(TG) - Việt Nam có nguồn tài nguyên cây dược liệu rất lớn, nhiều loài đặc hữu quý hiếm, bên cạnh đó dược phẩm còn là một trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, bởi nó góp phần giúp người dân, người lao động được đảm bảo sức khỏe, từ đó hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Tuy đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển dược liệu, nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục để ngành dược liệu Việt Nam có những bước phát triển nhanh, mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng
Việt Nam nằm trong khu vực Indo - Burma có khí hậu nhiệt đới cận xích đạo, là 1 trong 25 điểm nóng về đa dạng sinh học toàn cầu. Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới với trên 36.000 loài thực vật, động vật, vi tảo, vi sinh vật biển trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm. Với chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm hình thành và phát triển của công đồng các dân tộc, đã kết kinh nhiều giá trị về văn hóa, kinh tế, xã hội. Nền y dược học cổ truyền, dược liệu được hình thành và phát triển cho tới ngày nay, đã ghi nhận tri thức sử dụng 5.117 loài thuộc 1.823 chi của 362 họ thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong số 13.766 loài thực vât được ghi nhận ở Việt Nam. Có nhiều loài cây dược liệu quý, hiếm đặc hữu vừa có công dụng chữa bệnh vừa có giá trị kinh tế cao, được phân bố rộng khắp trên cả nước, như: sâm Ngọc linh, sâm Lai Châu, sâm vũ diệp, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, tam thất hoang, bách hợp, thông đỏ, vàng đắng, hoàng liên ô rô, hoàng liên gai, thanh thiên quỳ, bình vôi…
Thị trường dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu
Với xu thế chung toàn cầu về việc sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên, dược liệu được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người như thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống thảo dược. Nhu cầu sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu chăm sóc, bảo vệ sức ngày càng cao. Tổng quy mô thị trường thị trường dược liệu, thuốc từ dược liệu và thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu ở trong nước năm 2020 ước tính đạt trên 1 tỷ USD. Theo Fortune Business Insights, quy mô thị trường thuốc thảo dược quốc tế năm 2021 khoảng 230,03 tỷ USD, tăng trưởng đạt 430,05 tỷ USD vào năm 2028, với độ tăng trưởng kép CAGR là 11,32%. Thị trường sản phẩm làm đẹp từ thảo dược toàn cầu năm 2020 đạt 64,7 tỷ USD, có thể tăng trưởng đạt 117,3 tỷ USD vào năm 2027.
Sơ chế dược liệu tại một doanh nghiệp ở Yên Bái.
Cũng theo IQVIA (2021), quy mô của ngành dược Việt Nam tính đến năm 2020 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 6% trong giai đoạn 2018-2020. Tốc độ tăng trưởng của ngành dược năm 2020 chậm lại so với các năm trước do việc siết chặt các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và thu nhập của người lao động giảm do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm được mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ.
Nhập khẩu dược liệu chiếm tỷ lệ rất cao, quy mô thị trường thực phẩm bổ sung thảo dược được định giá ở mức 48,1 tỷ USD vào năm 2022. Ngành thị trường thực phẩm bổ sung thảo dược dự kiến sẽ tăng lên 87,98 tỷ USD vào năm 2030.
Không những bị phân tán về thị trường, ngành dược phẩm còn có hạn chế lớn khi thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nhu cầu. Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm trong năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 9% trong giai đoạn 2018-2020 (Hình 2). Kháng sinh vẫn là nhóm dược phẩm dẫn đầu về kim ngạch, hiện thị phần nhập khẩu của nhóm thuốc này chiếm khoảng 48,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm. Thị trường nhập khẩu thuốc chủ yếu từ các nước, như: Pháp, Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ý, Hàn Quốc, Bỉ…
Thực trạng trên một phần lớn là do, vấn đề quy mô và tiềm lực quá nhỏ, tác động tới trình độ, khả năng sáng chế và khả năng sản xuất dẫn tới các sản phẩm về dược phẩm do các công ty dược tại Việt Nam chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng và các loại thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền) để giải quyết những bệnh lý thông thường.
Việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại có thể dẫn tới các vấn đề về nhập thuốc giả, thuốc kém chất lượng, giá thuốc cao do cơ chế độc quyền, tự định đoạt giá của doanh nghiệp nhập khẩu… Những điều này dẫn tới an toàn về sức khỏe và tính mạng, tiền của và sự an tâm của người dân khi tham gia khám chữa bệnh.
Đinh lăng là một trong 25 loại cây dược liệu đang được Ninh Thuận ưu tiên phát triển quy mô lớn.
Bên cạnh việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại, ngành dược còn phải nhập khẩu nhiều dược liệu từ nước ngoài. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần chứng khoán FPT (FPTS), tỷ lệ nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 80%-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu. Dù Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất đa dạng, nhưng nhập khẩu dược liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao diễn ra trong nhiều năm do kỹ thuật trồng, kỹ thuật chế biến, chiết xuất dược liệu còn chưa được thực hiện nghiêm túc và có đầu tư đúng mức.
Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc vào một số ít thị trường, nên nguồn cung thuốc thành phẩm cũng bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất, từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Do phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu, nên sản phẩm làm ra từ dược liệu theo thống kê chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu quá nhiều, cộng với thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng.
Có thế thấy thị trường tiêu thụ dược liệu, sản phẩm thảo dược toàn cầu là rất lớn, là cơ hội để tập trung đầu tư nuôi trồng, phát triển dược liệu Việt Nam trở thành ngành công nghiệp, tham gia thị trường thảo dược quốc tế.
Thực trạng phát triển dược liệu
Việt Nam từng bước xây dựng được mạng lưới bảo tồn nguồn gene và trung tâm nghiên cứu giống cây thuốc trong cả nước, trải dài ở các vùng sinh thái. Hiện đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gene thuộc 884 loài cây thuốc, có nhiều loài quý hiếm thuộc diện có nguy cơ bị tuyệt chủng, loài đặc hữu, loài có giá trị kinh tế; tại 7 vườn cây thuốc vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội); vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh).
Tổng diện tích phát triển cây dược liệu là 357.178ha, trong đó diện tích trồng trên đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trồng dưới tán rừng là 220.178ha; trồng trên đất nông nghiệp, cả cây lâu năm và cây ngắn ngày là 137.000ha, tổng số loài cây dược liệu gây trồng là 150 loài cây khác nhau. Trong đó, vùng Tây Bắc bộ là 46.181ha, bao gồm 57 loài, trong đó chủ yếu là cây quế (10.312ha), thảo quả (6.543,7ha), sơn tra/táo mèo (14.634ha); vùng Đông Bắc Bộ diện tích phát triển cây dược liệu là 270.565ha, bao gồm 59 loài; trong đó cây trồng chủ yếu là quế (160.207ha), hồi (59.525ha), thảo quả (16.155ha), ba kích (2.936ha); sa nhân (2.630ha); vùng Tây Nguyên diện tích phát triển cây dược liệu là 13.330ha, bao gồm 24 loài cây dược liệu; trong đó loài cây trồng chủ yếu là nghệ (2.894ha), sâm Ngọc Linh (1.750ha), gừng (1.179ha), sả (1.161ha)….
Đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành được trên 150 quy trình kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, chế biến của 40 loài cây thuốc làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân tham khảo. Đã đánh giá chất lượng nguồn gene, chọn lọc tạo được 74 giống cây dược liệu. Việc nuôi trồng dược liệu đáp ứng đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và khai thác dược liệu tự nhiên của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) bước đầu được quan tâm đầu tư với 76 vùng trồng được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận GACP-WHO.
Thị trường dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Cơ chế, chính sách phát triển dược liệu
Những năm qua, công tác phát triển dược liệu nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển dược liệu: có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm; ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các vùng chuyên canh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu; tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.
Nghị quyết số 81/2023/NQ-QH15, ngày 9-1-2023, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn vùng Tây Nguyên, vùng trung du và miền núi phía Bắc là một trong những định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nuôi trồng, chế biến, sản xuất, sử dụng nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh, phát triển ngành dược liệu: nuôi trồng cây dược liệu thuộc danh mục ưu đãi đầu tư trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17-4-2018); chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu (Nghị định số 65/2017/NĐ-CP, ngày 19-5-2017); chính sách tín dụng ưu đãi cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý với mức cho vay lên tới 96 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối đa 10 năm, lãi suất ưu đãi 3,96%/năm.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30-10-2013); Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 (Quyết định số 1893/QĐ-TTg, ngày 25-12-2019), Chương trình phát triển công nghiệp dược và dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 17-3-2021), trong đó đề ra mục tiêu: tăng tỷ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; giảm dần tỷ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền; phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Lần đầu tiên phát triển dược liệu được quan tâm đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, chính sách tín dụng thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi góp tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và giảm tỷ lệ các hộ nghèo bền vững (Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2023). Giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý được triển khai thí điểm tại 21 tỉnh với 22 điểm huyện, trong đó có 18 dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến kích đầu tư phát triển dược liệu. Tại các địa phương đã có các cơ chế đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu trong nước thông qua các dự án phát triển nông thôn, miền núi và chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tuy nhiên nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế. Các sản phẩm vẫn phần nhiều mang tính tự cung tự cấp tại địa phương, do cách làm manh mún, tự phát, thiếu liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị và đặc biệt thiếu thông tin thị trường quốc tế. Đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi trồng, chế biến sản xuất đáp ứng nguyên tắc tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế. Các sản phẩm từ dược liệu trong nước thiếu sức cạnh tranh, do ít được đầu tư nghiên cứu chứng minh an toàn, hiệu quả. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, ít đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, chưa tham gia được chuỗi cung ứng thảo dược toàn cầu, chưa xây dựng được thương hiệu thảo dược Việt trên trường quốc tế.
Một số giải pháp cho sự phát triển ngành dược trong thời gian tới
Thị trường dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á và có rất nhiều tiềm năng để phát triển do: thu nhập người dân được nâng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng cao dẫn tới nhiều bệnh tật, dân số Việt Nam đang ngày càng già hóa, tỷ lệ người già ngày càng gia tăng, vì vậy, nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn.
Các sản phẩm dược liệu Việt Nam phong phú, đa dạng. (ảnh minh họa)
Qua đó, ta có thể thấy nhược điểm lớn nhất của ngành dược là quy mô quá nhỏ và phân tán cao và những nhược điểm khác đã dẫn đến nhiều hệ quả về công nghệ sản xuất, khả năng nghiên cứu và sản xuất, đầu tư vùng trồng dược liệu, chất lượng nhân lực… Vì vậy, để ngành dược Việt Nam phát triển lớn mạnh, theo tác giả, cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, cần sáp nhập các doanh nghiệp dược với nhau. Để gia tăng quy mô nhanh nhất, việc hiệp thương giữa các doanh nghiệp dược với nhau để diễn ra các thương vụ sáp nhập một vài doanh nghiệp dược với nhau, hình thành một vài tập đoàn dược quy mô lớn gấp nhiều lần hiện nay là hết sức cần thiết. Việc sáp nhập các doanh nghiệp dược sẽ tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vất chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động.
Bên cạnh đó, với cơ cấu tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay thấp của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, sau quá trình hợp nhất có thể tăng vốn thêm bằng cách gia tăng nợ vay. Khi tỷ suất lợi nhuận ở mức cao, tỷ lệ nợ ở mức thấp, các doanh nghiệp cần vay nợ thêm để tận dụng lợi ích của đòn bẩy tài chính nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu. Nguồn lực tài chính từ nợ vay có thể giúp các doanh nghiệp ngành dược đầu tư vào các công nghệ mới, tuyển dụng được những chuyên gia trong ngành và phát triển được mảng nghiên cứu sản phẩm cũng như là dự án trồng dược liệu… để tăng hiệu quả kinh doanh.
Thứ hai, triển khai liên kết với một vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ để tạo tiền đề cho phát triển các công ty trong ngành dược.
Thứ ba, các tập đoàn dược cần mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.
Thứ tư, các doanh nghiệp dược Việt Nam cần chú trọng đầu tư nâng cấp nhà máy hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, như: EU-GMP, PIC/S. JAPAN-GMP… Bên cạnh đó, các chuỗi dược phẩm bán lẻ cũng cần tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động.
Bên cạnh đó, để phát triển công nghiệp dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới cần: tập trung đầu tư phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế. Tăng cường nghiên cứu nhu cầu thị trường quốc tế, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế. Thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và chính sách tín dụng ưu đãi cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030./.
TS. Trần Minh Ngọc- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế