Thứ Ba, 26/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 5/5/2011 13:56'(GMT+7)

Quan điểm của C. Mác về sở hữu và việc vận dụng ở Việt Nam dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Theo C. Mác, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng đồng thời nảy sinh và trở nên gay gắt, nổi bật là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đồ sộ, xã hội hóa rộng lớn và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản. Chính ma lực của lợi nhuận và “lòng tham không đáy” khiến các nhà tư bản chạy đua “bóp nặn thị trường”, tìm mọi cách bóc lột thậm tệ giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì lẽ đó, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (năm 1848), C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã đưa ra khẩu hiệu chiến đấu và là mục đích cao cả của giai cấp vô sản: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”(1). Cần thấy rằng, trong quan điểm của các nhà kinh điển mác-xít, mục tiêu đấu tranh của giai cấp vô sản không phải là nhằm xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung, mà chỉ là xóa bỏ chế độ tư hữu tư sản - một chế độ mà từ đó đẻ ra nạn người bóc lột người, một chế độ “dùng sự chiếm hữu đó để nô dịch lao động của người khác”. Phải hiểu đúng như vậy mới không mâu thuẫn với luận điểm mà các ông đã nêu trước đó: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”(2).

Sở hữu là quan hệ xã hội giữa người với người trong việc chiếm hữu tư liệu sản xuất và của cải xã hội. Sở hữu không chỉ bao gồm quan hệ con người chiếm hữu tư liệu sản xuất, của cải, mà điều cốt yếu là đề cập đến quan hệ giữa người với người trong quá trình diễn ra sự chiếm hữu đó. Người ta phân biệt hai loại sở hữu: sở hữu mang tính dân sự (sở hữu nhà ở, đồ dùng cá nhân) và sở hữu tư liệu sản xuất. Quan niệm của C. Mác về sở hữu (tư hữu) với tư cách là nội dung cơ bản, mang tính quyết định trong ba nội dung của quan hệ sản xuất, được trình bày ở nhiều tác phẩm. Trong đó, có những tác phẩm viết riêng như “Tư bản”, “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844; có những tác phẩm viết chung với Ph. Ăng-ghen như“Hệ tư tưởng Đức”, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”... Bên cạnh đó, có những tác phẩm riêng của Ph. Ăng-ghen, với các luận điểm biểu hiện lập trường kiên định đấu tranh bảo vệ C. Mác về vấn đề “xóa bỏ chế độ tư hữu”, như “Chống Đuy-rinh”, “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”…

Trong “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, C. Mác đã phân tích và vạch rõ, chính chế độ tư hữu đã làm cho con người bị tha hóa, biểu hiện trên hai phương diện: Thứ nhất, sự tha hóa của người công nhân trong sản phẩm lao động làm ra, nhưng lại không thuộc về họ; “Người công nhân càng tạo ra nhiều hàng hóa, anh ta lại trở thành một hàng hóa càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càngtăng thêm giá trịthì thế giới con người càngmất giá trị”. Như vậy, người công nhân làm ra càng nhiều vật phẩm thì số vật phẩm mà họ có thể chiếm hữu được càng ít và họ bị chính sản phẩm do mình làm ra (tức tư bản) thống trị càng mạnh mẽ. Thứ hai, sự tha hóacủa người công nhân biểu hiện trong hành vi sản xuất và trong bản thân hoạt động sản xuất. Người công nhân lẽ ra “phát huy một cách tự do nghị lực thể chất và tinh thần” của mình thì họ lại cảm thấy mình đang “làm kiệt quệ thân thể của mình và phá hoại tinh thần của mình”. Những sản phẩm do người công nhân làm ra thuộc về những người nắm giữ tư liệu sản xuất là địa chủ và nhà tư bản. C. Mác cho rằng, đó là những người có đặc quyền và ăn không ngồi rồi, “ở đâu cũng đều ở trên công nhân và định pháp luật cho công nhân”. Ông còn gọi đó là “những người sở hữu”. Còn người công nhân, do không có sở hữu về tư liệu sản xuất và tư liệu sinhhoạt xãhội nên phải làm thuê để nhận một khoản tiền công ít ỏi, không tương xứng với lao động đã làm cho những người sở hữu. Lao động của người công nhân chịu sự chi phối của sự tích tụ, tích lũy tư bản. Vì vậy, lao động của họ không thuộc về mình, mà thuộc về những người sở hữu.

Trong quan điểm của C. Mác về tư hữu và xóa bỏ chế độ tư hữu, có thể thấy không chỉ “những công nhânkhông có sở hữu” mới bị tha hóa, mà ngay cả những người sở hữu - “người không phải công nhân” cũng bị tha hóa. Song, khác vớihoạt động tha hóaở người công nhân, sự tha hóa của những người sở hữu biểu hiện ra ở “trạng thái tha hóa”. Trạng thái tha hóa này được C. Mác phân tích sâu sắc trong những phần viết về sự tích lũy tư bản chủ nghĩa và về lợi nhuận của tư bản ởtác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844” và nhất là ởtác phẩm“Tưbản”.

Như vậy, nghiên cứu của C. Mác về chế độ tư hữu đã chỉ ra rằng, người lao động làm thuê bị hạ thấp ngang với máy móc, họ cảm thấy mình chỉ còn là “con vật”. Người sở hữu thì không lao động, còn người lao động thì không được quyền sở hữu, và xã hội vận động trong hai cực đối lập ấy. Vì vậy, chỉ có xóa bỏ chế độ tư hữu mới giải quyết được sựđối lập trong xã hội, đồng thời mới thực hiện được giải phóng con người, và đó chính là “hình thứcchính trịcủasự giải phóng công nhân”. C. Mác cũng chỉ rõ: Chủ nghĩa cộng sản không xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà chỉ xóa bỏ “chế độ sở hữu tư sản” - biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia. Điều đó có nghĩa là, xóa bỏ tư hữu ở đây không phải là xóa bỏ sở hữu mang tính chất cá nhân, mà là xóa bỏ tư hữu về tư bản, vì tư hữu tư bản là cơ sở để bóc lột sức lao động của người khác.

C. Mác còn khẳng định, việc xóa bỏ chế độ tư hữu sẽ phải “kinh qua một quá trình rất khó khăn và lâu dài trong hiện thực”. Không thể xóa bỏ chế độ tư hữu ở bất kỳ trình độ phát triển nào của nền sản xuất xã hội bằng mệnh lệnh hành chính, hay theo ý muốn chủ quan của con người. Những người cộng sản chỉ đặt ra cho mình nhiệm vụ xóa bỏ chế độ tư hữu bằng cách xóa bỏ sở hữu tư sản mà thôi. Ngay cả khi nhiệm vụ đó được đặt ra thì việc xóa bỏ chế độ tư hữu cũng không thể thực hiện đượcngay lập tức, như Ph. Ăng-ghen đã viết trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản”. Trả lời câu hỏi: Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Ph. Ăng-ghen nêu rõ: “Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”(3). Việc xóa bỏ chế độ tư hữu phải tuân theo các quy luật khách quan của sự vận động và phát triển xã hội và được thực hiện triệt để khi sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa. Khi đó, cái vỏ ấy sẽ vỡ tung ra và “những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt”. C. Mác gọi đó là “sự phủ định cái phủ định”.

Kế thừa những quan điểm của C. Mác về sở hữu, V. I. Lê-nin đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Ông khẳng định: “Để thực sự giải phóng giai cấp công nhân, cần phải có cuộc cách mạng xã hội, xuất phát một cách tự nhiên từ toàn bộ sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là phải thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, chuyển các tư liệu đó thành sở hữu công cộng và thay thế nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa bằng việc tổ chức sản xuất sản phẩm theo lối xã hội chủ nghĩa...”(4). V. I. Lê-nin cũng cho rằng, chủ nghĩa xã hội không hề xóa bỏ tất cả các quyền sở hữu của quần chúng nhân dân lao động, mà chỉ muốn xóa bỏ quyền sở hữu của bọn địa chủ và tư bản. Những năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga, V. I. Lê-nin đã đề ra và chỉ đạo thi hành Chính sách kinh tế mới (NEP), làm sống lại nền kinh tế của đất nước với chế độ đa sở hữu, đa thành phần kinh tế, kể cả các thành phần phú nông và tư sản thành thị, đem lại sự khởi sắc nền kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn luôn trung thành và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của đất nước. Song cũng có lúc chúng ta phạm phải một số sai lầm, khuyết điểm, trong đó có vấn đề sở hữu. Đó là nhận thức cho rằng, có thể xác lập sớm một chế độ công hữu, một quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để lôi kéo, thúc đẩy lực lượng sản xuất lạc hậu. Chính vì nhận thức chưa đúng như vậy, chúng ta đã nóng vội và có phần duy ý chí khi xóa bỏ mọi hình thức sở hữu khác và chỉ chấp nhận hai hình thức sở hữu cơ bản là sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Chúng ta cũng không tuân theo quy luật kinh tế khách quan là lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất, muốn cho sản xuất phát triển thì quan hệ sản xuất phải luôn phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất...

Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, quan điểm của Đảng ta về con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã có nhiều đổi mới và sáng tạo, phù hợp với sự phát triển của thời đại. Trong đó, có những đổi mới và sáng tạo về sự chỉ đạo chiến lược vấn đề sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991), Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh mới (bổ sung, phát triển năm 2011); trong đó xác định xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng có đặc trưng nổi bật về kinh tế là: “… có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”(5). Đây chính là định hướng cơ bản của Đảng về lựa chọn chế độ sở hữu phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn hiện nay; đồng thời khẳng định tầm tư duy lãnh đạo và bản lĩnh chính trị của Đảng. Sự phù hợp ở đây bao gồm cả phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại và phù hợp với bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Đảng ta tiếp tục khẳng định một số quan điểm: Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển. Trong các hình thức sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là những doanh nghiệp cổ phần, cần có cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển để chúng trở thành phổ biến trong nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội hóa sản xuất kinh doanh và sở hữu.

Tại Đại hội XI, Đảng ta cũng chỉ rõ: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Coi trọng việc khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo quy hoạch… Cùng với việc tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, phải luôn tôn trọng và phát huy đầy đủ vai trò của các chủ thể kinh doanh. Chú trọng bảo đảm sự công bằng trong quan hệ phân phối, nhằm tạo động lực cho sự phát triển của các thành phần kinh tế.

Lý luận của C. Mác là một hệ thống mở, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Kỷ niệm Ngày sinh của C. Mác (5-5-1818 - 5-5-2011), chúng ta tiếp tục khẳng định giá trị và sức sống bền vững của những nguyên lý chủ nghĩa Mác nói chung, những quan điểm của ông về sở hữu nói riêng. Đồng thời, càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc những vấn đề sở hữu dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng./.

Nguyễn Đức Thắng, Đại tá, ThS, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng/TCCS


 (1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 616

 (2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sdd, t 4, tr 615

 (3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sdd, t 4, tr 469

 (4) V. I. Lê-nin:Toàn tập,Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t 6, tr 518

(5)  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 70

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất