Nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp nông dân, xuất phát từ tình hình đặc điểm xã hội Việt Nam và yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng( 2/1930) đã xác định phải “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới chủ nghĩa cộng sản”. Để thực hiện được mục tiêu đó trước hết phải “xây dựng chính phủ công nông binh” và”thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân nghèo” ,”bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo”. Như vậy, trong cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác đinh vấn đề nông dân và ruộng đất là một trong những vấn đề cốt lõi của các mạng. Sự nghiệp giải phóng dân tộc chỉ có thể thắng lợi hoàn toàn khi giải quyết được vấn đề nông dân và ruộng đất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xem xét vấn đề nông dân một cách toàn diện, nghĩa là không dừng lại ở vấn đề chính trị mà gắn liền với vấn đề kinh tế, vấn đề ruộng đất và kinh tế nông nghiệp. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, khi xem xét về mặt chính trị của vấn dề nông dân là cơ sở để xây dựng khối liên minh công nông và trí thức, cơ sở để xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất trong kháng chiến chống Pháp. Sau khi gìành được độc lập dân tộc, liên minh công nông trí thức là nền tảng của chính quyền, là công cụ sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo về chủ nghĩa xã hội.
Sau khi mền Bắc được giải phóng (1954), diện tích đất trồng trọt miền Bắc chỉ khoảng 2 triệu ha. Trong đó, hơn một nửa diện tích thuộc về địa chủ, phong kiến, nhà thờ…còn 44,5% thuộc về số hộ nông dân. Sau năm 1955, việc ban hành và thực thi chính sách nông nghiệp của Nhà nước, nông nghiệp miền Bắc bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, sản phẩm hàng hoá tăng, đời sống nông dân được ổn định. 81 vạn ha ruộng đất đã được đưa về 2,1 triệu hộ nông dân, chính sách giảm thuế nông nghiệp góp phần thúc đấy kinh tế-xã hội phát triển.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, trong một thời gian dài, do phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phải thực hiện chế độ bao cấp, thực hiện tất cả cho tiền tuyến nên những chỉ đạo về nông nghiệp, nông thôn, nông dân cùng còn những hạn chế nhất định. Thực hiện biện pháp cải tạo xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp chỉ còn tồn tại dưới hình thức sở hữu hợp tác xã và nông trường quốc doanh. Các nguyên tắc hợp tác hoá theo tư tưởng của Lênin và Hồ Chí Minh như: tự nguyện, quản lý dân chủ, đi từng bước vững chắc đã được thay thế bằng phương pháp tập thể hoá với quy mô lớn, tốc độ nhanh nhưng chưa phát huy hết tính tự nguyện,tính sáng tạo tích cực của nông dân. Do quá chú trọng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng nên chưa thật sự coi trọng công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế. Trong công tác quản lý còn nhiều thiếu sót, duy trì quá lâu mô hình kinh tế quan liêu bao cấp làm cho nền nông nghiệp Việt Nam chậm được phục hồi sau chiến tranh và rơi vào tình trạng khủng hoảng, đời sống của các tầng lớp nhân dân trước hết là nông dân vô cùng khó khăn.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có một vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển đất nước. Nông nghiệp nông dân ,nông thôn có mối quan hệ hữu cơ cần phải có sự nhận thức đúng đắn để đề ra đường lối chính sách đúng đắn nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, không phải ngay từ đầu chúng ta đã nhận thức được một cách thấu đáo mà phải trải qua quá trình trải nghiệm thực tiễn, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để phát triển. Thực tiễn khách quan này đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải đổi mới tư duy lý luận, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Từ Đại hội V (1981), Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: lấy nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đặc biệt phải vượt qua cửa ải lương thực. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta chủ trương đổi mới toàn diện về kinh tế. Đây là cuộc cách mạng thật sự trong nhận thức, trong tư duy lý luận của Đảng về kinh tế. Nổi bật nhất của tư duy mới về cơ cấu kinh tế lúc bấy giờ là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, cho phép và khuyến khích kinh tế tư nhân, cá thể phát triển, chú ý kích thích kinh tế tư nhân, cá thể phát triển, chú ý kích thích lợi ích cá nhân làm động lực cho phát triển kinh tế, điều chính việc xây dựng cơ cấu kinh tế ngành. Đại hội VII đã xác định nền kinh tế quốc dân sẽ bao gồm nhiều ngành nghề, nhiều quy mô, nhiều trình độ công nghệ; phát triển nông - lâm- ngư nghiệp gắn với công nghệ chế biến và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát huy vai trò quan trọng của nông dân trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Tiến trình đổi mới ở Việt Nam được bắt đầu từ đột phá nông nghiệp với chính sách cơ chế khoán, từ khoán sản phẩm trong nông nghiệp, lợi ích cá nhân của người nông dân được coi trọng và kinh tế hộ gia đình nông dân được xác định là đơn vị kinh tế cơ bản ở nông thôn. Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường để khơi dậy được tiềm năng sáng tạo ở nông thôn, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tạo động lực thực sự cho nông dân bằng việc giải quyết hợp lý các quan hệ lợi ích trong nông nghiệp và nông thôn. Trước yêu cầu công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thực trạng kinh tế-xã hội nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc như :thiếu việc làm, thu nhập thấp, tỷ lệ đói nghèo còn cao, chênh lệch mức sống ngày càng tăng…hiện đang là những thách thức, cản trở cho sự phảt triển nhất là trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, vấn đề nông nghiệp nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược cần được đặc biệt quan tâm như Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu: “Phát triển nông-lâm-ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế xã hội”. (1)
Hội nghị làn thứ Bảy của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: nông nghiệp, nông thôn, nông dân có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Đảng ta khẳng định, trong mối quan hệ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì nông dân là chủ thể của quá trình phát triển công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Xây dựng nông thôn mới gắn với việc xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản, phát triển toàn diện, hiện đại hoá nông nghiệp là then chốt.
Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết sau:
- Nông nghiệp và kinh tế nông thôn là bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nông nghiệp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp và xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập, ổn định đời sống cho đa số nhân dân. Nông thôn là môi trường sống, nơi bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hoá dân tộc.
- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tôc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua các thời kỳ cách mạng, giai cấp nông dân luôn là lực lượng hùng hậu nhất đi theo Đảng, là nền tảng chính trị của cách mạng, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
- Phát triển nông nghiệp, nông thôn, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân là nhiệm vụ chiến lược, là cơ sở góp phần đảm bảo ổn định chính trị- xã hội, phát triển dất nước hài hoà và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta trong điều kiện đẩy mạnh công nghiêp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều cơ hội cũng như những thách thức mới. Đảng cần phải xem xét đánh giá đúng tình hình và có những quyết sách mạnh mẽ giải quyết kịp thời những vấn đề đang đặt ra.
Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển cần thực hiện chiến lược công nghiệp hoá rút ngắn để chuyển từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Thực tế 20 năm đổi mới ở Việt Nam cho thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đối với tăng trưởng kinh tế của cả nước. Định hướng về phát triển nông thôn phải bắt đầu từ đổi mới nhận thức về vai trò của nông thôn theo hướng phát triển toàn diện các ngành nghề, dịch vụ trên địa bàn nông thôn,chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng phát triển toàn diện và vững chắc gắn với công nghiệp chế biến và thị trường xuất khẩu nông sản. Do vậy, cần đổi mới quan điểm và nhận thức về vai trò và vị trí của nông thôn trong sự nghiệp đổi mới.
Việt Nam là một nước đang phát triển, cho đến năm 2007, Việt Nam có 73% dân số sống ở nông thôn với 10,46 triệu hộ làm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 71%số hộ . Số hộ nông dân làm nông nghiệp có 9,74 triệu hộ chiếm 93,5% số hộ nông lâm thuỷ sản. Về lao động cả nước có 55,7% số lao động trực tiếp làm nông lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 20% GDP trong toàn bô nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, tốc độ phát triển của nông nghiệp theo nghĩa rộng nông dân có tầm quan trọng đặc biết đối với sự phát triển chung của nền kinh tế.
Sau hơn 20 năm đỏi mới (từ 1986 đến nay), tuy tỷ trọng nông nghiệp trong GDP và lao động nông nghiệp giảm dần nhưng tầm quan trọng của nó và vai trò của nông dân trong nền kinh tế quốc dân vẫn không ngừng được tăng lên. Nông nghiệp và nông dân đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của hơn 85 triệu dân với mức tăng trên 1,2 triệu người trên một năm, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp, chế biến và xuất khẩu nông sản với số lượng và chất lượng ngày càng tăng.
Trong hơn 20 năm qua, sản xuất hát triển toàn diện, trồng trọt và chăn nuôi đếu tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng bình quân từ 2001 đến 2008 khoản 3,6%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá cây trồng vật nuôi để tăng giá trị và hiệu quả kinh tế, tăng năng xuất lao động nông nghiệp
Quan điểm đúng đắn của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho thấy tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế quốc dân và đã được khẳng định bằng kết quả cụ thể trong từng ngành và từng lĩnh vực:
Nhờ có đường lối, chính sách nông nghiệp đúng đắn nên đã phát huy được vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đối với nền kinh tế quốc dân. Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Báo cáo phát triển do WB công bố tháng 12/2007 “Tăng cường nông nghiệp cho phát triển” đã khẳng định đói với một nướ có nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang đô thị hoá như Việt Nam, nông nghiệp vẫn được coi là yếu tố quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo và tăng nguồn thu nhập cho nông dân. Việt Nam là một nước xoá đói giảm nghèo nhanh nhất thế giới. Nông nghiệp ở Việt Nam còn mở đường cho các chính sách đổi mới kinh tế nói chung bắt nguồn từ khoán 100 (năm 1981) và Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ( năm 1988).
Đường lối đúng đã đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, biến Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 hoặc thứ 3 trên thế giới liên tục từ 1989 đến nay. Sản lượng lương thực từ 18,3 triệu tấn năm 1986 tăng lên 21,5 triệu tấn năm 1990; 27,5 triệu tấn năm 1995; sản lượng lương thực có hạt từ 34,5 triệu tấn năm 2000 tăng lên 39,6 triệu tấn năm 2007gấp 2,22 lần so với năm 1986. Đánh giá khái quát, Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của sản xuất lương thực năm 2010 trước 2 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2006-2010
Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sản xuất hơn 20 năm qua đã đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản trong cả nước. Từ năm 2006 đến nay, lượng cà phê nhân đạt bình quân trên 850 nghìn tấn tăng gấp 9,3 lần so với năm 1990; tương tự, cao su đạt 546 nghìn tấn mủ khô tăng gấp 9,5 lần; chè đạt 612 nghìn tấn tăng 4,2 lần; hồ tiêu đạt 86,2 nghìn tấn, hạt điều đạt 235 nghìn tấn tăng gấp 10 lần và dừa đạt 982 nghìn tấn tăng 10%.
Nông nghiệp đã đóng góp quan trọng trong hoạt động xuất khẩu nông sản cả nước. Năm 2007. kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản lên tới gần 6,5 tỷ USD. đã hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hoá xuất khẩu quy mô lớn, chất lượng cao như: vùng lúa Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cà phê Tây Nguyên, vùng cao su, hạt điều, hạt tiêu vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, năm 2007 sau khi vào WTO, uy tín Việt Nam được nâng lên một bước. Sau một năm vào WTO, nông sản xuất khẩu Việt Nam đã mở rộng được thị trường theo hướng tăng chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Giá cả hàng nông sản xuất khẩu tăng lên, thị trường mở rộng kể cả thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.
Trong tiến trình đỏi mới, trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đã hình thành và hoàn thiện mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất và quản lý mới theo hướng hàng hoá trong nông nghịêp đã hình thành. các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển theo hướng đa thành phần: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ruộng đất dược giao cho hộ nông dân, hộ công nhân nông trường được sử dụng lâu dài theo Luật đất đai. Kinh tế nông hộ và trang trại gia đình lấy sản xuất hàng hoá làm mục tiêu phát triển mạnh. Đến đầu năm 2007, cả nước đã có 113.730 trang trại trong đó: 72.237 trang trại nông nghiệp, 2661 trang trại lâm nghiệp, 34.202 trang trị thuỷ sản, 4.636 trang trại kinh doanh tổng hợp.
Khoa hoc kỹ thuật phục vụ nông nghiệp đã đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hoá xuất khẩu. Công nghệ sinh học, tưới tiêu, làm đất, phân bón, bảo quản sau thu hoạch ngày càng tiến bộ. Năng xuất lúa của Việt Nam những năm gần đây đã gấp 2 lần của Thái Lan, Philiphin và Indonesia.
Như vậy, Nghị quyết của Đảng đã đi vào đời sống thực tiễn và làm thay đổi thực tiễn. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đã tạ ra bước chuyển từ nền sản xuất mang tính tự cấp, tự túc, thuần nông năng suất thấp sang nền sản xuất đa ngành, đa canh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân và cơ cấu lao động trong cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt đươc, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam còn có những hạn chế yếu kém, bất cập và những vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy khoá X về nông nghiệp nông dân, nông thôn đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém sau:
- Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu. Nông nghiệp vẫn nặng về trồng trọt, lúa đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu cây trồng, tỷ trọng giá trị chăn nuôi mới vượt ngưỡng 20%, sản xuất phân tán năng xuất thấp.
- Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất, nghiên cứu chuyển giao khoa học-công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến là sản xuất nhỏ, phân tán.
- Công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Trình độ công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn thấp, công nghệ sau thu hoạch chưa phát triển. Nhiều cơ sở chế biến lạc hậu về công nghệ gây ô nhễm môi trường. Theo báo cáo của Hội Nông dân Việt Nam năm 2007 có đến 80% làng nghề không đủ vốn mở rộng sản xuất, đổi mới kỹ thuật; 35% thiếu nguyên liệu để sản xuất. Chất lượng sản phẩm chậm được cải thiện, giá thành cao, sức cạnh tranh yếu.
- Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hoá. Sản xuất và tiêu thu sản phẩm nông nghiệp chịu tác động của những biến động giá nông sản và vật tư trên thị trường thế giới nên tính rủi ro cao, tiềm ẩn nguy cơ kém bền vững.
- Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu, môi trường ô nhiễm, năng lực thích ứng đối phó với thiên tai còn hạn chế. Nếu không có những giải pháp chủ động đối phó với dự báo của khí tượng thuỷ văn, nếu băng tan mực nước biển dâng cao thì đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập mặn mất đi 38% diện tích đất canh tác.
- Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo gữa nông thôn với thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc.
Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Việt Nam về cơ bản vẫn là một nước nghèo, kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp sản xuất nhỏ. Nghị quyết Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành một nước công nghiệp, GDP bình quân nhân khẩu đạt trên 2000 USD. Đây là mục tiêu rất cao, muốn đạt được cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ của các ngành sản xuất và dịch vụ, trong đó nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của nông dân, giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP và lao động xã hội.
Trở thành thành viên chính thức của WTO, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, sự cạnh tranh thị trường nông sản ngày càng gay gắt. trong điều kiện dân số tăng trên 1 triệu người/năm và quỹ đất nông nghiệp bình quân đầu người còn thấp, đất canh tác lúa đang giảm dần theo tốc độ đô thị hoá…Để tiếp tục đưa Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống cần chú ý những giải pháp sau:
- Trước hết về phát triển nông nghiệp, phải phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất chế biến và thị trường. tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa hoc công nghệ hiện đại, sử dung jcó hiệu quả đất đai.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông nghiệp, nông thôn
lao động phải được đào tạo và phải có chuyên môn, biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát rriển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất trên cơ sở đảm bảo lợi ích và không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn.
- Xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị. Tiếp tục đầu tư các công trình thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn với mạng lưới giao thông quốc gia. Ưu tiên phát triển giao thông ở các vùng khó khăn. Cải tạo và phát triển hệ thống lưới điện, phát triển bưu chính-viễn thông. Xây dựng hệ thống chợ nông sản phù hợp với từng vùng nhằm thúc đẩy giao lưu kinh tế và phát triển sản xuất.
- Thực hiện liên minh công-nông-trí thức, phát triển nhanh việc nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn. Bản thân nông nghiệp không tự đổi mới cơ sở vật chất-kỹ thuật và công nghệ, không có khả năng tăng trưởng đủ nhanh để tạo thêm nhiều việc làm cho nông dân. Phải có tác động mạnh của công nghiệp, dịch vụ cùng với gắn với tốc độ đô thị hoá ở các miền vùng. Nông nghiệp phải chuyển dịch mạnh mẽ từ công nghệ truyền thống sang công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Công nghệ sinh học phải ứng dụng có kết quả phục vụ cho lai tạo và nhân giống mới.
Thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp theo quan điểm của Lênin: muốn thay đổi tập quán thói quen của người tiểu nông cần phải có hàng chục vạn cỗ máy kéo. Những thành tựu về nông nghiệp trong Cải cách ở Trung Quốc cho thấy cơ giới hoá nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế –xã hội. Năm 1950 trung Quốc mới có 400 chiếc máy kéo, đến năm 1978 Trung Quốc đã có 550.nghìn máy kéo lớn và 1,37 triệu máy kéo nhỏ. Đến nay, có gần 600 nghìn máy kéo lớn và 9 triệu máy kéo nhỏ. Mức độ cơ giới hoá khâu làm đất đạt 50-60% diện tích gieo trồng, tưới tiêu nước 70%, vận chuyến 60%. Việc sản xuất bằng máy móc sẽ đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá và chuyển đổi cơ cấu giai cấp xã hội theo xu hướng sản xuất lớn.
- Đổi mới cơ chế chính sách để phát huy thật tốt các nguồn lực để phát triển kinh tế nông thôn. Rà soát bổ sung, điều chỉnh và thực hiện tốt chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, đầu tư nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, kinh tế trang trại, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. đa dạng hoá các nguồn vốn để phát triển mạnh hơn về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn, ưu tiên nâng cấp và xây dựng hệ thống thuỷ lợi đồng bộ, tiếp tuc đầu tư, phát triển giao thông nông thôn.
- “Công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trực tiếp của giai cấp nông dân liên minh với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước”(2). Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới ở Việt Nam, cần xây dựng Hội nông dân Việt Nam vững mạnh về mọi mặt, trung tâm nòng cốt của phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân phải thực sự là một tổ chức chính trị xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, có vai trò đi đầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngân
Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hà Nội 1991, tr 12.
2. Nông Đức Mạnh, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ Tư (2003-2008), tr 82.