Chủ Nhật, 10/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 19/2/2010 10:33'(GMT+7)

Tác động cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến lĩnh vực xã hội của Việt Nam và giải pháp ứng phó

1. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới diễn ra hai năm qua đã và đang tác động rất nhanh, dữ dội, trên một phạm vi lớn đến đời sống của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng, không chỉ đơn giản đo đếm bằng số lượng các doanh nghiệp, ngân hàng bị phá sản và khối lượng tiền tệ khổng lồ mà các nước phải chi phí để ứng cứu sự sụp đổ của nền kinh tế. Thiệt hại to lớn, lâu dài khó có thể đo lường được chính là hệ lụy xã hội mà cuộc khủng hoảng gây ra tác động đến tư tưởng, tình cảm và đời sống của phần đông nhân loại, nhất là nhân dân các nước đang phát triển.

Là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển với tốc độ khá nhanh và ngày càng hội nhập sâu, trực tiếp vào đời sống kinh tế thế giới, Việt Nam không tránh khỏi chịu ảnh hưởng những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng vọt, tỉ giá luôn biến động, lãi suất dâng cao, đầu tư, sản xuất, kinh doanh gặp nhiều sóng gió, hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, một số doanh nghiệp bị phá sản. Nhiều công nhân mất hoặc thiếu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh, thu nhập của công nhân, lao động giảm sút. Thêm vào đó, những thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ, dịch bệnh liên tiếp gây ra đã làm nảy sinh nhiều bức xúc xã hội. Tình trạng tái nghèo có xu hướng tăng; quan hệ xã hội có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng tình hình khó khăn gia tăng các hoạt động chống phá, tuyên truyền, kích động hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Hai năm qua thật sự là thời gian thử thách đối với sức sống của chế độ, uy tín và bản lĩnh của Đảng Cộng sản.

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã vững vàng chèo lái, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục tiến lên. Một mặt, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao cho Hội đồng Lý Luận Trung ương tập trung nghiên cứu, hội thảo, làm rõ thực trạng, tính chất, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tác động của nó đến các lĩnh vực đời sống của đất nước; phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của các học thuyết kinh tế hiện đại, kinh nghiệm khắc phục hậu quả khủng hoảng của các nước trong khu vực và trên thế giới; đúc kết những vấn đề lý luận và thực tiễn thiết thực có thể áp dụng đối với Việt Nam. Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã theo sát tình hình kinh tế-xã hội đất nước, kịp thời điều chỉnh mục tiêu, chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn; chủ động triển khai các giải pháp tích cực, quyết liệt để giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh. Trong năm 2008, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là ngăn chặn lạm phát, giữ vững ổn định, cân đối kinh tế vĩ mô. Đến đầu năm 2009, khi lạm phát về cơ bản đã được ngăn chặn, nhưng nhịp điệu phát triển kinh tế có chiều hướng chậm lại và giảm sút, Đảng và Nhà nước chủ trương chuyển mục tiêu sang ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp 1ý, chủ động phòng ngừa nguy cơ tái lạm phát. Trong khi chủ động, sáng tạo điều chỉnh mục tiêu và các giải pháp kinh tế, Đảng, Nhà nước kiên trì thực hiện mục tiêu nhất quản: bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân, xem đó là mục tiêu hàng đầu, đồng thời là động lực quan trọng trong quá trình ứng phó tác động của khủng hoảng.

Để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu đến lĩnh vực xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Có thể khái quát 5 nhóm giải pháp chủ yếu.

Nhóm giải pháp thứ nhất, huy động mọi nguồn lực, kích cầu đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh đúng hướng, tập trung giải quyết việc làm và thu nhập của công nhân, lao động.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, một mặt, tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng nhằm huy động tối đa các nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, nguồn đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài... hướng vào triển khai các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, mặt khác, sử dụng linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, tài khóa; chính sách thuế, điều chỉnh, hỗ trợ lãi xuất, hỗ trợ và bảo lãnh tín dụng... tạo điều kiện để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm và đời sống cho công nhân, lao động.

Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn là một trong những trọng tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước. Chính phủ đã rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và tích cực triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án chuyên ngành; thực hiện khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo, thủy sản và các mặt hàng nông sản để duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Nhóm giải pháp thứ hai, bình ổn thị trường, giá cả; đảm bảo cung cầu; kết hợp thực hành tiết kiệm với kích thích tiêu dùng hợp lý, bảo đảm đời sống nhân dân.

Năm 2008, để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân, Nhà nước chủ trương kiên quyết thực hiện tiết kiệm trong khu vực nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Chủ động điều hành bình ổn thị trường, giá cả; xây dựng lộ trình quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu; tăng dự trữ quốc gia một cách hợp lý; thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu hàng hóa giữa các vùng miền; tổ chức tốt mạng lưới phân phối, lưu thông hàng hóa ở thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu.

Năm 2009, để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiếp tục chăm lo đời sống nhân dân, đồng thời với biện pháp kích cầu đầu tư, Nhà nước chủ trương kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường nội địa, mở rộng mạng lưới phân phối, đưa hàng hóa thiết yếu về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thực hiện cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", khuyến khích các doanh nghiệp hạ giá các mặt hàng, đồng thời hỗ trợ thu nhập để tăng sức mua của người tiêu dùng.

Nhóm giải pháp thứ ba, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng xã hội; triển khai tích cực, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Trong điều kiện nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước vẫn chủ trương tăng cường phúc lợi xã hội, dành nguồn lực hợp lý để phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, nhà ở... Chính phủ đã dành một phần đáng kể nguồn trái phiếu để đầu tư xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên; ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị; hỗ trợ tín dụng để nông dân cải tạo, xây dựng nhà ở...

Nhà nước chủ động chuẩn bị các nguồn lực, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội đã ban hành, đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng bảo hiểm, trợ giúp, cứu trợ xã hội, đặc biệt đối với người nghèo, hộ gia đình nghèo và các địa bàn nghèo.

Nhóm giải pháp thứ tư, tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, những vấn đề xã hội được nhân dân quan tâm.

Liên tiếp trong hai năm 2008, 2009, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai, bão lũ gây ra. Đảng, Nhà nước và toàn quân, toàn dân đã huy động kịp thời các nguồn lực tổng hợp, nỗ lực, chủ động cùng đồng bào vùng bị thiên tai hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, về của, nhanh chóng ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

Nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Đảng đã lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị tập trung giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, các vụ tranh chấp lao động; tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái,chủ động đề phòng và khắc phục tác hại của biến đổi khí hậu; giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn thực phẩm, tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, văn nghệ; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tích cực thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ...

Nhóm giải pháp thứ năm, tăng cường công tác chính tri, tư tưởng; củng cố sự đồng thuận và nâng cao đạo đức xã hội.

Các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí từ trung ương đến địa phương đã chủ động tuyên truyền sâu rộng, chân thực, kịp thời tới cán bộ, đảng viên, nhân dân tình hình thế giới và trong nước trước tác động của cuộc khủng hoảng; những quyết sách của Đảng, Nhà nước nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức đang nảy sinh; những kết quả và hạn chế trong quá trình kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội; uốn nắn những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, những biểu hiện bi quan, dao động; phản bác, làm thất bại những luận điệu xuyên tạc, kích động, những âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch...

Hai năm ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng cũng là thời gian Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng gắn kết chặt chẽ với quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, với công việc thiết thực hàng ngày của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Trong thử thách khắc nghiệt, sự đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; nền tảng đạo đức, tinh thần của xã hội được bồi đắp; chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, tự chủ, tự cường được phát huy, tạo thành động lực to lớn đưa đất nước vượt lên.

Sau hai năm phấn đấu quyết liệt, mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhìn một cách tổng quát, tình hình kinh tế-xã hội đất nước có những chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp; tình trạng suy giảm kinh tế từng bước được khắc phục; các cân đối vĩ mô được bảo đảm; nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và đang phục hồi khá; an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được chăm lo; tình hình chính trị, xã hội ổn định.

2.Thực tiễn ứng phó thành công với những tác động phức tạp về mặt xã hội của cuộc khủng hoảng toàn cầu để lại những kinh nghiệm bước đầu có giá trị sâu sắc về lý luận, thực tiễn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc tư tưởng tất  cả do nhân dân, vì nhân dân, nhận thức đúng và giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa duy trì tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi, trong từng chính sách, ngay cả khi đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thử thách lớn.

Trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thất nặng nề trước tác động của cuộc khủng hoảng, Đảng, Nhà nước đã không dồn tất cả các nguồn lực đất nước, hướng tất cả mọi giải pháp vào việc kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng bằng mọi giá mà luôn lấy lợi ích của nhân dân làm điểm xuất phát, làm mục tiêu của mọi chủ trương, chính sách. Đảm bảo an sinh xã hội trong mọi tình huống, làm mọi việc có thể để chăm lo cuộc sống của nhân dân - đó là tư tưởng, hành động nhất quán, là chìa khóa thành công của Đảng, Nhà nước trong hai năm qua.

Thứ hai, vững vàng, nhạy bén nắm bắt tình hình; chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành; giải quyết hiệu quả những vấn đề trọng yếu.

Với phương châm: chủ động biến khó khăn, thử thách thành thời cơ để phát triển, Đảng, Nhà nước luôn bám sát diễn biến tình hình thế giới, đất nước, dự báo các xu thế, khả năng có thể xảy ra; kiên định các định hướng lớn, linh hoạt trong điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, quyết liệt trong triển khai các giải pháp cụ thể; vừa triển khai giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, vừa tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, những địa bàn trọng điểm, những đối tượng cần ưu tiên; vừa triển khai các biện pháp phòng ngừa tác động của cuộc khủng hoảng, vừa táo bạo đầu tư vào những lĩnh vực xã hội trọng yếu có tác động lan tỏa và khả năng tạo ra cơ hội phát triển lâu dài. Qua hai năm sóng gió, năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của Nhà nước có bước tiến mới.

Thứ ba, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh to lớn của nhân dân, trước hết là vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất nước, dân tộc.

Ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu đến tình hình đất nước, nói chung, đến đời sống xã hội, nói riêng, là nhiệm vụ trung tâm của hệ thống chính trị, của toàn dân tộc. Sức mạnh của cả chế độ đã chiến thắng sức tàn phá của cơn lốc khủng hoảng toàn cầu, trong đó, nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và trách nhiệm vì nhân dân của Nhà nước xã hội chủ nghĩa./.

_____________

(*) Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban

Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất