Thứ Tư, 9/10/2024
Đời sống
Thứ Tư, 1/9/2010 7:56'(GMT+7)

Quản lý đại lý internet tại Hà Nội: Cuộc chiến lâu dài

Lực lượng công an hỗ trợ đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đại lý internet.

Lực lượng công an hỗ trợ đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đại lý internet.

100% đại lý internet là phục vụ cho game online

Theo báo cáo nhanh, hiện toàn thành phố có 2.110 đại lý internet. Sở TT-TT đã tiến hành tranh tra, kiểm tra 30 đại lý internet. Theo thống kê mới nhất từ 27/29 quận, huyện, Hà Nội có 313 đại lý internet cách trường học dưới 200m.

Kết quả thanh tra cho thấy tất cả các máy trạm đều cài đặt chương trình đóng băng (deep freeze) nên không kiểm tra được các thông tin truy cập trên máy. Khi có đoàn kiểm tra ở một vài cơ sở thì tất cả các cơ sở còn lại đều thông báo cho nhau để đóng cửa.

Nhiều đại lý internet không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý internet, để người dùng tùy tiện truy cập đến các trang thông tin thiếu lành mạnh, gây phương hại đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bản sắc văn hóa dân tộc.

“Các đợt kiểm tra từ năm 2006-2008 còn thấy người truy cập internet ở các đại lý là để tìm kiếm thông tin, còn đợt kiểm tra lần này, 100% đại lý internet là phục vụ cho game online”, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Hà Nội nhận xét.

Dùng thước dây để… đo khoảng cách từ quán net đến trường

Tại buổi tổng kết, theo báo cáo của đại diện các phòng văn hóa – thông tin của các quận, huyện, những người trực tiếp tham gia thanh kiểm tra trong đợt ra quân tổng lực này, thì số đại lý internet gần trường học tăng lên đáng kể so với con số đã báo cáo với Sở.

Theo con số báo cáo, quận Hoàn Kiếm có 9 đại lý gần trường học, nhưng đại diện quận này cho biết, hiện nay quận thống kê được 15 đại lý internet cách trường học dưới 200m. Qua kiểm tra  xử lý, đã có 11 cơ sở đóng cửa. Cán bộ kiểm tra đã lập biên bản bốn cơ sở chưa đóng cửa.

Quận có nhiều cơ sở internet gần trường học nhất là Hà Đông. Kết quả sơ bộ ban đầu quận báo về Sở là 33 đại lý, nhưng sau đó, cán bộ phòng văn hóa đã dùng thước dây đo lại một cách cẩn thận. Kết quả là con số tăng lên gấp đôi, có đến 62 trong tổng số 174 đại lý internet ở đây vi phạm về khoảng cách. Hiện đã có 32 đại lý đóng cửa, còn 30 đại lý khác chưa đóng cửa.

Đại diện quận Long Biên cũng cho biết, mặc dù con số gửi về sở là 12 đại lý, nhưng mới đây quận đã phát hiện thêm nhiều đại lý trong các ngõ sâu, đưa số đại lý gần trường học lên 18, trong đó có 6 đại lý đã đóng cửa. Đại diện quận này cũng phản ánh, danh sách kê khai của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet chỉ có 84 đại lý internet, nhưng thực tế có tới 117 đại lý internet đang hoạt động trên địa bàn quận.

Ngược lại, mặc dù khai báo với Sở có 10 đại lý gần trường học, nhưng sau khi đo đạc lại, đại diện quận Thanh Xuân cho biết chỉ có 8 cơ sở có khoảng cách dưới 200m, trong đó có 6 cơ sở đã đóng cửa, còn hai cơ sở chưa đóng cửa.

Và những bài học

Bức xúc trước việc nhiều đại lý internet nằm ngay cạnh trường học, nhưng lại cách cổng hơn 200m nên không có cách gì xử lý nổi, đại diện thị xã Sơn Tây đề xuất sửa đổi quy định “cách cổng trường học dưới 200m” thành “cách diện tích trường học 200m”.  “Học sinh thường tìm vào những quán net nằm khuất sau trường để chơi. Đây là điểm “hở” của quy định”, đại diện này nói.

Đại diện Viettel đề nghị Bộ TT-TT nên có một quy định chung về quản lý các đại lý internet trên toàn quốc, tránh việc mỗi địa phương thực hiện theo cách khác nhau. Hà Nội thì yêu cầu cắt dịch vụ internet từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, còn có địa phương lại quy định giờ giấc khác. Hay chỉ TP Hồ Chí Minh yêu cầu cấm game Đột kích, còn những địa phương khác không cấm, nên doanh nghiệp cung cấp đường truyền internet không thể triển khai biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc truy nhập vào trò chơi này ở một địa phương được.

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, Sở này đã phát hiện một số đại lý internet lợi dụng việc các doanh nghiệp cung cấp đường truyền như VNPT, Viettel cung cấp đường truyền cho khối giáo dục với giá ưu đãi để kinh doanh dịch vụ game online.

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng cho rằng việc quản lý đại lý internet phải áp dụng tổng hợp các biện pháp, vừa tuyên truyền nâng cao  nhận thức, vừa thanh tra xử phạt, cho đến áp dụng các biện pháp kỹ thuật như cắt đường truyền, chặn dịch vụ game. Ngoài ra, còn phải có biện pháp kinh tế, chơi nhiều thì sẽ bị trừ điểm thưởng, giá cước tăng lên…

Theo Thứ trưởng, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội và hệ thống chính trị. Nếu hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai thành công, thì vấn đề quản lý internet gần như đã thành công trên toàn quốc.

                Hội nghị tổng kết kiểm tra đại lý internet tại Hà Nội chiều 31-8.
Có hay không việc doanh nghiệp bao che đại lý internet?

Đối với quán Game Đạt 3 ở Giảng Võ, đại lý internet đầu tiên bị kiểm tra và xử lý vi phạm, mặc dù Sở đã có công văn yêu cầu FPT ngừng cung cấp đường truyền cho đại lý này, nhưng đến tối qua, 30-8, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Sở TT-TT cho biết cơ sở này vẫn hoạt động lén lút. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chỉ cắt hợp đồng dịch vụ mà chủ đại lý xuất trình với đoàn thanh tra, còn hai hợp đồng cung cấp đường truyền khác vẫn hoạt động.

“Kết quả là đoàn kiểm tra chúng tôi đã phải đau xót chứng kiến hàng trăm thanh niên, trong đó rất nhiều em nhỏ ở độ tuổi 14 đến 16 ngồi chơi game thâu đêm suốt sáng trong môi trường bẩn thỉu. Đại lý còn trang bị có cả giường xếp, mì tôm để các em ăn ngủ tại chỗ”, Giám đốc Sở TT-TT Phạm Quốc Bản than thở.

Trong cuộc họp tổng kết chiều 31-8, mặc dù được mời, và là doanh nghiệp có nhiều đại lý internet nhất ở Hà Nội, nhưng FPT miền bắc không cử người đến tham dự như các nhà cung cấp khác là VNPT và Viettel. Theo ông Bản, đó là một sự chống đối của doanh nghiệp và cần phải có biện pháp nghiêm khắc với FPT.


(Theo: ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất