Thứ Sáu, 22/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 6/12/2023 10:9'(GMT+7)

Quảng bá sản phẩm dược liệu trên sàn thương mại điện tử - Hướng đi mới của Lào Cai

Quảng bá sản phẩm OCOP huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Quảng bá sản phẩm OCOP huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Tạo sinh kế cho bà con vùng cao

Là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Việt Nam, Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Qua đó, đã tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần ổn định sinh kế cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức về kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu, qua đó giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, thoát nghèo có tiền xây nhà mới, mua xe…

Hiện nay, Lào Cai là một trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước, có 3.550 ha trồng cây dược liệu, sản lượng đạt khoảng 18.200 tấn tươi, giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt từ 110 - 140 triệu đồng/ha. Trong đó có 210 ha cây dược liệu trồng 13 loại cây được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên (GACP).

Là một trong những hộ gia đình mạnh dạn trong việc chuyển đổi cây lương thực sang trồng dược liệu, chị Sùng Thị Sa (xã Tản Van Chư, huyển Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cho hay: Trước đây, gia đình tôi trồng ngô chỉ được 20-30 triệu đồng/ năm, có năm gặp thiên tai mất trắng. Từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu cát cánh, mỗi năm gia đình tôi thu được từ 150 -  200 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi sang trồng dược liệu mà gia đình tôi mới xây lại được căn nhà này.

Gia đình anh anh Mã A Cau ở phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hơn 10 năm nay đã chuyển đất trồng ngô sang trồng cây dược liệu atiso. Trước đây, trên diện tích này trồng ngô thì chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng/năm, nay trồng atiso, gia đình anh Mã A Cau thu về khoảng 120 triệu đồng/năm.

Phát triển cây dược liệu trở thành cây trồng chủ lực

Từ những hiệu quả về mặt kinh tế mà cây dược liệu mang lại giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, quy hoạch, đề án, dự án, kế hoạch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh như: Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”; Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Dự án Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển cây dược liệu; Kế hoạch về phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển sản xuất dược liệu gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025…


Các sản phẩm trong Chương trình Quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm" của Lào Cai.

Với tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, Lào Cai được quy hoạch là 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dược liệu Lào Cai vẫn gặp một số khó khăn, tồn tại như: Khâu sản xuất giống còn hạn chế, sản lượng cây giống chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất; sản xuất một số loại dược liệu chính còn nhỏ lẻ, manh mún, bị động, đầu ra không ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho của các vùng trồng cây dược liệu còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất với quy mô lớn, tập trung. Công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử chưa được quan tâm…

Để phát triển cây dược liệu trở thành cây trồng chủ lực, ông Hoàng Quốc Khánh – Phó Chủ tịch UBND Lào Cai cho biết: Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 diện tích dược liệu đạt 4.000 ha, sản lượng đạt 25.000 tấn, giá trị đạt 700 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 5.000 ha, sản lượng đạt 28.000 tấn, giá trị trên 900 tỷ đồng. Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Đưa các sản phẩm dược liệu lên sàn thương mại điện tử

Hiện Lào Cai có 25 sản phẩm dược liệu đã được chứng nhận OCOP. Trong đó 07 sản phẩm được xếp hạng 4 sao (Cao mềm Actiso, Trà phun sương Actiso Sa Pa, Cao phun sương Actiso Sa Pa, Trà dây leo Sa Pa, Đông trùng hạ thảo Sa Pa, Tinh dầu sả Bảo Yên, Tinh dầu quế Bảo Yên) và 18 sản phẩm xếp hạng 3 sao (Trà túi lọc trà dây leo Sa Pa, Trà Giảo cổ lam Sa Pa, Viên nang đông trùng hạ thảo Sa Pa, Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất Mạnh Hương, Quế sáo Cầu Mây, Tinh dầu Đại từ bi, Tinh dầu tía tô…).

Tính đến hết tháng 6/2023, 100% sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn). Đồng thời nhiều sản phẩm dược liệu cũng được quảng bá, bán hàng trên sàn thương mại điện tử Lazada; Shopee…

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc hỗ trợ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ dân đa dạng hóa các kênh phân phối bán hàng, tối đa chi phí, tăng doanh thu, lợi nhuận. Đây là một hướng đi mới của Lào Cai nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, mở rộng liên kết sản xuất, quảng bá sản phẩm đặc trưng của Lào Cai. /.

Đức Hạnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất