). Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ luôn được quan tâm, phối hợp tương đối chặt chẽ trong việc điều hành lãi suất, tỷ giá đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế. Thực hiện huy động các nguồn vốn vay của Chính phủ trên cơ sở tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn, tăng chi phí trả lãi; đồng thời tránh gây nên tình trạng gia tăng áp lực cho thị trường.

Điều chỉnh thuế nhập khẩu linh hoạt, phù hợp cam kết quốc tế nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, giảm áp lực tăng giá tiêu dùng trong nước: tăng thuế đối với các nhóm mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu (thủy sản, sữa, rau quả, ngũ cốc, thép...) và các nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu (ô-tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc...); hướng dẫn việc tạm dừng mua sắm xe ô-tô công nhập khẩu. Đồng thời, giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và một số loại vật tư, nguyên liệu cần thiết cho sản xuất trong nước... Mở rộng áp dụng thủ tục hải quan điện tử để rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí đối với hàng hóa xuất khẩu; tiếp tục thực hiện tạm hoàn 90% thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong thời gian chưa được phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong công tác quản lý giá, thực hiện lộ trình về giá theo cơ chế thị trường đã được phê duyệt. Căn cứ vào tình hình thực tế, đã kiến nghị thực hiện giữ ổn định giá điện, giá than bán cho ngành điện đến hết năm 2010; giám sát việc điều chỉnh giá bán xăng dầu, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định, giãn thời gian điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước trong những thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng cao, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần tích cực ổn định giá xăng dầu trong nước, hạn chế lạm phát tăng cao. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý công khai các vi phạm trong lĩnh vực giá; yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá theo quy định; hướng dẫn chế độ báo cáo giá cả thị trường; hướng dẫn các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp dưới hình thức ứng vốn hoặc cho hỗ trợ lãi suất vay để dự trữ hàng hóa bảo đảm cân đối cung - cầu trong dịp Tết.

Hai là, thu - chi ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực.

Cùng với quá trình phục hồi phát triển kinh tế trong năm 2010, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo công tác quản lý thu thuế, tổ chức thực hiện thu quyết liệt ngay từ đầu năm; tích cực đôn đốc thu nợ đọng, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chế độ kê khai, nộp thuế..., nên kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 đạt khá. Ước thu NSNN cả năm vượt trên 14,5% so dự toán, tăng 19,4% so với năm 2009. Trong đó, thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước vượt trên 8,6% so dự toán. Kết quả thu ngân sách như vậy là tích cực, thể hiện sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Về điều hành chi ngân sách, đã bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bảo đảm cân đối đủ nguồn để thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt, trong đó đã tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, bảo đảm kinh phí hoạt động của bộ máy nhà nước, tăng cường quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, bảo đảm kinh phí tổ chức thành công các sự kiện, hoạt động lớn của đất nước trong năm 2010,... Các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, khoán kinh phí cho các cơ quan đơn vị hành chính, qua đó tăng cường thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách. Công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2010 đạt khá hơn so với các năm trước, ước thực hiện cả năm giải ngân vốn ngân sách đạt khoảng 95% dự toán; vốn trái phiếu chính phủ đạt 100% kế hoạch, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi theo dự toán và các khoản chi đột xuất cấp bách phát sinh, trong đó NSNN đã chi bước đầu 5.400 tỉ đồng cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đã xuất dự trữ quốc gia cấp không thu tiền trên 81,4 nghìn tấn gạo - mức cao nhất từ trước đến nay - để cứu trợ nhân dân vùng thiếu đói giáp hạt và bị thiệt hại do thiên tai; cung cấp hàng trăm nghìn liều vắc-xin phòng, chống dịch bệnh gia súc... Tổng kinh phí NSNN chi cho an sinh xã hội năm 2010 khoảng trên 72.000 tỉ đồng, tăng trên 5.000 tỉ đồng so với năm 2009, góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Nhờ có tăng thu, tiết kiệm chi nên trong điều hành không những đã bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội mà còn giảm được bội chi ngân sách từ mức 6,2% GDP theo dự toán xuống còn 5,8% GDP, góp phần tăng ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Đến hết năm 2010, dư nợ chính phủ bằng 44,3% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,6% GDP. Xét trên các khía cạnh mức dư nợ, cơ cấu nợ, nghĩa vụ trả nợ phát sinh và khả năng bố trí thanh toán các khoản nợ hằng năm, thì nợ chính phủ và nợ công của nước ta hiện nay vẫn trong phạm vi an toàn, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Ba là, tăng cường quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tài sản công, phát triển ổn định thị trường vốn.

Năm 2010, công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được tiến hành theo lộ trình. Tính đến hết năm 2010, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.846 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hóa 3.944 doanh nghiệp, chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 261 doanh nghiệp và sáp nhập, hợp nhất, giao bán, khoán 1.902 doanh nghiệp.

Quán triệt các nghị quyết của Đảng, nhằm đẩy nhanh quá trình sắp xếp, chuyển đổi các DNNN, trong năm 2010 Bộ Tài chính đã tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài; xác định và bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần,...

Trong công tác quản lý đất đai, công sản, đã triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, góp phần đưa việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đi vào nền nếp, kỷ cương, công khai và có hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính đối với đất đai theo cơ chế thị trường, thực hiện giá giao đất, cho thuê đất, đền bù cho người bị thu hồi đất theo giá đất sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Kịp thời thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng trong phát triển kinh tế như chính sách cho nông dân góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất, chính sách ưu đãi tiền thuê đất cho việc xây dựng kho bảo đảm an toàn lương thực...

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động của thị trường chứng khoán; đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường. Hoàn thiện cơ chế nhằm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phục vụ hiệu quả việc đầu tư kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm nâng cao kỷ luật tài chính.

Trong năm 2010, ngành tài chính đã thực hiện rà soát và kiến nghị đơn giản hóa đối với 543 thủ tục, đạt tỷ lệ 70,6%, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong quản lý, sử dụng NSNN ở các bộ, ngành, địa phương được tăng cường. Trong năm 2010, các đơn vị thanh tra tài chính đã kiểm tra trên 2.500 đơn vị, qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính trên 3.395 tỉ đồng, đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính. Tại các cơ quan, đơn vị sai phạm mà cơ quan thanh tra, kiểm toán chỉ ra đã cơ bản được khắc phục, ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương quản lý tài chính đã tốt lên.

Tóm lại, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương, sự phấn đấu của doanh nghiệp và người dân, hoạt động tài chính - ngân sách năm 2010 đã đạt được nhiều kết quả tích cực: thu ngân sách vượt dự toán; chi ngân sách bảo đảm các nhiệm vụ trong dự toán, các nhiệm vụ an sinh xã hội và các nhiệm vụ khác cấp bách phát sinh; giảm bội chi ngân sách so với dự toán; điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Kết quả thực hiện năm 2010 đã góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Nghị quyết Đại hội X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010. Quy mô thu, chi NSNN năm 2010 gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu thu cải thiện, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ mức 52% - 53% năm 2006 lên trên 64% năm 2010, góp phần tăng tính chủ động và ổn định của NSNN; đã bố trí tăng chi cho các lĩnh vực quan trọng, như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh...; cơ cấu chi đang thay đổi theo hướng tăng đầu tư cho con người, an sinh xã hội, tăng đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; nâng cao tiềm lực dự trữ quốc gia (giá trị hàng hóa dự trữ năm 2010 gấp khoảng 3 lần năm 2005).

Bên cạnh đó, cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như gian lận, trốn lậu thuế; hiệu quả phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính chưa cao; chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, triển khai các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán chưa kịp thời; công tác đổi mới cơ chế quản lý đối với các doanh nghiệp nhà nước nói chung, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nói riêng còn chậm.

Nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2011

Năm 2011, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ có thể tăng chậm hơn năm 2010, còn chứa đựng những bất ổn khó lường. ở trong nước, năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo đà cho cả giai đoạn. Về cơ bản, năm 2011 kinh tế trong nước đã phục hồi; các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản dự báo vẫn ổn định. Bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, thách thức lớn, như kết cấu hạ tầng yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp; biến động giá cả trên thế giới; thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu, dịch bệnh là những yếu tố có thể tác động bất lợi đến sự phát triển của các ngành, trước hết là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Việc khắc phục những khó khăn, thách thức này đòi hỏi thời gian và nguồn lực rất lớn.

Định hướng chính sách tài khóa trong năm của nước ta là tiếp tục chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán, quản lý và kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm chi ngân sách, giảm mức bội chi ngân sách.

Trên tinh thần quyết tâm cao, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2011 với tổng thu ngân sách là 595.000 tỉ đồng, tăng 12,7% so với ước thực hiện năm 2010. Trong đó, dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tăng 19,3% so ước thực hiện năm 2010. Đây là mức dự toán tích cực, đòi hỏi phải phấn đấu nỗ lực để hoàn thành.

Dự toán chi NSNN năm 2011 là 725.600 tỉ đồng, tăng 24,6% so với dự toán năm 2010. Ngoài ra, năm 2011 tiếp tục phát hành 45.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục và y tế theo các chương trình đã được phê duyệt. Bội chi ngân sách ở mức 5,3% GDP, giảm 0,5% GDP so với năm 2010.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2011, cần tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, điều hành phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Tiếp tục rà soát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của Pháp lệnh về phí, lệ phí bảo đảm tạo điều kiện hỗ trợ cho phát triển sản xuất - kinh doanh và đời sống của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân, để phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp. Tăng cường kiểm tra, xử lý các khoản nợ đọng thuế, các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế. Đổi mới các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về thuế cho cộng đồng xã hội.

Tạo cơ chế huy động tổng thể các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng các khu vực trọng điểm kinh tế nhằm bảo đảm các điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ tại các khu vực này. Phát triển kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo ra liên thông giữa các vùng miền, giảm bớt sự giãn cách phát triển. Trong phân bổ vốn đầu tư phát triển, ưu tiên thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng, bố trí đủ vốn đối ứng, vốn chuẩn bị đầu tư; tập trung bố trí vốn cho các dự án, công trình quan trọng, cấp bách, chuyển tiếp có hiệu quả, có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2011, 2012. Hoàn thiện cơ chế để tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội cho phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích các hình thức đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công - tư (PPP). Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và thực hiện xã hội hóa các loại hình sự nghiệp, nhất là y tế, giáo dục với mức độ cao hơn.

Quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi ngân sách; kiên quyết loại trừ các khoản chi tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; ngừng mua xe ô-tô nhập khẩu, cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết như hội họp, đi công tác nước ngoài,... Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và an sinh xã hội mới (Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, chuẩn nghèo quốc gia mới,...). Ưu tiên chi phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X); thí điểm hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Phấn đấu tăng thu ngân sách trên 5% so với dự toán, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách xuống dưới mức 5,3% GDP.

Thứ hai, điều hành quản lý giá tích cực, chủ động trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc thị trường nhằm kiềm chế lạm phát.

Phối hợp điều hành chính sách thuế, chính sách thương mại và tiền tệ (tỷ giá, lãi suất,...) linh hoạt, phù hợp cam kết quốc tế nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, giảm áp lực tăng giá tiêu dùng trong nước.

Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường; hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý giá. Chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường giá cả trong và ngoài nước; sử dụng linh hoạt và chủ động các công cụ thuế, phí, Quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu và một số hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Chuyển mạnh sang cơ chế đấu thầu, đấu giá, thỏa thuận giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ Nhà nước đặt hàng, trợ cước, trợ giá,... Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường vào thời điểm thích hợp đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước còn định giá như: điện, than, nước sạch, đất đai, tài nguyên quan trọng,... Hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách nhằm từng bước thực hiện cơ chế giá dịch vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục,... theo hướng từng bước tính đủ chi phí.

Việc thực hiện lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ; phấn đấu giảm chi phí sản xuất và giá thành, đồng thời thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ hợp lý đối với các hộ tiêu dùng có điều kiện khó khăn, các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo,...

Tăng cường kiểm tra, thanh tra giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá, đăng ký giá, kê khai giá, bán hàng theo giá niêm yết. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận về việc điều hành
giá cả.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách DNNN, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm việc tuân thủ pháp luật; thúc đẩy việc tạo lập, phát triển đồng bộ các thị trường.

Rà soát lộ trình, trên cơ sở đó chỉ đạo, đôn đốc các DNNN thuộc diện sắp xếp khẩn trương triển khai thực hiện; gắn việc chuyển đổi sở hữu, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, với việc đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hoàn thiện cơ chế tài chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc lĩnh vực hoạt động, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức,... qua đó nâng cao vai trò và hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích sự phát triển của các thành phần kinh tế theo hướng chọn lọc, ưu tiên các ngành nghề, lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, sử dụng ít nguyên nhiên liệu và năng lượng, giảm thiểu tác động đến môi trường, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu và tăng tính tự chủ nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông nghiệp, nông thôn qua các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, hỗ trợ xuất khẩu, xúc tiến đầu tư,...

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các doanh nghiệp bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, bảo vệ môi trường, lao động, về kê khai nộp thuế thông qua kê khai gian lận, chuyển giá,...

Mở rộng thị trường chứng khoán có tổ chức, thu hẹp từng bước thị trường tự do. Chú trọng phát triển thị trường trái phiếu chính phủ; đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu công ty. Phát triển và đa dạng hóa các định chế tài chính trung gian; hiện đại hóa công nghệ thông tin; tăng cường yêu cầu công khai, minh bạch thông tin trên thị trường. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo điều kiện cho sự phát triển các thị trường khoa học công nghệ, lao động, bất động sản trên nguyên tắc tôn trọng các quy luật thị trường, bảo đảm tính minh bạch, an toàn, ổn định và phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Phát triển các thị trường dịch vụ tài chính, đặc biệt là thị trường bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng kênh phân phối để người dân dễ tiếp cận; triển khai các sản phẩm bảo hiểm mới, đặc biệt là các sản phẩm về y tế, giáo dục, hưu trí, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng...

Thứ tư, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các khoản chi trong cân đối NSNN và các khoản chi được quản lý qua NSNN, vay về cho vay lại, bảo lãnh vay của Chính phủ, các khoản chi từ các quỹ tài chính nhà nước, các khoản vay, tạm ứng của các bộ, chính quyền địa phương. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng NSNN; có chế tài xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Chỉ đạo thực hiện công khai tài chính đầy đủ đối với tất cả các cấp, các cơ quan, đơn vị theo quy định; giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt đối với các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành tài chính (kê khai thuế, hải quan điện tử,...)./.

Vũ Văn Ninh
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Tài chính


 Theo TCCS
--------------------------------------------------------

(1) Tốc độ GDP quý I tăng 5,84%, quý II tăng 6,44%, quý III tăng 7,18%, quý IV tăng 7,34%

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất